VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 24/12/2019.

 Giáng sinh 2019 rộn ràng khắp muôn nơi; Quà Giáng sinh của Triều Tiên có thể là chính sách cứng rắn mới với Mỹ; Sau đối đầu nảy lửa, NATO bất ngờ xuống nước muốn làm lành với Nga?…là những tin chính được cập nhật.

 Giáng sinh 2019 rộn ràng khắp muôn nơi

  Kết quả hình ảnh cho thiệp noel tuần lộc"      (ANTV) -Không khí Giáng sinh đã đến với mọi nhà, mọi người trên khắp thế giới. Gạt qua những khó khăn, bộn bề của cuộc sống và những mối quan ngại về an ninh, các hoạt động chào mừng ngày lễ lớn cuối năm đã được tổ chức tưng bừng ở nhiều nước trên thế giới với những cách độc đáo, khiến dịp Giáng sinh năm nay trở nên ý nghĩa và đáng nhớ đối với người dân cũng như du khách.
Là nơi Chúa ra đời, thánh địa Bethlehem tại Jerusalem ngày 22/12 đã được chính phủ Israel cho phép người Cơ đốc giáo sống tại Dải Gaza, Palestine tới thăm. Theo đó, cơ quan quốc phòng của Israel chịu trách nhiệm về các vấn đề dân sự Palestine đã quyết định “tạo thuận lợi về đi lại cho người Cơ đốc giáo tại Gaza trong kỳ lễ Giáng sinh” mà theo đó, “sẽ cấp phép vào Jerusalem và Bờ Tây theo các đánh giá an ninh và không xét tuổi tác”.
Còn tại Đan Mạch – quốc gia được mệnh danh là hạnh phúc nhất thế giới, điểm nhấn của lễ Giáng sinh năm nay chính là Lễ hội ánh sáng được tổ chức tại Công viên giải trí Tivoli Gardens của thủ đô Copenhagen. Lễ hội sẽ sử dụng hơn 16.000 ánh đèn lấp lánh theo giai điệu vui nhộn sẽ tạo nên một bầu không khí ấm áp, chan hòa tiếng cười. Đối với trẻ con khi đến tham dự lễ hội, bố mẹ có thể mua và tự tay trang trí những chiếc bánh Giáng sinh cho con mình tại tòa lâu đài kẹo ngọt đặc biệt (Honey Cake Castle) của công viên.
Tại Hàn Quốc, làng ông già Noel tại hạt Bonghwa( Bông oa), tỉnh Bắc Gyeongsang(Gy-ung sang) từ 2 ngày trước đã mở cửa đón khách tới thăm quan. Tới đây, du khách có dịp trải nghiệm nhiều trò giải trí như trượt tuyết cùng bạn bè miễn phí, quay số trúng thưởng, được ông già Noel tặng quà hay chở đi chơi trong làng trên những chiếc xe tuần lộc, thưởng thức các món ăn truyền thống của địa phương.
Tại Thái Lan, các em nhỏ tại lại háo hức đón chờ món quà Giáng sinh đến từ nhân vật đặc biệt. Đó là những chú voi đầy vui nhộn. Đây là sự kiện thường niên diễn ra suốt 15 năm qua. Những chú voi được mặc đồ Giáng sinh, diễn hành qua nhiều tuyến phố, với điểm đến là trường tiểu học của tỉnh Ayutthaya.
Hàng nghìn phần quà là kẹo bánh và đồ chơi đã được 4 chú voi trao tặng cho các em nhỏ.
Em Patcharamon Sukpiromsunti, học sinh tiểu học phấn khởi nói:”Cháu rất vui khi thấy lũ voi, chúng rất dễ thương. Cháu thích voi vì chúng nhảy rất rất dễ thương”.
Tại Pháp, trong bối cảnh các cuộc đình công của người lao động vẫn đang tiếp diễn, Công ty Đường sắt quốc gia Pháp (SNCF) vừa ra quyết định mở lại những chuyến tàu dành riêng cho trẻ em từ 4 đến 14, giúp các bé có thể về nhà đoàn tụ với gia đình dịp lễ Giáng Sinh. Đây được xem là món quà mà Công ty dành tặng các em nhỏ, một phép màu trong ngày lễ Giáng Sinh đối với trẻ em Pháp.
Em Lucas Le Merles nói: “Em đã rất thất vọng khi nghe tin chuyến tàu bị hủy vì em không được gặp cha mình thường xuyên, em rất nhớ ba và mong có thể đón lễ Giáng Sinh cùng ba của mình. Thật tuyệt vời vì các chuyến tàu đã được nối lại và em được đón Giáng Sinh bên gia đình”.
Noel đến, các gia đình Ki-tô giáo khắp mọi nơi trên thế giới đang thu xếp để trở về nhà đoàn viên, cùng nhau ăn những món ăn truyền thống, trò chuyện bên gia đình, cầu nguyện cho bình an.

Quà Giáng sinh của Triều Tiên có thể là chính sách cứng rắn mới với Mỹ
Giới phân tích cho rằng quà Giáng sinh mà Triều Tiên gửi đến Mỹ có thể là chính sách cứng rắn và đánh giá thấp khả năng thử tên lửa hay phóng vệ tinh.
Nguồn tin hiểu giới lãnh đạo Triều Tiên nói với CNN chính sách mới có thể sẽ là loại bỏ việc giải giáp hạt nhân ra khỏi các cuộc đàm phán giữa lúc nhận thấy Tổng thống Trump đang có những suy yếu về chính trị.
Chính sách được một quan chức Triều Tiên tuyên bố là “quà Giáng sinh” vào đầu tháng này có thể củng cố vị thế của Bình Nhưỡng với tư cách là quốc gia có vũ khí hạt nhân.
Bình Nhưỡng cũng sẽ không theo đuổi việc giảm các biện pháp trừng phạt để đạt được phát triển kinh tế trong ngắn hạn hoặc dài hạn, thay vào đó sẽ tiếp tục theo đuổi học thuyết đất nước tự lực, tự cường – được gọi là “Juche”.
Năm 2018, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tuyên bố rằng Triều Tiên đã hoàn thành nhiệm vụ phát triển vũ khí hạt nhân và sẽ tập trung nỗ lực đất nước vào phát triển kinh tế và cải thiện sinh kế cho người dân.
Nguồn tin nói rằng nhà lãnh đạo Kim sẽ thực hiện giải pháp “chờ đợi”. Điều này dựa trên nhận thức rằng Tổng thống Trump dễ bị tổn thương về mặt chính trị do luận tội và tương lai không chắc chắn trong cuộc bầu cử năm 2020.
Các nhà phân tích tin rằng Bình Nhưỡng lo lắng nếu đạt được thỏa thuận và Tổng thống Trump thất bại trong cuộc bầu cử sắp tới, người kế nhiệm ông Trump có thể không giữ nguyên thỏa thuận.
Các nhà ngoại giao của ông Kim đã trích dẫn quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 vì lý do không thể tin tưởng Mỹ về một thỏa thuận lâu dài. Nếu Tổng thống Trump giành được nhiệm kỳ thứ 2, Triều Tiên có thể sẵn sàng tái cấu trúc hơn nữa, nhưng tiêu chuẩn để trở lại bàn đàm phán với Washington chắc chắn sẽ được nâng lên.
Phi hạt nhân hóa dường như đã ra khỏi bàn đàm phán lúc này, nguồn tin cho biết.
Khả năng thử tên lửa rất thấp
Các chuyên gia và nhà phân tích suy đoán rằng “quà Giáng sinh” có thể là các vụ thử nghiệm tên lửa hoặc phóng vệ tinh tiên tiến, những hành động có thể vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của Mỹ và cộng đồng quốc tế…
Không vượt ranh giới đỏ
Nguồn tin cho biết các thử nghiệm động cơ tên lửa gần đây ở Sohae đã giúp các nhà khoa học Triều Tiên có được kiến thức quý giá, nhưng không vượt quá ranh giới đỏ có thể gây tổn hại đến quan hệ với Nga và Trung Quốc…

Sau đối đầu nảy lửa, NATO bất ngờ xuống nước muốn làm lành với Nga?
– NATO nên theo đuổi tiến trình đối thoại và thiết lập mối quan hệ mạnh mẽ hơn với Moscow, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg mới đây đã phát biểu như vậy đồng thời tuyên bố ông để ngỏ khả năng gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin. Phát biểu này được đưa ra vào thời điểm quan hệ giữa Nga và NATO đang xấu đi trầm trọng vì một loạt mâu thuẫn, vì thế người ta tin rằng đây là một dấu hiệu đáng hy vọng trong mối quan hệ giữa Nga và NATO.
Tổng thư ký Stoltenberg đã phát biểu với hãng tin DPA của Đức rằng, một cuộc họp thượng đỉnh với Tổng thống Putin là khả thi nếu “bối cảnh thích hợp”. Ông Stoltenberg cho rằng, việc đối thoại với Moscow là quan trọng dù liên minh này đang có mối quan hệ “khó khăn” với Nga. “Nga là hàng xóm lớn nhất của chúng ta, Nga đang ở đây và chúng ta cần phải phấn đấu để có được mối quan hệ tốt đẹp hơn với Nga”, ông Stoltenberg đã nói như vậy.
Nga và NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu gay gắt chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia. NATO thậm chí đang triển khai các lực lượng hàng nghìn quân đến đóng tại các khu vực sát với biên giới Nga.
Việc NATO tiến sát đến biên giới Nga đi ngược lại những cam kết mà liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đưa ra trong Dự luật Nga-NATO. Dự luật này quy định liên minh quân sự phương Tây không được phép triển khai một số lượng binh lính đáng kể đến lãnh thổ của các nước thành viên NATO mới nằm sát Nga. Những bước đi của NATO khiến Nga không thể ngồi yên. Nga liên tục cáo buộc NATO muốn bành trướng vào khu vực ảnh hưởng hậu Xô-viết của Nga. Moscow bắt đầu thực hiện một loạt bước đi nhằm sẵn sàng đối phó và đáp trả NATO.
Cả hai bên đều liên tiếp có những động thái quân sự khiến cộng đồng quốc tế lo ngại về viễn cảnh bùng nổ xung đột trong khu vực.

10 sự kiện nổi bật của thế giới năm 2019
(VNN) Năm 2019, thế giới chứng kiến nhiều thời khắc lịch sử, nhiều nốt thăng trầm trên khắp các mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Những bước đi lịch sử trong quan hệ Mỹ-Triều; Ông Trump trở thành Tổng thống thứ ba trong lịch sử Mỹ bị luận tội… nằm trong số những sự kiện nổi bật nhất năm.

1. Những bước đi lịch sử trong quan hệ Mỹ-Triều
Hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un diễn ra từ 27-28/2 tại Hà Nội. Dù chưa đạt thỏa thuận như mong muốn, song chính Nhà Trắng khẳng định hai bên đã đạt được những bước tiến thực sự và tầm nhìn về phi hạt nhân hóa “xích lại gần hơn” so với một năm trước.
Hôm 30/6, ông Trump đã có bước đi lịch sử, trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên bước qua biên giới liên Triều, đặt chân lên đất Triều Tiên. Ông bắt tay nhà lãnh đạo Kim Jong Un, rồi cả hai quay lại đất Hàn Quốc và bắt tay thêm lần nữa. Cuộc gặp lần ba giữa lãnh đạo hai nước diễn ra trong 50 phút và kết thúc với cam kết nối lại các cuộc thương thuyết đang bế tắc.
“Thật tuyệt khi trở về từ Việt Nam, một nơi tuyệt vời. Chúng tôi đã có những cuộc đàm phán rất thiết thực với ông Kim Jong Un. Chúng tôi biết họ muốn gì, họ cũng biết chúng tôi sẽ làm gì. Mối quan hệ hai bên rất tốt. Hãy chờ xem điều gì xảy ra” – Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter hôm 1/3.

2. Tổng thống thứ 3 trong lịch sử Mỹ bị luận tội
Với kết quả bỏ phiếu tại Hạ viện hôm 18/12, ông Trump đã trở thành vị tổng thống thứ ba trong lịch sử Mỹ bị luận tội. Ông bị cáo buộc lạm dụng quyền lực và cản trở quốc hội. Người đứng đầu Nhà Trắng sẽ phải đối mặt với một phiên xử diễn ra vào tháng 1/2020 tại Thượng viện. Nếu 2/3 số thượng nghị sĩ cho rằng tổng thống có tội, thì ông sẽ phải rời cương vị hiện thời.
Cuộc điều tra luận tội ông Trump do Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi khởi xướng vào ngày 24/9. Việc này diễn ra sau khi một nhân vật tố giác cáo buộc rằng, trong cuộc điện đàm hôm 25/7 với Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, ông Trump đã yêu cầu Kiev điều tra đối thủ chính trị Joe Biden và con trai ông này, để tạo lợi thế cho bản thân trong chiến dịch tái tranh cử.
“Các tổng thống khác nhận thức rõ nghĩa vụ của họ là cung cấp thông tin cho quốc hội trong những trường hợp như vậy. Tổng thống Donald Trump thì ngược lại, ông ngăn chặn việc đó. Đây là việc làm chưa từng có trong lịch sử Mỹ” – Báo cáo luận tội của Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ.

3. Khốc liệt cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung
Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung bước sang năm thứ hai với nhiều đột biến, giằng co. Đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sụp đổ hồi tháng 5 và dần diễn biến căng thẳng với các đòn thuế ăn miếng trả miếng. Sau cuộc gặp giữa ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc bên lề hội nghị G20 ở Nhật, hai nguyên thủ nhất trí tạm “đình chiến”.
Song, các cuộc thương lượng không đạt kết quả. Mỹ gọi Trung Quốc là “nước thao túng tiền tệ”, tuyên bố sẽ áp thuế 10% với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Bắc Kinh ngưng mua một số mặt hàng nông sản Mỹ, áp thuế 10% với 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ và kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại thế giới. Tháng 10, hai bên lại đình chiến để đàm phán. Hôm 12/12, Mỹ đã đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn một trên nguyên tắc với Trung Quốc.
“Tôi nghĩ rằng, Chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ hiểu rõ về chính trị Mỹ, đặc biệt là chính trị Mỹ trong thời kì của ông Trump, hơn là chính quyền của ông Trump hiểu về chính trị Trung Quốc. Những lần ‘bắn trượt’ trong đàm phán thương mại gần đây là bằng chứng cho việc đó” – Daniel Russel, cựu Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ về các vấn đề thuộc khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.

4. Thảm kịch 39 người Việt chết trên xe tải ở Anh
Ngày 23/10, cảnh sát Anh nhận được thông tin có 39 thi thể trong thùng xe công-ten-nơ đông lạnh tại khu công nghiệp Waterglade ở hạt Essex. Nhà chức trách đã bắt giữ tài xế Maurice Robinson cùng 4 nghi phạm. Ba nghi phạm được tại ngoại nhờ nộp tiền bảo lãnh. Nghi phạm thứ 4 – Christopher Kennedy bị bắt tại Dublin, CH Ireland và dẫn độ sang Anh xét xử.
Ngày 7/11, cảnh sát Anh xác nhận toàn bộ nạn nhân đều mang quốc tịch Việt Nam. Việt Nam đã phối hợp với Anh xác định danh tính các nạn nhân. Ngày 27 và 30/11, việc đưa thi hài, tro cốt của 39 nạn nhân về Việt Nam để trao cho gia đình hoàn tất. Trước đó, ngày 25/11, tài xế Robinson đã nhận tội hỗ trợ nhập cư bất hợp pháp. Nghi phạm sẽ phải tiếp tục phải hầu tòa vì hàng chục tội danh khác.
“Nước Anh và cả thế giới rất bàng hoàng trước tấn thảm kịch, trước số phận nghiệt ngã của những người vô tội đã hi vọng có một cuộc sống tốt đẹp hơn ở đất nước này” – Thủ tướng Anh Boris Johnson viết trong sổ tang hôm 28/10.

5. Biểu tình gây hỗn loạn ở đặc khu Hong Kong
Biểu tình chống dự luật dẫn độ bùng phát ở Hong Kong (Trung Quốc) từ tháng 3 và leo thang vào tháng 6 khi hàng trăm nghìn người đổ ra đường tuần hành rầm rộ cũng như xô xát với cảnh sát. Ngày 23/10, chính quyền Hong Kong đã chính thức rút dự luật dẫn độ gây tranh cãi trong suốt nhiều tháng. Tuy nhiên, những người biểu tình vẫn tiếp tục xuống đường.
Ngày 24/11, Hong Kong tiến hành bầu cử hội đồng cấp quận, thu hút hơn 2,9 triệu cử tri, tương đương hơn 1/2 dân số của đặc khu tham gia. Các ứng viên ủng hộ phong trào dân chủ ở đặc khu chiến thắng áp đảo, giành gần 90% trong số 452 ghế hội đồng quận. Trưởng đặc khu Hong Kong, bà Carrie Lam cam kết chính quyền tôn trọng kết quả bầu cử.
“Dự luật đã gây nhiều chia rẽ trong xã hội” – Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam thừa nhận trong cuộc họp báo hôm 15/6 về quyết định ngưng vô thời hạn việc thảo luận dự luật dẫn độ.

6. Thủ lĩnh khét tiếng của IS đã bị tiêu diệt
Thủ lĩnh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng Abu Bakr al-Baghdadi đã bị đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt trong một cuộc tập kích ở tây bắc Syria vào ngày 27/10. Trùm khủng bố đã trốn tới một đường hầm đào bên dưới nơi trú ẩn và mang theo ba đứa con nhỏ. Ông ta bị chó đuổi đến ngõ cụt thì kích nổ áo vest tự sát đang mặc trên người..
Trùm khủng bố IS bị tiêu diệt giữa lúc tình hình Syria đang thu hút sự chú ý của dư luận thế giới với quyết định rút quân bất ngờ chóng vánh của Tổng thống Mỹ Donald Trump, và chiến dịch Mùa xuân Hòa bình do Thổ Nhĩ Kỳ phát động hai tuần ở phía bắc Syria nhằm đẩy dân quân người Kurd khỏi khu vực và lập ra một vành đai rộng 30km.
“Al-Baghdadi đã bị giết chết… trong một cuộc tập kích táo bạo vào ban đêm” – Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo việc thủ lĩnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng Abu Bakr al-Baghdadi bị tiêu diệt trong cuộc tấn công của Mỹ ở tây bắc Syria.

7. Cuộc ly hôn dai dẳng của nước Anh với EU
Tiến trình Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu – EU) vẫn là một bài toán đau đầu đối với xứ sở sương mù. Hôm 20/12, Hạ viện Anh đã bỏ phiếu thông qua dự luật thoả thuận rút lui, mở đường cho Anh rời EU vào 31/1/2020. Theo kế hoạch, sau khi rời EU, Anh sẽ bước vào giai đoạn chuyển tiếp. Nước này chỉ còn là thành viên EU trên danh nghĩa và hai bên sẽ nỗ lực đạt thỏa thuận về mối quan hệ hậu Brexit.
Trước đó, với thắng lợi trong cuộc bầu cử Hạ viện hôm 12/12, Thủ tướng Boris Johnson được cho là sẽ có nhiều thuận lợi trong việc giải quyết dứt điểm Brexit. Bà Theresa May, người tiền nhiệm của ông Johnson, hồi tháng 5 đã phải tuyên bố từ chức. Bà May đã đối mặt với sức ép ngày càng lớn từ chính các nghị sĩ trong đảng cầm quyền, nhằm buộc bà phải rút khỏi ghế lãnh đạo chính phủ do những bất đồng sâu sắc liên quan đến tiến trình Brexit.
“Cái giá mà nước Anh phải trả cho giải pháp Brexit cứng, bởi vì nước Anh, người chịu thiệt hại chính sẽ được bù đắp bởi nước Mỹ? Không, ngay cả khi đó là một lựa chọn chiến lược, nó cũng sẽ để lại cho nước Anh một vị thế kém cỏi trong lịch sử. Tôi không nghĩ đó là điều ông Boris Johnson muốn. Tôi không nghĩ đó là điều người dân Anh mong đợi” – Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói hôm 21/8, khi cho rằng Brexit không thỏa thuận là lỗi do nước Anh tự gây ra, và không liên quan gì tới EU.

8. Mỹ – Iran ngấp nghé bờ vực chiến tranh
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran đã lên đến đỉnh điểm trong năm 2019. Vụ tấn công các tàu chở dầu ngoài khơi Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất và ở Vịnh Oman đã khiến bầu không khí tại Trung Đông trở nên nghẹt thở. Mỹ tố cáo Iran đứng sau các vụ tấn công, và nhiều lần huy động lực lượng bổ sung đến khu vực, bất chấp việc Tehran phủ nhận những cáo buộc.
Bên cạnh đó, Mỹ tiếp tục thực hiện chiến dịch “sức ép tối đa” khi đưa ra hàng loạt biện pháp trừng phạt mới chống lại Iran, bóp nghẹt nền kinh tế nước này. Trong khi đó, Iran liên tục đưa ra các cảnh cáo và vi phạm giới hạn trong hiệp ước hạt nhân JCPOA. Căng thẳng giữa hai nước hiện vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
“Việc áp dụng các lệnh trừng phạt vô nghĩa lên Lãnh đạo Tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei và người chỉ huy ngoại giao của Iran Mohammad Javad Zarif là một hành động đóng cửa vĩnh viễn con đường ngoại giao (với Mỹ)” – Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Abbas Mousavi cho biết hôm 25/6.

9. Đoàn Thị Hương hạnh phúc ngày trở về
Sớm ngày 3/5, Đoàn Thị Hương đã được nhà chức trách Malaysia trả tự do, sau hơn hai năm bị giam giữ để xét xử với cáo buộc liên quan tới vụ công dân Triều Tiên Kim Chol – người được cho là Kim Jong Nam, anh trai nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un – bị sát hại ở sân bay Kuala Lumpur hồi tháng 2/2017 bằng chất độc thần kinh VX.
Trong đêm cuối cùng tại nhà tù nữ Kajang, Đoàn Thị Hương đã viết một bức thư thành tâm, cảm ơn những người giúp cô được tự do. Hương bày tỏ sự biết ơn đối với Chính phủ Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam ở Kuala Lumpur, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các luật sư của cô cũng như giới truyền thông.
“Tôi cảm ơn tất cả mọi người đã cầu nguyện cho tôi ở nhà thờ cũng như ở nhà. Tôi rất hạnh phúc và cảm ơn các bạn rất nhiều” – Đoàn Thị Hương viết trong thư cảm ơn những người giúp cô được tự do.

10. Boeing 737 Max – Niềm hy vọng sụp đổ
2019 là năm đầy sóng gió của niềm tự hào nước Mỹ Boeing, khi ‘đứa con’ mang theo hi vọng tương lai của hãng này – mẫu máy bay thế hệ mới nhất 737 Max vướng vào khủng hoảng. Sau hai vụ tai nạn liên tiếp của Lion Air và Ethiopian Airlines giết chết tổng cộng 346 người, chiếc máy bay đang là mẫu bán chạy nhất của Boeing chính thức bị cấm bay trên toàn cầu.
Bê bối khiến doanh thu của Boeing tụt dốc không phanh, thậm chí không nhận được bất cứ đơn đặt hàng nào trong nhiều tháng trời. Hàng trăm chiếc 737 Max được sản xuất ra phải lưu kho, trong khi hàng trăm chiếc đã bán ra cũng ‘nằm bãi’ đợi lệnh cấm được gỡ bỏ. Đến tháng 12/2019, Boeing buộc phải thông báo tạm ngừng sản xuất 737 Max.

***   Quân đội Syria tràn vào Idlib, bao vây chốt quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ
Các lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã đánh bật khủng bố khỏi loạt khu vực thuộc Đông Nam tỉnh Idlib rồi bao vây một chốt quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngăn chặn căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 23-12 đã có cuộc hội đàm song phương với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, trong đó nhà lãnh đạo Hàn Quốc nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn chặn căng thẳng quân sự gia tăng trên bán đảo Triều Tiên.

Boeing sa thải CEO sau hai vụ tai nạn máy bay thảm khốc
Giám đốc điều hành Boeing Dennis A. Muilenburg đã bị sa thải ngày 23-12, một tuần sau khi hãng này tuyên bố họ có kế hoạch đình chỉ sản xuất máy bay 737 Max, loại máy bay bị cấm sau khi hai vụ tai nạn khiến 346 người chết.

Nhận trách nhiệm sát hại binh sĩ Mỹ, Taliban đăng hình đẫm máu để chứng minh
Taliban lên tiếng nhận trách nhiệm cho vụ tấn công khiến một binh sĩ Mỹ tại Afghanistan thiệt mạng ngày 23-12, đồng thời đăng những bức ảnh chiếc ba lô đẫm máu và chứng minh thư của người lính này để chứng minh cho hành động man rợ của mình.

Hàn, Trung, Nhật tính kế giải quyết vấn đề Triều Tiên
Các cuộc đàm phán phi hạt nhân bị đình trệ và những căng thẳng gần đây với Mỹ là những điều không có lợi cho Bình Nhưỡng, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 23-12.

Tổng thống Nga nhận tâm thư từ người đồng cấp Mỹ
Tổng thống Mỹ Donald Trump gửi thư cho người đồng cấp Nga Vladimir Putin, trong đó đề cập đến khả năng khôi phục quan hệ giữa hai cường quốc.

Chương trình tàn sát người khuyết tật của Đức Quốc xã
Cả trước và trong thời kỳ Holocaust (tàn sát người Do Thái), chính quyền Đức Quốc xã thực hiện một chương trình giết người hàng loạt nhưng ít được biết đến nhằm vào một số người dễ bị tổn thương nhất – đó là những người khuyết tật. Và, đây là câu chuyện bên trong Aktion T4 – chương trình “trợ tử” (euthanasia) tàn ác của Đức Quốc xã sát hại 300.000 người khuyết tật.

Israel giội bão hỏa lực về phía thủ đô Damascus của Syria
Lực lượng phòng không của Syria một lần nữa được kích hoạt trong đêm để đánh chặn loạt tên lửa phóng thẳng vào ngoại ô thủ đô Damascus từ phía Israel.

Trộm đồ trong cửa hàng, Đại sứ Mexico tại Argentina từ chức
Đại sứ Mexico tại Argentina Ricardo Valero ngày 22-12 đã từ chức với lý do sức khỏe, trước đó bị cáo buộc về hành động ăn cắp tại cửa hàng.

Quân ủy Trung ương Triều Tiên họp bàn các vấn đề quan trọng
Ngày 22-12, Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) và Đài Truyền hình Nhà nước Triều Tiên (KRT) đưa tin nhà lãnh đạo nước này Kim Jong-un đã chủ trì cuộc họp mở rộng của Quân ủy Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, trong đó thảo luận về “các biện pháp chính trị và cơ cấu tổ chức quan trọng cũng như các bước đi quân sự nhằm tăng cường” các lực lượng vũ trang.

Kiwi – nữ Tư lệnh Tình báo đầu tiên của Anh
Sinh ra và lớn lên ở Wellington, New Zealand (biệt danh là “Kiwi”), song Pamela Pigeon đã trở thành nữ sĩ quan tình báo đầu tiên cấp cao nhất của Anh và đã chỉ huy một đơn vị vô tuyến điện đóng vai trò quan trọng trong vụ đánh chìm Bismarck, một trong hai tàu chiến đầu tiên của Đức.

Tổng hợp-TT