VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Thế giới tuần qua: Đàm phán thương mại Mỹ – Trung đạt tiến triển

– Đàm phán thương mại Mỹ – Trung đạt tiến triển, nhà lãnh đạo Triều Tiên thăm Trung Quốc, quan hệ Nga – Nhật lại “nóng” về vấn đề tranh chấp lãnh thổ, Tổng thống Mỹ tiếp tục kêu gọi xây dựng bức tường biên giới…, là những thông tin quốc tế đáng chú ý trong tuần qua.

Đàm phán thương mại Mỹ – Trung đạt tiến triển

Vòng đàm phán thương mại kéo dài 3 ngày tại thủ đô Bắc Kinh giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc kết thúc vào chiều 9/1 với kết quả thu được là hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã đạt tiến triển trong việc xác định rõ và quyết tâm thu hẹp bất đồng đang còn tồn tại.
       Phó Đại diện Thương mại Mỹ Jeffrey Gerrish (giữa) tới dự đàm phán thương mại với đại diện Trung Quốc ở Bắc Kinh, ngày 8/1. (Ảnh: Greg Baker/AFP/Getty Images)

Diễn biến này được cho là chưa “đủ” để xóa nhòa sự cách biệt giữa Mỹ và Trung Quốc, khi triển vọng hai nước có thể đi tới một thỏa thuận thương mại cuối cùng vẫn còn chưa ngã ngũ. Song chí ít, đây cũng có thể được xem là một “cú huých” cho những tiến triển tiếp theo trong giải quyết những căng thẳng về thương mại đã tiếp diễn sang năm thứ 2 giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Ngay sau khi vòng đàm phán thương mại Mỹ – Trung kết thúc, thị trường chứng khoán châu Á đã phản ứng tích cực, tiếp tục củng cố những nhận định lạc quan về triển vọng hai nước sẽ sớm đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện, giúp xóa bỏ nguy cơ bùng phát một cuộc đối đầu vốn chắc chắn sẽ tác động nặng nề tới kinh tế toàn cầu.

Giới phân tích dự báo, những tiến triển trong đàm phán thương mại Mỹ – Trung sẽ mở đường cho các vòng đàm phán ở cấp cao hơn giữa hai nước diễn ra vào tháng này, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Davos (Thụy Sỹ). Hiện Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cũng đang có kế hoạch sang thăm Mỹ sau thời điểm diễn ra WEF.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên thăm Trung Quốc

Ngày 8/1, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đến thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc và tiến hành hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây là chuyến thăm lần thứ tư của ông Kim Jong Un đến Trung Quốc. Sự kiện này thu hút sự quan tâm đặc biệt từ dư luận trong bối cảnh có những dự báo cho rằng, chuyến thăm sẽ mở đường cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần thứ hai.

Truyền thông Trung Quốc cho biết, trong cuộc đối thoại với Chủ tịch Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo Kim Jong-un khẳng định: “Triều Tiên sẽ tiếp tục theo đuổi lập trường phi hạt nhân và giải quyết vấn đề trên bán đảo Triều Tiên thông qua cơ chế đối thoại, tham vấn; đồng thời nỗ lực để hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần thứ hai sẽ mang lại kết quả và được cộng đồng quốc tế hoan nghênh”. Chủ tịch Tập Cận Bình đã bày tỏ sự ủng hộ kế hoạch nối lại hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần thứ hai, đồng thời bày tỏ hy vọng Washington và Bình Nhưỡng sẽ tìm được tiếng nói chung. Trung Quốc sẵn sàng đóng vai trò “tích cực và xây dựng” trong tiến trình này.

Theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), trong khuôn khổ các cuộc đối thoại với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khẳng định sẽ tuân thủ cam kết về phi hạt nhân hóa, cùng nguyên tắc thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận đạt được tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều diễn ra vào tháng 6/2018. Cũng nhân dịp này, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã chia sẻ với Chủ tịch Tập Cận Bình về những “thách thức” trong tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Chủ tịch Tập Cận Bình bày tỏ sự ủng hộ những “yêu cầu chính đáng” của Triều Tiên trong tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa.

Quan hệ Nga – Nhật lại “nóng” về vấn đề tranh chấp lãnh thổ

Ngày 9/1, Bộ Ngoại giao Nga đã triệu Đại sứ Nhật Bản tại Nga Toyohisa Kozuki để lưu ý về những phát biểu chính thức gần đây của giới chức Tokyo liên quan tới Hiệp ước hòa bình với Moscow vì cho rằng, những bình luận của phía Nhật Bản đã làm sai lệch bản chất của các thỏa thuận đã được ký kết giữa Tổng thống Valdimir Putin và Thủ tướng Shinzo Abe.

Bộ Ngoại giao Nga đã lưu ý những phát ngôn cho rằng Nga cần phải “chuẩn bị” cho các công dân nước này trước việc trao trả cho phía Nhật Bản quần đảo đang tranh chấp ở ngoài khơi Hokkaido mà Tokyo gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc, còn Moscow gọi là Nam Kuril, cùng những phát ngôn về việc bỏ qua yêu cầu bồi thường từ phía Nga đối với Nhật Bản. Ngoài ra, thông điệp của Bộ Ngoại giao Nga cũng chỉ rõ rằng, 2019 sẽ là năm “bản lề” để thiết lập một bản Hiệp ước hòa bình giữa Nga và Nhật Bản.

Phản ứng trước động thái trên của Nga, ngày 9/1, Bộ Ngoại giao Nhật Bản tuyên bố chính quyền Tokyo sẽ tiếp tục theo đuổi tiến trình đàm phán với Nga về một bản Hiệp ước hòa bình trong “bầu không khí bình tĩnh”. Phía Nhật Bản sẽ tiếp tục theo đuổi tiến trình đàm phán với Nga dựa trên lập trường trước tiên sẽ giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ và sau đó hướng tới mục tiêu ký kết Hiệp ước hòa bình.

Tổng thống Mỹ tiếp tục kêu gọi xây dựng bức tường biên giới

Trong một bài phát biểu được truyền hình trực tiếp từ Nhà Trắng, ngày 8/1, Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh, hoạt động nhập cư trái phép không được kiểm soát đang làm ảnh hưởng đến hàng triệu người Mỹ.

Tổng thống Donald Trump nhắc lại lời kêu gọi của mình về một bức tường ở khu vực biên giới, đồng thời khẳng định đó là điều rất quan trọng đối với an ninh biên giới. Ông kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua khoản ngân sách 5,7 tỷ USD để xây một bức tường dọc biên giới với Mexico nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng và chấm dứt tình trạng chính phủ Mỹ phải đóng cửa một phần trong gần 20 ngày qua.

Những cuộc gặp gần đây giữa Tổng thống Trump với phe Dân chủ để bàn về ngân sách xây dựng bức tường hầu như không đạt được kết quả nào. Hai bên chỉ chú trọng nêu quan điểm của mỗi bên mà không thể hiện sự nhượng bộ.

Kể từ khi 1/4 số cơ quan của Chính phủ Mỹ phải ngừng hoạt động đến nay, có khoảng 800 nghìn nhân viên của chính quyền liên bang không được trả lương. Tình trạng này có thể sẽ phải tiếp diễn trong thời gian dài, cho đến khi nào bất đồng về khoản ngân sách xây dựng bức tường biên giới Mỹ – Mexico được giải quyết.

Dư luận thế giới lên án vụ đảo chính bất thành ở Gabon

Nhiều lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế đã đồng loạt lên án vụ đảo chính quân sự bất thành tại thủ đô Libreville của Gabon do một nhóm binh sỹ nổi dậy thực hiện vào thời điểm Tổng thống Ali Bongo Ondimba đang đi chữa bệnh ở Morocco.

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 7/1, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc Stephane Dujarric khẳng định nguyên tắc cơ bản của người đứng đầu Liên hợp quốc nhằm lên án các hành vi giành quyền lực bằng vũ lực và vi hiến, đồng thời kêu gọi tất cả các bên liên quan cần hành động dựa trên tinh thần tôn trọng hiến pháp.

Các phương tiện truyền thông nước ngoài cho biết, sáng 7/1, các nhà chức trách Gabon đã bắt giữ 4 binh sỹ khi đang thực hiện kế hoạch giành quyền kiểm soát Đài phát thanh quốc gia để đưa ra thông báo trên sóng phát thanh về việc thành lập cái được gọi là “Hội đồng Tái thiết quốc gia”. Đã có khoảng 300 người tập trung bên ngoài khu vực Đài phát thanh quốc gia ở thủ đô Libreville để ủng hộ cuộc đảo chính, song đã bị lực lượng binh sỹ trung thành với chính phủ nhanh chóng giải tán.

Vụ đảo chính bất thành đã khiến nhiều người dân Gabon hoang mang, hoảng sợ. Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau, Văn phòng Tổng thống Gabon thông báo đã kiểm soát và thiết lập được tình hình ổn định tại thủ đô Libreville.

Số người tham gia biểu tình “Áo vàng” tại Pháp tăng nhanh

Phóng viên TTXVN tại Pháp cho biết, cuộc biểu tình mỗi cuối tuần của phong trào “Áo vàng” đã bước vào tuần thứ 9, chỉ 3 ngày trước khi bắt đầu “cuộc thảo luận lớn toàn quốc” theo sáng kiến của Tổng thống Emmanuel Macron. Số lượng người hưởng ứng phong trào đã tăng lên nhanh chóng sau kỳ nghỉ lễ cuối năm.

Theo số liệu cuối ngày 12/1 của Bộ Nội vụ Pháp, đã có 84.000 người biểu tình tuần hành trên toàn nước Pháp theo lời kêu gọi của phong trào “Áo vàng”. Căng thẳng và đụng độ giữa người biểu tình với cảnh sát cũng đã nổ ra ở trung tâm các thành phố lớn như Paris, Bordeaux, Toulouse và Bourges.

Cảnh sát đã bắt giữ và thẩm vấn 244 người trên toàn nước Pháp, trong đó 156 người ở Paris, vì đã “tham gia vào nhóm âm mưu hành động bạo lực”, “mang vũ khí bị cấm”, “bạo lực đối với các nhân viên an ninh”. Hơn 80.000 cảnh sát và hiến binh đã được huy động trên cả nước, trong đó 5.000 tại Paris cùng sự tăng cường của 14 xe bọc thép.

Kể từ khi phong trào bắt đầu vào giữa tháng 11/2018, 10 người đã chết tại các điểm bị những người “Áo vàng” phong tỏa và hơn 1.600 người bị thương.

Cũng trong ngày 12/1, Bộ  trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner xác nhận đã có 4 người thiệt mạng, trong đó có 2 nhân viên cứu hỏa, trong vụ nổ do rò rỉ khí gas ở trung tâm thủ đô Paris xảy ra cùng ngày.

Tính đến tối 12/1 (theo giờ Việt Nam), số người bị thương trong vụ nổ trên đã lên tới 36 người, trong đó 12 người trong tình trạng nguy kịch./.

Nguồn ĐCSVN-TT