Đức tuyển điều dưỡng Việt Nam lương khởi điểm hơn 80 triệu đồng/tháng; Trung Quốc sẽ là động lực hàng đầu cho kinh tế thế giới phục hồi sau đại dịch?; Tìm ra nguyên nhân đông máu sau tiêm vaccine AstraZeneca; Báo động vấn nạn “hộ chiếu vaccine” giả mạo…là những tin chính được cập nhật.
Đức tuyển điều dưỡng Việt Nam lương khởi điểm hơn 80 triệu đồng/tháng
Ảnh minh họa.
Sau khi tốt nghiệp và được cấp chứng chỉ quốc gia Đức, ứng viên sẽ được ký hợp đồng làm việc lâu dài tại Đức, hưởng mức lương khoảng 3.000 Euro/tháng, tương đương với khoảng 81 triệu đồng…
Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) vừa thông báo kế hoạch tuyển chọn ứng viên điều dưỡng Khóa 7 đợt 2 năm 2021 đi làm việc tại Đức với số lượng 200 người.
Theo đó, sau khi trúng tuyển và xác nhận tham gia khóa đào tạo tiếng Đức tại Việt Nam, các ứng viên sẽ được phân theo 2 nhóm là điều dưỡng chăm sóc người già làm việc tại các viện dưỡng lão và điều dưỡng chăm sóc người bệnh làm việc tại các bệnh viện.
Kết thúc thời gian đào tạo, điều kiện để ứng viên xuất cảnh sang Cộng hòa Liên bang Đức là phải thi đạt chứng chỉ tiếng Đức B1.
Sau khi hoàn thành khóa đào tạo tiếng Đức tại Việt Nam, ứng viên sẽ được xuất cảnh sang Đức tham dự khóa đào tạo nghề trong thời gian 3 năm để trở thành điều dưỡng viên. Kết thúc thời gian đào tạo nghề, nếu đỗ kỳ thi tốt nghiệp sẽ được cấp chứng chỉ nghề quốc gia có giá trị trên toàn Liên bang Đức.
Khi tham gia chương trình, các ứng viên được đài thọ toàn bộ chi phí trong thời gian từ 12 – 18 tháng học tiếng Đức tại Việt Nam, bao gồm: tiền học, tiền ở, tiền ăn, lệ phí xin cấp visa, tiền khám sức khỏe 1 lần trước khi xuất cảnh và tiền vé máy bay 1 chiều từ Việt Nam sang Đức.
Trong thời gian học nghề từ 3 năm tại Đức, hàng tháng ứng viên sẽ được nhận học bổng học nghề theo quy định pháp luật hiện hành của Đức, từ 1.100 – 1.300 Euro/tháng, tương đương với khoảng 30 – 35 triệu đồng/tháng.
Ứng viên sẽ phải tự chi trả chi phí thuê nhà (tối đa là 400 Euro/tháng). Nếu chi phí thuê nhà vượt quá định mức này, ứng viên sẽ được các cơ sở đào tạo nghề hỗ trợ phần còn lại.
Sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo nghề và được cấp chứng chỉ quốc gia Đức, ứng viên sẽ được ký hợp đồng làm việc lâu dài tại Đức, được hưởng mức lương theo quy định của pháp luật Đức khoảng 3.000 Euro/tháng, tương đương với khoảng 81 triệu đồng/tháng. Số tiền này chưa tính phụ cấp và chưa trừ các khoản phải đóng thuế, bảo hiểm xã hội theo quy định của Đức.
Trung Quốc sẽ là động lực hàng đầu cho kinh tế thế giới phục hồi sau đại dịch?
Những dữ liệu kinh tế Trung Quốc được cập nhật mới nhất đang vẽ nên một bức tranh toàn cảnh sáng sủa…
Cách đây ít hôm, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2021, đồng thời nhận định tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của quốc gia Đông Á này sẽ là động lực hàng đầu cho sự khởi sắc của kinh tế toàn cầu hậu đại dịch.
Dựa trên báo cáo do IMF công bố, một tính toán của Bloomberg cho thấy Trung Quốc có thể đóng góp tới 1/5 tổng mức tăng GDP toàn cầu từ nay đến năm 2026. Cụ thể, GDP toàn cầu dự kiến sẽ tăng 28 nghìn tỷ USD lên mức 122 nghìn tỷ USD trong giai đoạn 5 năm 2021-2026. Trong đó, Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ là 3 quốc gia đóng góp lớn nhất vào mức tăng.
Những dữ liệu kinh tế Trung Quốc được cập nhật mới nhất đang vẽ nên một bức tranh toàn cảnh sáng sủa về thực trạng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, ở thời điểm lối thoát khỏi cuộc khủng hoảng đại dịch toàn cầu ngày càng rõ ràng.
Tìm ra nguyên nhân đông máu sau tiêm vaccine AstraZeneca
Nghiên cứu từ Đức và Na Uy cho thấy ở một số người có đặc điểm sinh học hiếm gặp, vaccine AstraZeneca tạo ra kháng thể bất thường gây cục máu đông.
Kết quả hai nghiên cứu này được xuất bản trên Tạp chí Y học New England ngày 9/4. Trong đó, nghiên cứu của các nhà khoa học Đức phân tích dữ liệu 11 bệnh nhân, gồm 9 phụ nữ, tuổi từ 22 đến 49. Khoảng 5 đến 16 ngày sau tiêm vaccine, họ có triệu chứng huyết khối tĩnh mạch não (cục máu đông chèn tĩnh mạch não). Một số có cục máu đông trong phổi, bụng hoặc khu vực khác. 6 trong 11 người này đã tử vong, một người chết do xuất huyết não.
Trong cuộc họp báo hôm 9/4, tiến sĩ Andreas Greinacher, tác giả nghiên cứu, cho biết một số người có đặc điểm sinh học hiếm gặp khiến hệ thống miễn dịch tạo ra kháng thể bất thường, sai hướng, phản ứng ngược lại với vaccine. Khi tiêm chủng, các kháng thể đó dẫn đến tình trạng giảm tiểu cầu huyết khối, gây ra cả đông máu và chảy máu bất thường. Các nhà khoa học đề nghị đặt tên cho tình trạng này là “giảm tiểu cầu huyết khối miễn dịch do vaccine” (VITT).
Tiến sĩ Greinacher gọi đây là “tin tốt” đối với phần đông dân số, hầu hết không có đặc điểm sinh học bất thường. Tuy nhiên, ông nói thêm: “Chúng ta chưa thể dự đoán ai có khả năng phát triển loại kháng thể này”.
Nhóm nghiên cứu đề nghị sử dụng thuốc chống đông máu để điều trị các bệnh nhân. Đến nay, phòng thí nghiệm của tiến sĩ Greinacher chỉ xác định được khoảng 40 trường hợp như trên, trong số 1,4 triệu người Đức đã tiêm chủng. Ông cho rằng những ca tử vong sau tiêm ở người trẻ tuổi là “bi kịch”, song cũng lưu ý con số này rất nhỏ. Tiến sĩ Greinacher cảnh báo: “Không tiêm chủng sẽ khiến nhiều người bị bệnh nặng hơn”.
*** Báo động vấn nạn “hộ chiếu vaccine” giả mạo
“Hộ chiếu vaccine” đang được xem là môt trong những giải pháp giúp khơi thông du lịch, thương mại và vực dậy các nền kinh tế trên thế giới, nhưng vấn đề này lại làm gia tăng vấn nạn “hộ chiếu vaccine” giả.
Việc làm giả giấy chứng nhận tiêm chủng bùng phát vài tuần gần đây sau khi có nhiều tin tức cho rằng thẻ tiêm chủng có thể sớm trở thành yêu cầu bắt buộc nếu muốn đi lại bằng đường hàng không hoặc tham gia các sự kiện. Các chuyên gia an ninh mạng cảnh báo, các “hộ chiếu vaccine” đang được bày bán tràn lan trên mạng với mức giá “bèo bọt”, làm dấy lên lo ngại về mức độ đáng tin cây của những chứng nhân tiêm chủng này.
Tuần trước, 45 quan chức tư pháp hàng đầu tại Mỹ đã ký bức thư kêu gọi những người đứng đầu các trang Twitter, eBay và Shopify khẩn trương hành động nhằm ngăn chăn các nền tảng của họ bị lợi dụng để bán các tấm thẻ vaccine ngừa COVID-19 giả mạo. Bức thư nêu rõ viêc tiếp thị và lừa đảo bán các tấm thẻ vaccine ngừa COVID-19 giả mạo có thể đe dọa sức khỏe của cộng đồng, kìm hãm những bước tiến trong viêc bảo vệ người dân khỏi bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2 và vi phạm luât pháp của nhiều bang.
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã kêu gọi người dân không đăng các bức ảnh của các tấm thẻ tiêm chủng trên truyền thông xã hội, cảnh báo các thông tin này có thể bị kẻ xấu lợi dụng để làm giả các tài liêu tiêm chủng. Theo các chuyên gia, ngày nay viêc làm giả các tài liêu đã trở nên “quá dễ dàng”, đặc biêt với các công cụ chỉnh sửa hiên đại.
Các chuyên gia cho rằng để tránh bị làm giả, các tấm thẻ tiêm chủng nên chứa mã bảo mật trong tem QR. Sau khi được quét, các mã QR sẽ hiên lên thông tin vaccine cũng như tên chủ sở hữu – được đối chiếu với các giấy tờ tùy thân. Tuy nhiên, để áp dụng phương pháp này cho hoạt đông đi lại quốc tế, đòi hỏi các quốc gia phải sẵn sàng chia sẻ dữ liệu.
Hơn 100 quốc gia đã nhận được vaccine ngừa COVID-19 nhờ COVAX
Hơn 100 quốc gia đã nhận được vaccine ngừa COVID-19 nhờ COVAX – cơ chế đoàn kết quốc tế do Liên hợp quốc và các đối tác thiết lập nhằm bảo đảm phân phối vaccine nhanh chóng, công bằng, an toàn và hiệu quả trên khắp thế giới.
42 ngày sau khi gửi vaccine đầu tiên đến quốc gia thụ hưởng đầu tiên – Ghana, COVAX đã cho phép hơn 38 triệu liều được gửi tới 102 nền kinh tế trên thế giới, 61 trong số đó là nước có thu nhập thấp. Vaccine được vận chuyển bao gồm những vaccine do Phòng thí nghiệm AstraZeneca, Pfizer-BioNTech và Viện Huyết thanh của Ấn Độ sản xuất. Mặc dù dự trữ vaccine giảm trong tháng 3 và tháng 4, nhưng COVAX cho biết có thể cung cấp liều lượng cho tất cả các nền kinh tế có yêu cầu trước cuối tháng 6.
Khi thông báo về việc vượt qua bước quan trọng mang tính biểu tượng này, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã kêu gọi các quốc gia, nhà sản xuất và hệ thống quốc tế, hợp lực để ưu tiên cung cấp vaccine thông qua COVAX. Về phần mình, Giám đốc Điều hành UNICEF Henrietta Fore đã kêu gọi triển khai khẩn cấp vaccine thông qua cơ chế đoàn kết này do sự xuất hiện của các biến thể COVID-19 trên khắp thế giới.
COVAX cần thêm 2 tỷ USD tài trợ trong năm nay để tài trợ và bảo đảm cung cấp 1,8 tỷ liều vaccine. Cơ chế này cũng đang hoạt động để bảo đảm nguồn cung cấp vaccine bổ sung dưới hình thức chia sẻ liều lượng từ các quốc gia có thu nhập cao hơn.
Về tình hình đại dịch COVID-19 trên thế giới, theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến sáng ngày 11/4/2021 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận có tổng cộng 135.882.742 ca nhiễm COVID-19, trong đó 2.937.301 ca tử vong và 109.257.411 ca bình phục. Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 592.174 ca mắc và 9.538 ca tử vong mới vì đại dịch. Châu Âu hiện vẫn là điểm “nóng” nhất về tình hình dịch bệnh trên thế giới khi nhiều quốc gia tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới tăng cao kỷ lục trong ngày.
Nối lại đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran
Từ ngày 6 – 9/4, tại thủ đô Vienna (Áo), Ủy ban Hỗn hợp về Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) đã bắt đầu nối lại cuộc đàm phán nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân lịch sử được ký năm 2015 giữa Iran và các cường quốc.
Các bên còn lại tham gia thỏa thuận, gồm Trung Quốc, Nga, Đức, Pháp, Anh gặp gỡ trực tiếp với Iran, trong khi phía Mỹ tham gia gián tiếp. Việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran và các biện pháp tuân thủ thỏa thuận hạt nhân là chủ đề hàng đầu của chương trình nghị sự tại cuộc gặp này.
Sau lần đàm phán này, các đại diện của Trung Quốc và Nga đánh giá những nỗ lực hiện nay nhằm đưa Iran và Mỹ quay lại thực thi JCPOA đã đạt tiến triển. Các bên tham gia cuộc họp đã nhất trí tiếp tục gặp nhau trong tuần tới. Trong khi đó, ngày 8/4, Bộ Ngoại giao Mỹ đã hạ thấp kỳ vọng đối với những cuộc thảo luận tại Vienna về cách Washington và Tehran có thể quay trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015.
Cả Mỹ và Iran đều không kỳ vọng các cuộc đàm phán hiện nay sẽ tạo bước đột phá. Cả chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo Iran đều nói rằng họ muốn hồi sinh thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Tuy nhiên, vấn đề ngăn cản họ là việc ai sẽ thực hiện những bước đi đầu tiên – hay đưa ra những nhượng bộ trước – để đạt được mục tiêu này.
“Địa chấn” trong nền chính trị Singapore
Ngày 8/4, Phó Thủ tướng Singapore Vương Thụy Kiệt đã công bố quyết định từ chức lãnh đạo nhóm thế hệ thứ tư (4G) của đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền, mở đường cho việc lựa chọn một người trẻ hơn lãnh đạo đất nước khi Thủ tướng Lý Hiển Long nghỉ hưu.
Lý do Phó Thủ tướng Vương Thụy Kiệt đưa ra là những thách thức lớn và lâu dài của đại dịch COVID-19 cũng như vấn đề tuổi tác và đòi hỏi về công việc của người đứng đầu. Thủ tướng đầu tiên của Singapore lên nắm quyền khi 35 tuổi, người kế nhiệm ông là Goh Chok Tong ở tuổi 49 và Thủ tướng Lý Hiển Long ở tuổi 52. Vì vậy, Phó Thủ tướng Vương Thụy Kiệt, hiện 60 tuổi, cho rằng ông không còn đủ thời gian để chuẩn bị hành trang đảm nhận vị trí lãnh đạo đất nước.
Năm 2018, ông Vương Thụy Kiệt đã được các thành viên đảng PAP chọn là “nhân vật số một” và có khả năng trở thành ứng cử viên sáng giá cho vị trí Thủ tướng thứ tư của Singapore khi Thủ tướng Lý Hiển Long nghỉ hưu. Quyết định này của ông có thể được coi là “cơn địa chấn” trong nền chính trị của Đảo quốc Sư tử vốn coi trọng tiền lệ, trong khi đây lại là diễn biến chưa từng có tiền lệ. Nó cũng tạo ra bước chuyển bất ngờ trên chính trường Singapore.
Hoàng tế Philip, phu quân của Nữ hoàng Anh Elizabeth II, qua đời
Điện Buckingham thông báo, Hoàng tế Philip, Công tước xứ Edinburg, chồng Nữ hoàng Anh Elizabeth II đã qua đời ngày 9/4, hưởng thọ 99 tuổi tại Lâu đài Windsor, chỉ chưa đầy một tháng kể từ khi ông xuất viện sau thời gian phải điều trị ở London do bị nhiễm trùng và phẫu thuật tim.
Từ chiều 9/4, hàng trăm người đã tập trung bên ngoài Lâu đài Windsor và Cung điện Buckingham để đặt hoa tưởng niệm Hoàng tế Philip. Cung điện và tất cả các tòa nhà chính phủ đều treo cờ rủ. Hoàng gia Anh đã mở sổ tang trực tuyến trên trang web để người dân có thể gửi lời chia buồn, và đề nghị người dân quyên góp từ thiện thay vì đặt hoa tưởng niệm.
Tang lễ của Hoàng tế Philip sẽ không theo nghi thức cấp nhà nước theo ý nguyện của ông. Công tước sẽ nằm tại Lâu đài Windsor trước khi tang lễ được cử hành tại Nhà nguyện Thánh George của lâu đài, tuân thủ quy định giãn cách xã hội. Ông sẽ được chôn cất tại Frogmore Gardens trong khuôn viên của Lâu đài Windsor.
Lãnh đạo nhiều nước trên thế giới, từ Mỹ, châu Âu, tới khối Thịnh vượng chung bao gồm cả Ấn Độ, Canada, Australia, New Zealand… đều bày tỏ lòng tiếc thương và chia buồn với Hoàng gia và người dân Anh về sự ra đi của Hoàng tế Philip.
Hoàng tế Philip kết hôn với Công chúa Elizabeth vào năm 1947, đóng vai trò quan trọng trong việc hiện đại hóa Hoàng gia Anh trong thời kỳ hậu chiến sau khi bà trở thành Nữ hoàng vào năm 1952. Ông là phối ngẫu hoàng gia phục vụ lâu nhất trong lịch sử nước Anh. Năm 2017, ông dừng đảm nhiệm các nhiệm vụ hoàng gia chính thức.
Giao tranh đẫm máu tại Yemen khiến 53 tay súng thiệt mạng
Ngày 10/4, các quan chức quân đội ủng hộ Chính phủ Yemen cho biết cho cuộc giao tranh tại vùng Marib đã trở nên ngày càng ác liệt, với 53 tay súng thuộc các lực lượng ủng hộ chính phủ và lực lượng nổi dậy Houthi thiệt mạng trong 24 giờ qua.
Lực lượng Houthi hồi tháng 2 vừa qua đã phát động cuộc tấn công quy mô lớn nhằm giành quyền kiểm soát Marib – thành trì cuối cùng của quân đội chính phủ ở phía Bắc Yemen. Theo truyền thông địa phương, các cuộc giao tranh giữa hai bên khiến hàng chục người thiệt mạng.
Yemen bị sa lầy trong nội chiến kể từ cuối năm 2014, khi lực lượng Houthi giành quyền kiểm soát một số tỉnh miền Bắc Yemen và buộc chính phủ được quốc tế công nhận của Tổng thống Abd-Rabbu Mansour Hadi phải rời thủ đô Sanaa.
Liên minh Arab do Saudi Arabia đứng đầu đã can thiệp quân sự tại Yemen từ năm 2015 để hỗ trợ chính phủ của Tổng thống Hadi./.
Tổng hợp-TT