Hội nghị Thứ trưởng tài chính và Phó Thống đốc ngân hàng trung ương các nền kinh tế thành viên APEC
Hội nghị Thứ trưởng tài chính và Phó Thống đốc ngân hàng trung ương các nền kinh tế thành viên APEC
Trong hai ngày 23 và 24/2, Hội nghị Thứ trưởng tài chính và Phó Thống đốc ngân hàng trung ương các nền kinh tế thành viên APEC đã họp  tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam. Đây là Hội nghị trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ  Nhất các quan chức cao cấp APEC (SOM 1) và các hội nghị liên quan, thảo luận các nội dung: Tình hình kinh tế tài chính vĩ mô quốc tế và khu vực; Triển khai Kế hoạch hành động CeBu; Đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng; Xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận và Tài chính và Bảo hiểm rủi ro thiên tai; Tài chính toàn diện trong việc hỗ trợ phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn…
Sau hai ngày làm việc tích cực và hiệu quả, Hội nghị đã đạt được những kết quả quan trọng:
Một là, đạt được nhận thức chung về tình hình kinh tế tài chính vĩ mô quốc tế và khu vực APEC để làm cơ sở xây dựng các phản ứng chính sách nhằm đối phó với những biến động của kinh tế toàn cầu;
Hai là, xác định được các chủ đề ưu tiên cho Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 để từ đó có các kế hoạch triển khai cụ thể;
Ba là, thảo luận và thống nhất kế hoạch thực hiện cho 4 chủ đề ưu tiên gồm: Tài chính cho cơ sở hạ tầng; Xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận; Tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai; và Tài chính toàn diện;
Bốn là, nhất trí tiếp tục triển khai, rà soát Kế hoạch hành động Cebu và chiến lược đổi mới Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC;
Năm là, nhấn mạnh hợp tác Tài chính của các thành viên APEC không chỉ là các Hội nghị, Hội thảo mà phải là các hoạt động hợp tác cụ thể, thiết thực và hiệu quả; và
Sáu là, thống nhất kế hoạch tổ chức họp Hội nghị quan chức tài chính Cao cấp dự kiến vào tháng 5 năm 2017.
Dưới sự đồng chủ trì của ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính và bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt, đại diện của 21 nền kinh tế thành viên và các tổ chức quốc tế đã tham dự Hội nghị và đóng góp nhiều ý kiến có giá trị, góp phần vào thành công của Hội nghị.
Hội nghị An ninh quốc tế Munich
Từ ngày 17 đến 19/2, tại thành phố Munich (Đức) đã diễn ra Hội nghị An ninh Quốc tế – một trong những diễn đàn về chính sách đối ngoại và an ninh quan trọng nhất thế giới, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo hàng đầu, các nhà ngoại giao và giới chức quốc phòng thế giới.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các vấn đề “nóng” ảnh hưởng tới hòa bình và an ninh toàn cầu như cuộc chiến chống khủng bố, cuộc khủng hoảng tại Ukraine, cuộc xung đột ở Syria, thỏa thuận hạt nhân Iran, chính sách của Mỹ đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO), quan hệ Mỹ-EU và quan hệ Mỹ-Nga.
Trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và NATO đang trở nên bấp bênh sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố NATO – tổ chức suốt 70 năm qua luôn được xem là trụ cột cho an ninh của châu Âu – đã trở nên lỗi thời, việc Phó tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục đồng hành cùng với NATO và châu Âu đã cho thấy thông điệp rõ ràng của chính quyền của Tổng thống Trump dành cho các đồng minh lâu năm.
Chính quyền Iraq quyết tâm giành lại Tây Mosul
Ngày 19/2, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã thông báo triển khai các chiến dịch quân sự nhằm giành lại khu vực phía Tây thành phố Mosul từ tay tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng.
Cuộc truy quét lần này nhằm mục đích tiêu diệt các tay súng IS đồng thời xây dựng một phòng tuyến mới, hướng tới giải phóng các khu vực phía Tây Mosul. Tuy nhiên, chiến dịch này được nhận định là sẽ phức tạp hơn nhiều do các đường phố ở khu vực Tây Mosul quá hẹp và cắt ngang dọc, khiến các loại xe bọc thép khó tiến vào. Các tay súng IS cũng sẽ chống trả rất quyết liệt bởi đang bị dồn vào đường cùng và những khu vực do IS kiểm soát ở thành phố miền Bắc Iraq đã bị thu hẹp đáng kể. Ngoài ra, chiến dịch này còn gặp khó khăn bởi hiện còn 800.000 người dân đang mắc kẹt ở khu vực Tây Mosul.
Mosul là thành phố lớn thứ hai của Iraq, cách thủ đô Baghdad khoảng 400 km và có vị trí địa chiến lược hết sức quan trọng, kết nối phía Bắc Iraq và phía Đông Syria. Từ khi bị IS kiểm soát vào tháng 6-2014 đến nay, Mosul đã trở thành thành trì chủ chốt của lực lượng này tại Iraq. Từ tháng 1/2017, quân đội Iraq đã giành lại được khu vực Đông Mosul từ tay Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xung.
Mỹ đẩy nhanh việc trục xuất người nhập cư bất hợp pháp
Nhằm quyết tâm đẩy nhanh trục xuất người nhập cư trái phép ra khỏi Mỹ, ngày 21-2-2017, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành các sắc lệnh mới dưới dạng 2 bản ghi nhớ về việc tăng cường truy quét người nhập cư trái phép. Các sắc lệnh mới này được ban hành nhằm “ngăn chặn việc nhập cư trái phép và tạo thuận lợi cho việc phát hiện, bắt giữ và trục xuất những đối tượng không có cơ sở pháp lý để vào hoặc ở lại Mỹ”. Những nội dung chính trong kế hoạch mới này là tăng cường nguồn lực cho các cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới, mở rộng quyền hạn cho phép Bộ trưởng An ninh nội địa John Kelly chỉ đạo thực hiện, xây dựng bức tường dọc biên giới Mỹ-Mexico, và thúc đẩy những nỗ lực để trục xuất những đối tượng nhập cư không có giấy tờ hợp pháp.
Như vậy, quyết định này đặt gần như toàn bộ 11 triệu người nước ngoài đang cư trú không có giấy tờ hợp pháp ở Mỹ trước nguy cơ bị trục xuất.
Ngay sau khi sắc lệnh được đưa ra, dư luận Mỹ cho rằng, chính sách nhập cư mới của chính quyền Mỹ sẽ phải đối mặt với các thách thức pháp lý mạnh mẽ, đồng thời làn sóng biểu tình phản đối chính sách với người nhập cư của chính quyền Trump cũng đang dâng cao.
Nga và Ukraine tiếp tục căng thẳng
Ngày 22/2, quan hệ Nga và Ukraine trở nên căng thẳng hơn khi Tổng thống Ukraine Petr Poroshenko cáo buộc Moskva gia tăng sự hiện diện quân sự tại bán đảo Crimea, đồng thời cảnh báo mối đe dọa “chiến tranh toàn diện” với Nga. Nhà lãnh đạo Ukraine cũng tuyên bố Ukraine sẽ chi 333 triệu USD để chế tạo và mua sắm vũ khí mới trong năm 2017.
Ngay lập tức, Chính phủ Nga đã bác bỏ những cáo buộc này, đồng thời tuyên bố Nga không có mối liên hệ với cuộc xung đột tại Donabass.
Trước đó một ngày, Nga và Ukraine đã thể hiện sự mâu thuẫn xung quanh việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bày tỏ lòng thương tiếc đối với cố Đại sứ Nga tại Lien hợp quốc Vitaly Churkin khi ông đột ngột qua đời tại New York (Mỹ).
Trong một tuyên bố, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã bày tỏ sự đau buồn về sự qua đời của ông Churkin, nhưng Ukraine đã ngăn cản việc ra tuyên bố chính thức của Chủ tịch Hội đồng Bảo an về vấn đề này. Từ Moskva, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov coi việc Ukraine từ chối ra tuyên bố Chủ tịch là việc làm “sai trái và không phải đạo”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin thì ra tuyên bố rằng: “Chúng tôi có những cách nhìn nhận khác nhau về sự đóng góp cho đất nước của mình. Chúng tôi có sự khác biệt cơ bản và sự khác biệt lập trường với ông Churkin”.
Có thể thấy, những căng thẳng cứ liên tiếp xảy ra giữa Nga và Ukraine, trong khi nỗ lực thảo luận về một tiến trình chính trị cho cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine của Nhóm Bộ tứ Normandy gồm Ukraine, Đức, Pháp, Nga thì vẫn chưa có tiến triển đáng kể nào, ngoại trừ việc duy trì lệnh ngừng bắn tại đây. Chính vì vậy, các nhà phân tích cho rằng, sau những căng thẳng liên tiếp lần này mối quan hệ vốn đã rạn nứt nghiêm trọng giữa Nga và Ukraine sẽ tiếp tục chìm sâu vào nghi kỵ và bất đồng. Hệ quả tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sự ổn định của hai nước, mà còn tác động đến an ninh và hòa bình khu vực.
Hồng Kông là nền kinh tế tự do nhất thế giới năm 2017
Ngày 20/2, Quỹ Heritage Foundation của Mỹ công bố Báo cáo “Chỉ số tự do kinh tế toàn cầu năm 2017” cho biết Đặc khu hành chính Hồng Kông thuộc Trung Quốc tiếp tục được bình chọn là nền kinh tế tự do nhất thế giới. Đây là lần thứ 23 liên tiếp Hồng Kông được Quỹ Heritage Foundation bình chọn là nền kinh tế tự do số 1 thế giới.
Báo cáo của Quỹ Heritage Foundation, đánh giá “”Hồng Kông đã chứng tỏ khả năng thích ứng kinh tế ở mức cao, tiếp tục là một trong những trung tâm tài chính và thương mại có sức cạnh tranh nhất thế giới””. Pháp luật Hồng Kông bảo đảm hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ và hỗ trợ tích cực việc quản lý theo pháp luật. Mức độ minh bạch cao cũng giúp mang lại tính toàn vẹn cho chính quyền Đặc khu. Ngoài ra, chính sách quản lý hiệu quả và mở cửa thông thoáng của Hồng Kông đã hỗ trợ tích cực các hoạt động kinh doanh, tăng cường tương tác với Trung Quốc đại lục thông qua các mối liên kết tài chính và phi kinh tế khác.
Theo Báo cáo, tổng điểm của Hồng Kông năm 2017 là 89,8/100 điểm đứng thứ nhất và cao hơn 1,2 điểm so với năm 2016, đồng thời cao hơn nhiều so với điểm số bình quân toàn cầu (60,9 điểm). Trong khi đó, Singapore tiếp tục đứng thứ hai với 88,6 điểm, tăng 0,8 điểm so với năm 2016. Xếp sau đó lần lượt là New Zealand, Thụy Sĩ và Australia.
Trong số các nền kinh tế còn lại, Đài Loan (Trung Quốc) đứng thứ 11 trong bảng xếp hạng năm nay, Mỹ đứng thứ 17, Macao đứng thứ 32. Trong khi đó, Trung Quốc đại lục chỉ đứng thứ 111, vẫn là nền kinh tế “đa phần không tự do” với 57,4 điểm, tăng 5,4 điểm so với năm 2016./.
Nguồn ĐCSVN-TT