Báo động buôn bán ma túy chuyển sang hình thái mới; Tổng thống Biden “hài lòng” với lập trường cứng rắn của G7 với Trung Quốc; Một loạt website báo chí, chính phủ, mạng xã hội toàn cầu bất ngờ không thể truy cập; Na Uy tuyên bố đại dịch Covid-19 đã kết thúc ở nước này; Tuần qua, số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới giảm 12%…là những tin chính được cập nhật.
Báo động buôn bán ma túy chuyển sang hình thái mới
Ngày càng nhiều các loại ma túy, chất gây nghiện trá hình được buôn bán trên mạng
SGGP Theo báo cáo vừa công bố của Liên minh châu Âu (EU), các băng nhóm buôn bán ma túy ở châu Âu đang thay đổi hình thức kinh doanh nhằm thích nghi với thực tế mới, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 buộc các nước phải áp đặt những hạn chế nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh.
Ông Alexis Goosdeel, Giám đốc Trung tâm Giám sát ma túy và nghiện ma túy châu Âu (EMCDDA) có trụ sở tại Lisbon nêu rõ, bất chấp dịch Covid-19, thị trường buôn bán ma túy ở châu Âu vẫn rất sôi động.
Có điều, thị trường này điều chỉnh theo sự gián đoạn Covid-19. Nguy hiểm ở chỗ, các đối tượng mua, bán ma túy đang chuyển từ đường phố lên mạng xã hội, nhận đơn đặt hàng qua dịch vụ nhắn tin được mã hóa, gửi ma túy đến khách hàng qua dịch vụ giao hàng tận nhà.
EMCDDA cảnh báo, cũng do trong quá trình kẻ bán – người mua ma túy dễ dàng “bắt liên lạc với nhau” trên nền tảng trực tuyến nên các đối tượng nghiện ma túy có thể tiếp cận nhiều loại ma túy hơn, với độ tinh khiết cao hơn. Chỉ riêng trong năm 2020, trong Liên minh châu Âu (EU) phát hiện 46 loại ma túy mới.
Việc nhiều quốc gia áp đặt các biện pháp hạn chế để phòng chống dịch Covid-19, các vũ trường, quán bar phải đóng vào ban đêm, đã làm giảm những loại ma túy vốn được sử dụng trong các dịp tiệc tùng như thuốc lắc, nhưng việc tiêu thụ một số loại khác lại tăng đáng kể, đặc biệt là việc mua, bán hợp chất benzodiazepine, thường được kê để an thần.
Mất ngủ, rối loạn lo âu, trầm cảm… là các vấn đề sức khỏe tâm thần do đại dịch gây ra có thể đẩy nhiều người sử dụng ma túy hơn; tác động tài chính của cuộc khủng hoảng có thể khiến họ sử dụng các chất độc hại hơn, nguy hiểm hơn và có khả năng gây chết người hơn.
Tổng thống Biden “hài lòng” với lập trường cứng rắn của G7 với Trung Quốc
– Một trong những vấn đề chính xoay quanh hội nghị thượng đỉnh G7 vừa rồi ở Anh là cách các nhà lãnh đạo G7 tiếp cận với Trung Quốc trong thông cáo chung cuối cùng của họ, đặc biệt là sau khi có thông tin Tổng thống Biden kêu gọi các đồng minh có lập trường cứng rắn đối với Bắc Kinh.
Thông cáo chung đã được phát đi ngày hôm qua (13/6) và dường như G7 đã lựa chọn việc đồng lòng gửi đến Bắc Kinh một thông điệp mạnh mẽ, cứng rắn chứ không chỉ dừng lại ở một thông điệp rõ ràng.
Trung Quốc đã nhận được 4 thông điệp trực tiếp trong thông cáo chung của G7, bao gồm: một yêu cầu về việc điều tra rõ hơn về nguồn gốc của COVID-19; một thỏa thuận về tham vấn các hành động “phi thị trường” của Trung Quốc làm phương hại đến các hoạt động thương mại toàn cầu minh bạch và công bằng; sự bày tỏ lo ngại về những căng thẳng ở Biển Đông, biển Hoa Đông và Eo biển Đài Loan; và một lời kêu gọi dành cho Bắc Kinh về việc phải “tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do căn bản” ở Tân Cương – quê hương của người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác cũng như Hồng Kông.
Về phần mình, Tổng thống Biden cho biết ông “rất hài lòng” với kết quả cuối cùng, mặc dù kết quả đó chưa đủ mạnh như Mỹ hy vọng.
Một loạt website báo chí, chính phủ, mạng xã hội toàn cầu bất ngờ không thể truy cập
Hiện chưa rõ nguyên nhân dẫn tới sự gián đoạn có thể nói là hiếm có tiền lệ này…
Gián đoạn truy cập bất ngờ xảy ra trên một loạt mạng xã hội, website chính phủ, website của các tờ báo và hãng tin lớn vào buổi chiều 8/6 theo giờ Việt Nam.
Hiện chưa rõ nguyên nhân dẫn tới sự gián đoạn có thể nói là hiếm có tiền lệ này.
Hãng tin Reuters cho biết, một số nguồn tin cho rằng gián đoạn có thể xuất phát từ một sự cố tại công ty cung cấp dịch vụ điện toán đám mây Fastly có trụ sở ở Mỹ. Tuy nhiên, thông tin này chưa được xác nhận.
Trên website công ty, Fastly nói đang tiến hành điều tra “ảnh hưởng tiềm tàng đối với hoạt động các dịch vụ CDN của chúng tôi”. Trang web này cũng cho biết các khu vực mà Fastly phụ trách đang ở trong tình trạng “degraded performance” (“hiệu suất suy giảm”).
Website của CNN, Financial Times, Bloomberg, New York Times, Guardian, Reddit… đều bị gián đoạn. Ở thời điểm gián đoạn, khi bấm vào địa chỉ của trang này chỉ nhận được thông báo “Error 503 Service Unavailable”.
Website bán lẻ trực tuyến của Amazon.com cũng bị mất kết nối, Reuters cho hay. Theo tin từ BBC, website của Chính phủ Anh cũng không thể truy cập.
Gần 21.000 người dùng Reddit đã báo cáo gặp sự cố trên nền tảng mạng xã hội này. Hơn 2.000 người dùng báo cáo có sự cố với Amazon – theo trang web theo dõi gián đoạn truy cập Downdetector.com.
Na Uy tuyên bố đại dịch Covid-19 đã kết thúc ở nước này
Đại dịch Covid-19 đã kết thúc ở Na Uy – một trong những bác sỹ dẫn đầu chiến dịch chống Covid của quốc gia vùng Scandinavia tuyên bố.
Theo tin từ tờ Financial Times, ông Preben Aavistland – người đứng đầu cơ quan kiểm soát truyền nhiễm thuộc Viện Sức khoẻ cộng đồng Na Uy – đưa ra tuyên bố trên trong một dòng trạng thái (tweet) trên mạng xã hội Twitter vào ngày 6/6, trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 phải nhập viện ở nước này giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối mùa hè năm ngoái.
“Đại dịch đã kết thúc” với số ca nhập viện giảm mạnh – ông Aavistland viết.
Trao đổi với tờ báo VG, ông Aavistland nói thêm: “Ở đây, tại Na Uy, đại dịch có thể nói là đã kết thúc. Chúng ta có thể bắt đầu chuẩn bị cho sự thật rằng virus corona chỉ còn chiếm không không gian không đáng kể trong cuộc sống hàng ngày”.
Trong suốt 3 làn sóng Covid đã xảy ra ở châu Âu tính đến thời điểm này, Na Uy là một trong những nước có tỷ lệ lây nhiễm thấp nhất, một phần nhờ mật độ dân số thưa thớt và vị trí khá cô lập của nước này ở vùng Bắc Âu. Ngoài ra, hành động quyết đoán của Chính phủ và cơ quan y tế Na Uy mỗi khi dịch bùng phát cũng là nhân tố quan trọng giúp kiểm soát bệnh dịch.
Số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 ở Na Uy thấp hơn nhiều so với nước láng giềng Thuỵ Điển và cả Đan Mạch – quốc gia áp dụng phương pháp chống dịch tương tự như Na Uy.
*** Tuần qua, số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới giảm 12%
(ĐCSVN) – Tính đến sáng 14/6, số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới là 176.705.044 trường hợp, với 3.819.138 ca tử vong. Trong 7 ngày qua, tình hình dịch bệnh trên thế giới có chuyển biến tích cực với số ca nhiễm mới giảm 12%. Tuy nhiên, tại nhiều khu vực, dịch bệnh vẫn tiếp tục lây lan với tốc độ không đồng đều.
Cụ thể, trong tuần qua, trong khi số ca nhiễm mới tại châu Á giảm 23%, châu Âu giảm 14%, Bắc Mỹ giảm 7% và Nam Mỹ giảm 2% thì châu Phi ghi nhận số ca nhiễm trong 7 ngày qua tăng tới 40%, châu Đại Dương tăng 15%.
Trong một nỗ lực nhằm đẩy lùi làn sóng lây lan của dịch bệnh, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 13/6 cho biết lãnh đạo Nhóm các nước phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã nhất trí chia sẻ ít nhất 870 triệu liều vaccine cho COVAX – chương trình phân phối vaccine cho các nước có thu nhập thấp và trung bình do WHO khởi xướng. Ít nhất một nửa số vaccine cam kết nói trên sẽ được bàn giao trong cuối năm 2021.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) đặt mục tiêu xuất khẩu 700 triệu liều vaccine COVID-19 vào cuối năm 2021. Bà Leyen cho biết thêm, tới nay, EU đã đóng góp 3 tỷ euro cho chương trình COVAX. Ngoài ra, EU đã xuất khẩu 350 triệu liều vaccine – chiếm 50% sản lượng của khối. Đây là thông tin tích cực trong bối cảnh nhiều nước thiếu vaccine nghiêm trọng trong khi chưa thể kiểm soát dịch COVID-19. Tuy nhiên, các con số trên vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu 11 tỷ liều mà WHO cho là cần thiết để tiêm chủng được cho khoảng 70% dân số thế giới – mức để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng.
Còn về diễn biến theo từng khu vực, số liệu thống kê cụ thể trên worldometers.info vào sáng 14/6 cho thấy, hiện toàn thế giới có 160.737.654 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 98% tổng số ca mắc). Trong số 12.148.252 ca bệnh đang điều trị thì có 12.063.182 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,3%) và 85.070 ca (chiếm 0,7%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đang tác động đến 220 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mỹ, Ấn Độ, Brazil là 3 “vùng dịch” lớn nhất trên thế giới.
Xét theo quy mô toàn khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 47.183.550 trường hợp, trong đó có 1.086.296 ca tử vong và 44.499.695 ca được điều trị khỏi.
Tốc độ tiêm chủng được đẩy nhanh đã khiến tình hình dịch bệnh tại nhiều nước tại châu Âu có nhiều cải thiện và cuộc sống bắt đầu trở lại bình thường do các lệnh hạn chế được nới lỏng. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn đưa ra khuyến cáo thận trọng trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại.
Hiện Bắc Mỹ có 40.169.407 ca nhiễm bệnh, trong đó có 907.614 ca tử vong vì COVID-19. Cho dù tình hình dịch bệnh đang dần được cải thiện do những tiến bộ trong chương trình tiêm chủng, song cho tới nay, Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trong khu vực và trên thế giới, với tổng số 34.321.158 ca nhiễm và 615.053 ca tử vong vì COVID-19.
Tính đến sáng 14/6, Nam Mỹ có 30.657.185 ca nhiễm COVID-19, với 943.901 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, tiếp theo sau là Argentina, Colombia, Peru… với lần lượt: 17.413.996; 4.124.190; 3.753.224; 2.001.059… ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại.
Xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc), ngày 13/6. (Ảnh: Yonhap)
Hiện tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 53.534.985 trường hợp, với 745.009 ca tử vong và 50.607.900 ca điều trị khỏi. Trong tổng số 2.182.076 ca bệnh đang điều trị thì có 27.495 ca trong tình trạng nghiêm trọng. Ấn Độ tiếp tục là nước “dẫn đầu” châu Á về số ca nhiễm, với 29.507.438 ca, trong đó có 374.287 ca tử vong.
Tính đến sáng 14/6, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 5.088.906 trường hợp, trong đó có 135.048 ca tử vong và 4.545.869 ca bình phục. Trong tổng số 407.989 ca đang điều trị thì có 2.699 ca trong tình trạng nguy kịch.
Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 1.747.082 ca nhiễm COVID-19 và 57.765 ca tử vong vì dịch bệnh.
Hiện châu Đại Dương có 70.290 trường hợp nhiễm COVID-19, với 1.255 ca tử vong. Australia vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 30.247 ca, tiếp theo sau là French Polynesia với 18.930 ca./.
TQ-TT