Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc chủ trì đón Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Campuchia Hun Sen tại Bình Dương – Ảnh: TTXVN
Hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Campuchia
Ngày 24/6, tại Hà Nội, lễ kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Campuchia (24/6/1967 – 24/6/2017) đã được tổ chức trọng thể với sự tham dự của lãnh đạo cao cấp, nguyên lãnh đạo cao cấp của cả hai nước Việt Nam và Campuchia.
Trong diễn văn kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhiệt liệt chào mừng các đại biểu đã tham dự lễ kỷ niệm; đồng thời nhấn mạnh, sự có mặt của Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin và các vị đại biểu Campuchia đã mang đến những tình cảm hữu nghị, gắn bó và thân thiết của nhân dân Campuchia. Qua Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gửi tới Quốc vương Norodom Sihamoni, các nhà lãnh đạo và nhân dân Campuchia những lời chúc mừng nồng nhiệt nhất nhân ngày vui chung của hai đất nước.
Cách đây 50 năm, vào ngày 24/6/1967, hai nước Việt Nam và Campuchia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây là sự kiện trọng đại, đánh dấu trang sử mới trong quan hệ hai nước. Trên nền tảng quan hệ lịch sử lâu đời và từ cuộc đấu tranh chống thực dân, việc thiết lập quan hệ ngoại giao đã tạo nên các điều kiện thuận lợi để nhân dân hai nước Việt Nam và Campuchia tiếp tục sát cánh bên nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và cùng giành thắng lợi lịch sử vào mùa xuân năm 1975. Đáp lại lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, quân và dân Việt Nam lại tiếp tục sát cánh cùng các lực lượng yêu nước và nhân dân Campuchia giải phóng đất nước, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ Pol Pot diệt chủng, ngăn chặn chế độ diệt chủng quay trở lại và mang lại sự hồi sinh cho đất nước Chùa Tháp, vì hòa hình ổn định ở khu vực.
Trước đó, vào ngày 21/6, tại Bình Dương, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì đón Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Campuchia Hun Sen cùng các thành viên trong đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Vương quốc Campuchia sang thăm Việt Nam nhân dịp kỷ niệm “40 năm con đường cứu nước của Thủ tướng Hun Sen”.
Thủ tướng Hun Sen và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng chủ trì buổi gặp gỡ và nói chuyện với đại diện chính quyền và các tầng lớp nhân dân tỉnh Bình Dương là sự kiện nổi bật trong chuyến thăm. Đáng chú ý, tham dự buổi gặp mặt có hơn 250 đại biểu là người dân, sinh viên Campuchia đang sinh sống, làm việc, tập tại Việt Nam. Cùng với đó là hơn 800 đại biểu đại diện thế hệ trẻ là học sinh, sinh viên và các thế hệ bộ đội tình nguyện, chuyên gia Việt Nam đã từng có thời gian sang giúp nhân dân Campuchia bảo vệ và xây dựng đất nước.
Cũng trong ngày 21/6, Thủ tướng Hun- Sen đã thăm lại các địa danh, nhân chứng lịch sử tại huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, nơi 40 năm trước đây, ngày 21/6/1977, Thủ tướng Hun Sen và đồng đội bắt đầu con đường cách mạng, cứu đất nước Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Pôn-pốt.
Tại xã Lộc Thạnh, Thủ tướng Hun Sen đã cắt băng khánh thành Nhà Văn hóa xã, quà tặng mà Thủ tướng Hun Sen dành gửi tới nhân dân địa phương nơi 40 năm trước đã từng chứng kiến những thời khắc lịch sử và bước chân đầu tiên trên con đường cách mạng của Thủ tướng.
Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu, lệnh trừng phạt Nga tiếp tục được gia hạn
Ngày 22/6, Hội nghị thượng đỉnh các nước Liên minh châu Âu đã bắt đầu nhóm họp tại thủ đô Brussels của Bỉ trong nỗ lực củng cố lại niềm tin của các nước thành viên trong bối cảnh kết quả cuộc bầu cử tổng thống tại Pháp đã khẳng định được xu hướng thắng thế của phe thân châu Âu và tiến trình đàm phán với nước Anh về Brexit được bắt đầu theo đúng kế hoạch do Liên minh châu Âu vạch ra.
Liên minh châu Âu cách đây một năm đã bị chấn động khi đa số cử tri Anh bỏ phiếu quyết định rời khỏi khối. Tuy nhiên, đến nay các nước còn lại trong Liên minh châu Âu đã thành công bước đầu khi thể hiện được sự đoàn kết thống nhất.
Việc nước Anh và Liên minh châu Âu đã chính thức khởi động đàm phán về việc nước này rời khỏi Liên minh châu Âu hay còn gọi là Brexit đúng theo lịch trình ngày 19/6 là minh chứng cho thấy Liên minh châu Âu có thể giành sự chủ động trong quá trình đàm phán với Anh.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu lần này, Thủ tướng Anh Thereresa May sẽ trình bài những nguyên tắc chỉ đạo của người Anh trong đàm phán về quyền của các công dân liên quan sau Brexit. Tiếp theo đó, một tài liệu chi tiết về vấn đề này sẽ được công bố vào ngày 26/6.
Trong hai ngày làm việc 22-23/6, chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu sẽ đặt trọng tâm vào một liên minh kiên định trong việc bảo vệ quyền của các công dân của mình.
Trong bối cảnh các cuộc tấn công khủng bố do các phần tử cực đoan thánh liên tiếp diễn ra trong những tháng gần đây gây ra nhiều tổn thất về sinh mạng tại một số nước thành viên, cuộc chiến chống khủng bố và chống cực đoan hóa sẽ là những chủ đề được ưu tiên thảo luận của các nguyên thủ các quốc gia châu Âu tại hội nghị lần này.
Ngay trong phiên khai mạc ngày 22/6, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk thông báo, 28 nước thành viên Liên minh châu Âu vừa nhất trí gia hạn trừng phạt Nga thêm 6 tháng liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine.
Quyết định gia hạn trừng phạt Nga vừa được Liên minh châu Âu công bố sẽ được chính thức hóa vào khoảng cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7 và bắt đầu có hiệu lực từ thời điểm các lệnh trừng phạt hiện tại hết hạn vào ngày 31/7 cho tới ngày 31/1/2018.
Ngay sau khi lệnh trừng phạt Nga được gia hạn, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Konstantin Kosachev cho rằng, các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu đã làm “chệch hướng một cách cơ bản” những hiểu biết về tình hình thực tế và dẫn tới một cách tiếp cận sai lầm để giải quyết vấn đề. Liên minh châu Âu đã trở thành con tin của những chính sách chống Nga mà chính quyền Kiev đang theo đuổi, nhằm mục tiêu chôn vùi bản thỏa thuận Minsk.
Gia tăng căng thẳng Nga-Mỹ về vấn đề Syria
Quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Nga đang bị đẩy lên một nấc thang mới khi ngày 18/6, liên quân do Mỹ đứng đầu đã bắn hạ 1 máy bay của quân đội Syria tại vùng nông thôn thuộc tỉnh Raqqa.
Cả Mỹ và Syria đều đưa ra những lý do khác nhau cho hành động của mình. Bộ chỉ huy trung tâm Mỹ cho biết máy bay Syria bị bắn hạ trong một hành động phòng vệ tập thể của lực lượng liên minh chống khủng bố vì đã nhằm vào lực lượng do Mỹ hậu thuẫn gần thành phố Raqqa. Trong khi đó, phía Syria cho rằng chiếc máy bay của quân đội nước này đang thực hiện nhiệm vụ chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (Nhà nước Hồi giáo). Hiện không rõ tuyên bố của bên nào đúng, chỉ biết rằng đây là lần đầu tiên Mỹ bắn một máy bay của Syria kể từ khi cuộc nội chiến ở nước này xảy ra năm 2011, đồng thời cũng là lần đầu tiên Mỹ bắn hạ một chiến đấu cơ có người lái trong hơn một thập kỷ qua.
Ngay sau sự việc trên, Nga đã có những phản ứng mạnh mẽ nhằm phản đối hành động này của Mỹ. Nga chỉ trích vụ tấn công đã vi phạm luật pháp quốc tế. Để trả đũa, Nga đã thông báo tạm ngừng đường dây liên lạc ngăn chặn xung đột với quân đội Mỹ.
Trước những diễn biến trên, dư luận quốc tế hết sức lo ngại về tình hình sắp tới tại Syria.
Mỹ điều máy bay ném bom chiến lược tầm xa tham gia diễn tập tại Hàn Quốc
Hai máy bay ném bom chiến lược tầm xa của Mỹ đã tham gia diễn tập cùng các máy bay chiến đấu của Hàn Quốc trên vùng trời bán đảo Triều Tiên trong ngày 20/6 như là một phần của cuộc tập trận chung thường kỳ. Hai máy bay B-1B được xem là vũ khí chiến lược chủ chốt của các lực lượng Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, được Mỹ điều từ căn cứ quân sự Andersen tại đảo Guam thuộc phía Tây Thái Bình Dương tới Hàn Quốc ngay sau khi sinh viên người Mỹ Otto Warmbier, 22 tuổi, được thông báo là đã qua đời chỉ vài ngày sau khi được Triều Tiên trao trả tự do sau 17 tháng giam giữ.
Cuộc diễn tập quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc diễn ra vào thời điểm căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên sau các vụ thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Vào tháng trước, hai nước đồng minh cũng đã tiến hành một cuộc tập trận không quân chung, làm dấy lên những chỉ trích mạnh mẽ từ Triều Tiên. Theo nhận định của giới phân tích, việc Mỹ cử máy bay ném bom chiến lược tới bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh hiện nay không những nhằm tiếp tục thể hiện tinh thần đoàn kết với đồng minh Hàn Quốc mà còn cho thấy quyết tâm của Washington nhằm kiềm chế những mối đe dọa quân sự từ Triều Tiên.
Các nước Đông Nam Á tăng cường hợp tác chống khủng bố
Ngày 22/6, tại thủ đô Manila của Philippines đã diễn ra cuộc họp của Ngoại trưởng ba nước Đông Nam Á là Philippines, Malaysia và Indonesia nhằm thúc đẩy nỗ lực hợp tác ngăn chặn khủng bố.
Cuộc họp trên diễn ra trong bối cảnh hàng loạt vụ tấn công bạo lực xảy ra trong thời gian gần đây, đặc biệt là 2 vụ nổ lớn được cho là đánh bom liều chết tại thủ đô Jakarta của Indonesia và chiến sự kéo dài một tháng qua giữa quân đội chính phủ Philippines và nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan Maute tuyên bố trung thành với Nhà nước Hồi giáo tại thành phố Marawi. Điều này cho thấy lực lượng này đã thay đổi chiến lược “vươn vòi bạch tuộc” sang Đông Nam Á sau khi bị thu hẹp khu vực kiểm soát ở Iraq và Syria.
Trong tuyên bố chung của cuộc họp, các ngoại trưởng đã bày tỏ lo ngại về các vụ tấn công liên quan tới khủng bố xảy ra gần đây ở mỗi nước, đồng thời cam kết tăng cường kiểm soát đối với phiến quân Nhà nước Hồi giáo đang hoạt động trong khu vực, như siết chặt nguồn tiền tài trợ; kiềm chế sự lan tràn của những nội dung mang tính khủng bố hoặc liên quan tới khủng bố trong không gian mạng, nhất là trên các trang mạng xã hội; chặn đứng hoạt động buôn lậu vũ khí, cũng như hoạt động đi lại của các phần tử khủng bố nhất là ở những khu vực giáp biên giới của ba nước…
Nga tấn công tên lửa vào các mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo tại Syria
Ngày 23/6, các phương tiện truyền thông Nga và quốc tế đồng loạt đưa tin, các tàu của nước này tại Địa Trung Hải đã tấn công bằng tên lửa hành trình vào các mục tiêu của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (Nhà nước Hồi giáo) tự xưng tại Syria.
Cụ thể, hai tàu chiến Đô đốc Essen và Đô đốc Grigorovich cùng tàu ngầm Krasnodar của Nga tại phía đông Địa Trung Hải đã phóng tên lửa hành trình vào các mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo bên trong tỉnh Hama thuộc phía Tây Syria, ngày 23/6. Tàu ngầm Krasnodar đã thực hiện nhiệm vụ trên khi đang lặn dưới mặt nước.
“Kết quả của cuộc tấn công tên lửa bất ngờ này là một số điểm chỉ huy và các kho lớn chứa vũ khí, đạn dược của Nhà nước Hồi giáo tại khu vực Aqirbat tại tỉnh Hama đã bị phá hủy” – thông báo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết. Ngay sau khi kết thúc cuộc tấn công bằng tên lửa, các máy bay của Nga đã tiến hành các cuộc không kích tiêu diệt các tay súng và các căn cứ còn sót lại của Nhà nước Hồi giáo.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết nước này đã thông báo cho Thổ Nhĩ Kỳ và Israel về các vụ tấn công trên thông qua đường dây nóng quân sự.
Cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga nhằm vào các mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo tại Syria diễn ra trong bối cảnh cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Thượng viện Nga – ông Viktor Ozerov khẳng định, chính quyền Moscow gần như chắc chắn 100% rằng thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo Ibrahim al-Samarrai aka Abu Bakr al-Baghdadi đã bị tiêu diệt trong một cuộc không kích do lực lượng không quân Nga thực hiện tại Syria vào tháng trước.
Đối thoại Mỹ-Trung lần đầu tiên dưới thời Tổng thống Donald Trump
Ngày 21/6, Trung Quốc và Mỹ đã khởi động cuộc đối thoại an ninh-ngoại giao đầu tiên tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ ở thủ đô Washington. Đây cũng là một trong 4 hình thức cấp cao nhất trong cơ chế đối thoại toàn diện được hai nước đưa ra tại cuộc gặp Mar-a-Lago giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại bang Florida (Mỹ) vào tháng 4/2017 vừa qua.
Thực chất, đối thoại an ninh-ngoại giao theo mô hình 2+2 là cơ chế thay thế các nội dung an ninh trong Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung thương niên dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Hình thức mới này được coi là tái cấu trúc các cuộc đối thoại quá tải trước đây. Đối thoại an ninh-ngoại giao giúp hai nước có cơ hội tập trung vào các vấn đề an ninh quan trọng hơn so với các cuộc đối thoại chiến lược trước đây, đồng thời tạo khuôn khổ để Trung Quốc cần phải có trách nhiệm cụ thể trong việc tôn trọng các quy tắc, chuẩn mực quốc tế và duy trì hòa bình, an ninh chung.
Tại cuộc đối thoại an ninh-ngoại giao lần đầu tiên này, bán đảo Triều Tiên là vấn đề “phủ bóng” chương trình nghị sự. Hai bên đã nhất trí về một tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược trên bán đảo Triều Tiên. Bên cạnh đó, phiên đối thoại an ninh-ngoại giao đầu tiên cũng thảo luận một số nội dung khác như tranh chấp biển Đông, cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, thúc đẩy quan hệ quân sự Mỹ-Trung./.
Nguồn ĐCSVN-TT