VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 29/5/2019.

Sách Trắng về khoa học – công nghệ Nhật Bản 2019: Cải thiện năng lực nghiên cứu cơ bản; Những ‘ngón đòn’ Trung Quốc có thể giáng trả Mỹ;  Thế giới có thể mất 600 tỷ USD vì chiến tranh thương mại Mỹ Trung…là những tin chính được cập nhật.

Sách Trắng về khoa học – công nghệ Nhật Bản 2019: Cải thiện năng lực nghiên cứu cơ bản

  Nhật Bản luôn là quốc gia đi đầu trong phát triển khoa học - công nghệ. Ảnh: Miraikan   Nhật Bản luôn là quốc gia đi đầu trong phát triển khoa học – công nghệ. Ảnh: Miraikan

(SGGPO) Ngày 28-5, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua Sách Trắng về khoa học – công nghệ năm 2019, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện năng lực nghiên cứu cơ bản của nước này.
Trong Sách Trắng, Chính phủ Nhật Bản đã khẳng định tầm quan trọng của nghiên cứu cơ bản, và coi đây là nền tảng cho sự phát triển của xã hội và có thể đem lại các giá trị mới cho xã hội cũng như cuộc sống của người dân trong tương lai.
Tokyo cũng thừa nhận vị trí của Nhật Bản trên trường quốc tế liên quan tới số lượng các báo cáo khoa học có chất lượng cao đã suy giảm trong những năm gần đây, đồng thời cảnh báo sự hiện diện của Nhật Bản trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản có thể sẽ tiếp tục giảm thêm.
Hồi tháng 10-2018, hàng loạt nhà khoa học Nhật Bản đã từng đoạt giải Nobel đã kêu gọi chính phủ đầu tư nhiều hơn nữa cho nghiên cứu cơ bản. Theo đài NHK, có nhiều số liệu cho thấy nghiên cứu cơ bản của Nhật Bản đang phải đối mặt khủng hoảng.

Những ‘ngón đòn’ Trung Quốc có thể giáng trả Mỹ
Mỹ đang ở thế trên trong cuộc chiến thuế quan với Trung Quốc: Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ nhiều gần gấp 4 lần chiều ngược lại. Nhưng Trung Quốc có nhiều vũ khí khác nữa ngoài thuế quan để đáp trả Mỹ.
Gần nửa số công ty Mỹ đang làm ăn ở Trung Quốc cho biết, họ đang nếm trải “sự trả đũa phi thuế quan” từ quốc gia châu Á này kể từ khi Mỹ lần đầu áp thuế hồi tháng 7 năm ngoái, theo một cuộc khảo sát tháng 5 của Phòng Thương mại Mỹ ở Trung Quốc. Nhóm này đại diện hơn 900 công ty Mỹ hoạt động ở Trung Quốc.
“Tăng cường thực thi quy định, kiểm tra gắt gao hơn các lô hàng của Mỹ… có thể gây tổn thất lớn cho các doanh nghiệp Mỹ”, USA Today dẫn lời giáo sư kinh tế Thomas Prusa tại Đại học Rutgers. “Hầu hết các nhà quan sát đều đánh giá thấp đòn bẩy của Trung Quốc với các công cụ chính sách thương mại khác này”.
Cách thức Trung Quốc có thể trả đũa Mỹ là vấn đề tranh luận rộng khắp khi Mỹ chuẩn bị đánh thuế lên tổng 300 tỷ USD lượng hàng nhập khẩu còn lại từ Trung Quốc, thêm vào các mức thuế mà Mỹ đang áp hiện nay lên 250 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Trái lại, Mỹ xuất khẩu chỉ 120 tỷ USD hàng hóa sang Trung Quốc.
Theo Washington Post, có 5 “ngón đòn” mà Trung Quốc có thể vận dụng để đáp trả và gây tổn thất cho kinh tế Mỹ ngoài quyết định áp thêm thuế:
Ngừng mua hàng của Mỹ
Làm chậm thủ tục hải quan
Để Nhân dân tệ giảm giá trước USD
Bán trái phiếu Mỹ
Chậm cấp phép và phê duyệt cho các công ty Mỹ

 Thế giới có thể mất 600 tỷ USD vì chiến tranh thương mại Mỹ Trung
Toàn cầu sẽ phải trả cái giá rất đắt nếu Mỹ – Trung Quốc áp thuế lên toàn bộ hàng hóa của nhau, khiến thị trường chứng khoán hai nước lao dốc.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã bước sang giai đoạn nguy hiểm mới. Hai nước đều đã thông báo nâng thuế nhập khẩu với hàng hóa của nhau và đe dọa áp thêm thuế mới. Trên lý thuyết, tình hình này vẫn có thể được giải quyết nhanh chóng, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến gặp nhau tại Hội nghị G20 tháng tới. Nhưng hiện tại, khả năng cao hơn cả là cuộc chiến thương mại sẽ còn kéo dài, ngày càng phức tạp và tốn kém.
Trên Bloomberg, hai nhà kinh tế học – Dan Hanson và Tom Orlik đã nghiên cứu các kịch bản chính về diễn biến cuộc chiến này. Kết luận nổi bật nhất của họ là nếu Mỹ – Trung Quốc đánh thuế toàn bộ hàng hóa của nhau và khiến thị trường lao dốc, GDP toàn cầu sẽ mất 600 tỷ USD năm 2021 – năm bị tác động đỉnh điểm.

Ngôi sao đang lên
(SGGPO) Trang EETimes Asia ngày 24-5 đăng bài viết cho rằng với ngành công nghệ đang phát triển nhanh chóng và lực lượng lao động trẻ, có học thức, Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm công nghệ của Đông Nam Á. Những cơ hội mới đang mở ra tại Việt Nam không hẳn chỉ là kết quả của căng thẳng thương mại Mỹ – Trung, mà do tác động của Internet đối với thế hệ kỹ sư mới.
Theo bài báo, sản xuất điện tử tại Việt Nam thu hút rất nhiều sự chú ý trong những năm gần đây và ngày càng gia tăng sự quan tâm của các nhà đầu tư. Dân số trẻ và đầy tham vọng của Việt Nam là một trong những điểm hấp dẫn các tập đoàn đa quốc gia (MNC) muốn mở rộng sự hiện diện ở Đông Nam Á.
Dân số Việt Nam hiện có độ tuổi trung bình 30 và Chỉ số phát triển thanh niên (YDI) gần đây cho thấy 22,5 triệu (25%) dân số Việt Nam ở độ tuổi 15-29.
Bà Daphne Tien, Phó Chủ tịch phụ trách marketing và phát triển kinh doanh khu vực châu Á – Thái Bình Dương của nhà phân phối linh kiện điện tử Mouser Electronics, cho rằng thế hệ trẻ này tạo ra một triển vọng thú vị cho tương lai.
Theo bà Daphne Tien, Mouser Electronics chọn TPHCM đặt văn phòng mới vì nơi đây có dân số trẻ với trình độ tiếng Anh tốt và rất thích sử dụng Internet. Ngoài ra, còn có rất nhiều công ty khởi nghiệp đang phát triển ở đây.
Những cơ hội mới đang mở ra cho Mouser Electronics tại Việt Nam là do tác động của Internet đối với thế hệ kỹ sư mới. Đây là xu hướng phổ biến trên thế giới nhiều năm qua, song lại là mới đối với Việt Nam vì tỷ lệ dân số có kết nối với Internet trước đây còn thấp.
Năm 2017, Việt Nam có tỷ lệ truy cập Internet là 50%, trong khi con số này chỉ là 35% ở thời điểm năm 2011.

***   Chính trường Áo chao đảo vì bê bối chính trị
Thủ tướng Áo Sebastian Kurz và chính phủ bảo thủ của ông vừa bị phế truất trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội Áo, vài ngày sau khi Phó Thủ tướng Heinz-Christian Strache buộc phải từ chức vì bê bối chính trị liên quan đến cuộc bầu cử năm 2017.

Người biến điệp viên Liên Xô thành công dân Mỹ
Thiếu tướng Yuri Drozdov, người trong quá khứ từng điều hành mạng lưới điệp viên bí mật của KGB được coi là một “huyền thoại ảo” đầy bí ẩn của cơ quan tình báo XôViết. Nói như vậy là bởi vì Drozdov trên thực tế là một người thầm lặng, không được mấy ai ở bên ngoài biết đến.

Bên trong thế giới ngầm tổ chức chọi chó ăn tiền
Hai con chó đối mặt với nhau, sẵn sàng. Đơn giản là chúng chiến đấu với nhau chỉ để sinh tồn. Cuộc chiến kết thúc. Một con chó chết vào ngày hôm sau. Chó không làm điều này một cách tự nhiên, các chuyên gia nói. Chúng được đào tạo để chiến đấu. Đây là thế giới đáng lo ngại của môn “thể thao” tàn bạo – chọi chó có tổ chức.

Khoảnh khắc tên lửa Soyuz của Nga bị sét đánh trúng khi vừa rời bệ phóng
Tên lửa đẩy vũ trụ Soyuz-2.1b của Nga đã bất ngờ bị sét đánh trúng chỉ vài giây sau khi rời bệ phóng ở trung tâm vũ trụ Plesetsk, song không bị thiệt hại.

Ông Netanyahu không thành lập được chính phủ, Israel có thể bầu cử lại
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chưa thành lập được chính phủ liên minh dù sắp đến hạn chót, khiến quốc hội nước này có thể bị giải tán để tổ chức tổng tuyển cử lần hai.

Sức mạnh quân sự của Iran đến đâu?
Tại một cuộc họp các quan chức tình báo quân đội ngày 15-5-2019 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Amir Hatami đã tuyên bố, sự chuẩn bị về quân sự của Iran đang ở “đỉnh cao” mặc cho “các điều kiện khó khăn nhất” do cấm vận của Mỹ, và khẳng định nước này sẽ chiến thắng liên minh của Mỹ và Israel, trở thành “kẻ thắng trận cuối cùng”.

“Việt Nam là tình yêu và nỗi đau của tôi”
Trung tá Valery Vasilievich Skoryak sinh ngày 7-5-1941 tại thành phố Lida, vùng Grodnensk, Cộng hòa Belarus. Năm 1961, sau khi tốt nghiệp Trường Kỹ thuật quân sự Odessa, ông được phân công phục vụ trong một đơn vị tên lửa phòng không với chức vụ là Trung đội trưởng bệ phóng tên lửa S-75.

Bạo loạn trong tù ở Brazil, 42 tù nhân bị siết cổ đến chết
Ít nhất 42 tù nhân bị siết cổ đến chết trong 4 nhà tù khác nhau ở thành phố Manaus, thủ phủ bang Amazonas của Brazil, vì mâu thuẫn giữa các băng nhóm tội phạm.

Thủ tướng trẻ tuổi nhất châu Âu bất ngờ bị phế truất
Không thể vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm của Quốc hội diễn ra hôm 27-5 (giờ địa phương), Thủ tướng Áo Sebastian Kurz, vị Thủ tướng trẻ tuổi nhất châu Ấu đã buộc phải rời bỏ vị trí người đứng đầu nội các nước này.

Israel bất ngờ dội tên lửa phá trận địa phòng không của Syria
Quân đội Syria xác nhận bị Israel tiến hành không kích bằng tên lửa ở tỉnh miền Tây Nam Quneitra, khiến ít nhất một quân nhân thiệt mạng và một phương tiện quân sự bị hư hại.

Đảng Nhân dân Campuchia giành đa số phiếu bầu hội đồng địa phương
Theo các kết quả sơ bộ do Ủy ban Bầu cử Quốc gia Campuchia (NEC) công bố, Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen đã giành được đa số phiếu trong trong các cuộc bầu cử hội đồng địa phương khóa III diễn ra ngày 26-5. NEC cho biết các kết quả tạm thời sẽ được công bố vào ngày 31-5, trong khi kết quả chính thức sẽ được công bố vào ngày 8-6.

Nga bất ngờ lên tiếng ủng hộ đề xuất “lạ” Iran ở vùng Vịnh
Nga ủng hộ nỗ lực của Iran trong tìm kiếm một hiệp ước về việc không tấn công lẫn nhau giữa các nước ở Vùng Vịnh, trong bối cảnh căng thẳng giữa Tehran và Washington tiến sát nguy cơ xung đột vũ trang.

Kết quả bầu cử EP tác động thế nào tới chính sách của châu Âu?
Theo kết quả sơ bộ được công bố tối muộn 26-5 (giờ địa phương), thời điểm kết thúc cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP), khối Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) và Liên minh Chủ nghĩa Xã hội và Dân chủ (S&D) vẫn là hai đảng mạnh nhất, trong khi đảng Xanh và đảng Cực hữu giành kết quả đột phá tại một số nước châu Âu. Tuy nhiên, với số ghế giành được giảm mạnh, đây là lần đầu tiên trong 20 năm EPP và S&D sẽ không còn chiếm được đa số tại EP.

Tấn công bằng dao nhằm vào trẻ em, ít nhất 16 người bị thương
16 người dân, trong đó có 8 trẻ em, đã bất ngờ bị một kẻ lạ mặt dùng dao tấn công khi đang chờ xe buýt tại thành phố Kawasaki, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản vào sáng 28-5.

Thương chiến Mỹ – Trung thúc đẩy phá vỡ trật tự thế giới
Đàm phán thương mại Mỹ – Trung Quốc bế tắc. Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung giống như phiên bản của cuộc Chiến tranh Lạnh mới ngày càng rõ nét. Nếu cuộc chiến này thực sự xảy ra và phát triển sang các lĩnh vực khác, cuộc chiến của hai người khổng lồ này có thể sẽ phá vỡ trật tự thế giới.

NATO úp mở cách thức cứu vãn Hiệp ước INF vào phút chót
Tổng thư ký Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg nói rằng Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) có thể được cứu vãn, song cần rất nhiều nỗ lực chính trị.
Tổng hợp-TT