Việt Nam đang theo dõi, cách ly 37 trường hợp; Thêm 1.600 chuyên gia y tế tới Vũ Hán; 5 triệu người đã kịp rời Vũ Hán trước lệnh phong tỏa; ‘Đi khám mà sợ bị lây virus’ – cảnh sợ hãi trong bệnh viện Vũ Hán; Người Vũ Hán bất chấp nguy hiểm vẫn lái xe ra đường để giúp láng giềng; Mối nguy dài hạn từ virus corona đối với nền kinh tế Trung Quốc…
Dịch viêm phổi cấp: Việt Nam đang theo dõi, cách ly 37 trường hợp
Ảnh minh họa
– Tại VN đã ghi nhận 59 người có triệu chứng sốt, có tiền sử đi về từ vùng có dịch, bao gồm 22 người đã được loại trừ nhiễm nCoV, 35 người tiếp tục theo dõi, cách ly và 2 người TQ dương tính với nCoV được cách ly tại BV Chợ Rẫy…
Theo thông tin từ Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Việt Nam, Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (PHEOC Việt Nam), Cơ quan Đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế Việt Nam, đến ngày 26/01/2020, thế giới đã ghi nhận 2.019 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV, trong đó có 56 trường hợp tử vong (đều tại TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc và có 01 trường hợp là cán bộ y tế). So với ngày 25/01/2020, số ca mắc tăng 719 trường hợp, số trường hợp tử vong tăng 15 trường hợp.
Tại Trung Quốc đã ghi nhận 1.979 trường hợp tại 30 tỉnh/thành phố. Trung Quốc đã triển khai phong tỏa 18 thành phố của tỉnh Hồ Bắc, dừng hoạt động các phương tiện giao thông ra, vào thành phố.
Ngoài Trung Quốc, hiện tại đã ghi nhận 40 trường hợp trường hợp bệnh xâm nhập tại 12 quốc gia và 03 vùng lãnh thổ thuộc Trung Quốc bao gồm: Thái Lan (05 trường hợp), Hồng Kông – Trung Quốc (05), Australia (04), Singapore (03), Malaysia (03), Pháp (03), Đài Loan – Trung Quốc (03), Hàn Quốc (03), Nhật Bản (02), Việt Nam (02), Hoa Kỳ (02), Ma Cao – Trung Quốc (02), Nepal (01), Canada (01), Pakistan (01).
Tại Việt Nam đã ghi nhận 59 trường hợp có triệu chứng sốt, có tiền sử đi về từ vùng có dịch, bao gồm 22 trường hợp đã được loại trừ nhiễm nCoV, 35 trường hợp tiếp tục theo dõi, cách ly và 02 trường hợp người Trung Quốc dương tính với nCoV được cách ly tại Bệnh viện Chợ Rẫy có tình trạng ổn định.
Thêm 1.600 chuyên gia y tế tới Vũ Hán
Trung Quốc điều thêm 1.600 chuyên gia y tế tới thành phố Vũ Hán hôm nay và ngày mai để ứng phó với lượng bệnh nhân viêm phổi gia tăng.
Ngoài ra, 1.000 nhân viên y tế khác được đặt trong tình trạng sẵn sàng nhận lệnh điều động, Bộ trưởng Y tế Trung Quốc Mã Hiểu Vĩ cho biết trong cuộc họp báo hôm nay tại Bắc Kinh.
Giới chức thừa nhận Vũ Hán, thành phố có 11 triệu dân, nơi chủng virus mới thuộc họ corona (nCoV) làm bùng phát dịch viêm phổi cấp, đang ở trong tình trạng thiếu thốn nhân lực và vật tư y tế.
450 lính quân y Trung Quốc, gồm nhiều người có kinh nghiệm đối phó với Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và Ebola, đã được điều tới Vũ Hán. Hai bệnh viện dã chiến với 2.300 giường cũng đang được gấp rút xây dựng để đối phó với tình trạng thiếu giường bệnh. Bệnh viện dã chiến đầu tiên dự kiến hoàn thành ngày 3/2.
Trong cuộc họp báo hôm nay, thứ trưởng Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc Vương Giang Bình, cho biết tỉnh Hồ Bắc cần khoảng 100.000 bộ đồ bảo hộ y tế một ngày, nhưng 40 nhà máy trên khắp Trung Quốc chỉ sản xuất được 30.000 bộ.
Theo ông Vương, giới chức đang cố gắng nối lại hoạt động của các nhà máy trong dịp Tết và đề nghị các nhà máy chuyên sản xuất hàng xuất khẩu tham gia cung ứng đồ bảo hộ y tế.
Dịch viêm phổi cấp được cho là xuất phát từ một chợ bán hải sản và động vật sống ở Vũ Hán, sau đó lan ra ít nhất 30 địa phương khác của Trung Quốc. Có hơn 2.000 người đã nhiễm bệnh và 56 người thiệt mạng tại Trung Quốc tính đến ngày 25/1.
Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm nuôi, vận chuyển hoặc mua bán động vật hoang dã “dưới mọi hình thức”, có hiệu lực từ ngày 26/1, để ngăn bệnh viêm phổi Vũ Hán lây lan.
Các quốc gia khác phát hiện bệnh nhân dương tính với virus nCoV bao gồm Thái Lan, Australia, Malaysia, Singapore, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Việt Nam và Nepal. Nhà chức trách Canada thông báo có một bệnh nhân nghi nhiễm viêm phổi cấp sau khi quay trở về từ Vũ Hán.
5 triệu người đã kịp rời Vũ Hán trước lệnh phong tỏa
Năm triệu người đã kịp rời thành phố Vũ Hán để “chạy trốn” lệnh phong tỏa hoặc đi nghỉ dịp Tết Nguyên đán, trong khi 9 triệu người còn ở lại thành phố.
Theo South China Morning Post, Thị trưởng Vũ Hán Zhou Xianwang ngày 26/1 cho biết 5 triệu người đã rời Vũ Hán trước khi lệnh phong tỏa được đưa ra. Còn 9 triệu người ở lại thành phố, ông Zhou nói trong một cuộc họp báo.
Trong số 2.700 người đang được theo dõi tại thành phố, có 1.000 người gần như chắc chắn sẽ được xác nhận có nhiễm virus. Tính đến ngày 26/1, Vũ Hán có 533 trường hợp được xác nhận nhiễm bệnh.
Nhà ga Hankou tại Vũ Hán hôm 22/1, một ngày trước lệnh cấm phương tiện công cộng tại thành phố vì bệnh viêm phổi do virus corona. Ảnh: AP.
Chính quyền trung ương đang ban bố lệnh phong tỏa tại Vũ Hán và một số thành phố thuộc tỉnh Hồ Bắc từ ngày 23/1, hy vọng ngăn chặn bớt sự lây lan của loại virus corona mới. Tuy nhiên, trước lúc đó, nhiều người đã kịp rời thành phố để về nghỉ Tết Nguyên đán, trong khi một số khác tháo chạy khi lệnh cấm đi lại được thông báo vào tối 22/1.
Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sẽ dẫn đầu một nhóm quan chức cấp cao để đối phó với dịch bệnh này. Bệnh do virus corona gây ra đã giết chết 56 người, tất cả tại Trung Quốc, và gây nhiễm cho hơn 2.000 người khác.
Trong ngày 26/1, các quan chức y tế cho biết khả năng lây lan của loại virus mới này đang mạnh hơn, và có thể lây ngay cả trong thời gian ủ bệnh, điều không xảy ra với Sars.
‘Đi khám mà sợ bị lây virus’ – cảnh sợ hãi trong bệnh viện Vũ Hán
Nhiều bệnh nhân tại thành phố Vũ Hán miêu tả những hàng dài người chờ được xét nghiệm và nỗi lo họ có thể bị nhiễm virus từ chính việc đứng chờ được khám.
Những nhân viên bị quá tải, bệnh nhân đợi hàng giờ dài để được gặp bác sĩ, người ốm phải tự chăm sóc chính mình. Đó là cách cư dân Vũ Hán miêu tả lại một bệnh viện đã phải vật vã tiếp nhận những dòng người dài chờ được xét nghiệm xem họ có nhiễm virus corona chủng mới, loại virus đang lây nhiễm đến gần 2.000 người tại Trung Quốc, giết chết 56 người.
Thành phố Vũ Hán với 11 triệu dân là nơi bùng phát loại virus này. Vũ Hán đã ở trong tình trạng bị phong tỏa từ ngày 23/1, không ai được phép ra vào thành phố trừ trường hợp đặc biệt.
Hàng dài bất tận
Tại một bệnh viện ở Vũ Hán mà phóng viên AFP đến, hàng dài người bệnh, với nhiều người đang ho, đang xếp hàng, trong khi nhân viên bị quá tải, không thể đáp ứng nhu cầu của người bệnh ngay.
Bên ngoài bệnh viện Chữ thập Đỏ, một trong những nơi người bệnh được đưa đến xét nghiệm virus, bệnh nhân nói rằng họ bực bội và tuyệt vọng.
“Đã hai ngày tôi không được ngủ, tôi đi từ bệnh viện này đến bệnh viện khác”, một người đàn ông tuổi ngoài 30 nói với AFP, ông lo rằng ông đã bị nhiễm virus.
Những người khác miêu tả những hàng cực kỳ dài và sự thiếu tổ chức.
Một người lo rằng những người bị sốt có thể lây virus cho nhau khi đứng đợi ở hàng dài như vậy, dù có người không mang virus khi bước vào bệnh viện.
Một người đàn ông khác nói rằng ông nhìn thấy một số người ngất xỉu trong lúc chờ đợi. Một số người mang ghế đẩu theo ngồi, thậm chí có một người đàn ông thực dụng cầm theo chiếc ghế có lưng tựa.
Nhiều bệnh nhân được tình nguyện viên đưa đến viện sau khi chính quyền cấm xe. Một số hội đồng địa phương được trao quyền vận chuyển bệnh nhân.
“Không có xe, nên chúng tôi có trách nhiệm đưa họ đi”, một tình nguyện viên 40 tuổi tên Yin Yu nói.
Cuộc khủng hoảng diễn ra đúng vào dịp Tết Nguyên đán, khi hàng triệu người lao động trở về quê ăn tết, gây thêm áp lực cho bệnh viện vì thiếu nhân viên y tế.
“Tốn ít nhất 5 giờ để gặp bác sĩ”, một người phụ nữ giấu tên nói. Bà cho rằng việc tổ chức của bệnh viện “thật sự lộn xộn”.
Một người đàn ông nói rằng ông đợi cả ngày để gặp bác sĩ, rồi bị cho về “vì thiếu phòng”.
Một số bệnh nhân không mang khẩu trang, dù chính quyền yêu cầu mọi người ra ngoài đều phải có khẩu trang. Một số người tự đo thân nhiệ bằng nhiệt kế thủy ngân, ngậm trong miệng hoặc kẹp ở nách, và không hề có hệ thống ghi chép người ra vào bệnh viện.
“Đừng tung tin đồn. Nếu thấy không khỏe, hãy đi viện đúng lúc”, loa phát thanh ở thành phố phát ra thông điệp. Không có dấu hiệu gì cho thấy những dòng người sẽ giảm bớt.
“Như một bộ phim kinh dị”
Giới chức thừa nhận các bệnh viện Vũ Hán đã bị “bão hòa”. Hai bệnh viện với hàng nghìn giường đang được gấp rút xây dựng, trong khi nhân lực từ các nơi khác được điều đến Vũ Hán.
Các bệnh nhân nói rằng họ cần thêm không gian.
“Không có không gian. Nhân viên bị quá tải, không có một số loại thuốc, bệnh nhân phải từ chăm sóc họ”, một bênh nhân 30 tuổi nói.
Ông cho phóng viên xem bức ảnh cho thấy một bệnh nhân với ống thở gắn vào người và đang nằm dưới sàn.
Một người nói rằng có “nhiều người chết trong bệnh viện”, và ông ta không tin rằng thi thể đưa ra ngoài một cách đàng hoàng.
Người Vũ Hán bất chấp nguy hiểm vẫn lái xe ra đường để giúp láng giềng
Một số người Vũ Hán đã bất chấp nguy cơ nhiễm bệnh, vẫn lái môtô ra đường để đưa những người bệnh đến bệnh viện, trong lúc giao thông thành phố bị phong tỏa.
Người dân thành phố Vũ Hán, tâm điểm của bệnh dịch do virus corona mới gây ra, được khuyến cáo ở yên trong nhà, tránh tiếp xúc với người lạ, và không lái xa. Nhưng những người như Zhang Lin lại từ chối việc ngồi im khi thành phố của họ gặp khó khăn.
Bất chấp mối nguy hiểm có thể nhiễm loại virus đã lây lan đến gần 2.000 người, Zhang và nhiều người Vũ Hán khác tiếp tục lái xe để đưa những người bệnh đến bệnh viện.
“Chúng tôi đến từ Vũ Hán, và dù cho đã có người ở đây giúp chúng tôi, những công dân như chúng tôi cũng nên ra đường”, Zhang Lin nói với phóng viên AFP trong lúc đợi một bệnh nhân ra khỏi phòng khám. Sau đó, Zhang sẽ đưa người này về nhà.
“Phải có ai làm việc đó chứ”, Zhang nói
Zhang Lin, 48 tuổi, và một số người khác được chính quyền cho phép cung cấp dịch vụ này miễn phí. Và nó đúng là thứ người dân cần trong lúc giao thông công cộng bị tạm ngưng ở thành phố 11 triệu dân này (cùng nhiều thành phố khác thuộc Hồ Bắc) để ngăn ngừa virus lây lan.
Các dịch vụ taxi đã bị hạn chế, sau đó đến lượt phần lớn ôtô riêng cũng bị cấm.
Việc đi lại trở thành một thách thức đối với người bị ốm, bên cạnh sự quá tải của bệnh viện, nơi họ phải đợi hàng giờ để gặp những bác sĩ.
“Không có xe, nên trách nhiệm của chúng tôi là đưa họ đi, và đón họ về. Tất cả đều miễn phí”, Yin Yu, 40 tuổi, nói. Yin có giấy miễn trừ từ chính quyền để lái xe vì mục đích nhân đạo.
Vũ Hán là thành phố nổi tiếng vì sự mạnh mẽ của người dân. Thành phố nằm ở miền Trung Trung Quốc, là nơi khởi điểm cho cuộc nổi dậy chống lại triều đại phong kiến nhà Thanh vào năm 1911, cuộc khởi nghĩa đã chấm dứt chế độ phong kiến Trung Quốc.
Mối nguy dài hạn từ virus corona đối với nền kinh tế Trung Quốc
Bóng ma từ virus corona có thể đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc – vốn chưa kịp phục hồi sau thương chiến với Mỹ – trong dài hạn.
Việc ngăn chặn sự lây lan của virus corona, điều trị bệnh nhân và ngăn ngừa bệnh tái phát là mối quan tâm hàng đầu trước dịch bệnh mới bùng phát. Tuy nhiên, về mặt dài hạn, virus corona còn giáng đòn mạnh lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Theo Bloomberg, khi so sánh với những dịch bệnh bùng phát trước đó, bao gồm cuộc khủng hoảng SARS vào 17 năm về trước, chính phủ Trung Quốc đã hành động nhanh chóng và quyết liệt hơn nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Các khu vực dễ bị tổn thương được cho đóng cửa nhằm ngăn chặn virus corona.
Bất chấp tất cả, nỗi lo vẫn tồn tại. Hôm 25/1, Chủ tịch Tập Cận Bình bày tỏ mối lo ngại về những rủi ro đối với sức khỏe cộng đồng vì “sự lan truyền gia tăng” của bệnh dịch.
Nỗi lo vượt ra bên ngoài Trung Quốc. Các trường hợp nhiễm bệnh cũng được xác nhận ở hơn 10 quốc gia khác tính đến nay. Tại Hong Kong, sau khi phát hiện trường hợp nhiễm bệnh, chính quyền thành phố đã cấm các chuyến bay đến Trung Quốc đại lục và đóng cửa trường học.
Bloomberg nhận định những gì xảy ra trong vài ngày và vài tuần tới sẽ rất quan trọng đối với Trung Quốc và toàn thế giới. Kết quả có thể khó dự đoán nhưng trong ngắn hạn, khả năng lây lan của dịch bệnh này là tương đối thấp. Tuy nhiên rủi ro dài hạn đối với thị trường đang khiến các nhà hoạch địch chính sách và giới đầu tư lo ngại.
Virus corona là cú đòn không lường trước được đối với sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc. Tương tự cuộc chiến thương mại kéo dài với Mỹ trong năm 2018 và 2019, virus bùng phát khó có thể kiểm soát bằng những công cụ tài chính kinh tế có sẵn.
Do chính phủ nỗ lực ngăn ngừa suy thoái kinh tế, hàng loạt biện pháp kích thích ngắn hạn được đưa ra, dẫn đến những rủi ro đáng kể về nợ xấu và thiệt hại tài sản thế chấp. Thêm vào đó, một số biện pháp cũng không phù hợp với hướng cải cách dài hạn mà Trung Quốc cần và đang tìm cách theo đuổi.
Virus corona đã giáng thêm một đòn lên thương mại Trung Quốc. Các thành phố bị đóng cửa, hoạt động giải trí và tụ họp bị hạn chế dẫn đến sự ngưng trệ của thương mại và dịch vụ ở quốc gia này.
Trong ngắn hạn, hoạt động kinh tế trong nước giảm tốc đã loại bỏ một bệ đỡ quan trọng trước sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu. Nó làm gia tăng rủi ro bất ổn tài chính, đòn bẩy quá mức và quả bom nợ 40.000 tỷ USD.
Báo cáo của Economist Intelligence Unit (EIU) cho rằng “tác động về mặt kinh tế đối với Trung Quốc và những khu vực khác nằm trong vùng ảnh hưởng của dịch sẽ rất nghiêm trọng nếu virus vẫn không được kiểm soát hiệu quả”.
EIU ước tính tốc độ tăng trưởng GDP Trung Quốc có thể trượt thêm 0,5 đến 1% trong năm nay so với dự báo 5,9%.
Về trung hạn, cú đánh vào các khu vực trong nước làm chậm lại việc tái định hướng cần thiết của nền kinh tế nhằm giảm nhẹ sự phụ thuộc vào bên ngoài và các doanh nghiệp quốc doanh, giúp khu vực tư nhân có khả năng tự duy trì.
Theo Bloomberg, quá trình phát triển của Trung Quốc đang bước vào giai đoạn chuyển đổi khó khăn nhất do bẫy thu nhập, nền kinh tế bị mắc kẹt và khó bước lên mốc cao hơn. Đó là một hiện tượng đã khiến nhiều nền kinh tế phát triển trước Trung Quốc bị trật bánh.
Theo cây bút Mohamed A. El-Erian của Bloomberg, vẫn còn quá sớm để nói điều gì sẽ xảy ra trước mắt hoặc về lâu dài. “Nhưng điều rõ ràng ở giai đoạn này là nền kinh tế của Trung Quốc đang ngày càng nhạy cảm sau quá trình phát triển ấn tượng trong nhiều thập kỷ qua”, cây bút nhận định.
Tổng hợp-TT