Lý do Việt Nam được chọn là nơi tổ chức thượng đỉnh Mỹ – Triều; Rộ tin; đồn đảo chính ở Thái Lan, cảnh sát trong tình trạng báo động; HSBC: Cơn gió ngược trên toàn cầu tạo lực đẩy cho ASEAN hội nhập…là những tin chính được cập nhật.
Lý do Việt Nam được chọn là nơi tổ chức thượng đỉnh Mỹ – Triều
Tổng thống Mỹ Trump, phải, và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp lần một tại Singapore năm ngoái. Ảnh: AP.
Giới quan sát cho rằng Việt Nam có thể tổ chức tốt thượng đỉnh Mỹ – Triều lần hai và đóng góp lớn cho tiến trình phi hạt nhân.
Trong thông điệp liên bang hôm 9/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo cuộc gặp lần hai giữa ông và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ diễn ra ở Việt Nam, trong hai ngày 27-28/2.
“Rõ ràng Việt Nam có khả năng đảm bảo các vấn đề hậu cần và an ninh cho cuộc họp thượng đỉnh Mỹ – Triều. Việt Nam đã có kinh nghiệm làm nước chủ nhà các sự kiện quốc tế, tiêu biểu là hội nghị APEC năm 2017”, Giáo sư Charles Armstrong, Đại học Columbia, Mỹ đánh giá khi trao đổi với VnExpress.
Armstrong nhắc đến chuỗi sự kiện trong Tuần lễ cấp cao APEC cuối năm 2017 diễn ra tại Đà Nẵng. Nguyên thủ của hầu hết các nước thành viên APEC đều tham dự, trong đó có Tổng thống Mỹ Trump, Tổng thống Nga Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Chuyên gia này đánh giá Việt Nam là “địa điểm thú vị” để tổ chức cuộc họp lần hai giữa Tổng thống Mỹ và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Hà Nội có quan hệ tốt với cả Washington và Bình Nhưỡng, có thể được xem là bên hòa giải vì hòa bình.
Giáo sư Nam sung-wook, Đại học Hàn Quốc, cũng cho rằng “Việt Nam là địa điểm tốt nhất để tổ chức hội nghị thượng đỉnh”.
“Việt Nam là một nước mang tính biểu tượng về việc cung cấp hậu cần, an ninh tốt và cả vai trò hòa giải vì hòa bình”, Nam nói.
Rộ tin đồn đảo chính ở Thái Lan, cảnh sát trong tình trạng báo động
Mạng xã hội Thái Lan rộ lên tin đồn sắp có đảo chính song quân đội bác bỏ, khẳng định việc điều động quân chỉ nhằm giữ gìn an ninh.
Cảnh sát chống bạo động Thái Lan hôm 9/2 nhận được lệnh điều động và chuẩn bị sẵn sàng bảo vệ các cơ sở trọng yếu tại tỉnh Phichit, làm rộ lên tin đồn có âm mưu đảo chính, theo tờ Khaosod.
Hiện chưa rõ nguyên nhân vì sao lệnh trên được ban bố và liệu các tỉnh khác tại Thái Lan có ra quyết định điều động tương tự hay không. Công văn của tỉnh trưởng Phichit bị rò rỉ chỉ cho biết việc huy động lực lượng an ninh là do “vấn đề cấp thiết của chính phủ”.
Cảnh sát trưởng Phichit, tướng Thawatchai Muannara xác nhận thông tin liên quan đến quyết định này nhưng khẳng định việc điều động lực lượng chỉ nhằm giữ gìn an ninh, trật tự trước thềm cuộc bầu cử ngày 24/3.
Sáng sớm 10/2, một đoàn xe thiết giáp được nhìn thấy di chuyển từ phía bắc thủ đô Bangkok tới tỉnh Lopburi. Quân đội cho hay việc chuyển quân nhằm chuẩn bị cho đợt tập trận chung Hổ mang Vàng với quân đội Mỹ và các đồng minh.
Đêm 10/2, mạng xã hội Thái Lan bắt đầu lan truyền tin đồn về khả năng xảy ra đảo chính quân sự. “Đảo chính” cũng đang nằm trong danh sách những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất.
HSBC: Cơn gió ngược trên toàn cầu tạo lực đẩy cho ASEAN hội nhập
(TTXVN/Vietnam+) Những nguy cơ tiềm ẩn của bất ổn kinh tế vĩ mô làm chậm lại kinh tế toàn cầu có thể trở thành đòn bẩy giúp ASEAN đẩy nhanh tiến trình cải cách mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2019. Đây là thông tin được công bố trong báo cáo vừa phát hành của Tập đoàn HSBC ngày 11/2.
Dòng chảy thương mại đổ vào ASEAN
Cụ thể, trong bối cảnh tăng cường dòng chảy thương mại nội khối để bù đắp thương mại toàn cầu đi xuống, các nền kinh tế ASEAN có thể cải thiện phần nào tình hình thương mại đi xuống nếu sự dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc sang Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, việc tăng cường hỗ trợ các dòng chảy hàng hóa và dịch vụ trong nội khối ASEAN diễn ra thuận lợi sẽ khiến cho xu hướng dịch chuyển này diễn ra sâu rộng hơn.
Việt Nam với lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất ngày càng tăng trở thành thị trường có thể hưởng lợi nhiều nhất từ sự dịch chuyển thương mại đến từ căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Dẫn chứng cụ thể, báo cáo từ Khối Nghiên cứu Kinh tế Tập đoàn HSBC quý I/2019, một nền kinh tế khu vực châu Á nắm bắt được 1% lượng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ hay 1% lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc, GDP của thị trường đó sẽ tăng đáng kể.
*** Chiến trường Syria: Nga khiến kình địch lớn nhất không đánh mà tự thua?
(VnMedia) – Mỹ có thể sẽ rút quân ra khỏi chiến trường Syria theo lệnh của Tổng thống Donald Trump trong vài tuần tới, chỉ huy hàng đầu của Mỹ phụ trách giám sát các lực lượng quân sự Mỹ ở Trung Đông hôm qua (10/2) cho biết.
Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren tuyên bố tranh cử tổng thống Mỹ!
Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren của bang Massachusetts, một trong những tiếng nói chỉ trích Tổng thống Trump kịch liệt nhất trên chính trường, đã chính thức tuyên bố tranh cử.
Chính trường Thái ‘địa chấn’ với những can dự bất ngờ từ hoàng gia
Chiến dịch tranh cử kết thúc chóng vánh của công chúa Thái Lan là diễn biến mới nhất cho thấy sự tham gia ngày càng rõ nét của hoàng gia trên chính trường nước này.
*** Nguy cơ xóa sổ đảng đề cử công chúa Thái
Đảng đề cử công chúa Thái Lan ra tranh cử thủ tướng có thể bị cấm tham gia cuộc tổng tuyển cử, sau khi một nhà hoạt động nói rằng sẽ đệ đơn kiện để tìm cách xóa sổ đảng này.
Ủy ban Bầu cử Thái Lan sẽ tổ chức một cuộc họp vào ngày 11/2 để xem xét về việc ứng cử của Công chúa Ubolratana Rajakanya Sirivadhana Barnavadi. Công chúa 67 tuổi đã khiến cả nước Thái bất ngờ sau khi tuyên bố sẽ đăng ký làm ứng viên Thủ tướng cho đảng Thai Raksa Chart, một trong số các đảng liên quan đến đảng Pheu Thai của cựu Thủ tướng Yingluck và Thaksin Shinawatra.
Tuy nhiên, tuyên bố của Công chúa Ubolratana đã vấp phải sự phản đối của em trai bà, Vua Maha Vajiralongkorn. Quốc vương Thái Lan, đêm 8/2, ra tuyên bố khẳng định tư cách ứng viên Thủ tướng của chị gái ông là “không phù hợp và vi hiến”.
“Thông báo của Hoàng gia đã nêu rõ đảng [Thai Raksa Chart] đã vi phạm luật bầu cử”, ông Srisuwan Janya, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo vệ Hiến pháp Thái Lan ngày 10/2 nói với Reuters. Ông Srisuwan tuyên bố sẽ nộp đơn lên Ủy ban Bầu cử để đề nghị cơ quan này kiến nghị Tòa án Hiến pháp giải tán đảng Thai Raksa Chart.
Chủ tịch đảng Thai Raksa Chart, Chaturon Chaisaeng đã từ chối bình luận về yêu cầu giải tán đảng. Trong thông báo hôm 9/2, đảng Thai Raksa Chart cho biết họ “nghiêm túc chấp nhận sắc lệnh của quốc vương và sẽ tuân thủ các quy định bầu cử cũng như các truyền thống hoàng gia”.
– Ngày 10/2, Hàn Quốc và Mỹ đã ký thỏa thuận chia sẻ chi phí quốc phòng cho các lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc. Theo đó, Hàn Quốc sẽ chi trả 1.030 tỷ won (890 triệu USD) trong năm nay, tăng 8,2% so với năm 2018.
– Cuộc biểu tình tuần thứ 13 của hàng nghìn người phe “Áo vàng” ở thủ đô Paris, Pháp đã biến thành bạo động khi họ cố xông vào tòa nhà quốc hội và thượng viện. Người biểu tình còn ném mảnh vỡ vào lực lượng an ninh, đốt xe hơi, xe máy và thùng rác khi di chuyển về phía điện Invalides và tháp Eiffel.
– Phủ Tổng thống Hàn Quốc ngày 10/2 cho biết, Mỹ và Triều Tiên có kế hoạch tổ chức vòng đàm phán mới tại một nước thứ ba ở châu Á vào tuần sau để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai giữa lãnh đạo hai nước.
– Theo Ủy ban Bầu cử Trung ương Ukraina (CEC), tổng cộng 44 trong số 91 người nộp hồ sơ đã trở thành ứng viên tranh cử Tổng thống Ukraina vào cuối tháng 3/2019. Đây là con số kỷ lục trong lịch sử của nước này.
– Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren của bang Massachusetts, Mỹ, một trong những người chỉ trích Tổng thống Donald Trump kịch liệt nhất trên chính trường, đã chính thức tuyên bố ra tranh cử chức Tổng thống Mỹ.
– Lượng người xuất và nhập cảnh tại biên giới Trung Quốc đã lên tới 12,53 triệu người (tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái) trong dịp Tết Nguyên Đán, Tân Hoa xã ngày 10/2 dẫn số liệu của Cơ quan Quản lý Xuất nhập cảnh Trung Quốc.
– Giới chức Ấn Độ cho biết, tổng số ca tử vong do uống phải rượu không rõ nguồn gốc tại miền bắc nước này hiện đã lên tới 72 người. Trong khi đó, truyền thông sở tại đưa tin con số này là trên 90 người.
*** Mỹ-Triều nỗ lực viết tiếp lịch sử, châu Âu-Trung Quốc căng thẳng vì vấn đề gián điệp
Mỹ-Triều chốt lịch gặp mặt thượng đỉnh lần hai tại Hà Nội, Nga- Mỹ tranh cãi nảy lửa về Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và căng thẳng giữa châu Âu-Trung Quốc vì vấn đề gián điệp… là các sự kiện đáng chú ý nhất trong tuần.
Tình báo công nghiệp và những vụ án rung chuyển thế giới
Năm 2013, James Clapper, giám đốc cơ quan tình báo Mỹ, từng tuyên bố: “…cái mà người Mỹ chúng ta không làm, đó là việc sử dụng các mạng lưới tình báo của mình ở nước ngoài để đánh cắp các bí mật kinh tế và thương mại và trao chúng cho các xí nghiệp hay các công ty Mỹ giúp họ nâng cao tính cạnh tranh”.
Nhận diện một thế giới mới
Sự lên ngôi của chủ nghĩa dân túy cực hữu và những hoạt động ám sát xuyên biên giới trong thời gian qua đang đặt hàng loạt câu hỏi về một thế giới mới đang manh nha hình thành trong một trật tự chính trị và thách thức mới.
Cháy trung tâm huấn luyện, 10 cầu thủ trẻ Brazil thiệt mạng
Vụ hỏa hoạn cướp đi sinh mạng của 10 thiếu niên trong câu lạc bộ bóng đá Flamengo của Brazil đã một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về những điều kiện rất bấp bênh mà nhiều cầu thủ trẻ của nước này gặp phải khi theo đuổi giấc mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp.
Hàn Quốc chi tiền khủng cho quân Mỹ tiếp tục đóng quân
Các quan chức Mỹ-Hàn đã ký một thỏa thuận ngày 10-2 nhằm tăng cường sự đóng góp của Hàn Quốc cho sự duy trì quân đội Mỹ tại bán đảo Triều Tiên, thỏa thuận tương tự trước đó đã bị đình chỉ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi Hàn Quốc “đóng thêm tiền”.
Cháy rừng lan rộng ở New Zealand, hàng ngàn người phải di tản
Tình hình thời tiết với những cơn gió mạnh vào ngày 10-2 được dự báo sẽ “tiếp sức” cho những đám cháy rừng đang hoành hành suốt một tuần qua tại Đảo Nam của New Zealand, khiến hàng ngàn người buộc phải di dời khỏi nơi ở.
Tổng hợp-TT