VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 22/12/2020

     Vương quốc Anh phát hiện chủng virus corona mới, lây lan siêu khủng khiếp; Hơn 30 nước đóng cửa với Anh vì biến chủng virus corona; Một năm dịch bệnh COVID-19 cương toả thế giới; Hơn 77,6 triệu ca Covid-19 toàn cầu, WHO trấn an về chủng nCoV mới…là những tin chính được cập nhật.
Vương quốc Anh phát hiện chủng virus corona mới, lây lan siêu khủng khiếp
Vương quốc Anh phát hiện chủng virus corona mới, lây lan siêu khủng khiếp
    Ảnh minh họa.
Giới chức y tế Vương quốc Anh cuối tuần trước thông báo về một biến thể virus corona mới có khả năng lây lan “với tốc độ nhanh hơn” so với những biến thể đã biết.
Thông tin này ngay lập tức khiến Thủ tướng Anh Boris Johnson phải áp đặt các lệnh hạn chế mới đối với các vùng của đất nước nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus mới.
“Chúng ta đang tìm hiểu về nó nhưng chúng tôi đã biết đủ, thậm chí quá đủ, để chắc chắn rằng chúng ta cần hành động ngay lúc này”, ông Johnson tuyên bố trong một cuộc họp báo ngày 19/12, thời điểm nhà lãnh đạo nước Anh ban bố các lệnh giãn cách xã hội mới ở London và các bộ phận khác của nước Anh ngay trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh.
Nhà lãnh đạo nước Anh nhấn mạnh: “Khi virus thay đổi phương thức tấn công, chúng ta phải thay đổi phương pháp phòng thủ của mình”.
Chính phủ Anh chính thức công bố về chủng virus mới trong ngày 21/12 sau khi các trường hợp mắc bệnh gia tăng ở khu vực phía Nam và phía Đông đất nước. Tính tới ngày 20/12, có hơn 1.100 trường hợp mắc biến thể Covid-19 mới được ghi nhận. Trước đó, ông Johnson dẫn lời các chuyên gia khoa học cho biết, chủng virus mới có thể lây lan mạnh hơn 70% so với chủng virus đầu tiên của đại dịch.
Các nhà khoa học Anh cũng tin rằng chủng virus mới đang khiến số ca mắc Covid-19 tăng nhanh hơn. Ông Johnson kêu gọi người dân Anh hạn chế di chuyển và “ở lại địa phương” để ngăn chặn làn sóng virus mới lan ra khắp đất nước và nước ngoài.
Vương quốc Anh ghi nhận 24.061 trường hợp mắc Covid-19 mới mỗi ngày, tăng hơn 40% so với mức trung bình 7 ngày của tuần trước. Nói về virus mới, Thủ tướng Johnson nhấn mạnh: “Đây mới chỉ là những dữ liệu ban đầu và chúng ta còn phải xem xét. Tuy nhiên, điều tốt nhất mà chúng ta có thể làm lúc này là hành động dựa trên thông tin chúng ta có bởi những dữ liệu hiện nay cho thấy virus lây lan rất nhanh”.
Hơn 30 nước đóng cửa với Anh vì biến chủng virus corona
Lo lắng về biến chủng virus mới ở Anh đã gia tăng hôm 21/12 khi hơn 30 quốc gia cấm nhập cảnh với người đến từ nước này, tạm dừng các chuyến bay và hoạt động thương mại.
Anh gần như đã bị cắt kết nối với phần còn lại của châu Âu. Sự lo lắng trở nên rõ ràng khi London và Liên minh châu Âu (EU) chỉ còn 10 ngày trước thời hạn đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit.
Tình hình làm dấy lên nỗi sợ hãi về hoảng loạn mua sắm trong các siêu thị ở Anh, theo New York Times. Vốn quan ngại trước sự gia tăng số ca nhiễm mới và việc phong tỏa vội vã ở phần lớn đất nước, người Anh nay lại phải tính đến chuyện hết thực phẩm tươi trong những ngày trước Giáng sinh.
Thủ tướng Boris Johnson hôm 19/12 cho biết biến chủng virus corona đã được chứng minh là có khả năng lây lan cao hơn 70% so với các chủng khác. Con số này mới chỉ là ước tính dựa trên mô hình và các quan chức Anh nói vẫn chưa có lý do để khẳng định biến chủng mới gây bệnh nghiêm trọng hơn.
Song số liệu thống kê đã làm dấy lên báo động trên toàn thế giới. Pháp đã áp đặt lệnh đình chỉ 48 giờ vận chuyển hàng hóa qua eo biển Manche. Động thái này khiến hàng nghìn tài xế bị mắc kẹt trong xe tải hôm 21/12, trong khi đường dẫn đến các cảng của Anh bị biến thành bãi đậu xe.
Áo, Bỉ, Bulgaria, Pháp, Đức, Ireland, Italy và Hà Lan cùng nhiều nước khác đã công bố hạn chế đi lại. Hành khách bay từ Anh đến Đức đã bị giữ lại tại các sân bay vào đêm 20/12. Ba Lan cho biết họ sẽ đình chỉ các chuyến bay giữa hai nước bắt đầu từ 21/12.
Một năm dịch bệnh COVID-19 cương toả thế giới
Năm 2020 sắp đi qua là năm của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra. Khẳng định như thế có cơ sở xác đáng bởi xưa nay vốn thường chỉ có những sự kiện lớn hay đột biến ảnh hưởng tới cả thế giới, nhưng chưa có lần nào cả thế giới đồng thời bị ảnh hưởng, đe dọa thực sự như trong năm 2020 bởi dịch bệnh với tên gọi COVID-19.
Dịch bệnh này đã buộc con người trên trái đất phải thay đổi cả suy nghĩ lẫn cách sống. Nó buộc các quốc gia và các vùng lãnh thổ buộc phải thực thi những biện pháp chính sách mà trước đấy không bao giờ có thể nghĩ là rồi có ngày buộc phải áp dụng. Nó buộc cả thế giới phải nhận thức và ý thức rằng, cho dù càng ngày càng phát triển và càng hiện đại, thì thế giới vẫn phải luôn cảnh giác, luôn phòng ngừa và luôn nỗ lực như có thể được, thì mới đẩy lùi được mọi mối đe dọa, hiểm nguy và thách thức đối với sự tồn tại và phát triển của nhân loại trên thế giới.
Dịch bệnh bùng phát ở đâu đó trên thế giới và rồi lây lan ra khắp thế giới vốn là chuyện vẫn từng xảy ra từ trước tới nay. Nhưng ở dịch bệnh COVID-19 thì lại có khác biệt rất cơ bản trên ba phương diện.
Thứ nhất, nó lây lan nhanh hơn tất cả những dịch bệnh trước đấy mà con người trên thế giới giao thương càng tự do và không bị kiểm soát về dịch tễ thì dịch bệnh lây lan càng nhanh ra phạm vi càng rộng.
Thứ hai, thế giới cần nhiều thời gian hơn để nghiên cứu, thử nghiệm và bào chế ra được vaccine phòng ngừa dịch bệnh này hơn so với ở những lần dịch bệnh khác.
Thứ ba, dịch bệnh làm thay đổi thứ tự ưu tiên trên chương trình nghị sự chung của thế giới trong năm qua, khi tất cả phải dành ưu tiên chính sách cao nhất cho dịch bệnh. Tất cả những chuyện khác đều đã được xử lý trong sự lưu tâm đầy đủ tới tác động, hậu quả và hệ lụy của dịch bệnh. Dịch bệnh làm cho hoạt động quan hệ quốc tế chuyển từ trực tiếp là chính sang trực tuyến là chính, và cũng vì vậy mở ra những hình thức và phương cách ngoại giao mới.
*** Hơn 77,6 triệu ca Covid-19 toàn cầu, WHO trấn an về chủng nCoV mới
    Hơn 77,6 triệu người nhiễm, hơn 1,7 triệu người chết vì Covid-19 toàn cầu, WHO kêu gọi các nước không nên quá lo lắng vì chủng nCoV mới tại Anh.
Thế giới ghi nhận 77.646.747 ca nhiễm và 1.707.703 người đã chết do Covid-19, tăng lần lượt 511.608 và 8.440 ca một ngày, trong khi 54.499.215 người đã bình phục, theo trang cập nhật theo thời gian thực Worldometers.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các nước không quá lo lắng trước chủng nCoV mới được phát hiện tại Anh, cho rằng đây là điều bình thường trong quá trình tiến hóa của virus và khẳng định nhiều công cụ để truy dấu virus đang có hiệu quả.
“Minh bạch là rất quan trọng, cần phải cho công chúng biết điều gì đang diễn ra, nhưng cũng phải cho thấy đây là điều bình thường trong vòng đời virus. Việc theo dõi virus chặt chẽ, cẩn thận và mang tính khoa học là bước đi rất tích cực với y tế toàn cầu”, giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của WHO Mike Ryan cho hay.
Quan chức WHO cho biết chưa có bằng chứng cho thấy chủng nCoV mới tại Anh gây tình trạng trầm trọng hơn hoặc có tỷ lệ tử vong cao hơn những chủng nCoV đã ghi nhận, nhưng dường như nó có khả năng lây nhiễm cao hơn.
“Các nước áp lệnh cấm đi lại từ Anh đang thể hiện cẩn trọng trong lúc đánh giá nguy cơ. Đó là điều khôn ngoan, nhưng mọi người cần hiểu rằng điều này luôn xảy ra, sẽ luôn xuất hiện những chủng virus mới”, giám đốc Ryan nói thêm.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận thêm 169.261 ca nhiễm và 1.506 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca nhiễm lên 18.425.166, trong đó 326.312 người đã chết.
Tổng thống đắc cử Joe Biden tiêm vaccine Covid-19 trên truyền hình trực tiếp tối 21/12 để trấn an người dân về độ an toàn của vaccine. Đệ nhất phu nhân tương lai Jill Biden cũng tiêm vaccine Covid-19 cùng ngày. Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris và chồng Doug Emhoff dự kiến tiêm trong tuần tới.
Giới chức y tế Mỹ cho biết họ dự kiến cung cấp đủ liều vaccine đầu tiên cho 20 triệu người vào cuối năm nay, nhưng sẽ còn lâu nữa vaccine mới được phổ biến. Ngay cả trong điều kiện hoàn hảo, người dân Mỹ có thể sẽ không được tiêm chủng cho đến cuối mùa xuân hoặc mùa hè năm 2021. Giới chức y tế cảnh báo tình hình dịch bệnh những tháng tới sẽ rất thảm khốc.
Anh báo cáo thêm 33.364 ca nhiễm và 215 người chết, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 2.073.511 và 67.616.
Hàng loạt nước châu Âu và châu Á đã cấm mọi chuyến bay, hoặc siết chặt kiểm soát hành khách từ Anh sau khi phát hiện chủng nCoV mới tại nước này. Các nhà khoa học Anh tin rằng biến thể mới không gây tình trạng nghiêm trọng hơn bản gốc, song nó có khả năng lây truyền cao hơn tới 70%.
Thủ tướng Boris Johnson cho biết chủng virus đột biến mới là nguyên nhân gây ra 60% ca nhiễm mới ở London và các vùng lân cận. Chính phủ Anh đã phải áp lệnh phong tỏa Giáng sinh ở London và phía đông nam đất nước do chủng virus này “vượt tầm kiểm soát”, đồng nghĩa hàng triệu người dân sẽ phải hủy các kế hoạch Giáng sinh và ở yên trong nhà.
Pháp, vùng dịch lớn thứ năm thế giới, ghi nhận thêm 5.797 ca nhiễm và 351 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 2.479.151 và 60.900. Phủ tổng thống Pháp hôm 21/12 cho biết tình hình Tổng thống Emmanuel Macron đã ổn định, nhưng ông vẫn còn một số triệu chứng của Covid-19.
Đức báo cáo 19.333 ca nhiễm và 533 ca tử vong mới, nâng tổng số lên lần lượt 1.534.116 và 27.297. Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn tuần trước cho hay nước này muốn Liên minh châu Âu (EU) phê duyệt vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech “trước Giáng sinh”, để có thể đạt mục tiêu bắt đầu tiêm chủng tại Đức trước cuối năm nay.
Chính phủ Đức áp đặt lệnh phong tỏa một phần từ ngày 16/12 nhằm kiềm chế sự lây lan của nCoV dường như đang vượt khỏi tầm kiểm soát. Lệnh phong tỏa dự kiến được áp dụng tới ngày 10/1. Cửa hàng không thiết yếu và trường học đóng cửa, công ty được khuyến khích cho phép nhân viên làm việc tại nhà hoặc kéo dài thời gian nghỉ lễ.
Italy hiện báo cáo 1.964.054 ca nhiễm và 69.214 ca tử vong vì Covid-19, tăng lần lượt 10.872 và 415. Nước này đã ban hành lệnh cấm tiếp nhận các chuyến tàu hay máy bay từ Anh do lo ngại về chủng nCoV mới.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 19.174 ca nhiễm và 302 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 10.075.422 và 146.145.
Giới chức Ấn Độ thông báo đình chỉ mọi chuyến bay từ Anh từ ngày 23/12 cho đến hết ngày 31/12. Mọi hành khách đến từ Anh trước khi lệnh cấm có hiệu lực phải xét nghiệm ngay khi nhập cảnh tại sân bay. Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Harsh Vardhan khẳng định chính phủ đã chuẩn bị đối phó với chủng nCoV mới và người dân không cần hoảng loạn.
Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 518 người chết vì nCoV, nâng tổng số ca tử vong lên 187.291. Số người nhiễm nCoV tăng 25.019 trong 24 giờ qua, lên 7.263.619.
Chính phủ Brazil dự kiến tiêm vaccine Covid-19 cho 51 triệu người, tức khoảng 1/4 dân số, trong nửa đầu năm 2021. Tuy nhiên, cơ quan quản lý y tế Anvisa đánh giá các tiêu chuẩn phê duyệt sử dụng khẩn cấp CoronaVac, vaccine Covid-19 của Trung Quốc đang thử nghiệm diện rộng ở Sao Paulo, không minh bạch.
CoronaVac đang trở thành chủ đề tranh cãi chính trị ở Brazil. Tổng thống Jair Bolsonaro gieo nghi ngờ vào loại vaccine này, mô tả nó là công cụ của Thống đốc Sao Paulo Joao Doria, người được cho là đối thủ tiềm năng của ông trong cuộc bầu cử tới, cũng như chính quyền Trung Quốc. Đáp lại, Bắc Kinh cho biết nhiều nước đã đồng ý tham gia chương trình thử nghiệm vaccine trên diện rộng của họ.
Tổng thống Bolsonaro hôm 18/12 cũng bày tỏ nghi ngờ về vaccine Pfizer-BioNTech.
Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận thêm 29.350 ca nhiễm nCoV và 493 người chết trong vòng 24 giờ, nâng tổng số lên lần lượt 2.877.727 và 51.351.
Nga đang chiến đấu với sóng lây nhiễm thứ hai khi giới chức Saint Petersburg cho biết họ sắp hết giường dành cho bệnh nhân Covid-19. Tuy nhiên, Điện Kremlin cho biết giới chức không có kế hoạch tái áp đặt phong tỏa toàn quốc mà chọn phương án hạn chế theo từng khu vực. Từ đầu tháng 12, những người thuộc nhóm nguy cơ cao, bao gồm nhân viên y tế và giáo viên, bắt đầu được tiêm vaccine Sputnik V.
Iran, một trong những vùng dịch lớn nhất Trung Đông, báo cáo 53.816 người chết, tăng 191, trong tổng số 1.164.535 ca nhiễm, tăng 6.151. Bộ Y tế nước này hồi đầu tháng thông báo tình trạng lây nhiễm đang chậm lại, nhưng họ lại đối mặt thử thách mới liên quan đến vaccine.
Tổng thống Hassan Rouhani cho biết Iran vẫn chưa thể mua vaccine Covid-19 do các ngân hàng không sẵn sàng xử lý giao dịch, bởi lo ngại vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ, bất chấp vaccine cùng những mặt hàng nhân đạo khác được cho là sẽ nhận được quyền miễn trừ.
Hàn Quốc đang đương đầu làn sóng Covid-19 thứ ba khi ca nhiễm mới hàng ngày tăng mạnh. Nước này báo cáo thêm 926 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn quốc lên 50.591, trong đó 698 trường hợp tử vong, tăng 24 ca so với một ngày trước.
Vùng thủ đô Seoul (Seoul, Incheon và các thành phố vệ tinh) sắp hết giường điều trị tích cực. Dù từng được coi là một hình mẫu chống Covid-19, sự trỗi dậy của virus gần đây khiến Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in phải xin lỗi vì không ngăn chặn được làn sóng lây nhiễm mới, đồng thời cảnh báo tình hình hiện nay “vô cùng nghiêm trọng”. Giới chức cho biết nhiều người đã chết trong khi chờ giường bệnh vì tình trạng quá tải.
Chính phủ đã chỉ thị tất cả các trường học ở Vùng thủ đô Seoul đóng cửa trong một tháng nhưng không ban lệnh phong tỏa do lo ngại về thiệt hại đối với nền kinh tế lớn thứ tư châu Á.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 671.778 ca nhiễm, tăng 6.848, trong đó 20.085 người chết, tăng 205. Tổng thống Joko Widodo thông báo ông sẽ là người đầu tiên tiêm vaccine Covid-19 ở Indonesia và toàn bộ người dân sẽ được tiêm chủng miễn phí.
Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới với khoảng 270 triệu người, nhận lô vaccine Covid-19 đầu tiên gồm 1,2 triệu liều từ công ty Sinovac của Trung Quốc hôm 6/12. Nước này hy vọng sẽ bắt đầu tiêm chủng cho nhóm dân số là lao động từ 18 đến 59 tuổi, những người được coi là phải di chuyển nhiều nhất vì nghề nghiệp của họ.
Philippines báo cáo 461.505 ca nhiễm và 8.957 ca tử vong, tăng lần lượt 1.721 và 10 ca, là vùng dịch lớn thứ hai khu vực. Philippines là một trong những nơi ăn mừng lễ Giáng sinh lâu nhất thế giới, bắt đầu từ tháng 9. Hàng đoàn người đổ về các trung tâm thương mại và mua sắm rộng lớn bất chấp Covid-19 diễn biến phức tạp tại quốc gia Đông Nam Á này.
*** Hạ viện Mỹ thông qua gói cứu trợ kinh tế trị giá 900 tỷ USD
Hạ viện Mỹ đã dễ dàng thông qua gói cứu trợ đại dịch trị giá 900 tỷ USD trong đêm 21/12, dự kiến sẽ cung cấp tiền mặt cho các doanh nghiệp và cá nhân cũng như các nguồn lực cho tiêm chủng vaccine tại Mỹ.
Thêm hai kẻ bị kết tội ngộ sát vụ 39 thi thể trong xe container ở Anh
The Guardian ngày 21/12 đưa tin, một tòa án tại Anh cùng ngày đã kết tội hai đối tượng buôn lậu người liên quan tới vụ việc phát hiện 39 thi thể người Việt Nam trên một xe container đông lạnh tại nước này hồi năm ngoái.
Thế giới “chao đảo” vì biến thể mới của virus SARS-CoV-2
Đối mặt với biến thể mới của virus SARS-CoV-2, các nước trên thế giới, đặc biệt là tại châu Âu đang ráo riết tiến hành những biện pháp phòng dịch thận trọng để phòng ngừa tối đa sự lây lan của dịch bệnh.
Châu Âu ồ ạt đóng cửa với Anh do biến thể COVID-19 mới
Một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đã được phát hiện tại Anh, ảnh hưởng trực tiếp tới vấn đề đi lại và thông thương của nước này. Một loạt quốc gia châu Âu đã quyết định đóng cửa tạm thời với Anh để phòng dịch.
Quốc hội Mỹ đạt được thỏa thuận về gói viện trợ kinh tế lớn thứ hai lịch sử
Các nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ ngày 20/12 cho biết đã đạt được thỏa thuận về gói viện trợ trị giá 900 tỷ USD cho nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, dự kiến sẽ chính thức bỏ phiếu thông qua trong ngày 21/12.
“Vùng Xanh” tại Iraq lại hứng chịu mưa tên lửa
Tổng thống Iraq nhấn mạnh rằng cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào “Vùng Xanh” của Baghdad là “một hành động khủng bố” làm suy yếu uy tín quốc tế của nước này.

Tổng hợp-TT