Cặp dưa lưới Nhật Bản có giá kỷ lục hơn 1 tỉ đồng!; Trung Quốc không phải là nguồn gốc của các vấn đề kinh tế của Mỹ; Một năm Mỹ – Trung ‘ăn miếng trả miếng’ trong chiến tranh thương mại; Những nội dung dự kiến trong Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Nhật…là những tin chính được cập nhật.
Cặp dưa lưới Nhật Bản có giá kỷ lục hơn 1 tỉ đồng!
Cặp dưa lưới Yubari được đấu giá ở mức kỷ lục 5 triệu yen (hơn 1 tỉ đồng).
2 quả dưa lưới Yubari đã đạt mức giá kỷ lục 5 triệu yen (hơn 1 tỉ đồng) trong phiên đấu giá trái cây đầu tiên trong năm tại Sapporo, Nhật Bản.
Trong phiên đấu giá đầu tiên dưới thời Lệnh Hoà tại chợ bán buôn trung tâm Sapporo, tỉnh Hokkaido hôm 24.5, cặp dưa lưới Yubari đã phá vỡ kỷ lục 3.2 triệu yen (hơn 680 triệu đồng) trước đó.
Công ty thực phẩm và đồ uống Pocca ở Nagoya là đơn vị giành được cặp dưa lưới nói trên. Công ty lần đầu tiên tham gia buổi đấu giá này để đánh dấu 10 năm bán đồ uống dưa lưới Yubari.
“Đây là một biểu hiện về lòng biết ơn của chúng tôi với hợp tác xã nông nghiệp địa phương và người nông dân trồng dưa ở Yubari” – tờ Yomiuri Shimbun dẫn lời ông Yoshihiro Iwata, chủ tịch công ty cho biết.
Theo công ty, cặp dưa Yubari sẽ được trưng bày trong 10 ngày, bắt đầu từ ngày 26.5 tại các địa điểm bao gồm sân bay New Chitose ở Hokkaido.
Dưa lưới Yubari là một giống dưa vàng được trồng trong nhà kính ở Yubari, Hokkaido, một thành phố nhỏ gần Sapporo. Được mệnh danh là Yubari King (dưa Yubari vua), dưa lưới Yubari được biết đến khắp Nhật Bản, ngày nay chiếm 97% thu nhập nông nghiệp của thành phố Yubari khi mà các mỏ than ở Yubari đã đóng cửa do núi lửa.
Dưa lưới Yubari có ruột màu vàng cam, tương tự về hình dạng và kích thước của các loại dưa vàng phổ biến. Điểm đặc trưng của dưa lưới Yubari là thân tròn đều, vỏ lưới khít, vị ngọt tan chảy trong miệng khiến cho ta đã ăn một miếng không thể nào bỏ qua được miếng thứ 2.
Trung Quốc không phải là nguồn gốc của các vấn đề kinh tế của Mỹ
Trung Quốc là một nước cố cải thiện mức sống người dân thông qua việc giáo dục, đầu tư cơ sở hạ tầng và cải thiện công nghệ, theo quan điểm của giáo sư Jeffery Sachs được đăng trên CNN.
Theo CNN, Trung Quốc đang làm những điều mà bất kì quốc gia nào trên thế giới cũng sẽ làm khi đối diện với hiện thực lịch sử rằng, nước này đã từng nghèo khó và tụt hậu rất xa so với các cường quốc trên thế giới. Tuy nhiên, hiện chính quyền ông Trump đang nỗ lực ngăn cản sự phát triển của Trung Quốc. Điều này có thể sẽ là thảm họa với cả Mỹ và toàn thế giới.
Trung Quốc ngày nay đang bị đem ra làm “vật tế” cho sự bất công đang ngày càng dâng cao tại Mỹ. Trong khi các mối quan hệ thương mại Mỹ – Trung vẫn mang lại lợi ích cho cả hai bên trong suốt nhiều năm qua, một số người lao động Mỹ đã bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là những công nhân nhà máy ở vùng trung tây nước Mỹ, những người phải đối diện với sự cạnh tranh từ lực lượng nhân công giá rẻ nhưng có hiệu suất ngày càng cao tới từ Trung Quốc.
Thay vì đổ lỗi cho Trung Quốc vì sự cạnh tranh rất bình thường trên thị trường lao động, Mỹ nên đánh thuế các khoản lợi nhuận khổng lồ của các công ty đa quốc gia và dùng các khoản tiền này để giúp tầng lớp người lao động phổ thông, xây dựng lại các hệ thống cơ sở hạ tầng xuống cấp, quảng bá các kĩ năng nghề nghiệp mới và đầu tư vào các ngành khoa học công nghệ.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng cần phải hiểu rằng, Trung Quốc chỉ đang muốn bù đắp lại khoảng thời gian bị tụt hậu vì những lí do về địa chính trị và các thất bại kinh tế khác. Dưới đây là một số mốc thời gian để hiểu thêm về hoạt động phát triển kinh tế của Bắc Kinh trong suốt 40 năm qua.
Một năm Mỹ – Trung ‘ăn miếng trả miếng’ trong chiến tranh thương mại
Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm và có nguy cơ gây tác động tới kinh tế, chính trị toàn cầu.
Khi tranh cử tổng thống năm 2016, Donald Trump nhiều lần chỉ trích Trung Quốc, gọi họ là bên “thao túng tiền tệ”, “cưỡng bức” nền kinh tế Mỹ và gọi thâm hụt thương mại giữa hai nước là “vụ trộm lớn nhất trong lịch sử thế giới”. Ông tuyên bố sẽ mạnh tay với Trung Quốc khi đắc cử.
Trump thực hiện lời hứa khi từ tháng 7/2018 tung ra ba vòng áp thuế vào 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, nhắm tới một loạt mặt hàng công nghiệp và tiêu dùng, từ túi xách cho đến thiết bị tàu hỏa. Bắc Kinh đáp trả bằng cách áp thuế với 110 tỷ USD hàng Mỹ gồm hóa chất, than, thiết bị y tế và các loại nông sản như đậu nành. Họ cáo buộc Mỹ khơi mào “cuộc chiến thương mại lớn nhất trong lịch sử”.
Nguyên nhân Trump tung đòn với Trung Quốc là tình trạng mất cân bằng thương mại hơn 378 tỷ USD giữa hai nước. Năm ngoái, Mỹ xuất khẩu 120,3 tỷ USD hàng hóa sang Trung Quốc, giảm 7,4% so với năm 2017. Trong khi đó, nước này nhập khẩu 539,5 tỷ USD hàng Trung Quốc, tăng 6,7% so với năm trước.
Mỹ cũng cáo buộc Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ, có những chính sách thiếu công bằng như hậu thuẫn doanh nghiệp nội địa và ép công ty Mỹ chuyển giao công nghệ nếu muốn tiếp cận thị trường nước này.
Trong khi đó, Trung Quốc lập luận rằng họ đã tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nhưng Mỹ không để ý đến những nỗ lực đó. Bắc Kinh cũng cáo buộc Washington không tuân thủ các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và phớt lờ những lời kêu gọi giảm thuế từ chính các doanh nghiệp Mỹ. Trung Quốc cho rằng các hành động của Mỹ đại diện cho “chủ nghĩa đơn phương” và “chủ nghĩa bảo hộ”.
Những nội dung dự kiến trong Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Nhật
(ĐCSVN) – Ngày 27/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ tiến hành Hội nghị thượng đỉnh nhân dịp người đứng đầu Nhà Trắng sang thăm Nhật Bản.
Truyền thông Nhật Bản nhận định, trong cuộc gặp Tổng thống D.Trump, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ khẳng định mong muốn thúc đẩy các vòng đàm phán song phương và đề cập tới các hoạt động đầu tư của Nhật Bản tại Mỹ, trong bối cảnh hai nước đồng minh vẫn chưa tìm được tiếng nói chung liên quan tới tiến trình đàm phán thương mại.
Trong khi đó, Tổng thống D.Trump cũng tỏ ra sẵn lòng cải thiện tình trạng thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Nhật Bản. Trong một thông điệp đăng tải trên trang Twitter, ngày 26/5, người đứng đầu Nhà Trắng đề cập tới việc trì hoãn hối thúc Tokyo thông qua một thỏa thuận thương mại song phương cho tới sau thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Thượng viện tại Nhật Bản vào mùa Hè năm 2019. Tuy nhiên, ông D.Trump cũng hy vọng sẽ nhận được “một thỏa hiệp quan trọng” từ phía Nhật Bản.
Báo chí Nhật Bản cho biết, có nhiều khả năng ông Abe sẽ tận dụng cơ hội gặp gỡ với Tổng thống D.Trump để thảo luận về các biện pháp ứng phó với Triều Tiên, sau khi Triều Tiên đã phóng các tên lửa đạn đạo tầm ngắn vào đầu tháng 5/2019 trong bối cảnh tiến trình đàm phán hạt nhân với Mỹ đang bị đình trệ.
Liên quan tới vấn đề này, trên trang Twitter, ngày 26/5, Tổng thống D.Trump tuyên bố các vụ phóng tên lửa này của Triều Tiên không khiến ông cảm thấy “phiền lòng”, mà trái lại, người đứng đầu Nhà Trắng còn hy vọng rằng Triều Tiên sẽ hành động nhiều hơn nữa trong mục tiêu phi hạt nhân hóa, nhằm tiến tới việc tái khởi động tiến trình đàm phán với Mỹ.
Cũng trong khuôn khổ cuộc gặp gỡ thượng đỉnh này, ông Abe được cho là sẽ kêu gọi sự hợp tác đầy đủ từ phía Mỹ để giải quyết vấn đề công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc. Hai nhà lãnh đạo cũng sẽ cùng bàn bạc về các vấn đề chính trong chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh G20 dự kiến diễn ra tại Osaka (Nhật Bản) vào tháng tới, với các nội dung trọng tâm là giảm chất thải nhựa tại các đại dương, thúc đẩy tự do thương mại thông qua một số biện pháp, trong đó có việc cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
*** Tấn công bằng dao nhằm vào trẻ em, ít nhất 16 người bị thương
16 người dân, trong đó có 8 trẻ em, đã bất ngờ bị một kẻ lạ mặt dùng dao tấn công khi đang chờ xe buýt tại thành phố Kawasaki, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản vào sáng 28-5.
Đảng Nhân dân Campuchia giành đa số phiếu bầu hội đồng địa phương
Theo các kết quả sơ bộ do Ủy ban Bầu cử Quốc gia Campuchia (NEC) công bố, Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen đã giành được đa số phiếu trong trong các cuộc bầu cử hội đồng địa phương khóa III diễn ra ngày 26-5. NEC cho biết các kết quả tạm thời sẽ được công bố vào ngày 31-5, trong khi kết quả chính thức sẽ được công bố vào ngày 8-6.
Thương chiến Mỹ – Trung thúc đẩy phá vỡ trật tự thế giới
Đàm phán thương mại Mỹ – Trung Quốc bế tắc. Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung giống như phiên bản của cuộc Chiến tranh Lạnh mới ngày càng rõ nét. Nếu cuộc chiến này thực sự xảy ra và phát triển sang các lĩnh vực khác, cuộc chiến của hai người khổng lồ này có thể sẽ phá vỡ trật tự thế giới.
NATO úp mở cách thức cứu vãn Hiệp ước INF vào phút chót
Tổng thư ký Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg nói rằng Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) có thể được cứu vãn, song cần rất nhiều nỗ lực chính trị.
Cảnh sát Indonesia bắt giữ 6 nghi phạm ám sát “biểu tượng quốc gia”
Cảnh sát Indonesia đã bắt giữ 6 người bị tình nghi âm mưu ám sát 4 quan chức nước này giữa bối cảnh làn sóng bất ổn ở thủ đô Jakarta.
Áo: Bầu cử sớm vì bê bối chính trị
Thủ tướng trẻ tuổi nhất châu Âu Sebastian Kurz vừa tuyên bố bầu cử sớm sau khi chính phủ non trẻ của ông tan rã vì một vụ bê bối chính trị mang tên “Ibiza”. Dư luận báo chí nghi ngờ vụ việc được các cơ quan báo chí dàn dựng nhằm làm mất uy tín đảng Tự do (FPO) cực hữu trước thềm bầu cử Nghị viện châu Âu cuối tuần này.
Indonesia: Những khó khăn sau bầu cử
Từ ngày 22-5, hàng nghìn người Indonesia đã xuống đường biểu tình phản đối sau khi Ủy ban bầu cử công bố kết quả xác nhận rằng Tổng thống Joko Widodo thắng đối thủ của ông là tướng về hưu Prabowo Subianto trong cuộc bầu cử ngày 17-4. Những diễn biến xấu tại Indonesia phản ánh điều gì?
Trung – Ấn và cuộc đua căn cứ quân sự ở nước ngoài
Có lẽ đã qua thời Ấn Độ đóng vai trò như “người bảo vệ” duy nhất ở Ấn Độ Dương khi Trung Quốc đang vươn mình ngày một xa hơn với sự hiện diện của các căn cứ quân sự. Trong cuộc đua này, ai sẽ là người đi xa hơn?
Triều Tiên khẳng định Mỹ kết luận sai về vụ thử tên lửa
Phản ứng trước cáo buộc của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton về việc Triều Tiên vi phạm nghị quyết Liên Hợp Quốc vì thử tên lửa đạn đạo, Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA ngày 27-5 khẳng định Mỹ kết luận sai lầm.
Tổng thống Donald Trump thăm Nhật: Khó ra tuyên bố chung
Sẽ vẫn là những cái bắt tay, những nụ cười gần gũi giữa hai đồng minh truyền thống nhưng đằng sau đó âm ỉ sự bất đồng, chưa tìm được lời giải.
Syria dội bão lửa, chiếm thị trấn chiến lược ở Hama từ tay khủng bố
Quân đội Syria tiến hành hàng trăm đợt ném bom và pháo kích vào cứ điểm khủng bố rồi giành lại thị trấn chiến lược ở vùng giáp ranh giữa tỉnh Hama và tỉnh Idlib.
Loay hoay Brexit!
Thủ tướng Anh Theresa May ngày 21-5 đã kêu gọi các bên cùng thỏa hiệp để hoàn thành Brexit trong bối cảnh bà chuẩn bị đệ trình một dự thảo “thỏa thuận mới” trước Quốc hội, bao gồm cơ hội để tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý lần 2 nhằm phá vỡ thế bế tắc về Brexit.
Tổng thống Mỹ thúc ép Nhật Bản về vấn đề thương mại
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 27-5 đã thúc ép Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe giải quyết vấn đề mất cân bằng thương mại giữa Mỹ và Nhật Bàn và cho biết ông hài lòng với những tiến trình đang đạt được với Triều Tiên.
Chuyến công du “xốc lại” quan hệ đồng minh
Hôm 25-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tới Thủ đô Tokyo, bắt đầu chuyến thăm chính thức Nhật Bản kéo dài 4 ngày theo lời mời của Thủ tướng nước chủ nhà Shinzo Abe. Thời điểm diễn ra chuyến thăm rất quan trọng đối với người đứng đầu Nhà Trắng khi hai trụ cột chính là an ninh và thương mại trong chính sách châu Á của Mỹ đang có nguy cơ lung lay.
Iran rắn giọng tuyên bố: “Sẽ tự bảo vệ mình trước bất kỳ sự xâm lược nào”
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ngày 26-5 tuyên bố, nước này sẽ tự bảo vệ mình trước bất kỳ sự xâm lược quân sự hoặc kinh tế nào, đồng thời kêu gọi các nước châu Âu nỗ lực hơn nữa để bảo vệ thỏa thuận hạt nhân đã ký kết, Reuters đưa tin.
Cử tri châu Âu lũ lượt đi bầu cử EP trong ngày quyết định
Phần lớn người dân các nước trong Liên minh châu Âu (EU) ngày 26-5 đã tiến hành đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP), cuộc bầu cử quan trọng mang tia hy vọng về một mái nhà chung châu Âu đoàn kết và vững mạnh hơn.
Tổng hợp-TT