VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua

 – Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) – Hoa Kỳ; nước Pháp có Tổng thống mới trẻ nhất trong lịch sử; quan hệ Trung Quốc – Hàn Quốc tiếp tục căng thẳng vì hệ thống THAAD; Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran ký bản ghi nhớ về thiết lập vùng an toàn ở Syria; chính phủ Mỹ thoát nguy cơ đóng cửa… là một số tin tức quốc tế nổi bật tuần qua.

   Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Hoa Kỳ  tại thủ đô Washington DC, Hoa Kỳ. (Ảnh: asean.org)

Ngày 4/5, Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) – Hoa Kỳ đã diễn ra tại thủ đô Washington DC, Hoa Kỳ. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng quan chức cấp cao của Việt Nam trong ASEAN (SOM ASEAN) Nguyễn Quốc Dũng đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị. Tham dự hội nghị còn có Phó Tổng Thư ký ASEAN.

Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson  kể từ khi chính quyền Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền. Tại hội nghị, hai bên đã trao đổi về chính sách của Hoa Kỳ đối với khu vực, định hướng quan hệ ASEAN – Hoa Kỳ trong thời gian tới, các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm như Biển Đông, tình hình Bán đảo Triều Tiên, chống khủng bố và an ninh mạng. Thay mặt Tổng thống D.Trump, Ngoại trưởng Tillerson tái khẳng định cam kết đối với khu vực, coi trọng và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình, cam kết tiếp tục hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, nhấn mạnh ASEAN là đối tác kinh tế quan trọng của Hoa Kỳ, tiếp tục triển khai Sáng kiến Kết nối ASEAN – Hoa Kỳ, khuyến khích tăng trưởng kinh tế bền vững và công bằng, khẳng định sẽ duy trì các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho thanh niên và phụ nữ ASEAN như Chương trình các nhà lãnh đạo trẻ Đông Nam Á (YSEALI), học bổng Fulbright.

Trong khi đó, các nước ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược ASEAN – Hoa Kỳ, hoan nghênh những bước đi gần đây của Hoa Kỳ tăng cường hợp tác với ASEAN trong đó có việc Tổng thống D.Trump cam kết sẽ dự các sự kiện của khu vực như Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam, Hội nghị Cấp cao ASEAN – Hoa Kỳ và Hội nghị Cấp cao Đông Á tại Philippines tháng 11/2017,  Phó Tổng thống Mike Pence thăm Indonesia và gặp Tổng Thư ký ASEAN và Ủy ban các Đại diện Thường trực ASEAN, Ngoại trưởng Tillerson gặp Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN tại Washington…

Về tình hình quốc tế và khu vực, ASEAN và Hoa Kỳ nhất trí tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong ứng phó với các thách thức an ninh xuyên quốc gia đang nổi lên như khủng bố, an ninh mạng…Liên quan tới tình hình Bán đảo Triều Tiên, hai bên chia sẻ quan ngại về những diễn biến căng thẳng gần đây, kêu gọi cam kết thực hiện nghiêm túc các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Các nước cũng đã trao đổi về vấn đề Biển Đông, bày tỏ quan ngại trước những diễn biến phức tạp trên thực địa tại khu vực này, theo đó hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông, nhấn mạnh thực hiện kiềm chế, giải quyết hòa bình các tranh chấp, tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, các tiến trình ngoại giao pháp lý trong khu vực, thực hiện đầy đủ và Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất khung Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC).

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đánh giá cao các kết quả đạt được trong hợp tác ASEAN – Hoa Kỳ thời gian qua và cho rằng việc tiếp tục các cam kết và đà phát triển quan hệ ASEAN – Hoa Kỳ là phù hợp với lợi ích hai bên và khu vực; nhấn mạnh việc Mỹ tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình có ý nghĩa chiến lược và là nhân tố tích cực và quan trọng cho hòa bình, ổn định và liên kết khu vực. Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đề xuất một số lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác ASEAN – Hoa Kỳ giai đoạn tới, trong đó có phát triển các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSME), thúc đẩy sáng tạo, kinh tế số, giao lưu nhân dân, hợp tác biển và ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống như khủng bố, an ninh mạng; đồng thời nhấn mạnh ưu tiên hợp tác bảo vệ nguồn nước sông Mekong và ứng phó với biến đổi khí hậu. Về Biển Đông, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng chia sẻ lo ngại trước những diễn biến phức tạp tại khu vực này, nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông, khẳng định đây là mối quan tâm chung của các quốc gia trong và ngoài khu vực, trong đó có Hoa Kỳ; đề cao các nguyên tắc hai bên nhất trí tại Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN – Hoa Kỳ tại Sunnylands, bang California tháng 2/2016.

Nước Pháp có Tổng thống mới trẻ nhất trong lịch sử

Ngày 7/5, kết quả kiểm phiếu vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Pháp cho thấy ứng cử viên theo đường lối ôn hòa Emmanuel Macron đã giành chiến thắng vang dội trước đối thủ Marine Le Pen. Theo kết quả sơ bộ, ông Macron giành được khoảng 65,1% số phiếu ủng hộ, trong khi bà Le Pen giành được khoảng 33,9% số phiếu.

Lễ ăn mừng chiến thắng của Tổng thống đắc cử Emmanuel Macron đã được tổ chức ngay tối ngày 7/5 ở bên ngoài khuôn viên Bảo tàng nghệ thuật Louvre, ở trung tâm Paris.

Phát biểu trước đám đông hàng chục nghìn người, ông Macron đã cảm ơn những người ủng hộ đã đi cùng ông trong chặng đường gian khó vừa qua. Ông cũng bày tỏ lời cảm ơn tới những người đã bỏ phiếu cho ông mà chưa hẳn đã chia sẻ các quan điểm của ông và cho rằng đó là hành động “bảo vệ nền cộng hòa Pháp chống sự cực đoan”. Ông cũng thể hiện sự tôn trọng đối với những cử tri đã bỏ phiếu cho ứng cử viên Marine Le Pen “vì niềm tin” và cam kết rằng sẽ làm hết sức để người dân Pháp “không còn lý do để bỏ phiếu cho những tư tưởng cực đoan” trong 5 năm tới.

Ông Macron cũng đề cao sự đoàn kết, thống nhất của cả dân tộc Pháp, cam kết bảo vệ nước Pháp và hành động xứng đáng với niềm tin của người dân.

Theo ông, châu Âu và thế giới đang mong đợi nước Pháp có những việc làm nhằm bảo vệ những “tư tưởng Ánh sáng” vốn đang bị đe dọa ở nhiều nơi, bảo vệ các quyền tự do, bảo vệ những người bị áp bức. Ông Macron nói: “Thế giới đang nhìn chúng ta. Họ chờ đợi chúng ta mang đến một niềm hy vọng mới, một chủ nghĩa nhân bản mới, một thế giới an toàn hơn, một thế giới nơi tự do được bênh vực, một thế giới tăng trưởng cao hơn, công bằng hơn, bảo vệ sinh thái tốt hơn.”

Tổng thống đắc cử Pháp cũng cho rằng nhiều trách nhiệm nặng nề đang chờ đón ở phía trước và các trách nhiệm đó sẽ bắt đầu ngay ngày hôm sau. Đó là phải hình thành được một đa số thực sự và mạnh mẽ trong trong Quốc hội, thiết lập được yêu cầu đạo đức trong đời sống công, bảo vệ sức sống của nền dân chủ, chấn hưng kinh tế, sao cho mỗi người dân, thông qua giáo dục và việc làm, có một chỗ đứng trong xã hội. Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng cần phải đổi mới châu Âu.

Cuối cùng, ông Macron cam kết sẽ chiến đấu với tất cả sức lực của mình để chống lại sự chia rẽ đã làm nước Pháp suy yếu, sẽ phục vụ nước Pháp với tất cả sự tận tụy, lòng quyết tâm và sự khiêm nhường vì các giá trị “tự do, bình đẳng, bác ái”.

Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu cũng đã gửi lời chúc mừng tới ông Macron. Thủ tướng Anh Theresa May chúc mừng ông Macron đắc cử tổng thống, đồng thời khẳng định Paris là một trong những đồng minh thân cận nhất của London. Thủ tướng May bày tỏ mong muốn hợp tác với tân Tổng thống Pháp trong hàng loạt vấn đề mà hai bên cùng quan tâm. Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel đã hoan nghênh chiến thắng của ông Macron và khẳng định điều này đã giữ cho Pháp nằm ở “trái tim của châu Âu”. Hai nhà lãnh đạo hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) là  Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cũng đã gửi lời chúc mừng đến ông Macron.

Quan hệ Trung Quốc – Hàn Quốc tiếp tục căng thẳng vì hệ thống THAAD

Ngày 2/5/2017, Trung Quốc đã kêu gọi dừng ngay lập tức Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) mà Mỹ triển khai tại Hàn Quốc, vài giờ sau khi Washington thông báo THAAD đã đi vào hoạt động tại quốc gia Đông Bắc Á này.

Trước đó, ngày 26/4, Mỹ đã triển khai lắp đặt hệ thống THAAD tại thị trấn Seongju, tỉnh Bắc Gyeongsang, cách thủ đô Seoul 300km về phía Đông Nam. THAAD gồm 6 bệ phóng di động, 48 thiết bị đánh chặn, 1 radar AN/TPY-2 và bộ phận kiểm soát hỏa lực và thông tin liên lạc.

Thời gian qua, kế hoạch triển khai THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc đã làm gia tăng căng thẳng giữa Seoul và Bắc Kinh không chỉ về mặt chính trị mà còn trong lĩnh vực kinh tế. Bắc Kinh nhiều lần phản đối chủ trương trên, cho rằng kế hoạch này sẽ đe dọa an ninh quốc gia. Trung Quốc đã áp đặt một loạt biện pháp trả đũa thương mại và văn hóa, gây ảnh hưởng rõ rệt đến ngành du lịch Hàn Quốc cũng như hoạt động của tập đoàn Lotte của nước này ở Trung Quốc.

Trước những căng thẳng giữa Trung Quốc và Hàn Quốc liên quan đến việc Chính phủ Hàn Quốc đồng ý để Mỹ triển khai hệ thống THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc, ngày 3/5, nhóm chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Hyundai (HRI) đã đưa ra cảnh báo rằng cả Hàn Quốc và Trung Quốc tiếp tục sẽ phải hứng chịu thiệt hại về mặt kinh tế.

Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran ký bản ghi nhớ về thiết lập vùng an toàn ở Syria

Ngày 3 và 4/5/2017, tại thủ đô Astana của Kazakhstan đã diễn ra vòng đàm phán thứ 4 về Syria do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran bảo trợ. Tại vòng đàm phán, các bên liên quan đã đạt được một bước tiến lớn khi cùng nhau ký bản ghi nhớ về thiết lập vùng an toàn bên trong lãnh thổ Syria do Nga đề xuất. Thỏa thuận cho phép thiết lập các vùng an toàn ở tỉnh Idlib, miền Tây Bắc Syria, vùng El-Rastan thuộc tỉnh Homs và vùng đất Đông Ghouta của phe đối lập ở gần thủ đô Damascus. Đây là các khu vực xảy ra giao tranh dữ dội nhất giữa quân đội chính phủ Syria, phong trào Nusra và lực lượng đối lập.

Tuy nhiên, đại diện phe đối lập có vũ trang ở Syria đã tỏ thái độ giận dữ sau khi vòng đàm phán kết thúc do phản đối sự tham dự của Iran. Phe đối lập Syria tuyên bố không chấp nhận việc thiết lập vùng an toàn tại Syria, bởi điều này đe dọa tới tính toàn vẹn lãnh thổ. Bên cạnh đó phe đối lập cũng tuyên bố không công nhận Iran là một nước bảo trợ cho kế hoạch hòa bình Syria.

Mặc dù vậy, bản ghi nhớ về thiết lập vùng an toàn ở Syria vẫn được coi là nỗ lực mới nhất của các bên nhằm giảm tình trạng bạo lực kéo dài suốt 6 năm qua ở Syria đồng thời tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này.

Chính phủ Mỹ thoát nguy cơ đóng cửa

Chính phủ Mỹ đã thoát được nguy cơ phải ngừng hoạt động khi ngày 5/5/2017, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật phân bổ ngân sách chính phủ. Trước đó, ngày 3/3, Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua dự luật này.

Bản dự luật phân bổ ngân sách trị giá 1.200 tỷ USD dành cho các cơ quan chính phủ liên bang được hai viện quốc hội Mỹ thông qua trong bối cảnh các nghị sỹ đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đã phải mất nhiều tuần đàm phán căng thẳng.

Điểm đáng chú ý của dự luật phân bổ ngân sách mới lần này là nghị sĩ hai đảng đã bác nội dung tài trợ tiền xây tường ngăn biên giới với Mexico, cũng không đồng ý kế hoạch cắt giảm các chương trình đối nội của Tổng thống D.Trump. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump lại đạt được thắng lợi khi thỏa thuận ngân sách chính phủ đã cấp cho Nhà Trắng gần 600 tỷ USD chi tiêu quốc phòng (tăng 4,5% so với tài khóa 2016) và 1,5 tỷ USD để tăng cường an ninh biên giới.

Các nhà phân tích cho rằng, bản dự luật chi tiêu ngân sách được hai viện thông qua được xem là một chiến thắng với các nghị sỹ đảng Dân chủ khi họ loại bỏ được nhiều đề xuất chi tiêu theo mong muốn của Tổng thống Trump. Trên thực tế, dù kiểm soát lưỡng viện quốc hội, nhưng các nghị sỹ đảng Cộng hòa vẫn phải có những nhượng bộ quan trọng với các nghị sỹ Dân chủ để tránh cảnh chính phủ phải đóng cửa. Vì nếu phải đóng cửa chính phủ thì đây sẽ là một cú giáng mạnh với đảng Cộng hòa trong bối cảnh đảng này nắm ưu thế ở cả Quốc hội và Nhà Trắng.

Tổng thống Đức thăm Israel

Ngày 6/5, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã tới Israel, bắt đầu chuyến thăm chính thức nước này chỉ vài ngày sau cuộc tranh cãi giữa Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Theo lịch trình chuyến thăm, ngày 7/5, Tổng thống Steinmeier đã gặp Thủ tướng Netanyahu và Tổng thống Israel Reuven Rivlin. Ngày 8/5, Tổng thống Steinmeier tới thăm Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tại Ramallah thuộc khu Bờ Tây.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Steinmeier tới Israel và Palestine kể từ khi nhậm chức hồi tháng 3, mặc dù trước đó ông đã có chuyến thăm khu vực này với tư cách Ngoại trưởng.

Trước đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã quyết định hủy cuộc gặp với Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel dự kiến diễn ra trong ngày 25/4 khi ông Gabriel có kế hoạch gặp các nhóm cánh tả trong chuyến thăm Israel. Một quan chức trong Chính phủ Israel cho biết, Thủ tướng Netanyahu cảm thấy khó chịu khi Ngoại trưởng Đức gặp nhóm Breaking the Silence, vốn chỉ trích các hành động quân sự của Israel ở khu vực Bờ Tây.

Nga trang bị tên lửa hành trình cho máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ 5, tăng cường sức mạnh Hải quân

Truyền thông Nga dẫn nguồn từ Tổng công ty tên lửa chiến thuật JSC của nước này cho biết Nga sẽ trang bị tên lửa hành trình chống hạm chiến thuật Kh-35UE cho máy bay tiêm kích tàng hình T-50 thế hệ 5 (PAK FA) khi máy bay này đi vào hoạt động.

Phát biểu với tờ Izvestia, các chuyên gia Nga cho rằng loại vũ khí mới tiềm năng này sẽ biến máy bay tiêm kích PAK FA thành “cỗ máy chiến đấu đa năng”. Với biệt danh “Harpoonski” do gần giống với tên lửa chống hạm Harpoon của Mỹ, Kh-35UE là loại tên lửa hành trình chống hạm có tốc độ cận âm được lắp đầu đạn thuốc nổ phân mảnh khối lượng 145kg có độ xuyên phá cao. Loại vũ khí này có thể được phóng từ nhiều bệ phóng, trong đó có các hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển. Tuy nhiên, tính tới nay, tên lửa này chưa từng được sử dụng trong chiến đấu và những khả năng của loại vũ khí này trong các điều kiện chiến tranh vẫn chưa được thử nghiệm.

Liên quan sức mạnh Hải quân Nga, người phát ngôn Hải quân Nga, Đại tá Igor Dygalo cho biết tàu đổ bộ cỡ lớn Pyotr Morgunov thuộc dự án 11711 theo kế hoạch sẽ được hạ thủy vào mùa hè năm nay. Tàu đổ bộ Pyotr Morgunov đang được đóng tại xưởng Yantar, tới nay đã được hoàn thiện phần thân tàu và đang bố trí các thiết bị kỹ thuật. Theo người đứng đầu Cục đóng tàu Hải quân Nga, Đại tá Vladimir Tryapichnikov, với chiều dài 120m, rộng 16,5 m, lượng rẽ nước 5.000 tấn, tàu đổ bộ cỡ lớn này có thể chở theo 10 xe tăng hoặc 30 xe bọc thép và xe chiến đấu bộ binh cùng một tiểu đoàn thủy quân lục chiến. Tàu có thể duy trì tốc độ lên đến 18 hải lý/giờ và hiện diện liên tục trên biển trong 30 ngày.

Tàu đổ bộ cỡ lớn Pyotr Morgunov được trang bị 2 pháo hạm tự động 6 nòng cỡ 30mm AK-630M và mang theo 2 trực thăng vận tải-chiến đấu Ka-29. Tàu này thực hiện các nhiệm vụ như đưa lực lượng lính thủy đánh bộ trực tiếp đổ bộ, vận chuyển thiết bị kỹ thuật quân sự.

Tranh cãi thương mại mới giữa Mỹ và Canada

Ngày 24/4 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đã quyết định áp mức thuế đối kháng trung bình 20% đối với các mặt hàng gỗ xẻ của Canada với cáo buộc các công ty xuất khẩu gỗ xẻ của nước này đang nhận được trợ cấp từ hệ thống chính quyền các cấp. Đáp lại, Canada khẳng định cáo buộc của Mỹ là vô căn cứ và nước này sẽ kiên quyết bảo vệ ngành công nghiệp gỗ xẻ, kể cả việc phải tiến hành các thủ tục khởi kiện. Hiện ngành công nghiệp gỗ xẻ đang tạo ra hàng trăm nghìn việc làm thu nhập cao cho tầng lớp trung lưu ở Canada.

Ngày 5/5, Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố Chính phủ của ông sẽ xem xét khả năng ngăn chặn các công ty Mỹ vận chuyển than từ các cảng thuộc tỉnh British Columbia bên bờ Thái Bình Dương, nhằm đáp trả các loại thuế đánh vào gỗ xẻ của Canada.

Một trong những biện pháp đầu tiên đang được Canada xem xét là ngừng xuất khẩu than sang Mỹ theo đề nghị của Thủ hiến tỉnh British Columbia Christy Clark. Theo nguồn tin không chính thức, Thủ tướng Justin Trudeau đã gửi thư cho bà Clark nói rõ đề nghị trên đang được quan chức thương mại liên bang cân nhắc trước khi đưa ra quyết định chính thức.

Ngoài việc cân nhắc đề nghị trên, chính phủ Canada cũng đang tính đến khả năng áp thuế đối kháng với một số mặt hàng ở bang Oregon của Mỹ. Đây là bang nhà của Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Ron Wyden, người có quan điểm cứng rắn trong vấn đề tranh cãi gỗ xẻ với Canada. Phía Canada cho rằng bang Oregon cung cấp các khoản hỗ trợ không công bằng cho một số ngành hàng thông qua 9 chương trình hỗ trợ doanh nghiệp. Những mặt hàng có thể sẽ bị áp thuế là ván ép, ván sàn, bào gỗ, rượu và các vật liệu đóng gói.

Ngày 6/5, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho rằng những lời đe dọa trả đũa thương mại của các quan chức Canada là “không phù hợp” và sẽ không ảnh hưởng đến việc Bộ này đưa ra quyết định cuối cùng liên quan đến việc áp thuế nhập khẩu đối với sản phẩm gỗ xẻ của Canada.

Trong một tuyên bố của Bộ Thương mại Mỹ, ông Ross đã thể hiện sự tin tưởng rằng một thỏa thuận thông qua đàm phán sẽ có lợi lớn nhất cho cả 2 bên và Mỹ sẵn sàng làm việc vì mục tiêu đó.

Theo các nguồn tin giấu tên từ hai nước, cuộc tranh cãi gỗ mềm hiện nay chỉ có thể được giải quyết thông qua một thỏa thuận dài hạn./.

Nguồn ĐCSVN-TT