VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 28/10/2020.

        Làn sóng Covid-19 thứ hai đang bùng phát tại Mỹ và nhiều nước châu Âu; Mỹ và Nhật Bản tập trận quy mô lớn, gửi cảnh báo “sắc lạnh” tới Trung Quốc; Thế giới trải qua ngày chết chóc, Châu Âu oằn mình chống dịch Covid-19…là những tin chính được cập nhật.
Làn sóng Covid-19 thứ hai đang bùng phát tại Mỹ và nhiều nước châu Âu
        Kinhtedothi – Mỹ, Nga, Pháp và nhiều quốc gia khác đang lập kỷ lục về số ca mắc virus SARS-CoV-2 khi làn sóng dịch Covid-19 tràn qua các khu vực của Bắc bán cầu.
Đợt tái bùng phát dịch Covid-19 trong những ngày gần đây đã buộc một số quốc gia châu Âu phải áp dụng các biện pháp hạn chế mới.
Diễn biến nghiêm trọng của dịch Covid-19 đã gây sức ép lên thị trường tài chính toàn cầu trong ngày 26/10) khi các đợt lây nhiễm gia tăng làm mờ triển vọng phục hồi kinh tế.
Thông tin tích cực là một loại vaccine ngừa Covid-19 do trường Đại học Oxford và hãng dược phẩm AstraZeneca nghiên cứu và phát triển đã tạo ra các phản ứng miễn dịch cả ở người già và người trẻ tuổi. Tin khả quan liên quan đến vaccine Covid-19 của AstraZeneca được đưa ra trong bối cảnh các nước ở Bắc bán cầu chuẩn bị bước vào mùa đông và nhiều người sẽ ở trong nhà.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cảnh báo rằng vaccine ngừa Covid-19 triển vọng này sẽ không được phổ biến rộng rãi cho tới năm sau.
Bất kỳ loại vaccine nào cũng phải vượt qua những thử thách về mặt khoa học và quan hệ công chúng. Theo kết quả các cuộc khảo sát, chỉ khoảng một nửa người Mỹ sẽ được tiêm vaccine Covid-19 do họ lo ngại về tính an toàn, hiệu quả và quá trình phê chuẩn.
Tại Mỹ, số bệnh nhân Covid-19 nhập viện đang ở mức cao nhất trong 2 tháng, khiến hệ thống y tế ở một số bang rơi vào tình trạng quá tải.
Theo phân tích của Reuters, số ca mắc virus SARS-CoV-2 mới tại Mỹ trong tuần trước đã tăng 24% trong khi số trường hợp xét nghiệm Covid-19 tăng 5,5%.
Dịch Covid-19 đang tăng tốc mạnh ở châu Âu khi một loạt các quốc gia báo cáo mức tăng kỷ lục, dẫn đầu là Pháp, lần đầu tiên công bố hơn 50.000 trường hợp hàng ngày vào Chủ nhật, trong khi châu lục này đã vượt qua ngưỡng 250.000 ca tử vong.
Giáo sư Jean-François Delfraissy, người đứng đầu một hội đồng tư vấn cho chính phủ Pháp cho biết nước này có thể chứng kiến con số 100.000 ca nhiễm Covid-19 mới mỗi ngày.
Các chính phủ tại châu Âu đang cố gắng tránh việc tái áp đặt các lệnh phong tỏa được áp đặt để ngăn chạn dịch Covid-19 hồi tháng 3 vốn gây ảnh hưởng nặng về kinh tế. Tuy nhiên, sự gia tăng đột biến các ca mức mới đã buộc nhiều quốc gia châu Âu phải thắt chặt các biện pháp giãn cách xã hội và lệnh giới nghiêm.
“Chúng ta đang đối mặt với những tháng rất khó khăn ở phía trước” – Thủ tướng Đức Angela Merkel nói tại một cuộc họp các lãnh đạo từ đảng Dân chủ Cơ đốc giáo của bà. Theo hãng tin Daily Bild, bà Merkel có kế hoạch tập trung các giới hạn vào việc đóng cửa các quán bar, nhà hàng và các sự kiện công cộng.
Trong khi đó, Chính phủ Tây Ban Nha đang đối mặt với sự phản đối dữ dội về kế hoạch đưa một trong những điểm nóng Covid-19 tồi tệ nhất châu Âu vào tình trạng khẩn cấp kéo dài 6 tháng. Các đảng đối lập nước này cho rằng 6 tháng là quá dài trong khi các nhà dịch tế cho biết điều này có thể đã muộn.
Số người mắc Covid-19 trong ngày ở Nga cũng lập kỷ lục mới với 17.347 ca trong ngày 26/10 khi Điện Kremlin cảnh báo dịch Covid-19 đã bắt đầu tấn công mạnh mẽ hơn ở bên ngoài thủ đô Moscow.
Trong tháng 8, Nga trở thành quốc gia đầu tiên cấp phép vaccine Covid-19 sau chưa đầy 2 tháng thử nghiệm trên người, khiến các nhà khoa học phương Tây lo lắng. Với 1,5 triệu ca mắc, quốc gia với khoảng 145 triệu dân này đang đứng thứ 4 thế giới về số người nhiễm Covid-19, sau Mỹ, Ấn Độ và Brazil.
Italia, nước bị ảnh hưởng nặng nhất trong những giai đoạn đầu của đại dịch hồi tháng 3, đã phải áp đặt các giới hạn mới, ra lệnh cho nhà hàng, quán bar phải đóng cửa từ 6 giờ tối. Rạp chiếu phim, phòng tập cũng phải đóng cửa và lệnh giới nghiêm địa phương được áp đặt ở một số nơi.
Theo thống kê của hãng Reuters, thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 43 triệu ca mắc Covid-19 và 1,15 triệu người tử vong. Trong đó, Mỹ đang dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm với 8,6 triệu người và số trường hợp tử vong nhiều nhất – 225.000 người.
Mỹ và Nhật Bản tập trận quy mô lớn, gửi cảnh báo “sắc lạnh” tới Trung Quốc
VOV.VN – Cuộc tập trận được xem là lời cảnh báo với Trung Quốc rằng Nhật Bản sẽ có lập trường kiên quyết hơn về các tranh chấp trên biển dưới sự hậu thuẫn của Mỹ.
Hàng chục nghìn binh sỹ Mỹ và Nhật Bản đã tiến hành một cuộc tập trận đổ bộ quy mô lớn trên đảo mang tên Keen Sword 21 (“Thanh gươm sắc” ) tại khu vực Thái Bình Dương trong tuần này.
Cuộc tập trận được xem là lời cảnh báo với Trung Quốc rằng Nhật Bản sẽ có lập trường kiên quyết hơn về các tranh chấp trên biển với sự hậu thuẫn của Mỹ.
Phát biểu ngày 26/10, Chỉ huy lực lượng Mỹ ở Nhật Bản, Trung tướng Kevin Schneider cho biết, cuộc tập trận sẽ chứng tỏ khả năng của liên minh Mỹ-Nhật “trong việc điều động binh sỹ để bảo vệ quần đảo Senkakus (mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư – ND), hoặc ứng phó với các cuộc khủng hoảng hay tình huống bất thường trong khu vực”. Keen Sword là cuộc tập trận thường niên giữa Mỹ và Nhật Bản, được tiến hành hơn 30 năm. Cuộc tập trận năm nay kéo dài đến ngày 5/11.
Cả Trung Quốc và Nhật Bản đều tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đây là nhóm đảo nhỏ nằm ở biển Hoa Đông, cách thủ đô Tokyo, Nhật Bản 1.900km về phía tây nam. Những tranh chấp về chủ quyền đã đẩy quan hệ Trung – Nhật vào tình trạng căng thẳng trong nhiều năm qua. Cả Bắc Kinh và Tokyo dường như đều không muốn lùi bước trong vấn đề này.
Trong năm nay, các tàu Trung Quốc đã hiện diện ở vùng biển xung quanh quần đảo này với tần suất kỷ lục, một động thái khiến Tokyo hết sức lên án.
*** Thế giới trải qua ngày chết chóc, Châu Âu oằn mình chống dịch Covid-19
VOV.VN – Nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là châu Âu đang phải “gồng mình” chống lại làn sóng bùng phát mới và thời điểm “mùa đông được đánh giá là rất khó khăn” đang tới gần.
Ngày 28/10, thế giới đã vượt mốc 44 triệu người mắc Covid-19. Sau nhiều tháng, số ca tử vong do dịch bệnh này trong ngày trên thế giới một lần nữa vượt mốc 7.000 ca.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 27/10 đưa ra nhận định, đại dịch Covid-19 “thật tệ hại” và gọi đó là 1 thảm kịch quốc gia kinh hoàng: “Chúng ta đang ở trong một đại dịch toàn cầu chưa từng có, điều đó thực sự tệ hại. Thật khó khăn để vượt qua làn sóng thứ hai này. Sẽ thật khó chịu khi phải đóng cửa cuộc sống của chúng ta. Bây giờ buộc phải đưa ra những lựa chọn khó khăn, điều này đồng nghĩa một mùa đông khó khăn đang chờ chúng ta ở phía trước.”
Tại Mỹ, dù các chiến dịch vận động tranh cử đang diễn ra rầm rộ khi chỉ còn ít ngày nữa là tới cuộc bầu cử chính thức, song các biện pháp phòng dịch vẫn đang được chú ý, đặc biệt là mùa lễ hội đang tới gần. Thành phố New York đã quyết định áp dụng các biện pháp cách ly đối với khách du lịch tới từ các bang khác, đồng thời cảnh báo sẽ có biện pháp thích đáng với những ai không tuân thủ quy định này.
Tình hình dịch bệnh vẫn đang nóng lên từng ngày ở châu Âu. Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel tiếp tục kêu gọi người dân nâng cao ý thức và nghiêm túc tuân thủ các quy định phòng chống dịch bệnh. Dự kiến, tại cuộc họp với lãnh đạo các bang của Đức trong ngày 28/10, Thủ tướng Merkel sẽ thúc đẩy việc áp đặt thêm các biện pháp phòng bệnh quyết liệt hơn, có thể là đóng cửa các nhà hàng và quán bar cũng như cấm tổ chức các sự kiện công cộng.
Tại Bỉ, số ca nhập viện do Covid-19 ở mức cao nhất trong 7 tháng qua. Điều này được dự báo là 1 thách thức rất lớn đối với các bệnh viện tại Bỉ trong những tuần tới.
Cũng giống như Bỉ, số ca nhập viện điều trị Covid-19 tại Pháp cũng đang ở mức cao nhất trong 6 tháng qua.
Một bác sĩ tại bệnh viện Robert Ballanger cho biết: “Ngày càng có nhiều bệnh nhân Covid-19 và rất tiếc là chúng tôi không có nhiều điều kiện chăm sóc cho họ hơn so với trước đợt bùng phát đầu tiên. Đó là vấn đề về giường bệnh và nhân sự. Thực tế, chúng tôi vẫn chưa thể kết thúc điều trị cho các nạn nhân trong đợt đầu, chúng tôi chưa bao giờ là không có bệnh nhân Covid-19”.
Tại Tây Ban Nha, các nhân viên y tế đã bắt đầu cuộc tuần hành trên quy mô cả nước nhằm đòi hỏi cải thiện điều kiện làm việc, với những khẩu hiệu như hãy cứu lấy ngành y tế. Ước tính sẽ có tới 85% nhân viên y tế Tây Ban Nha sẽ tham gia các cuộc tuần này, vốn được lên kế hoạch tổ chức vào ngày thứ Ba cuối tháng.
Khi đại dịch bùng phát một lần nữa, nhiều cuộc họp, chuyến thăm ngoại giao phải hủy bỏ do các quan chức bị mắc hoặc có nguy cơ mắc Covid-19. Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Margaritis Schinas ngày 27/10 thông báo trên Twitter rằng ông đã tự cách ly sau khi nhận được kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng thông báo đang tự cách ly sau khi tiếp xúc với một người bị mắc Covid-19. Hãng thông tấn RIA cho biết, các chuyến thăm và cuộc họp đã lên kế hoạch trước đó của Ngoại trưởng Nga sẽ bị hoãn lại.
Cũng trong ngày 27/10, toàn bộ các họp trực tiếp tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York đã bị hủy sau khi một quốc gia thành viên thông báo có 5 nhân viên mắc Covid-19. Đây là lần đầu tiên kể từ mùa hè vừa qua, Liên Hợp Quốc phải hủy họp trực tiếp vì đại dịch./.

Tổng hợp-TT