VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 27/2/2021.

    Lãi suất ngày một mất giá, trở thành ‘con ghẻ’ trong chính sách tiền tệ mỗi quốc gia; Nợ nần chồng chất, kinh tế Trung Quốc tiến thoái lưỡng nan; Quân đội Myanmar chính thức hủy bỏ kết quả bầu cử quốc hội; Tìm thấy chất phóng xạ trong cá ở Fukushima; Thế giới hơn 89,5 triệu người khỏi Covid-19, Mỹ đề xuất vắc-xin tiêm một liều…là những tin chính được cập nhật.
Kiềm chế lạm phát ở mức thấp được coi là một trong những mục tiêu hàng đầu để các quốc gia.    Lãi suất ngày một mất giá, trở thành ‘con ghẻ’ trong chính sách tiền tệ mỗi quốc gia
Kiềm chế lạm phát ở mức thấp được coi là một trong những mục tiêu hàng đầu để các quốc gia.
Câu chuyện giới đầu tư, chủ doanh nghiệp lo lắng theo dõi biến động tăng, giảm của lãi suất đã trở thành quá khứ, bởi thế kỷ XXI có thể là dấu chấm hết cho tính hữu dụng của công cụ này.
Trong nhiều thiên niên kỷ, lãi suất là công cụ chính để đo lường giá trị tiền tệ. Đây cũng là thước đo để tính toán khoản chi mà các vương quốc thời trung cổ “tung ra” cho những cuộc chinh phạt xa xôi hay khả năng tham chiến của nhiều quốc gia trong thời hiện tại. Có thể nói, chúng ảnh hưởng đến mọi thứ, từ chi phí thực phẩm, chỗ ở, phương tiện đi lại đến chăm sóc sức khỏe và chi tiêu của một quốc gia.
Ngay cả giới đầu tư, người buôn bất động sản, chủ doanh nghiệp hay tổng thống… cũng phải chăm chú theo dõi mỗi khi lãi suất “hắt hơi sổ mũi”. Thế nhưng, đó là câu chuyện của quá khứ, bởi thế kỷ XXI có thể là dấu chấm hết cho tính hữu dụng của công cụ này.
Lạm phát từ lâu là động lực chính trong việc thiết lập trần lãi suất. Tuy nhiên, việc lạm phát gia tăng được coi như một “lời nguyền” mà các quốc gia đều phải “cố sống cố chết” kiểm soát bằng được trong vài thập kỷ gần đây. Để duy trì lạm phát ở mức mục tiêu, hàng loạt gói kích thích tài khóa lớn, nhiều gói cứu trợ tài chính, tiền tệ khổng lồ trị giá hàng nghìn tỷ USD được kích hoạt, đặc biệt khi Covid-19 tấn công nền kinh tế nặng nề năm qua. Kết quả, lạm phát giảm dần và lãi suất được duy trì ở mức 0%.
Tuy nhiên, ngay cả khi Nhật Bản, Thụy Sĩ và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) áp dụng nới lỏng chính sách tiền tệ triệt để, đưa lãi suất về âm thì vẫn không đem lại hiệu quả trong việc đưa lạm phát ở mức mục tiêu.
“Đó là lý do vì sao lãi suất ngày càng mất giá”, Stefan Gerlach, Yvan Lengwiler và Charles Wyplosz, 3 nhà kinh tế học thúc đẩy Ngân hàng quốc gia Thụy Sĩ (SNB) thay đổi chính sách nhận định.
Nợ nần chồng chất, kinh tế Trung Quốc tiến thoái lưỡng nan
Năm 2020, Trung Quốc đã tung gói cứu trợ lớn để vực dậy nền kinh tế trong thời kỳ dịch. Tuy nhiên, điều này có thể tạo rủi ro “tê giác xám” đe dọa hệ thống tài chính của nước này.
Trung Quốc dự kiến giảm quy mô các biện pháp kích thích tài khóa được ban hành hồi năm ngoái. Theo South China Morning Post, nguyên nhân là sự chú ý đã chuyển sang rủi ro nợ trong nước.
Tại phiên họp sắp tới của cơ quan quyền lực tối cao Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc, các nhà lãnh đạo sẽ điều chỉnh hỗ trợ tài khóa bằng cách giảm cả thâm hụt ngân sách lẫn phát hành trái phiếu địa phương đặc biệt nhằm tài trợ cho chi tiêu cơ sở hạ tầng.
Thu hẹp kích thích kinh tế phù hợp với lời kêu gọi của chính phủ về việc cân bằng giữa phát triển và an ninh kinh tế trong vòng 15 năm tới. Bắc Kinh muốn tập trung hạn chế rủi ro “tê giác xám” có thể đe dọa ổn định tài chính và sự phát triển của kinh tế Trung Quốc.
“Tê giác xám” là thuật ngữ được dùng để chỉ những rủi ro mà một nền kinh tế đã nhận thấy được nhưng thường bị lơ là. Nợ xấu là một trong những “tê giác xám” của Trung Quốc.
Quân đội Myanmar chính thức hủy bỏ kết quả bầu cử quốc hội
(DTO) Đại diện cơ quan bầu cử Myanmar do quân đội chỉ định đã tuyên bố kết quả cuộc bầu cử quốc hội năm ngoái, trong đó đảng của bà Aung San Suu Kyi giành chiến thắng áp đảo, là không hợp lệ.
Báo Irrawaddy cho hay, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Liên minh Myanmar Thein Soe hôm 26/2 tuyên bố kết quả cuộc bầu cử quốc hội năm 2020 là không hợp lệ, sau cuộc họp với đại diện một số đảng chính trị tại Myanmar.
Theo Al Jazeera, ông Thein là nhân vật được quân đội Myanmar chỉ định làm vị trí trên. Trước đó, ngày 1/2, quân đội Myanmar viện dẫn cáo buộc có gian lận bầu cử để tiến hành cuộc đảo chính, giành quyền điều hành đất nước. Quân đội cũng đã bắt nhiều quan chức từ chính quyền dân sự, bao gồm Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) – đảng giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử năm ngoái.
Tìm thấy chất phóng xạ trong cá ở Fukushima
Một cá thể thuộc họ cá lóc vùng biển Shinchi (Nhật Bản) được phát hiện có mức cesium phóng xạ cao gấp 5 lần mức tiêu chuẩn cho phép.
Ngư dân ngoài khơi tỉnh Fukushima, Nhật Bản ngày 22/2 phát hiện một con cá bị nhiễm phóng xạ. Đây là lần đầu tiên sau hai năm, chất phóng xạ lại được tìm thấy trong hải sản tại khu vực này. Chất phóng xạ được tìm thấy trong con cá thuộc họ cá lóc thuộc bờ biển Shinchi, cách đất liền khoảng 8,8 km, ở độ sâu 24 m.
Sau khi nhận được thông tin sự việc này, Hiệp hội Hợp tác xã thủy sản tỉnh Fukushima tiến hành xác định hàm lượng phóng xạ. Chuyên gia tìm thấy hàm lượng cesium phóng xạ trong con cá này đạt 500 Becquerel/kg. Trong khi tiêu chuẩn về hàm lượng chất phóng xạ trong thực phẩm của Nhật Bản không được vượt quá 100 Becquerel/kg.
Chính quyền tỉnh này đã đình chỉ việc đánh và buôn bán loài cá này và làm rõ nguyên nhân sự việc, tiếp tục đo nồng độ chất phóng xạ trong loài cá khác ngoài khơi tỉnh Fukushima.
Chuyên gia nghi ngờ cá nhiễm phóng xạ do trận động đất gần vùng biển Shinchi mạnh 7,3 độ Richter hôm 13/2. Sau trận động đất, áp suất bình chứa của lò phản ứng hạt nhân Tổ máy 1, nhà máy điện hạt nhân Fukushima đã giảm xuống.
*** Thế giới hơn 89,5 triệu người khỏi Covid-19, Mỹ đề xuất vắc-xin tiêm một liều
Đại dịch Covid-19 có nhiều dấu hiệu tiến triển tích cực khi số ca nhiễm mới giảm dần và số bệnh nhân hồi phục tăng lên ở nhiều nơi trên thế giới.
Trang Worldometers thống kê, tính đến sáng sớm 27/2 (giờ Việt Nam), đại dịch đã tấn công 219 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho gần 114 triệu người với hơn 2,5 triệu ca tử vong. Song, hơn 89,5 triệu bệnh nhân khắp toàn cầu đã hồi phục, tương đương tỉ lệ khỏi bệnh lên tới gần 78,6%.
Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với trên 29,1 triệu ca dương tính với virus corona chủng mới, trong đó 522.705 người không qua khỏi. Tuy nhiên, cuộc chiến chống đại dịch của xứ cờ hoa đang dấy lên nhiều hy vọng khi trong 3 tuần trở lại đây, nước này ghi nhận số ca mắc trung bình hàng ngày giảm mạnh xuống dưới 100.000 người. Số trường hợp phải nhập viện điều trị vì Covid-19 cũng có xu hướng giảm.
Dẫu vậy, Tiến sĩ Rochelle Walensky, giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cảnh báo đà giảm có thể chững lại, đồng thời kêu gọi các chính quyền địa phương và người dân duy trì những biện pháp phòng chống virus để ngăn mầm bệnh bùng phát mạnh trở lại.
Mỹ “bật đèn xanh” cho vắc-xin tiêm một liều
Một hội đồng cố vấn cho Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) hôm 26/2 đã nhất trí đề xuất phê duyệt việc dùng khẩn cấp vắc-xin ngừa Covid-19 tiêm một liều duy nhất, do hãng Johnson & Johnson phát triển. Các bác sĩ, nhà nghiên cứu y tế và chuyên gia bệnh truyền nhiễm nhận định, các lợi ích của loại vắc-xin này nhiều hơn những rủi ro nó có thể gây ra ở những người tiêm từ 18 tuổi trở lên.
Theo Reuters, đây là bước quan trọng giúp tiến gần hơn tới việc FDA chính thức cho phép lưu hành chế phẩm. Đại diện nhà sản xuất cho biết, họ đã sẵn sàng cung cấp vắc-xin ngay lập tức nếu nhận được giấy phép. Ước tính, công ty có thể phân phối 3 – 4 triệu liều vắc-xin vào tuần tới.
Cho đến hiện tại, Mỹ đã tiêm hơn 50 triệu liều vắc-xin cho người dân trên khắp toàn quốc, một dấu mốc được Tổng thống Joe Biden ca ngợi hôm 25/2. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, sự xuất hiện của những biến thể virus mới, nguy hiểm hơn càng làm nổi bật nhu cầu cấp thiết phải chủng ngừa cho thêm hàng trăm triệu dân nước này.
Hội đồng Bảo an LHQ thông qua nghị quyết kêu gọi quyền tiếp cận vắc-xin bình đẳng
Báo New York Times dẫn lời các nhà ngoại giao cho hay, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA) vừa nhất trí thông qua một nghị quyết kêu gọi quyền tiếp cận công bằng đối với các loại vắc-xin Covid-19. Nghị quyết hối thúc cải thiện khả năng tiếp cận với các nguồn chế phẩm tại những khu vực đang có xung đột hay các nước nghèo.
Đây là nghị quyết thứ 2 được HĐBA phê chuẩn về đại dịch. Trước đó, vào ngày 1/7 năm ngoái, các nước thành viên thuộc cơ quan này cũng thông qua nghị quyết kêu gọi các bên xung đột trên thế giới ngừng bắn hoàn toàn và ngay lập tức để tạo điều kiện cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo và sơ tán y tế nhằm chống lại sự bùng phát của virus.
Séc siết chặt phong tỏa
Chính phủ Séc ngày 26/2 công bố các quy định nghiêm ngặt mới, hạn chế đi lại của người dân trong 3 tuần cũng như siết chặt lệnh đóng cửa các cửa hàng, trường học nhằm làm chậm lại đà lây lan của virus. Các lệnh mới sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/3.
Reuters trích dẫn số liệu thống kê của trang Our World in Data cho hay, với 10,7 triệu dân, Séc có tỷ lệ nhiễm Covid-19 xấp xỉ 10% hồi năm ngoái và có tỷ lệ mắc trung bình trên đầu người cao nhất thế giới trong tuần qua, cao gấp 10 lần so với Đức. Số trường hợp tử vong vì dịch đã tăng từ khoảng 600 người lên 20.000 người trong vòng 5 tháng.
Séc đang đối mặt với tình trạng tăng tốc lây nhiễm do biến thể virus phát hiện lần đầu tiên ở Anh hồi cuối năm ngoái. Số bệnh nhân trong tình trạng nặng tăng cao kỷ lục. Một số bệnh viện buộc phải chuyển bệnh nhân sang các cơ sở điều trị ở cách xa hàng trăm km do quá tải.
Thủ tướng Séc Andrej Babis tuyên bố, ông muốn tránh thảm cảnh từng xảy ra ở Bergamo, miền bắc Italia, nơi từng là tâm chấn đại dịch của châu Âu hồi năm ngoái.
Các tin tức đáng chú ý khác về đại dịch:
– Hải quân Mỹ thông báo đã phát hiện 12 ca mắc trong tổng số 600 thủy thủ và lính thủy đánh bộ trên chiếm hạm USS San Diego đang hoạt động ở Trung Đông. Nhà chức trách dự kiến sẽ tiến hành xét nghiệm kiểm dịch thêm đối với tuần dương hạm mang tên lửa USS Philippines Sea, chở theo khoảng 380 lính cũng đang làm nhiệm vụ trong khu vực.
– Bộ trưởng Y tế Ecuador Juan Carlos Zevallos ngày 26/2 đã đệ đơn từ chức sau khi ông bị điều tra vì các cáo buộc lạm dụng quyền lực trong quá trình triển khai tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 từ đầu năm nay. Ecuador hiện ghi nhận 282.599 ca mắc với 15.713 bệnh nhân tử vong.
– Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, việc Trung Quốc gửi lô vắc-xin Sinovac do nước này tự phát triển cho Singapore, dù nước sở tại chưa cấp phép lưu hành khiến một số ý kiến nghi ngờ về “động thái bất thường”.
– Chính phủ Bỉ đã quyết định hoãn kế hoạch nới lỏng các biện pháp phòng chống Covid-19 khi biến thể virus có nguồn gốc từ Anh được xác định là nguyên nhân chính làm dịch bùng phát mạnh trở lại ở quốc gia được mệnh danh “trái tim của châu Âu”. Trong vòng 24 giờ qua, Bỉ ghi nhận thêm 3.076 ca nhiễm và 18 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca mắc trên toàn quốc lên 763.885 người, trong đó 22.066 ca không qua khỏi.
*** WHO chuyển hướng điều tra sau khi gặp bệnh nhân số 0 ở Vũ Hán
Sputnik ngày 27/2 đưa tin, nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chuyển hướng điều tra về nguồn gốc của COVID-19 từ khu chợ hải sản Hoa Nam, Vũ Hán (Trung Quốc) sang một khu chợ khác.
Thâm nhập hoạt động tình báo viễn thông ở quần đảo Channel
Những công ty tình báo đặt trụ sở chính ở quần đảo Channel (một thuộc địa của Hoàng gia Anh đặt ở eo biển Manche, ngoài khơi bờ biển Normandy của Pháp) để thực hiện nhiều hoạt động giám sát chống lại cả thế giới.
Tổng thống Joe Biden họp báo về vụ không kích Syria
CNBC News ngày 27/2 đưa tin, Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng ngày đã mở một cuộc họp báo để thông tin về vụ không kích nhóm dân quân thân Iran tại Syria.
Quan hệ Nga – Mỹ vẫn gập ghềnh
Với khẳng định sẽ áp dụng một lập trường cứng rắn với Nga trong nhiều vấn đề, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khiến Moscow quan ngại về việc hợp tác với Washington. Phía Nga nêu rõ: Rất khó để tưởng tượng quan hệ giữa hai bên sẽ thay đổi như thế nào khi chính quyền mới bắt đầu bằng một lập trường như vậy.
Hoàng tử Harry bất ngờ hé lộ lý do rời Hoàng gia Anh
Trong một chương trình truyền hình tại Mỹ, Hoàng tử Anh Harry thừa nhận phải từ bỏ các nghĩa vụ hoàng gia của mình vì nền báo chí “độc hại” nước này đã hủy hoại sức khỏe tinh thần anh.
Vừa kích hoạt tiêm chủng quốc gia, Hàn Quốc vội vã giãn cách xã hội
Hàn Quốc ngày 26/2 tuyên bố sẽ gia hạn các biện pháp giãn cách xã hội hiện tại thêm hai tuần nữa, vào đúng thời điểm chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại quốc gia này chính thức khởi động.
Xe chở tên lửa S-400 đâm trúng xe cảnh sát ở Moscow
Nhóm xe quân sự hạng nặng chở tên lửa phòng không S-400 của Nga đã va chạm liên hoàn với xe cảnh sát và xe dân sự trên đường cao tốc ở ngoại ô Moscow.
Nhà ngoại giao Nga về nước từ Triều Tiên bằng… xe đẩy tự chế
Các nhà ngoại giao tại phái bộ thường trực Nga tại Bình Nhưỡng đã sử dụng phương tiện “đặc biệt” để đi qua biên giới hai nước trong chuyến hồi hương hôm 25/2.
Mỹ không kích phiến quân do Iran hậu thuẫn tại Syria
Reuters ngày 25/2 dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết Washington đã thực hiện một cuộc không kích nhằm vào một “cấu trúc thuộc về lực lượng được cho là dân quân do Iran hậu thuẫn”.
Anh áp lệnh trừng phạt Tổng tư lệnh quân đội Myanmar
Anh hôm 25/2 đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với 6 thành viên quân đội Myanmar, bao gồm cả Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing, do liên quan đến cuộc đảo chính hồi đầu tháng.
Binh sĩ Philippines được yêu cầu tiêm vaccine COVID-19
Quân đội Philippines hôm 25/2 cho biết các binh sĩ sẽ được yêu cầu tiêm vaccine ngừa COVID-19, khi quốc gia này chuẩn bị nhận những liều đầu tiên và bắt đầu triển khai tiêm chủng, theo AFP.
Trung Quốc chưa bao giờ yêu cầu quan chức Mỹ xét nghiệm COVID-19 từ hậu môn
Đây là khẳng định từ phía Bộ Ngoại giao Trung Quốc, sau khi truyền thông Mỹ đưa tin rằng các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đã phàn nàn về cách xét nghiệm này.
Ấn Độ, Pakistan nhất trí ngừng bắn tại khu vực biên giới tranh chấp
Ấn Độ và Pakistan đồng ý “tuân thủ nghiêm ngặt” lệnh ngừng bắn tại khu vực biên giới tranh chấp ở Kashmir, nơi thường xuyên xảy ra các vụ nổ súng giữa quân đội hai nước trong những tháng gần đây.
Cơ chế COVAX: Tồn tại và thách thức
Dù đặt ra mục tiêu ban đầu là hỗ trợ phân phối vaccine công bằng hơn cho tất cả các nước, nhưng sự thiết hụt nguồn cung và hậu cần lại đang khiến cơ chế COVAX gặp nhiều trở ngại và thách thức.
Đụng độ xảy ra giữa những người biểu tình trên đường phố Myanmar
Đụng độ đã xảy ra trên đường phố Yangon hôm 25/2 giữa các nhóm ủng hộ và phản đối quân đội Myanmar, vào thời điểm chính quyền quân sự nỗ lực ngăn chặn sinh viên rời trường học tham gia biểu tình phản đối đảo chính.
Người đàn ông Nga lĩnh án tù vì “tuồn” bí mật quốc gia cho Trung Quốc
Toà án Nga tuyên phạt một người đàn ông 8 năm tù vì tội phản quốc, sau khi ông này thừa nhận đã “tuồn” bí mật quốc gia cho tình báo Trung Quốc.
Tổng thống Biden tiếp tục đảo ngược chính sách người tiền nhiệm
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đảo ngược một sắc lệnh được ban hành dưới thời chính quyền người tiền nhiệm vốn ngăn chặn nhiều người xin thẻ xanh vào Mỹ.

Tổng hợp-TT