Truyền thông Canada đánh giá cao công tác chống dịch Covid-19 của Việt Nam; Suy thoái do Covid-19 có thể phá vỡ Eurozone; Hơn 13 triệu người nhiễm nCoV toàn cầu; Cảnh báo đáng sợ của Oxfam; Tỷ lệ nhiễm COVID-19 tăng cao, hơn nửa số bang ở Mỹ hoãn tái mở cửa…là những tin chính được cập nhật.
Truyền thông Canada đánh giá cao công tác chống dịch Covid-19 của Việt Nam
Bệnh nhân 91 – nhận giấy chứng nhận xuất viện từ PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị. Ảnh: BVCR
SGGP Trang CBC.ca của Canada ngày 11-7 có đăng bài viết với tiêu đề “Phi công Anh khỏi bệnh – biểu tượng chống đại dịch thành công của Việt Nam trở về quê hương”.
Viên phi công người Anh, bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 nặng nhất tại Việt Nam, người đã có thời điểm cận kề cái chết, đã được xuất viện ngày 11-7 để về nước.
Theo bài viết, trường hợp bệnh nhân người Anh Stephen Cameron, phi công làm việc cho Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, đã gây xúc động mạnh tại Việt Nam, nơi biện pháp xét nghiệm tập trung (vào các đối tượng cần xét nghiệm) kết hợp với một chương trình cách ly nghiêm ngặt đã hạn chế số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở con số 370 – một mức thấp vô cùng ấn tượng và không có ca tử vong. Bài viết điểm lại quá trình mắc bệnh của bệnh nhân được gọi là “bệnh nhân thứ 91” và cho rằng, những nỗ lực của các bác sĩ Việt Nam nhằm cứu sống bệnh nhân này đã trở thành biểu tượng cho cuộc chiến chống dịch Covid-19 thành công của Việt Nam.
Trước đó, báo Globe and Mail của Canada cũng từng đăng bài viết với tiêu đề “Không có ca tử vong, Việt Nam tạo chuẩn mực cho cuộc chiến chống Covid-19”. Theo bài viết, Chính phủ Việt Nam đã sớm “khắc chế” được virus SARS-CoV-2 bằng các biện pháp cách ly, truy dấu tiếp xúc và các chiến dịch truyền thông xã hội để giáo dục cộng đồng.
Chuyên gia Canada hoạt động trong lĩnh vực tư vấn về giáo dục, hiện đang làm việc tại TPHCM, ông Thomas Alexander, cho biết trong cuộc chiến của Việt Nam với dịch Covid-19, ông ấn tượng nhất về tầm nhìn xa của các nhà lãnh đạo Việt Nam. Ông Alexander nói giới chức Việt Nam dường như đã sớm thấu hiểu được bản chất phức tạp của dịch bệnh. Ở thời điểm ban đầu, khi virus trên còn “xa lạ” với người dân, nhiều người chưa tuân thủ những biện pháp hạn chế của chính phủ một cách nghiêm túc. Nhưng sau đó, người Việt Nam cũng như người nước ngoài đều nhận ra các biện pháp quyết liệt là xác đáng. Sinh sống tại Việt Nam trong thời gian có dịch Covid-19, ông Alexander xúc động chia sẻ: “Tôi cảm thấy mình rất may mắn được có mặt ở đúng nơi và vào đúng thời điểm”.
Suy thoái do Covid-19 có thể phá vỡ Eurozone
SGGP Trả lời phỏng vấn tờ Die Welt của Đức, Ủy viên kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) Paolo Gentiloni tuyên bố tình trạng suy thoái do đại dịch Covid-19 gây ra tại khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang trở nên tồi tệ hơn và đe dọa phá vỡ Eurozone.
Ảnh hưởng dây chuyền
Theo ông Gentiloni, các nền kinh tế thuộc Eurozone đang ở bờ vực tan vỡ do GDP đang bị co lại tại Italy, Pháp và Tây Ban Nha, hiện đang chứng kiến chỉ số này giảm 10-11%. Ông Gentiloni cũng nhấn mạnh các quốc gia EU cần nhất trí một kế hoạch hồi phục kinh tế sớm nhất có thể khi mà việc này sẽ xây dựng lòng tin vào nền kinh tế của mỗi quốc gia và góp phần vào sự phục hồi nhanh chóng hơn.
Gia tăng thử nghiệm vaccine
Ngày 11-7, nhà sáng lập Công ty sản xuất vaccine CanSino Biologics của Trung Quốc cho biết đang đàm phán với Nga, Brazil, Chile và Saudi Arabia để thử nghiệm giai đoạn 3 một loại vaccine phòng Covid-19 của công ty này.
Giám đốc Điều hành, Nhà đồng sáng lập Công ty CanSino, ông Khâu Đông Húc, cho hay thử nghiệm giai đoạn 3 sẽ sớm bắt đầu và CanSino dự kiến kêu gọi 40.000 người tham gia. Vaccine Ad5-nCov phòng Covid-19 của CanSino trở thành loại vaccine đầu tiên tại Trung Quốc được phép thử nghiệm trên người từ tháng 3, song tiến độ thử nghiệm chậm hơn các loại vaccine tiềm năng khác. Trong khi đó, 2 loại vaccine được Công ty Sinovac Biotech và một đơn vị thuộc Tập đoàn Dược phẩm quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) phát triển đã được chấp thuận cho thử nghiệm giai đoạn 3.
Giám đốc Điều hành Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) Kirill Dmitriev cho biết Brazil và các nước Mỹ Latinh khác sẽ là những nước đầu tiên nhận được thuốc Avifavir điều trị bệnh này do Nga điều chế.
Trong một thông cáo báo chí sau khi thuốc Avifavir được giới thiệu trực tuyến cho đại diện các nước Mỹ Latinh và Caribbean, ông K. Dmitriev cho biết gần 1.500 đại diện từ khắp Mỹ Latinh đã khẳng định sự quan tâm cao của họ đối với Avifavir và RDIF đã nhận được yêu cầu cung cấp thuốc Avifavir từ hơn 50 quốc gia. Avifavir, loại thuốc điều trị Covid-19 đầu tiên của Nga, đã được Bộ Y tế Nga cấp phép hồi cuối tháng 5. Thuốc đã chứng minh hiệu quả điều trị Covid-19 trong 90% các cuộc thử nghiệm.
*** Hơn 13 triệu người nhiễm nCoV toàn cầu
Thế giới ghi nhận hơn 13 triệu ca nCoV, gần 571.000 người chết, châu Mỹ là tâm Covid-19 trong khi các khu vực khác phần nào kiểm soát được dịch.
213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 13.022.313 ca nhiễm và 570.999 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 192.402 và 4.013 trong 24 giờ qua, trong khi 7.573.348 người đã bình phục.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 3.411.326 ca nhiễm trong khi 137.773 người đã tử vong, tăng lần lượt 55.680 và 371 ca trong 24 giờ qua. Các điểm nóng Covid-19 như Texas, Florida lần lượt ghi nhận 264.965 và 269.811 ca nhiễm, trong khi con số này ở California là 326.989.
Hàng chục bang Mỹ đang báo cáo ca nhiễm nCoV tăng cao trở lại, trong đó một số bang ghi nhận con số kỷ lục và phải tái áp đặt biện pháp phong tỏa để hạn chế bệnh dịch lây lan. Cố vấn y tế Nhà Trắng Anthony Fauci đã cảnh báo Mỹ vẫn đang trong làn sóng Covid-19 đầu tiên và phải hành động ngay để ngăn ca nhiễm mới tăng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 11/7 đeo khẩu trang trước công chúng khi đến thăm bệnh viện quân đội Walter Reed ở bang Maryland. Đây là lần đầu tiên ông được nhìn thấy làm theo các khuyến nghị của các chuyên gia y tế chính phủ về việc đeo khẩu trang nơi công cộng.
Brazil, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, thông báo thêm 23.869 ca nhiễm và 608 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 1.864.681 và 72.100. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại số ca nhiễm thực tế ở đất nước này cao hơn rất nhiều so với báo cáo do hạn chế xét nghiệm.
Dù tình hình dịch không có dấu hiệu ổn định, một số bang ở Brazil, bao gồm hai vùng dịch lớn là Rio de Janeiro và Sao Paulo, đã bắt đầu nới các biện pháp hạn chế. Hình ảnh những quán bar và bãi biển đông đúc làm dấy lên lo ngại về các đợt bùng phát mới.
Peru, vùng dịch lớn khác tại Mỹ Latinh, ghi nhận thêm 3.616 ca nhiễm và 188 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 326.326 và 11.870, là vùng dịch lớn thứ năm thế giới. Chính phủ Peru hôm 1/7 dỡ lệnh phong tỏa tại 18 trong số 25 vùng, nơi họ nhận định đã qua đỉnh dịch. Chính phủ của Tổng thống Martín Vizcarra cho biết nới lỏng các biện pháp hạn chế sẽ giúp hồi sinh tăng trưởng kinh tế quốc gia.
Chile xếp thứ sáu thế giới với 315.041 ca nhiễm và 6.979 ca tử vong, tăng lần lượt 3.012 và 98 ca so với hôm trước. Giới chức nước này hôm 8/7 lên kế hoạch nới dần các biện pháp phong tỏa, song cho biết vẫn rất thận trọng.
Mexico là vùng dịch lớn thứ tám thế giới với 295.268 ca nhiễm và 34.730 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm lần lượt 6.094 và 539 ca. Thủ đô Mexico City, tâm Covid-19 cả nước, bắt đầu mở cửa một phần kinh tế kể từ đầu tháng 7. Nhà hàng và quán bar được phép mở lại nhưng chỉ được hoạt động 50% công suất trong khi trường học vẫn đóng cửa.
Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, báo cáo thêm 130 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 11.335. Số ca nhiễm tăng 6.615, lên 727.162, đánh dấu ngày thứ 17 liên tiếp số ca nhiễm mới hàng ngày dưới 7.000 kể từ cuối tháng 4.
Các biện pháp hạn chế, gồm lệnh cấm các chuyến bay quốc tế, vẫn duy trì đến tháng 8. Tuy nhiên, nhiều biện pháp đã được nới lỏng như cho phép các nhà hàng, phòng gym và đi lại nội địa nối lại hoạt động với điều kiện tuân thủ quy tắc giãn cách xã hội. Nga tuyên bố dịch bệnh trong tầm kiểm soát.
Tây Ban Nha chưa công bố số liệu mới, ca nhiễm và ca tử vong ở nước này hôm 12/7 lần lượt là 300.988 và 28.403. Tây Ban Nha chấm dứt tình trạng khẩn cấp từ 21/6, cho phép người từ các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) và khu vực Schengen nhập cảnh mà không phải cách ly hai tuần.
Quần đảo Balearic, một trong những điểm du lịch hàng đầu của Tây Ban Nha, sẽ yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc ở nơi công cộng từ 13/7, ngay cả khi mọi người giữ khoảng cách an toàn.
Anh báo cáo thêm 650 ca nhiễm và 21 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 289.603 và 44.819.Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 10/7 cho biết có thể áp các quy tắc chặt chẽ hơn về đeo khẩu trang để ngăn ca nCoV lây lan và ông muốn thấy người dân đeo chúng thường xuyên hơn.
Các cửa hàng không thiết yếu ở Anh đã mở cửa trở lại từ 15/6. Các tiệm làm tóc, quán rượu và nhà hàng cũng bắt đầu kinh doanh trở lại từ cuối tuần trước. Người dân Anh được yêu cầu đeo khẩu trang trên phương tiện giao thông công cộng và khi tới bệnh viện.
Italy ghi nhận thêm 234 ca nhiễm và 9 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 243.061 và 34.954. Viện Y tế Quốc gia Italy hôm 9/7 cho biết đang lên kế hoạch giám sát nước thải trên toàn quốc để cảnh báo sớm về những nguy cơ bùng phát Covid-19.
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte ngày 10/7 thông báo nước này có thể gia hạn tình trạng khẩn cấp sau thời hạn hiện tại là 31/7. Tình trạng khẩn cấp giúp chính phủ đẩy nhanh thủ tục hành chính nếu cần thiết để áp dụng biện pháp chống dịch.
Đức báo cáo thêm 138 ca nhiễm, nâng tổng số người nhiễm lên 199.950, trong khi số ca tử vong vẫn dừng ở mức 9.134. Hầu hết cửa hàng trên cả nước đã mở lại, một số bang chỉ cho phép cửa hàng từ 800 m2 trở lên hoạt động. Giới chức Đức cho biết người hâm mộ bóng đá có thể tới sân vận động xem các trận đấu vào mùa thu này.
Tại Trung Đông, Iran ghi nhận thêm 2.186 ca nhiễm, nâng tổng số lên 257.303, trong đó 12.829 người chết, tăng 194 ca so với hôm qua. Iran đã dần nới lỏng các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn Covid-19 từ giữa tháng 4, song gần đây lại ghi nhận số ca nhiễm gia tăng trở lại.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm 12/7 kêu gọi cấm các cuộc tụ tập đông người, trong đó có đám cưới, đám tang, trong khi lãnh tụ tối cao Iran Khamenei gọi hành động không đeo khẩu trang để phòng nCoV là “đáng xấu hổ”, đồng thời kêu gọi người dân chung tay đẩy lùi Covid-19.
Arab Saudi ghi nhận thêm 2.779 ca nhiễm và 42 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 232.259 và 2.223. Nước này chấm dứt lệnh giới nghiêm toàn quốc vì nCoV cuối tháng 6. Tuy nhiên, chính phủ năm nay chỉ “cho phép 1.000 người hoặc ít hơn” tới hành hương tại thánh địa Mecca và chỉ người dân Arab Saudi mới có cơ hội.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, báo cáo thêm 29.108 ca nhiễm và 500 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 879.466 và 23.187. Các thành phố lớn của Ấn Độ là những nơi bị Covid-19 ảnh hưởng nặng nề nhất như New Delhi và Mumbai.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 30/6 cho rằng “sự tắc trách” trong xã hội ngày càng tăng kể từ khi chính phủ nới lỏng hạn chế ngăn Covid-19, thêm rằng người dân đang phớt lờ cách biệt cộng đồng và các hướng dẫn y tế khác.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 75.699 ca nhiễm, tăng 1.681 trường hợp so với hôm qua, trong đó 3.606 người chết, tăng 71 ca. Gần 1.300 người liên quan tới Trường Sĩ quan Lục quân Indonesia dương tính với nCoV giữa lúc nước này chật vật kiềm chế đại dịch.
Trong khi đó, quan chức Bộ Y tế Indonesia Achmad Yurianto cho rằng ca nhiễm mới tăng nhanh do nhiều người dân chủ quan khi đất nước mở cửa trở lại và nới phong tỏa.
Philippines, vùng dịch lớn thứ hai trong khu vực, chưa báo cáo số liệu mới. Số ca nhiễm và ca tử vong do nCoV nước này hôm 12/7 lần lượt là 54.222 và 1.372. Theo Bộ Y tế nước này, ca nhiễm mới tăng mạnh có thể là do người dân tiếp xúc với nhau nhiều hơn sau khi chính quyền bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa, nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của dịch bệnh đối với nền kinh tế.
Singapore là vùng dịch lớn thứ ba khu vực, với 45.961 ca nhiễm, tăng 178 ca, trong đó 26 người chết. Singapore đang nới dần các biện pháp hạn chế theo từng giai đoạn.
Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là các nước trong khu vực chưa ghi nhận ca tử vong do nCoV.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cuối tuần qua kêu gọi các nước đang bị Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tiếp tục duy trì các biện pháp kiểm soát mạnh mẽ để ngăn chặn đại dịch.
Ấn Độ cũng trải qua một ngày nghiêm trọng, thêm 29.000 ca nhiễm mới vào danh sách gần 880.000 bệnh nhân và 500 trường hợp tử vong vào tổng số trên 23.200 người thiệt mạng.
*** Cảnh báo đáng sợ của Oxfam
Tổ chức Oxfam vừa ra báo cáo, trong đó nêu viễn cảnh một cuộc khủng hoảng thiếu lương thực vô cùng nghiêm trọng trên thế giới, với nhiều người có thể chết vì đói mỗi ngày thậm chí nhiều hơn cả chết vì Covid-19.
“Đại dịch là ‘cọng rơm cuối cùng’ với hàng triệu người vốn đang phải vật lộn với hệ quả của xung đột, biến đổi khí hậu, bất bình đẳng và một hệ thống thực phẩm bị phá vỡ đã đẩy hàng triệu nông dân và người lao động vào đói nghèo”, quyền Tổng giám đốc Oxfam Chema Vera nói.
Oxfam cho biết, ước tính 122 triệu người nghèo nhất trên hành tinh có thể bị đẩy sâu hơn vào cảnh đói ăn, và 12.000 người có thể chết lả mỗi ngày liên quan đến đại dịch Covid-19 vào cuối năm nay.
Tỷ lệ tử vong vì Covid-19 đạt đỉnh điểm 10.000 trường hợp/ngày hồi tháng 4.
Hong Kong lo mất kiểm soát với Covid-19
Đặc khu Hành chính Hong Kong ghi nhận 37 ca mắc Covid-19 trong ngày 12/7, bao gồm 30 ca lây nhiễm trong cộng đồng, còn lại là “ngoại nhập”. Như vậy đến nay, Hong Kong có tổng cộng 1470 bệnh nhân Covid-19 và 7 người đã tử vong.
Trong hơn 20 ca mới xét nghiệm sơ bộ cho kết quả dương tính có tới 13 trường hợp không rõ nguồn lây.
Các nhà chức trách khuyến cáo, tình hình dịch bệnh có thể mất kiểm soát nếu người dân buông lỏng các biện pháp phòng dịch. Lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam bày tỏ lo ngại dịch bệnh lại trở nên nghiêm trọng trong những ngày gần đây.
Hàng loạt doanh nghiệp Thái Lan nguy cơ đóng cửa
Theo Chủ tịch Hội đồng Du lịch Thái Lan (TCT) Chairat Trirattanajarasporn, khoảng 1/3 doanh nghiệp lữ hành ở nước này đứng trước nguy cơ không còn thanh khoản để duy trì kinh doanh trong nửa cuối năm 2020.
Quan chức này mô tả tác động của Covid-19 sẽ nghiêm trọng nhất vào quý 3 của năm, sau khi một loạt doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí bằng cách tinh giản lao động. Đã có hơn 1 triệu công việc bị cắt và tình hình chung vẫn chưa cải thiện vì khách nước ngoài vẫn chưa được phép tới Thái Lan.
Ông Chairat khuyến cáo, trong 3 tháng tới sẽ có 30% doanh nghiệp liên quan du lịch ở Thái Lan có nguy cơ đóng cửa vĩnh viễn.
*** Tỷ lệ nhiễm COVID-19 tăng cao, hơn nửa số bang ở Mỹ hoãn tái mở cửa
Cơ quan Y tế Florida thông báo bang này ghi nhận 15.299 trường hợp nhiễm COVID-19 mới trong ngày 11/7, số ca mắc mới trong một ngày cao nhất từng ghi nhận ở bất kỳ tiểu bang nào kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Một quyết định gây ảnh hưởng sâu rộng tới nước Mỹ
Thông báo hôm 6-7 của Cơ quan Hải quan và Nhập cảnh Mỹ (ICE) về việc sinh viên nước ngoài đang theo học tại Mỹ sẽ phải về nước hoặc đứng trước nguy cơ bị trục xuất nếu như đăng ký toàn bộ các tín chỉ theo hình thức học trực tuyến được đánh giá là có thể sẽ khiến các trường cao đẳng và đại học Mỹ chịu nhiều tổn thất về doanh thu.
Trung Quốc vừa hứng dư chấn từ trận động đất kinh hoàng năm 1976
Trận động đất mạnh hơn 5 độ richter xảy ra sáng nay (12/7) ở phía Bắc Trung Quốc được xác nhận là một dư chấn của trận động đất kinh hoàng xảy ra năm 1976.
Hơn 300 vụ cháy rừng nhấn chìm Siberia “lạnh giá” trong lửa, khói
Hơn 300 đám cháy rừng từ lớn đến nhỏ đang tàn phá vùng Siberia của Nga, trong khi giới chức nước này buộc phải dùng đến cả thuốc nổ để ngăn cháy lan rộng.
Tổng thống Brazil khổ sở vì “cúm vặt” COVID-19
Mô tả COVID-19 chỉ như một loại “cúm vặt” không đáng sợ, song Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đang buộc phải sống cách ly, họp trực tuyến và uống thuốc vì nhiễm bệnh.
Biển người Israel đổ ra đường biểu tình phản đối chính phủ vì COVID-19
Hàng ngàn người dân Israel đã tràn xuống đường phố ở Tel Aviv phản đối cách ứng phó của chính quyền với đại dịch COVID-19 và hối thúc nhà chức trách chi tiền cứu trợ.
Giữa ngã ba đường
Đó là cụm từ mà giới phân tích chính trị dùng để miêu tả tình trạng hiện nay của Ấn Độ. Trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc hiện nay, Ấn Độ sẽ chọn người “bạn lâu năm” Nga hay Mỹ – nước đã công khai lên tiếng ủng hộ quốc gia đồng minh Nam Á trong xung đột với Bắc Kinh?
Sau vỡ đê, tỉnh Giang Tây của Trung Quốc chuẩn bị hứng lũ lớn lịch sử
Mưa lớn không dứt kéo dài nhiều ngày khiến mực nước sông Dương Tử chảy qua tỉnh Giang Tây của Trung Quốc dâng cao chưa từng có, buộc chính quyền địa phương nâng mức cảnh báo lũ lụt lên mức cao nhất.
Mỹ cảnh báo công dân cảnh giác bị bắt giữ vô cớ tại Trung Quốc
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 11/7 đưa ra cảnh báo công dân Mỹ về việc “thực hiện tăng cường cảnh giác” tại Trung Quốc trước nguy cơ bị giam giữ và cấm xuất cảnh.
Cơn giận dữ của sông Dương Tử
Nước tràn và vỡ bờ từ chiều 8/7. Huang Huoxiu đứng từ ngôi nhà ba tầng của bà, cách bờ sông vài trăm mét và nhìn dòng nước dữ tiến dần về phía mình.
Không ghi nhận ca nhiễm COVID-19 mới, Bắc Kinh nới lỏng hạn chế đi lại
Bắc Kinh đã tiếp tục nới lỏng các hạn chế đi lại sau 5 ngày liên tiếp không có trường hợp nhiễm COVID-19 mới tại thành phố này.
Mỹ xác lập kỷ lục số ca nhiễm COVID-19 mới theo ngày
Theo số liệu của Reuters, Mỹ đã ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 theo ngày cao kỷ lục, hơn 69.000 ca, trong ngày 10/7.
Tổng hợp-TT