Không chấp nhận thực tế; Bốn cái bẫy đe dọa Trung Quốc; Thượng đỉnh Trump-Putin nguy cơ đổ vỡ, Ukraina đe ‘chiến tranh toàn diện’ với Nga; Hơn 120 nhà khoa học phản đối chỉnh sửa gene trên con người…là những tin chính được cập nhật.
Không chấp nhận thực tế
Cháy rừng ở Mỹ. Ảnh: REUTERS
(SGGP) Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 26-11 nói với các phóng viên rằng, ông không tin vào những phát hiện mới về tác động của biến đổi khí hậu với nền kinh tế Mỹ vừa được Chính phủ nước này công bố mà không đưa ra lý do.
Báo cáo, được gọi là “Đánh giá khí hậu quốc gia”, đã được công bố một cách lặng lẽ vào ngày 23-11, ngay sau lễ Tạ ơn. Báo cáo do 13 cơ quan cấp liên bang và 300 nhà khoa học hàng đầu của Mỹ cảnh báo về tác động xấu của biến đổi khí hậu trong đó có khí thải từ hoạt động khai thác dầu và khí đốt trên lãnh thổ của Mỹ.
Theo bản báo cáo này, với sự tăng trưởng liên tục về khí thải ở mức lịch sử, tổn thất hàng năm trong một số lĩnh vực kinh tế Mỹ được dự báo sẽ lên đến hàng trăm tỷ USD vào cuối thế kỷ – nhiều hơn tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hiện tại của nhiều tiểu bang Mỹ.
Các nền kinh tế khu vực và các ngành công nghiệp phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên và khí hậu thuận lợi, bao gồm nông nghiệp, du lịch và thủy sản, sẽ bị ảnh hưởng mạnh.
Hơn nữa, một khi các quốc gia khác cũng phải chịu tác động của biến đổi khí hậu, nước Mỹ sẽ nặng gánh hơn về giá nhập khẩu và xuất khẩu cũng như ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có chuỗi cung ứng ở nước ngoài.
Theo báo cáo, chỉ riêng ô nhiễm không khí từ các nhà máy phát điện và xe hơi tiếp tục tăng trong suốt thế kỷ 21, Mỹ có thể thiệt hại 155 tỷ USD mỗi năm về việc làm và 118 tỷ USD mỗi năm về tài sản ven biển.
Tổn thất về nhân mạng do nhiệt độ cực nóng và cực lạnh có thể làm mất 141 tỷ USD mỗi năm và hậu quả từ chất lượng không khí tồi tệ có thể là 26 tỷ USD mỗi năm.
Bốn cái bẫy đe dọa Trung Quốc
Sau 40 năm xúc tiến “cải cách và mở cửa”, Trung Quốc đang trên đà phát triển, với rất nhiều tiến bộ vượt bậc trong hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp… Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cảnh báo, nước này đang phải đối mặt với 4 cái bẫy.
Trong một bài viết mới đăng tải trên trang Project Syndicate, ông Andrew Sheng, cựu Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và các hợp đồng tương lai Hong Kong kiêm giáo viên thỉnh giảng tại Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh) và ông Xiao Geng, Chủ tịch Viện tài chính quốc tế Hong Kong đã chỉ ra 4 cái bẫy đối với Trung Quốc.
Trước hết là bẫy thu nhập trung bình. Với thu nhập bình quân đầu người hàng năm vào khoảng 9.000USD, Trung Quốc vẫn còn cách xa ngưỡng thu nhập cao do Ngân hàng Thế giới đặt ra, vốn vào khoảng 12.000 – 13.000 USD/người/năm. Chỉ có một vài nước đã đạt được ngưỡng này trong nửa thế kỷ qua.
Nguyên nhân chính là việc đạt được ngưỡng thu nhập cao đòi hỏi một mạng lưới các cơ quan hiện đại, mạnh mẽ xác lập các quyền và nghĩa vụ của cá nhân, cho phép các trao đổi thị trường và tương tác phi thị trường, cũng như củng cố sức mạnh luật pháp thông qua giải quyết các tranh chấp một cách công bằng. Dù Trung Quốc đã cố gắng phát triển các cơ quan thể chế như vậy suốt 4 thập niên qua, nhưng họ vẫn còn phải vượt qua một con đường dài mới đến đích.
Thứ hai, Trung Quốc có thể bị sa vào “bẫy Thucydides”, tức là khi một cường quốc lâu năm (Sparta thời sử gia Thucydides và Mỹ hiện nay) e sợ một cường quốc đang trỗi dậy (Athens hồi thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên và Trung Quốc hiện nay), chiến tranh là điều không thể tránh khỏi.
Cái bẫy tiềm ẩn thứ ba là những gì nhà phân tích Joseph Nye mô tả như “bẫy Kindleberger”. Charles Kindleberger, kiến trúc sư trưởng của Kế hoạch Marshall, đã đổ lỗi sự sụp đổ trật tự quốc tế vào những năm 1930 cho thất bại của Mỹ trong việc khớp quan điểm riêng về hàng hóa công cộng toàn cầu với vị thế địa chính trị mới của họ là cường quốc thống trị thế giới. Nếu Trung Quốc làm điều tương tự, theo ông Nye, rối loạn có thể bùng phát một lần nữa, đặc biệt vào một thời điểm khi Mỹ đang rút khỏi vị trí lãnh đạo toàn cầu.
Cuối cùng là bẫy biến đổi khí hậu. Các nước có thu nhập cao nói chung và các cường quốc lớn nói riêng thường “ngốn” một lượng lớn các tài nguyên. Tuy nhiên, nền kinh tế và ảnh hưởng của Trung Quốc đang phát triển vào một thời điểm, như các tổ chức như Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu cảnh báo, sự tiêu dùng bất cân xứng đó không thực sự là lựa chọn hay. Trung Quốc do đó đối mặt với một yêu cầu nữa về việc hỗ trợ hợp tác quốc tế và thực thi các chính sách định hướng vì các vấn đề môi trường.
Thượng đỉnh Trump-Putin nguy cơ đổ vỡ, Ukraina đe ‘chiến tranh toàn diện’ với Nga
Tổng thống Mỹ Donald Trump để ngỏ khả năng hủy một cuộc gặp dự kiến với người đồng cấp Nga Vladimir Putin bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina, sau khi Nga tấn công và bắt giữ 3 tàu hải quân Ukraina bị cáo buộc xâm phạm lãnh hải nước này ở biển Đen.
Theo CNN, trong một cuộc phỏng vấn với tờ Washington Post ngày 27/11, Tổng thống Trump tuyên bố ông vẫn đang chờ nhận một “báo cáo hoàn chỉnh” của nhóm cố vấn an ninh quốc gia Mỹ về vụ đụng độ xảy ra ngoài khơi bán đảo Crưm hôm 25/11.
Lãnh đạo Nhà Trắng nói, quyết định của ông liên quan đến cuộc gặp người đứng đầu Điện Kremlin bên lề hội nghị thượng định G20 trong tuần này ở Argentina, sẽ phụ thuộc vào báo cáo nói trên.
“Có thể tôi sẽ không có cuộc tiếp xúc ấy … Tôi không thích hành động gây hấn đó. Tôi không hề muốn kiểu khiêu khích như vậy”, ông Trump nhấn mạnh.
Ukraina đã ban hành lệnh thiết quân luật sau sự cố ở biển Đen hồi cuối tuần trước. Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin NBC, Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko kêu gọi ông Trump yêu cầu người đồng cấp Nga Putin “tránh xa” Ukraina.
Hơn 120 nhà khoa học phản đối chỉnh sửa gene trên con người
Họ cùng nhau ký tên vào bức thư phản đối thử nghiệm chỉnh sửa gene trên con người do “ảnh hưởng sâu sắc đến vấn đề đạo đức”.
Bức thư được hơn 120 nhà khoa học Trung Quốc ký tên, đăng tải trực tuyến ngày 27/11 lên án thí nghiệm chỉnh sửa gene trên người, SCMP đưa tin. Một ngày trước, nhà khoa học He Jiankui thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ miền Nam (SUST) Trung Quốc tuyên bố đã tạo ra hai bé gái sinh đôi được chỉnh sửa gene có khả năng miễn nhiễm với HIV. Kết quả nghiên cứu này vẫn chưa được xuất bản trên tạp chí khoa học nào, được tuyên bố một ngày trước hội nghị về gene diễn ra ở Hong Kong và đang gây ra phản ứng quyết liệt từ các nhà khoa học thế giới.
Đề cập vấn đề đạo đức, He nói: “Tôi hiểu nghiên cứu của mình sẽ gây tranh cãi, nhưng các gia đình cần công nghệ này và tôi sẵn sàng chấp nhận những lời chỉ trích”.
Các nhà khoa học gọi thí nghiệm của He là “điên rồ”, “phi đạo đức” và kêu gọi luật quy định về chỉnh sửa gen, giám sát về đạo đức và an toàn. Các nhà khoa học Trung Quốc cho rằng đây là một “cú đánh” vào danh tiếng của các nhà nghiên cứu y sinh học đang luôn tuân thủ nguyên tắc đạo đức trong công việc.
*** Nga cảnh cáo ‘đừng có đùa với lửa’
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định, việc các tàu hải quân Ukraina xâm nhập trái phép vào lãnh hải của Nga tại biển Đen là một hành vi cố ý khiêu khích và Kiev cần được cảnh báo về hậu quả “đùa với lửa”.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 27/11 sau khi hội đàm với Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, ông Lavrov nhấn mạnh: “Như các bạn đã biết, ngày 26/11, chúng tôi (Nga) đã triệu tập họp khẩn Hội đồng bản an Liên Hợp Quốc (HĐBA). Ukraina cũng lên tiếng ủng hộ việc tổ chức một cuộc họp như vậy.
Tôi nghĩ, sẽ có ích cho mọi người lắng nghe sự thật về những gì đã xảy ra. Tuy nhiên, vấn đề không phụ thuộc chủ yếu vào HĐBA, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) hay bất kỳ tổ chức nào khác, mà là các nhà bảo trợ cho giới cầm quyền Ukraina, những đối tượng cần phải mạnh mẽ cảnh báo Kiev về việc không thể đùa với lửa theo cách như vậy”.
Hãng thông tấn Sputnik dẫn lời ngoại trưởng Nga nói, hiện không cần thiết phải có các bên trung gian giúp dàn xếp tình hình ở Eo biển Kerch.
Trong khi đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres bày tỏ, ông “vô cùng quan ngại” về sự cố xảy ra gần Crưm cuối tuần qua. Ông cũng kêu gọi cả Moscow and Kiev “kiềm chế tối đa và thực hiện các bước không chậm trễ nhằm kiểm soát sự cố này và làm giảm căng thẳng”.
– Cơ quan An ninh liên bang Nga (FSB) đã cho công bố đoạn video thẩm vấn các quân nhân Ukraina có mặt trên 3 tàu hải quân bị Nga bắt giữ trong vụ đụng đổ ở Eo biển Kerch hôm 25/11. Trong đó, các quân nhân Ukraina thừa nhận đã xâm phạm trái phép lãnh hải và có hành động khiêu khích tàu Nga.
– Ông Vasily Gritsak, người đứng đầu Cơ quan An ninh Ukraina (SBU) xác nhận, hai nhân viên phản gián của nước này có mặt trên tàu hải quân bị Nga bắt giữ ở biển Đen cuối tuần trước.
– Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, nếu tại hội nghị thượng đỉnh G20 có câu hỏi liên quan đến vụ đụng độ giữa Nga và Ukraina tại Eo Kerch, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ lên tiếng giải thích đầy đủ.
– Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ, ông không thích “những gì đang diễn ra” ở eo biển Kerch và đang tìm hiểu về vấn đề cùng các đối tác thuộc Liên minh châu Âu (EU).
– Tổng thống Mỹ Trump thông báo, Washington “nhiều khả năng” sẽ tiếp tục tăng thuế nhập khẩu từ mức 10% như hiện nay lên 25% đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá tổng cộng 267 tỉ USD. Gói thuế mới có thể được triển khai vào đầu năm 2019. Đe dọa của lãnh đạo Nhà Trắng được đưa ra khi chỉ còn vài ngày nữa là khai mạc hội nghị thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires, Argentina, nơi ông dự kiến sẽ có cuộc tiếp xúc bên lề quan trọng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm hóa giải các căng thẳng thương mại leo thang giữa hai nước.
– Tướng Charles Brown, lãnh đạo lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ tuyên bố, theo yêu cầu của Hàn Quốc, các oanh tạc cơ của Mỹ không còn bay trên không phận bán đảo Triều Tiên. Theo ông Brown, động thái nhằm hậu thuẫn các nỗ lực ngoại giao hướng tới việc giải trừ hạt nhân Bình Nhưỡng.
– Trong một cuộc phỏng vấn mới công bố, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết, Thái tử Ảrập Xêút Mohammed bin Salman đã đề nghị gặp Tổng thống nước này Tayyip Erdogan bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires.
– Hãng thông tấn Sputnik đưa tin, từ nay cho tới tháng 2/2019, Hải quân Iran sẽ đưa vào biên chế hoạt động cùng lúc 3 tàu khu trục lớp Moudge do nước này tự phát triển.
– Một nguồn tin tiết lộ với hãng thông tấn Jiji Press rằng, chính phủ Nhật đang cân nhắc phát triển một tàu sân bay đa nhiệm để đối phó với mối đe dọa từ các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở gần chuỗi đảo Nansei phía tây bắc nước này.
– Quân đội Syria vừa phát hiện thêm 3 kho vũ khí lớn của phe nổi dậy tại các tỉnh Homs, Damascus và Daraa trong quá trình rà phá bom mìn, vật liệu chiến tranh còn sót lại ở những vùng vừa được giải phóng.
– Ba lính Mỹ thiệt mạng và 3 người khác bị thương trong một vụ nổ bom tự chế gần trung tâm thành phố Ghazni của Afghanistan. Hiện chưa có cá nhân hay tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công.
*** Trung Quốc ghé chân vào “sân sau” của Mỹ
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ thăm cấp Nhà nước Panama ngày 2 và 3-12, tức một ngày sau khi ông gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề Hội nghị G20 ở thủ đô Buenos Aires (Argentina).
Mỹ kết án cựu Giám đốc kho bạc Venezuela 10 năm tù vì nhận hối lộ
Nguyên giám đốc kho bạc quốc gia Venezuela, người từng nhận những khoản hối lộ tổng cộng lên đến 1 tỷ USD để tạo điều kiện cho các hoạt động ngoại hối bất hợp pháp, vừa bị kết án bởi một thẩm phán Mỹ với mức án lên đến 10 năm.
Thái tử Arab Saudi “xin” gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ giữa lúc căng thẳng
Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman đã đề nghị được gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa hai bên liên quan đến vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại.
Pháp bắt giữ quan chức cấp cao vì nghi là gián điệp cho Triều Tiên
Trang France 24 ngày 27-11 đưa tin, cơ quan tình báo Pháp đã bắt giữ một công chức cấp cao của Pháp có tên Benoit Quennedey vì nghi ngờ là gián điệp cho CHDCND Triều Tiên.
Ban sắc lệnh thiết quân luật, Tổng thống Ukraine bị chỉ trích vượt quyền
Reuters ngày 27-11 đưa tin, liên quan đến việc ban hành sắc lệnh thiết quân luật, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã bị các nghị sĩ nước này lên tiếng chỉ trích là vượt quyền hạn, không tôn trọng các đảng phái trong Quốc hội.
6 người thiệt mạng trong vụ thảm sát gây rúng động Nhật Bản
The Guardian ngày 27-11 đưa tin, thi thể của 6 nạn nhân, trong đó có 5 người thuộc cùng một gia đình, đã được tìm thấy trong tình trạng bị sát hại dã man tại một trang trại thuộc khu vực đồng quê tỉnh Miyazaki, Nhật Bản.
Bất ngờ lời thú nhận của thủy thủ Ukraine xâm phạm lãnh hải Nga
Các sĩ quan quân đội Ukraine có mặt trên 3 con tàu bị Nga tạm giữ gần eo biển Kerch cách đây hai hôm đã thừa nhận hành vi xâm phạm trái phép lãnh hải Nga cũng như có hành động khiêu khích tàu Nga.
Nga tuyên bố từ lâu không còn “đếm xỉa” đến việc trừng phạt của phương Tây
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng Moscow từ lâu đã không còn lo lắng về các lệnh trừng phạt vô cớ, sau khi ông được hỏi về khả năng Phương Tây áp đặt trừng phạt mới chống Nga vì vụ đụng độ ở eo biển Kerch.
Tổng thống Putin nói gì về vụ đụng độ với tàu Ukraine gần Crimea?
Tổng thống Putin nhấn mạnh giới lãnh đạo ở Kiev phải chịu hoàn toàn trách nhiệm cho vụ đụng độ gần eo biển Kerch, đồng thời nói rằng vụ việc được thực hiện có tính đến chiến dịch tranh cử sắp tới ở Ukraine.
Giải mã đám mây giết người năm 1948
Các ngành công nghiệp sắt và kẽm đã tạo ra nhiều công ăn việc làm cho cư dân Donora (tiểu bang Pennsylvania, Mỹ), song cũng cướp đi sức khỏe và trong một số trường hợp là cả tính mạng của họ. Sau nhiều năm, những bí ẩn đe dọa tính mạng của người dân Donora đã gây nên nỗi lo sợ cho người dân Mỹ vì sự phát triển công nghiệp không được kiểm soát phù hợp mới được phát hiện.
Triển vọng “sáng” cho JCPOA và nỗ lực của châu Âu
Trong khuôn khổ vòng thứ 14 của Hội nghị cấp cao châu Âu và Trung Á diễn ra hôm 23-11 tại Brussels (Bỉ), Bộ trưởng Ngoại giao các nước Trung Á và quan chức cấp cao Liên minh châu Âu (EU) đã ra tuyên bố chung nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ và ủng hộ mọi phương diện của thỏa thuận hạt nhân Iran, có tên gọi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Tuyên bố chung hoan nghênh việc Iran tuân thủ những cam kết trong JCPOA.
Vòng xoáy căng thẳng mới trong quan hệ Nga – Ukraine
Vốn đã “cơm chẳng lành, căng chẳng ngọt”, mối quan hệ giữa Nga và Ukraine nay lại bị đẩy vào một vòng xoáy căng thẳng mới sau vụ va chạm ở eo biển Kerch, khi lực lượng biên phòng Nga cố gắng ngăn chặn 2 tàu chiến của Ukraine đi vòng qua Crimea trên đường tới một cảng của Ukraine. Nga gọi đây là một sự khiêu khích của Ukraine trong khi Kiev nói Moscow đang hành xử một cách hung hăng và bất hợp pháp.
Mỹ sẽ sớm áp thêm thuế đối với hàng Trung Quốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 26-11 cho biết ông dự định sẽ tiếp tục tăng thuế đối với hàng nhập khẩu trị gia 200 tỷ USD từ Trung Quốc lên mức 25% thay vì 10% như hiện nay, đồng thời tái nhấn mạnh lời đe dọa tăng cường áp thuế với lượng hàng hóa nhập khẩu còn lại từ Trung Quốc.
Nhà thám hiểm Mỹ bị bộ lạc “cô lập nhất thế giới” giết vì xâm phạm lãnh thổ
Nhà chức trách Ấn Độ đã bắt đầu một nhiệm vụ gian nan đó là cố gắng truy tìm một nhà truyền giáo của Mỹ, người được cho là đã bị sát hại trên hòn đảo bị cô lập trên Ấn Độ Dương do chạm mặt với bộ tộc trên đảo này.
Tổng hợp-TT