‘Việt Nam đã có phác đồ điều trị hiệu quả đối với COVID-19’; CẬP NHẬT dịch Covid-19 và ứng phó: Điều trị khỏi 14 trường hợp; Chuyên gia Trung Quốc cảnh báo lây nhiễm nCoV chưa dừng lại; Bên trong du thuyền bị ‘hắt hủi’; WHO than phiền các nước không chia sẻ thông tin; Ấn Độ vượt Anh, Pháp, trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới…là những tin chính được cập nhật.
‘Việt Nam đã có phác đồ điều trị hiệu quả đối với COVID-19’
Bác sỹ Đội cơ động Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) thăm khám cho bệnh nhân dương tính với virus corona chủng mới tại Trung tâm y tế huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)
Theo Phó giáo sư, tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), đối phó với dịch COVID-19, Việt Nam luôn đi trước khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới.
“Đến thời điểm này, Việt Nam đã điều trị thành công cho 14/16 ca dương tính với bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (COVID-19). Trong số đó có ca bệnh nhiều bệnh nền như huyết áp, tim mạch, tiểu đường và từng cắt phổi do ung thư. Các bệnh nhân còn lại đang có sức khỏe tiến triển tốt và sẽ sớm được ra viện trong những ngày tới. Mặc dù chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng Việt Nam đã có một phác đồ điều trị hiệu quả đối với COVID-19.”
Phó giáo sư, tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó trưởng Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (COVID-19) đã khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên báo chí sáng 19/2.
CẬP NHẬT dịch Covid-19 và ứng phó: Điều trị khỏi 14 trường hợp
(Chinhphu.vn) – Báo điện tử Chính phủ cập nhật các thông tin mới nhất về tình hình, công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Covid-19 và các chỉ đạo ứng phó của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
COVID-19, bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Ngày 31/1/2020, WHO công bố dịch bệnh là SỰ KIỆN Y TẾ CÔNG CỘNG KHẨN CẤP GÂY QUAN NGẠI TOÀN CẦU (PHEIC).
Cập nhật lúc 9h00 ngày 19/2:
Thế giới: 75.199 người mắc, 2.009 người tử vong, trong đó:
– Lục địa Trung Quốc: 2.003 người tử vong;
– Phillippines: 01 người tử vong;
– Hồng Kông (Trung Quốc): 02 người tử vong.
– Nhật Bản: 01 người tử vong.
– Pháp: 01 người tử vong.
– Đài Loan (Trung Quốc): 01 người tử vong.
Việt Nam: 16 người dương tính với COVID-19, gồm:
– 02 cha con người Trung Quốc;
– 06 người Việt Nam đều trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc;
– 06 người Việt Nam có tiếp xúc gần với bệnh nhân nhiễm COVID-19;
– 01 người Mỹ đến Việt Nam, trước đó có quá cảnh tại Vũ Hán, Trung Quốc.
– 01 bệnh nhi 3 tháng tuổi, có tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19.
Các tỉnh có người mắc COVID-19: Vĩnh Phúc (11); TP.HCM (03); Khánh Hòa (01); Thanh Hóa (01).
Số ca xét nghiệm COVID-19 âm tính: 1.137 trường hợp.
Điều trị khỏi: 14 trường hợp.
Tại cuộc họp ngày 17/2, các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) cho biết, tại Việt Nam, chúng ta đã kiểm soát tốt tình hình.
Các chuyên gia y tế khẳng định, đối với việc điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, dù hiện nay chưa có thuốc đặc trị hay vaccine phòng bệnh, nhưng Việt Nam có đủ năng lực, kinh nghiệm, tự tin chữa khỏi bệnh bằng các phương pháp điều trị khác. Nếu có ca nhiễm mới thì chúng ta đủ năng lực khoanh vùng, chữa khỏi bệnh.
Ấn Độ vượt Anh, Pháp, trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới
(ĐCSVN) – Ngày 17/2, hãng thông tấn PTI dẫn báo cáo của Tạp chí Dân số Thế giới, một tổ chức độc lập có trụ sở tại Mỹ cho biết năm 2019 Ấn Độ đã vượt qua Anh và Pháp để trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới
Theo Tạp chí, Ấn Độ đang phát triển nền kinh tế thị trường mở từ các chính sách bảo hộ trước đây.
“Ấn Độ trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới với GDP của nước này năm 2019 đạt 2.940 tỷ USD, vượt Anh, Pháp để chiếm vị trí thứ 5”, tạp chí cho hay.
Trong khi đó, quy mô nền kinh tế Anh với GDP đạt 2.830 tỷ USD và của Pháp đạt 2.710 tỷ USD trong năm 2019.
Tạp chí cũng cho biết tính theo sức mua tương đương (PPP), quy mô GDP của Ấn Độ là 10.510 tỷ USD, vượt qua Nhật Bản và Đức để đứng thứ 3 thế giới.
Tuy nhiên, do dân số đông nên GDP bình quân đầu người của Ấn Độ chỉ đạt 2.170 USD trong năm 2019 (so với GDP của Mỹ đạt 62.794 USD).
Bên cạnh đó, tăng trưởng GDP thực tế của Ấn Độ, được dự báo sẽ suy yếu trong năm thứ ba liên tiếp từ 7,5% xuống còn 5%.
Khu vực dịch vụ của Ấn Độ là ngành phát triển nhanh trên thế giới, chiếm 60% nền kinh tế và 28% việc làm trong khi sản xuất và nông nghiệp là hai lĩnh vực quan trọng khác của nền kinh tế Ấn Độ.
Ấn Độ đã từng áp dụng chính sách bảo hộ kinh tế trong gần suốt lịch sử độc lập của mình. Chính phủ đã kiểm soát chặt chẽ sự tham gia của khu vực tư nhân, ngoại thương và đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Theo Tạp chí Dân số Thế giới, tự do kinh tế của Ấn Độ bắt đầu vào đầu những năm 1990, bao gồm việc bãi bỏ quy định công nghiệp, giảm kiểm soát đối với thương mại và đầu tư nước ngoài, tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước.
Chính nhờ thực hiện một cuộc cải cách mạng tính cách mạng và toàn diện theo hướng tự do hóa, GDP của Ấn Độ đã liên tục tăng từ năm khởi đầu cải cách đến nay, làm thay đổi cơ cấu, diện mạo và sức mạnh nền kinh tế./.
Chuyên gia Trung Quốc cảnh báo lây nhiễm nCoV chưa dừng lại
Các chuyên gia y tế Trung Quốc cảnh báo việc lây nhiễm nCoV giữa người với người trở nên trầm trọng hơn do biện pháp cách ly thiếu hiệu quả.
Phát biểu trong một cuộc họp báo hôm qua ở thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, ông Chung Nam Sơn, nhà dịch tễ học nổi tiếng, cố vấn y tế của chính phủ Trung Quốc, cho hay bất chấp những nỗ lực của chính quyền Vũ Hán nhằm đối phó với dịch Covid-19, có hai vấn đề vẫn chưa được giải quyết, đó là cách ly bệnh nhân khỏi những người khỏe mạnh và tách biệt các bệnh nhân nhiễm virus corona với bệnh nhân cúm thông thường.
Điều này không chỉ khiến tình trạng lây nhiễm từ người sang người vẫn tiếp diễn mà việc lây nhiễm virus cúm thông thường cũng trầm trọng hơn với số người bị sốt tại các bệnh viện Vũ Hán gia tăng, theo giáo sư Dương Chiêm Thu, chuyên gia sinh học đại học Vũ Hán.
Ông Dương cho biết nhiều bệnh viện ở Vũ Hán không thể kiểm tra được mầm bệnh của các bệnh nhân bị sốt do những loại virus khác, khiến các loại virus này lây lan.
“Việc lây lan cúm từ người sang người đã làm trầm trọng hơn tình hình lây nhiễm nCoV ở Vũ Hán”, ông Dương nói, giải thích rằng việc sàng lọc bệnh nhân mắc Covid-19 trở nên khó khăn hơn.
Thiếu thốn nhân lực ngành y ở giai đoạn đầu bùng phát dịch cũng là một nguyên nhân đẩy nhanh sự lây lan của virus từ người sang người, theo một lao động giấu tên ở Vũ Hán. Người này cho hay nhiều bệnh nhân chỉ có thể ở nhà trước khi được xác nhận nhiễm nCoV, làm tăng nguy cơ lây nhiễm đời F2.
Bên trong du thuyền bị ‘hắt hủi’
Campuchia MS Westerdam vẫn neo đậu tại cảng Sihanoukville, chưa rõ ngày ra khơi sau khi nhiều thủy thủ đã rời tàu về nhà.
Du thuyền MS Westerdam, chở 1.455 hành khách và 802 thành viên thuỷ thủ đoàn, lênh đênh trên biển trong hai tuần khi bị từ chối cập cảng Philippines, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan do lo ngại dịch Covid-19.
Ngày 13/2, tàu được phép vào Campuchia và đến nay vẫn neo tại cảng Sihanoukville, chưa biết ngày ra khơi. Hơn 600 người đã lên đường về nước, trong đó một hành khách 83 tuổi dương tính
MS Westerdam, thuộc đội tàu của hãng du thuyền Holland America, dài khoảng 290 m với 11 tầng, sức chứa gần 2.000 hành khách. Trên du thuyền có 14 lounge, 3 bể bơi, 5 bể sục nước nóng và 14 thang máy.
Tàu có tổng cộng 959 cabin, phòng hạng thường rộng trung bình 14 đến 21 m2, phòng cao cấp khoảng 33 đến 66 m2. Từng cabin đều được trang bị tiện nghi với giường có thể tách ghép linh hoạt, trải ga linen cao cấp, gối êm và không gian để hành lý lớn, TV màn hình phẳng, đầu DVD, Wi-Fi…
Phòng cao cấp nhất là Pinnacle Suite, rộng 106 m2 với ban công tắm nắng rộng rãi và bồn tắm lộ thiên.
Những không gian chung trên du thuyền đa dạng từ rạp hát, casino, khu mua sắm, spa có tầm nhìn ra biển, đến hoạt động thư giãn trong lớp học nấu ăn, lớp giới thiệu về điểm dừng sắp tới, tiệc thử rượu…
Trong thời gian xin cấp phép cập cảng, du thuyền vẫn duy trì mọi hoạt động như bình thường, song nhắc nhở hành khách tự theo dõi sức khỏe. Trên ảnh là quầy bar do một hành khách chụp trong thời gian tàu chưa được cập cảng.
Thực khách có nhiều lựa chọn khi ăn uống trên tàu với phòng ăn chính trên tầng 2 và 3, phục vụ buffet sáng, trưa, tối và trà chiều; cùng các nhà hàng châu Á Lido, nhà hàng Italy Slice và Canaletto, nhà hàng tự phục vụ Terrace Grill trên tầng 9; quán cà phê Explorations trên đài quan sát tầng 10.
Nổi bật là nhà hàng Pinnacle Grill theo phong cách fine dining tại tầng 2, giá từ 39 USD một người cho bữa tối sang trọng.
Dịch vụ spa trên du thuyền đa dạng, với nhiều gói massage, hay thậm chí cắt tóc. Để phục vụ hành khách rèn luyện thể lực, du thuyền cũng có phòng gym với các lớp dạy aerobic, pilates hay yoga.
Một hải trình khám phá Hàn Quốc – Nhật Bản của tàu giá từ 1.600 USD cho 14 đêm một người, một phòng đôi. Hành trình 28 ngày đến Nhật Bản – Nga có thể tới 7.500 USD.
WHO than phiền các nước không chia sẻ thông tin
Thụy SĩTổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết các quy định bảo mật đã trì hoãn việc chia sẻ thông tin quan trọng về virus corona của các nước ngoài Trung Quốc.
“Chúng tôi liên tục yêu cầu các nước chia sẻ dữ liệu cốt lõi cần thiết, tuy nhiên đến nay điều này không hoàn toàn ‘thuận buồm xuôi gió’. Chúng tôi nhận thấy một số quốc gia cần tăng tốc chia sẻ thông tin”, Michael Ryan, người đứng đầu chương trình sức khỏe khẩn cấp của WHO, phát biểu tại cuộc họp ngày 18/2.
WHO cho rằng trong một số trường hợp sẽ có các vấn đề phát sinh như bảo mật dữ liệu, sự an toàn của công dân, việc chia sẻ thông tin cá nhân của người bệnh và cả truyền tải.
“Vấn đề hiện nay không nằm ở sự thiếu minh bạch mà là khó khăn trong việc thu thập, đối chiếu và chia sẻ dữ liệu quốc tế trong tình huống cấp bách”, Michael nói.
Michael Ryan cũng cho biết WHO “hoàn toàn ý thức” được các nước đã bị ảnh hưởng như thế nào trong hai tháng bùng dịch Covid-19. Tuy nhiên ông nhấn mạnh, trách nhiệm của tổ chức là “đối phó với các thách thức về sức khỏe cộng đồng hiện có”.
Cũng trong cuộc họp, ông khen ngợi các biện pháp Trung Quốc đã thực hiện để kiểm soát sự lây lan của virus, cho rằng cách tiếp cận và chiến lược của nước này là “điều đúng đắn”.
Chính quyền tỉnh Hồ Bắc, tâm điểm của dịch Covid-19 hôm 16/2 tuyên bố sẽ thắt chặt lệnh hạn chế đi lại của cư dân để ngăn chặn dịch bệnh. Quy định mới, tất cả nhà hàng, cửa hiệu bị buộc phải đóng cửa, người dân không được phép rời căn hộ của họ.
Mới đây, Trung Quốc cho biết số ca nhiễm nCoV có xu hướng giảm cho thấy dịch đang suy yếu. Tuy nhiên Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định cần thận trọng khi diễn giải xu hướng này. Ông cũng nhấn mạnh vẫn còn quá sớm để khẳng định bất cứ điều gì và “mọi kịch bản đều được thảo luận”.
Bệnh Covid-19 khởi phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc vào tháng 12/2019, hiện đã lan rộng ra 31 tỉnh thành đại lục cùng gần 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính tới ngày 19/2, toàn thế giới ghi nhận 2.009 người chết và 75.184 ca dương tính. Khoảng 7h sáng cùng ngày, một cụ ông 70 đã tử vong tại Bệnh viện Princess Margaret, trở thành người nhiễm virus corona thứ hai chết tại Hong Kong.
Hà Nội không còn trường hợp nào nghi nhiễm Covid-19
– Tính cho đến 12 giờ trưa nay (18/2), Hà Nội không còn trường hợp nào nghi nhiễm virus Covid-19 (nCoV). Tất cả các trường hợp nghi nhiễm trước đó (71 trường hợp) đều đã có kết quả âm tính.
Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết, cả 474 trường hợp tiếp xúc gần cũng đã được kết thúc giám sát y tế. Hiện chỉ còn 368 người đến từ vùng dịch vẫn nằm trong điều kiện phải giám sát y tế. Trước đó, 1.597 trường hợp trong diện này đã không còn phải chịu giám sát y tế.
Tuy nhiên, tại bệnh viện Công an Thành phố, hiện vẫn còn 54 người phải cách ly tập trung.
*** Hành khách trên du thuyền Diamond Princess bắt đầu lên bờ
Thời hạn cách ly đối với du thuyền chở hơn 3.700 người Diamond Princess đã kết thúc. Ngày 19/2, Reuters đưa tin, nhiều hành khách đã được cho phép rời thuyền, trong bối cảnh Nhật Bản ghi nhận có tới hơn 500 ca lây nhiễm được phát hiện trên du thuyền này.
Tổng thống Nga có thể hưởng quyền miễn truy tố trọn đời
Hiến pháp sửa đổi mới của Nga có thể sẽ trao cho các cựu tổng thống của nước này quyền được miễn truy tố hình sự trọn đời.
Bí mật tình báo của Thung lũng Silicon
Nằm ẩn mình ngay một góc của Khu vực vịnh San Francisco (Bắc California), thung lũng Silicon không đơn thuần là một vị trí địa lý, nó là một ý tưởng. Khu vực này là một biểu hiện của sự thôi thúc số hóa mọi thông tin trên thế giới, cùng cơ sở dữ liệu, theo dõi và lưu trữ thông tin.
Nga cấm người Trung Quốc đi qua biên giới ngăn Covid-19
Nga cấm tạm thời công dân Trung Quốc nhập cảnh vào nước này bằng mọi hình thức như biện pháp quyết liệt ngăn chặn sự lây lan của dịch virus Corona chủng mới (Covid-19).
Anh chọn “lối đi riêng” thời hậu Brexit
Chính phủ Anh tuyên bố sẽ không chấp nhận sự giám sát của Liên minh châu Âu (EU) đối với nền kinh tế nước này để đổi lấy mối quan hệ thương mại chặt chẽ thời kỳ hậu Brexit. London sẽ không đi theo các luật lệ thương mại của EU và sẽ tự xây dựng các luật lệ của mình.
Những căn cứ quân sự kiên cố nhất thế giới
Tất cả các căn cứ quân sự đều có những cài đặt bảo mật theo cách mặc định. Tuy nhiên, hiện đang có một số ít những địa điểm quân sự ưu tú khác trên thế giới đang muốn ngày một lớn mạnh thêm. đây là những căn cứ tuyệt đối an toàn, bảo mật siêu cao, ngừa “khủng bố” và nhiều hơn thế nữa.
2.005 người tử vong vì Covid-19
Số ca tử vong do virus Corona chủng mới (Covid-19) tại tỉnh Hồ Bắc tới hết ngày 18/2 đã tăng thêm 132 ca, số ca nhiễm mới tăng 1.693 ca, Uỷ ban Y tế tỉnh Hồ Bắc sáng ngày 19/2 thông báo.
Lại xảy ra nổ súng trong trung tâm thương mại Thái Lan
Ít nhất một người đã thiệt mạng và một người khác bị thương sau khi bị một tay súng tấn công tại trung tâm thương mại Century The Movie Plaza thuộc thủ đô Bangkok, Thái Lan hôm 18/2.
Khi bác sĩ điều trị cũng thiệt mạng vì Covid-19
6 nhân viên y tế ở Trung Quốc đã thiệt mạng vì chủng mới của virus Corona (Covid-19). Zeng Yixin, Phó Giám đốc Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, cho biết trong Ủy ban Y tế “rất quan tâm đến vấn đề này”, đã ban hành các hướng dẫn về phòng ngừa và kiểm soát nhiễm trùng trong các tổ chức y tế.
Hàng trăm du khách tàu Westerdam vẫn mắc kẹt tại Campuchia
Hàng trăm du khách của tàu du lịch MS Westerdam vẫn đang mắc kẹt tại Campuchia, trong khi lực lượng y tế đang đẩy nhanh quá trình xét nghiệm, sau vụ việc một du khách nữ trên tàu được phát hiện nhiễm Covid-19.
Tại sao quân Đồng minh không ném bom Auschwitz?
Mùa xuân năm 1944, các lực lượng Đồng minh đã nhận được thông tin tình báo đáng lo ngại về sự tàn bạo khủng khiếp đang diễn ra tại Auschwitz-Birkenau ở miền Nam Ba Lan, nơi hiện được coi là một trong những trại hủy diệt tàn bạo nhất của Đức Quốc xã.
Giám đốc bệnh viện ở Vũ Hán tử vong do nhiễm Covid-19
Ông Lưu Chí Minh, giám đốc bệnh viện Vũ Xương ở Vũ Hán vừa được thông báo đã qua đời sau một thời gian nhiễm virus Corona chủng mới (Covid-19).
Mỹ đang dọn đường triển khai tên lửa tại châu Âu và châu Á
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết Mỹ đang dọn đường cho việc triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn tại châu Âu và châu Á.
Phải hầu tòa rồi bị áp giải vì trốn cách ly Covid-19
Một phụ nữ Nga 32 tuổi bị tòa án buộc quay lại nơi cách ly virus Corona chủng mới gây dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) sau khi cô này trốn khỏi bệnh viện ở thành phố St. Petersburg.
COVID-19: Lòng tin và sự chống kỳ thị
Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (COVID-19) gây ra đang khiến cả thế giới lo sợ. Những kinh nghiệm trong suốt hơn 200 năm qua cho thấy chỉ có sự phối hợp và đồng bộ giữa các chính phủ, cùng sự tin tưởng và đồng thuận từ người dân, mới đủ sức xử lý một đại dịch như thế này.
Phát hiện khách nhiễm virus Corona, hàng ngàn người trên tàu du lịch bị truy tìm
Giới chức nhiều nước trên thế giới đang cố truy tìm những hành khách từ tàu du lịch Westerdam, tàu bị từ chối cập cảng nhiều nước trên thế giới, sau khi 1 người trên tàu được xác định là dương tính với virus Corona.
Trung Quốc điều động thêm 1.200 nhân viên y tế tới Vũ Hán
Các nhân viên y tế thuộc quân đội Trung Quốc tiếp tục được điều động tới Vũ Hán để đối phó với dịch Covid-19.
Tổng hợp-TT