Truyền thông nước ngoài đưa tin đậm nét về việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Chủ tịch nước
Hãng thông tấn TASS đăng thông điệp chúc mừng của Tổng thống Nga Vladimir Putin
 nhân sự kiện Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Chủ tịch nước (Ảnh cắt từ bản tin của TASS)
Chiều 23/10, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016 – 2021. Sự kiện này đã thu hút sự chú ý đặc biệt của các phương tiện truyền thông quốc tế.
Dưới nhan đề bài viết “Việt Nam bầu Tổng Bí thư trở thành tân Chủ tịch nước”, hãng tin AP của Mỹ đưa tin, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa được Quốc hội Việt Nam bầu giữ chức Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam sẽ trở thành người đầu tiên đảm nhiệm đồng thời hai vị trí lãnh đạo quan trọng này, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng đảm đương hai trọng trách này vào những năm 1960.
Hãng tin AP dẫn nhận định của một số chuyên gia phân tích cho rằng, dưới sự dẫn dắt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, các chính sách về kinh tế của Việt Nam sẽ được giữ vững. Bài viết này của AP đã được đăng lại trên một số tờ báo lớn khác của Mỹ gồm Thời báo New York và The Washington Post.
Cùng ngày, hãng thông tấn Xinhua của Trung Quốc cũng đưa tin, trong đó dẫn lời phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại lễ nhậm chức.
Báo Asia Nikkei Review của Nhật Bản cũng có bài viết với nhan đề “Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng chính thức được bầu làm Chủ tịch nước”.
Hãng tin DPA của Đức đưa tin, ngày 23/10, với tỷ lệ 476 phiếu ủng hộ, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức vụ Chủ tịch nước. Theo DPA, dưới vai trò lãnh đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từ năm 2011 tới nay, Việt Nam đã phê chuẩn được nhiều thỏa thuận tự do thương mại (FTA), đồng thời được đánh giá là đã theo đuổi một tư duy cởi mở thận trọng trước những chủ trương lớn về cải cách kinh tế.
Hãng tin Prensa Latina của Cuba cũng phản ánh đậm nét sự kiện Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước. Prensa Latina cho biết các nhà lãnh đạo cấp cao của Cuba đã gửi điện mừng tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Tờ The Straitimes của Singapore đăng lại bài viết của hãng thông tấn Pháp AFP đưa tin, trong đó dẫn lời một số chuyên gia dự báo rằng, trong thời gian tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng – vốn được đồng chí Nguyễn Phú Trọng xem là một nhiệm vụ trọng tâm kể từ sau khi được bầu lại làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 2016.
Ngày 23/10, hãng thông tấn TASS của Nga đã đưa tin, dẫn nội dung thông điệp chúc mừng của Tổng thống Nga Vladimir Putin được đăng trên trang web của điện Kremlin. Thông điệp có đoạn viết: “Kết quả bỏ phiếu của Quốc hội Việt Nam chứng tỏ uy tín cao của Đồng chí trong những năm công tác trên các cương vị cấp cao của Đảng và Nhà nước, đồng thời là sự ghi nhận công lao của Đồng chí trong việc giải quyết các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và củng cố vị thế đối ngoại của Việt Nam”.
Chuyển biến tích cực trong quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên để tiến gần hơn tới việc triển khai thỏa thuận hòa bình
* Ngày 23/10, nội các Hàn Quốc đã phê chuẩn thỏa thuận hòa bình được ký tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều diễn ra ở thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên vào tháng trước. Sau bước này, văn kiện sẽ được trình lên Tổng thống Moon Jae-in ký phê chuẩn trước khi phát huy hiệu lực.
Phát biểu tại phiên họp nội các ngày 23/10, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tin tưởng rằng, việc cải thiện các mối quan hệ và hạ nhiệt căng thẳng quân sự giữa hai miền Triều Tiên sẽ giúp thúc đẩy mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.
Phát biểu trước báo giới, phát ngôn viên Nhà Xanh Kim Eui-kyeom cho biết, Tổng thống Moon Jae-in có thể sẽ ký phê chuẩn hai bản thỏa thuận vừa được nội các thông qua trong ngày 23 hoặc 24/10. Sau quy trình này, các bản thỏa thuận sẽ được trao đổi với phía Triều Tiên, trước khi được công bố trên tờ báo chính thống của chính phủ Hàn Quốc và phát huy hiệu lực.
* Ngày 25/10, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ra thông báo: hai miền Triều Tiên và Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc (UNC) đã hoàn tất việc phi vũ trang tại Khu vực an ninh chung (JSA) trong khu phi quân sự (DMZ) ở biên giới liên Triều. Dự kiến, trong hai ngày 26 – 27/10, các đại diện hai miền Triều Tiên và UNC sẽ cùng kiểm chứng để có thể bảo đảm rằng, công việc phi vũ trang tại JSA đã được hoàn tất.
Sau khi tiến trình phi vũ trang tại JSA được hoàn tất, người dân hai miền Triều Tiên và du khách nước ngoài sẽ được phép đi qua đường ranh giới quân sự (MDL) từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều hàng ngày (theo giờ địa phương). Hàn Quốc và Triều Tiên mỗi bên sẽ cử không quá 35 binh sỹ không vũ trang để tiến hành tuần tra chung.
Trong thời gian tới, hai miền Triều Tiên và UNC dự kiến sẽ thảo luận chi tiết về việc thành lập và điều hành một cơ quan quản lý chung tình hình tại JSA sau khi tiến trình phi vũ trang được hoàn tất.
* Sáng 26/10, tại làng đình chiến Panmunjom ở biên giới liên Triều, phái đoàn Hàn Quốc do Thiếu tướng Kim Do Gyun dẫn đầu đã tiến hành cuộc hội đàm với phái đoàn Triều Tiên do Trung tướng An ik San làm trưởng đoàn. Hội đàm được tổ chức nhằm đánh giá tiến triển của việc thực hiện thỏa thuận quân sự được Bộ trưởng Quốc phòng hai bên ký kết trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh liên Triều diễn ra ở thủ đô Bình Nhưỡng vào tháng trước.
Tại cuộc hội đàm, hai miền Triều Tiên nhất trí mỗi bên rút 11 trạm gác biên giới vào cuối tháng 11/2018 và hướng tới việc triển khai các bước xác minh vào tháng 12/2018. Báo chí Hàn Quốc đánh giá, cuộc hội đàm đã khởi đầu trong một bầu không khí “tích cực”.
Trong khuôn khổ cuộc hội đàm, hai miền Triều Tiên cũng đạt thỏa thuận về việc thành lập một ê-kíp chung gồm 10 đại diện đến từ các cơ quan chính phủ, quân đội và dân sự của mỗi bên để tiến hành nghiên cứu về khu vực cửa sông Hán. Ngoài ra, các đại diện hai miền Triều Tiên cũng nhất trí sớm thành lập một ủy ban quân sự chung có nhiệm vụ thực hiện bản thỏa thuận quân sự ngày 19/9 nhằm mục tiêu hạ nhiệt căng thẳng ở khu vực biên giới và tránh tình huống đụng độ bất ngờ.
Thông cáo báo chí được các đại diện hai miền Triều Tiên đưa ra sau cuộc hội đàm cấp tướng ngày 26/10 nêu rõ: “Hàn Quốc và Triều Tiên nhất trí theo đuổi các nỗ lực tích cực nhằm thực hiện đầy đủ thỏa thuận quân sự vốn góp phần củng cố Tuyên bố lịch sử Panmunjom. Để làm được điều này, hai miền Triều Tiên cũng nhất trí sẽ tham vấn chặt chẽ thông qua các cuộc hội đàm quân sự và trao đổi tài liệu”.
Liên hợp quốc kêu gọi Nga và Mỹ giải quyết những bất đồng về INF
Ngày 22/10, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ hy vọng rằng Nga và Mỹ sẽ giải quyết được những bất đồng xung quanh việc Washington công bố kế hoạch rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).
Trong một tuyên bố đưa ra cùng ngày, phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc Farhan Haq nhấn mạnh: “Người đứng đầu Liên hợp quốc đã nắm được những nội dung bình luận của Mỹ liên quan tới INF và hy vọng rằng hai cường quốc sẽ cùng phối hợp để giải quyết những bất đồng”.
Ông Haq cho biết, trước đó, trong một bài diễn thuyết tại trường đại học Geneva vào tháng 5/2018, Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng đã kêu gọi Nga và Mỹ giải quyết những tranh cãi về INF. Cũng nhân sự kiện này, ông Guterres đã đề cập tới việc gia hạn hiệu lực của Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START) được áp dụng đối với các loại vũ khí tấn công chiến lược, vốn sẽ hết hiệu lực trong vòng 3 năm tới, đồng thời kêu gọi các bên liên quan hành động để cắt giảm các kho vũ khí hạt nhân đang sở hữu.
Tại phiên họp của Ủy ban Thứ nhất của Đại hội đồng Liên hợp quốc về giải trừ quân bị diễn ra ở New York (Mỹ) ngày 22/10, những tranh cãi giữa Nga và Mỹ xung quanh INF tiếp tục được hâm nóng và “gây lời qua tiếng lại” giữa đại diện hai nước.
NATO mở rộng quy mô tập trận Trident Juncture 2018
Theo kế hoạch, cuộc tập trận Trident Juncture 2018, do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiến hành diễn ra từ ngày 25/10 đến ngày 23/11 tại Na Uy và các vùng lân cận của Bắc Đại Tây Dương và Biển Baltic, bao gồm Iceland và vùng trời Phần Lan cũng như Thụy Điển. Trident Juncture là cuộc tập trận thường niên lớn nhất của NATO kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết sẽ có 250 máy bay chiến đấu tham gia vào các cuộc tập trận thay vì 150 như thông báo ban đầu. Ngoài ra, còn có 65 tàu chiến, 10.000 phương tiện cơ giới mặt đất cùng 50.000 binh sĩ. Tất cả 29 nước đồng minh NATO cùng các đối tác Phần Lan và Thụy Điển sẽ tham gia vào cuộc tập trận này.
Quan chức lãnh đạo NATO nêu rõ cuộc tập trận Trident Juncture 2018 “sẽ đánh giá khả năng sẵn sàng của khối trong việc khôi phục chủ quyền của một đồng minh”.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết quy mô hoạt động và luyện tập chiến đấu của NATO gần biên giới Nga đang gia tăng và cuộc tập trận Trident Juncture là một minh chứng cho điều này.
Phản ứng của một loạt nước phương Tây về vụ sát hại nhà báo Khashoggi
Ngày 22/10, một loạt nước phương Tây đã đồng loạt đưa ra phản ứng về vụ nhà báo người Sauddi Arabia Jamal Khashoggi bị sát hại tại Lãnh sự quán Saudi Arabia ở thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tại London, Thủ tướng Anh Theresa May đã kêu gọi tìm ra “sự thật” liên quan đến vụ sát hại nhà báo Khashoggi. Phát biểu trước quốc hội Anh, bà May nhấn mạnh: “Tôi tin chắc rằng toàn thể quốc hội sẽ cùng tôi lên án vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất. Chúng ta phải tìm ra sự thật về những gì đã xảy ra”.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã gọi vụ sát hại nhà báo Khashoggi là “hành động tàn ác”, đồng thời khẳng định Berlin sẽ dừng bán vũ khí cho Riyadh cho đến khi vụ việc được làm rõ.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông không hài lòng với những lời giải thích phía Riyadh liên quan đến vụ sát hại nhà báo Khashoggi. Bên cạnh đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton khẳng định nước này muốn biết mọi chi tiết về vụ sát hại nhà báo Khashoggi và hiện Washington vẫn đang liên lạc với phía Riyadh.
Tại Canada, Thủ tướng nước này đã triệu tập một phiên họp khẩn cấp với các bộ trưởng trong nội các và nhiều quan chức cấp cao trong chính phủ, nhằm thảo luận về “vụ giết người man rợ” xảy ra đối với nhà báo Khashoggi.
Cũng trong ngày 22/10, đài NTV của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin nhà chức trách nước này không được phép khám xét một chiếc xe gắn biển số ngoại giao của Saudi Arabia tại Istanbul, do không được Lãnh sự quán Saudi Arabia cho phép. Chiếc xe thuộc về Lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul và được phát hiện trong một bãi đỗ xe ở quận Sultangazi.
Mỹ bắt được nghi can gửi bom tới các chính khách Đảng Dân chủ
Trong các ngày 24 và 25/10, hàng loạt gói bưu kiện có chứa thiết bị nổ đã được gửi tới văn phòng của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama ở Washington, tư gia của vợ chồng cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Hillary Clinton ở ngoại ô New York, trụ sở làm việc cũ của cựu Giám đốc đài CNN John Brennan, cùng một số nhân vật quan trọng khác. Giới chức thực thi pháp luật liên bang cho hay toàn bộ số bom đã được vô hiệu hóa và không có ai bị thương trong những vụ việc này.
Fox News dẫn các nguồn tin thực thi pháp luật cho biết, vào sáng 26/10, đối tượng bị tình nghi gửi các bưu kiện chứa chất nổ tới các chính khách và nhân vật có ảnh hưởng thuộc Đảng Dân chủ của Mỹ đã bị bắt giữ.
Nghi can được xác định là Cesar Sayoc, 56 tuổi, sống ở Aventura, Florida. Sayoc bị bắt ở một cửa hàng thiết bị ô tô gần nơi người này sinh sống. Theo hồ sơ cử tri của Florida, Sayoc là một người thuộc Đảng Cộng hòa tại Quận Miami-Dade và là một cử tri “tích cực”. Đối tượng từng bị bắt vì hành vi trộm cắp, sở hữu trái phép steroid và từng bị cáo buộc đe dọa đánh bom hồi năm 2002.
Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump lên án “các hành vi khủng bố” của đối tượng gửi bom và cam kết sẽ “truy tố” nghi can đến cùng.
Đồ nhựa dùng một lần sẽ bị cấm trên toàn châu Âu
Ngày 24/10, Nghị viện châu Âu (EPđã thông qua dự luật cấm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần trên toàn Liên minh châu Âu (EU) và dự kiến có hiệu lực từ năm 2021.
Theo dự luật nói trên, 10 sản phẩm bằng nhựa như ống hút, tăm bông… sẽ bị cấm sử dụng vào năm 2021 và 90% chai nhựa sẽ được tái chế vào năm 2025. Dự luật cũng đề ra mục tiêu giảm 25% đối với những sản phẩm nhựa chưa có sản phẩm thay thế vào năm 2025.
Ủy viên EU phụ trách môi trường Karmenu Vella cho biết: “Hôm nay chúng ta đang tiến một bước gần hơn tới việc loại bỏ các sản phẩm nhựa sử dụng một lần – vấn đề nan giải nhất ở châu Âu”. Tuy nhiên, dự luật này cần phải được thông qua trong các cuộc đàm phán giữa các thành viên EU, EP và Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới./.
Nguồn ĐCSVN-TT