Cuộc chiến chống Covid-19: Mỹ, Anh sắp về đích, châu Á vẫn vật lộn; COVID-19 được tạo ở phòng thí nghiệm, chỉnh sửa gen để giấu nguồn gốc?; Malaysia “vỡ trận” Covid-19, số ca nhiễm và tử vong tăng kỷ lục; Dịch COVID-19 sáng 30/5: 170.610.467 ca mắc COVID-19 và 3.547.873 ca tử vong trên toàn thế giới…là những tin chính được cập nhật.
Cuộc chiến chống Covid-19: Mỹ, Anh sắp về đích, châu Á vẫn vật lộn
Ảnh minh họa
(Kinhtedothi) – Chương trình vaccine mở rộng đã hỗ trợ Mỹ và Anh trong cuộc chiến chống đại dịch.
The New York Times ngày 29/5 dẫn kết quả khảo sát cho thấy, 62% người Mỹ trưởng thành cho biết đã được tiêm ít nhất một liều vaccine, tăng 56% so với hồi tháng 4. Nhóm tác giả khảo sát gọi đây là kết quả đáng khích lệ và tự tin rằng sẽ đạt được mục tiêu 70% tính đến ngày 4/7 mà Tổng thống Joe Biden đặt ra. Mục tiêu này được cho là thực tế, vì ngoài 62% người đã tiêm ít nhất 1 liều, có thêm 4% nói muốn tiêm sớm nhất có thể và 4% khác cho biết đã đặt lịch tiêm hoặc sẽ sớm đặt lịch.
Dự án Our World in Data thuộc Đại học Oxford của Anh dẫn số liệu chính thức cho biết Mỹ đã tiêm hơn 290 triệu liều vaccine, và khoảng 40% dân số đã được tiêm đủ liều, và gần 10% đã được tiêm một liều. Giới chuyên gia ước tính để đạt miễn dịch cộng đồng ngăn ngừa Covid-19 lây lan, cần khoảng 70 – 85% dân số được miễn dịch thông qua tiêm vaccine hoặc hình thành kháng thể sau khi nhiễm bệnh và hồi phục.
Người dân ở Soho, London khi một số biện pháp ngăn chặn Covid-19 của Anh đã được chính phủ nới lỏng. Nhờ chương trình triển khai vaccine hiệu quả, nước Anh cuối cùng cũng tạm biệt những tháng khó khăn. Ảnh: AP
Mỹ và Anh là những quốc gia đang dẫn đầu trong cuộc đua tiêm chủng này, với tốc độ tiêm chủng hiện có, ước tính Mỹ chỉ cần thêm ba tháng nữa để có thể đạt miễn dịch cộng đồng (tiêm chủng cho 75% dân số), con số này ở Anh là hai tháng.
Tính đến ngày 19/5, cứ 10 người lớn ở Anh thì có 7 người đã tiêm liều vaccine Covid-19 đầu tiên.
Trong khi đó, từ một trong những nước sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, Ấn Độ đến nay mới chỉ tiêm đủ liều cho khoảng 3% dân số, giữa bối cảnh đang phải trải qua đợt bùng phát nghiêm trọng chưa từng thấy. Tuy vậy, Ấn Độ hôm qua ghi nhận gần 174.000 ca nhiễm mới trong 24 giờ, mức thấp nhất trong 45 ngày qua, dù số ca tử vong vẫn ở mức cao là 3.617 ca. Tại Đông Nam Á, Malaysia hôm qua (29/5) ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục trong ngày thứ 5 liên tiếp với 9.020 ca. Để ngăn chặn dịch tiếp tục lây lan, chính phủ Malaysia đã ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc từ ngày 1 – 14/6.
COVID-19 được tạo ở phòng thí nghiệm, chỉnh sửa gen để giấu nguồn gốc?
(VTC News) – Hai nhà khoa học nghiên cứu vaccine COVID-19 tin rằng virus gây bệnh có “dấu vân tay” của “can thiệp di truyền” và những nỗ lực nhằm che đậy nguồn gốc.
Giáo sư Angus Dalgleish, bác sĩ chuyên khoa ung thư tại bệnh viện đại học y St George ở London, Anh và nhà virus học Na Uy, tiến sĩ Birger Sørensen đưa ra nhận định trong một bài báo trên Mail Online.
Theo hai chuyên gia, “SARS-Coronavirus-2 (hay SARS-CoV-2) không có tổ tiên rõ ràng nào trong tự nhiên”, và việc giải trình tự các protein của chủng virus chết người này cho thấy việc nó đã được chỉnh sửa về gen, được cho là tại một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, là “không còn nghi ngờ gì nữa”.
“Với các định luật vật lý thì bạn không thể có bốn amino acid tích điện dương liên tiếp. Cách duy nhất bạn có thể có được điều này là sản xuất nó nhân tạo”, giáo sư Dalgleish nói.
Hai chuyên gia cũng cho rằng có dấu hiệu người tạo ra virus đã can thiệp sâu hơn với nỗ lực làm cho virus trông giống như đột biến trong tự nhiên.
“Nói các chủng virus xuất hiện sau tháng 1/2020 là không đáng tin cậy. Trong một năm, chúng tôi đã sở hữu bằng chứng tối thiểu về kỹ thuật chỉnh sửa retro ở Trung Quốc vào đầu năm 2020.
Chúng tôi nghĩ rằng đã có những loại virus được tạo ra với kĩ thuật này. Họ đã thay đổi virus, cố gắng chỉnh sửa để nó có một trình tự gen như xuất hiện cách đây nhiều năm”, 2 nhà khoa học khẳng định.
Các nhà khoa học tin rằng virus gây ra dịch COVID-19 liên quan đến một nghiên cứu thuộc loại “thăm dò chức năng”, trong đó virus được biến đổi gen để chúng có những khả năng mới, qua đó có thể nghiên cứu cơ chế lây truyền và sinh sản của chúng.
Theo website của Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ, các nghiên cứu thăm dò chức năng có thể dẫn đến rủi ro về an ninh và an toàn sinh học. Nghiên cứu thăm dò chức năng bị cấm ở Mỹ từ năm 2014 đến 2017.
Dalgleish và Sørensen lần đầu tiên bày tỏ lo ngại vào mùa hè năm 2020 sau khi phát hiện những đặc điểm đáng ngờ của virus trong quá trình nghiên cứu vaccine.
“Có vẻ như những thứ liên quan đến virus và thông tin đã bị phá hủy. Do đó, chúng ta phải đối mặt với khoảng trống lớn về dữ liệu”, hai chuyên gia bình luận thêm.
Mỹ gần đây có những nỗ lực điều tra mới nhằm lật lại các giả thuyết về nguồn gốc SARS-CoV-2. Giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm đang được chú ý.
Trung Quốc, trong khi đó luôn phủ nhận các cáo buộc, và gọi cuộc điều tra về nguồn gốc của virus là “trò chơi chính trị”.
Malaysia “vỡ trận” Covid-19, số ca nhiễm và tử vong tăng kỷ lục
(Dân trí) Giới chức y tế Malaysia cảnh báo, số ca mắc Covid-19 ở nước này có thể “tăng dựng đứng” trong thời gian tới và người dân Malaysia nên chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.
Bộ Y tế Malaysia cho biết, trong ngày 29/5, nước này ghi nhận hơn 9.000 ca mắc Covid-19, nâng tổng số người mắc bệnh ở quốc gia này lên 558.534 ca. Đây là ngày có nhiều ca mắc Covid-19 nhất ở Malaysia kể từ khi dịch bùng phát, và là ngày kỷ lục thứ 5 liên tiếp.
Cũng trong ngày hôm qua, Malaysia ghi nhận kỷ lục 98 người chết vì Covid-19, nâng tổng số người chết vì đại dịch ở đây lên 2.650 ca.
Số người mắc và tử vong vì Covid-19 ở Malaysia tăng mạnh những tuần gần đây một phần do sự xuất hiện của các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 dễ lây lan hơn.
Ngoài ra, đợt bùng phát này do người dân ở Malaysia tập trung đông đúc trong các lễ cầu nguyện dịp Eid al-Fitr, ngày đánh dấu kết thúc tháng chay Ramadan của người Hồi giáo. Số ca mắc tăng đột biến khiến các bệnh viện của Malaysia rơi vào tình trạng quá tải, nhiều bệnh viện không đủ giường bệnh.
Văn phòng Thủ tướng Malaysia thừa nhận, năng lực điều trị Covid-19 khắp Malaysia ngày càng trở nên hạn chế vì số ca nhiễm tăng đột biến. Tuy vậy, chính phủ nước này cam kết sẽ đảm bảo hệ thống chăm sóc sức khỏe không sụp đổ.
*** Thủ tướng Anh bí mật tổ chức đám cưới với bạn gái kém 23 tuổi
Thủ tướng Anh Boris Johnson và bạn gái Carrie Symonds được cho là đã bí mật tổ chức đám cưới tại nhà thờ Westminster hôm 29/5, theo The Guardian.
Hơn 60 người chết trong biểu tình ở Colombia
Hơn 60 người biểu tình và cảnh sát đã thiệt mạng trong đợt đụng độ nghiêm trọng ở thành phố Cali miền Tây Colombia.
Chính quyền Mỹ “xin” ngân sách siêu khổng lồ
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn tăng ngân sách chi tiêu liên bang năm tới lên 6.000 tỷ USD, mức tăng cao hơn đáng kể so với những năm trước đó.
WHO kêu gọi không chính trị hoá cuộc điều tra nguồn gốc COVID-19
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi cần tách bạch giữa khoa học và chính trị trong điều tra nguồn gốc đại dịch COVID-19, trong bối Mỹ-Trung lại tiếp tục tranh cãi.
Malaysia đóng cửa toàn bộ đất nước
Malaysia ban bố lệnh phong toả toàn quốc, tạm đóng cửa các lĩnh vực kinh tế – xã hội, trong bối cảnh số ca nhiễm mới COVID-19 gia tăng chóng mặt.
Chuyển động quan hệ Nga-Mỹ: Bầu trời đóng, và những khe cửa mở
Nước Mỹ đã không còn là thành viên của Hiệp ước Bầu trời mở từ năm ngoái và ngày 19-5-2021, Duma quốc gia Nga nhất trí thông qua đạo luật rút khỏi hiệp ước ấy. Tuy vậy, những ngày qua, mối quan hệ đang ở mức rất thấp của hai cường quốc hàng đầu thế giới lại lóe lên những tín hiệu tích cực, dù mới chỉ là những phác thảo.
Syria với bài toán tái thiết đất nước
Cuộc bầu cử Tổng thống Syria đã khép lại với kết quả không nằm ngoài dự đoán của giới quan sát khu vực và quốc tế khi đương kim Tổng thống Bashar al-Assad (55 tuổi) giành chiến thắng trước 2 ứng cử viên còn lại với 95,1% số phiếu bầu ủng hộ để tiếp tục nhiệm kỳ thứ tư kéo dài 7 năm.
Hội nghị Thượng đỉnh Nga – Mỹ sẽ bàn về vấn đề gì?
Hôm 24/5 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ và truyền thông Nga thông báo cuộc gặp thượng đỉnh được chờ đợi bấy lâu giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin sẽ diễn ra ngày 16/6 tại Geneva (Thụy Sĩ).
Lính Israel bắn chết người biểu tình Palestine
Một người biểu tình Palestine ở Bờ Tây bị lực lượng an ninh Israel bắn thiệt mạng trong lúc đụng độ, dấy lên nguy cơ căng thẳng có thể tái bùng phát.
Tấn công bằng dao làm trọng thương nữ cảnh sát Pháp
Một đối tượng manh động ngày 28/5 đã dùng dao tấn công làm trọng thương một nữ cảnh sát đang làm nhiệm vụ tại thị trấn La Chapelle-sur-Erdre miền Tây nước Pháp.
Đại sứ Bỉ tại Hàn Quốc bị triệu hồi sau bê bối bạo lực của vợ
Nhiệm kỳ của Đại sứ Bỉ tại Hàn Quốc, Peter Lescouhier, đã được yêu cầu dừng lại, sau bê bối vợ ông tát nhân viên cửa hàng ở thủ đô Seoul, Ngoại trưởng Bỉ Sophie Wilmès thông báo ngày 28/5.
FBI vào cuộc điều tra vụ ép máy bay hạ cánh ở Belarus
Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) trong một cuộc họp khẩn ngày 28/5 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xác định sự thật liên quan đến vụ chuyển hướng máy bay Ryanair ở Belarus.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad tái đắc cử
Tổng thống Syria đương nhiệm Bashar al-Assad tái đắc cử với hơn 95% số phiếu ủng hộ, nhưng kết quả bầu cử không được phương Tây công nhận.
Bỏ bản quyền sáng chế vaccine ư? Họ đâu phải Marie Curie
“Thế anh có cấp bằng sáng chế mặt trời không?”, Jonas Salk hùng hồn nói trong buổi phỏng vấn cùng Edward R.Murro trên một chương trình truyền hình, khi được hỏi về việc tại sao ông không xin cấp bằng sáng chế cho vaccine bại liệt của mình.
Né không phận Belarus, máy bay châu Âu bị Nga tạm “cấm cửa”
Hai chuyến bay khởi hành từ Liên minh châu Âu (EU) đến Moscow không được Nga cấp phép hạ cánh, sau khi các hãng bay chủ quản lựa chọn tuyến đường bay mới né Belarus.
Liên Hợp Quốc điều tra xung đột Israel-Hamas
Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc sẽ thúc đẩy một cuộc điều tra quy mô nhằm làm rõ việc có hay không tội ác chiến tranh trong đợt xung đột đẫm máu vừa rồi giữa Israel và nhóm vũ trang Hamas của người Palestine.
Cứng chọi cứng
Sau 11 ngày giao tranh đẫm máu, Israel và lực lượng Hamas ở Dải Gaza đã tuyên bố ngừng bắn với sự trung gian của Ai Cập. Thỏa thuận này giúp trút đi gánh nặng về một cuộc bộ chiến ác liệt có thể diễn ra ở Dải Gaza. Nhưng…
*** Dịch COVID-19 sáng 30/5: 170.610.467 ca mắc COVID-19 và 3.547.873 ca tử vong trên toàn thế giới
Tại Đông Nam Á, tình hình dịch COVID-19 tại Campuchia tiếp tục đáng lo ngại mặc dù mức độ lây nhiễm có giảm, trong khi một số nước ở khu vực Nam Mỹ tiếp tục phát hiện hàng nghìn ca mắc mới.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ 30 sáng 30/5, trên thế giới có tổng cộng 170.610.467 ca mắc COVID-19 và 3.547.873 ca tử vong. Số ca được điều trị khỏi hiện là 152.584.125 ca.
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh với 34.034.946 ca mắc và 609.420 ca tử vong, tiếp đến là Ấn Độ với 27.893.472 ca mắc và 325.998 ca tử vong, Brazil với 16.471.600 ca mắc và 461.142 ca tử vong.
Tại Đông Nam Á, tình hình dịch COVID-19 tại Campuchia tiếp tục đáng lo ngại mặc dù mức độ lây nhiễm có giảm.
Người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia, bà Or Vandine, thông báo: “Tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Campuchia vẫn trong giai đoạn phải hết sức lưu ý và đề phòng. Biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đang lây lan hằng ngày đặc biệt là thủ đô Phnom Penh.”
Trong tháng 5/2021, Campuchia có 15.040 ca mắc và 107 ca tử vong do dịch COVID-19, cao hơn so với ghi nhận của tháng 4 là 11.313 ca mắc và 82 ca tử vong.
Bắt đầu từ ngày 11/3, Campuchia ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên do COVID-19. Trong tháng 3/2021, Campuchia phát hiện 1.658 trường hợp lây nhiễm và 14 trường hợp tử vong.
Theo công bố của Bộ Y tế Campuchia ngày 29/5, Campuchia phát hiện 588 ca mắc mới COVID-19 trong đó 568 trường hợp lây nhiễm cộng đồng, 20 ca mắc phát hiện khi nhập cảnh.
Cho đến nay, Campuchia đã phát hiện 28.825 ca mắc COVID-19, 21.315 đã khỏi bệnh và 203 ca tử vong.
Tại châu Âu, tình hình dịch COVID-19 tại Pháp cũng chưa có dấu hiệu lắng dịu khi nước này ghi nhận 10.675 ca mắc mới và 68 ca tử vong trong ngày 29/5. Số bệnh nhân nặng hiện phải điều trị tích cực là 3.028 người.
Còn tại Hà Lan, trước diễn biến cải thiện của tình hình dịch bệnh, Thủ tướng Mark Rutte thông báo nước này sẽ đẩy nhanh việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch từ ngày 5/6 tới, sớm hơn 4 ngày so với dự kiến.
Theo đó, từ ngày 5/6, mỗi người Hà Lan sẽ có thể tiếp đón 4 người mỗi ngày, so với 2 người như hiện nay.
Bảo tàng, rạp chiếu phim và rạp hát có thể mở cửa trở lại. Nhà hàng và quán càphê được phép phục vụ tối đa 50 khách cả trong nhà và ngoài trời, nhưng phải đặt trước và ngồi cố định.
Thời gian mở cửa phục vụ từ 6 giờ đến 22 giờ hằng ngày. Các hoạt động thể thao theo nhóm cũng được phép nối lại với sự tham gia của tối đa 50 người.
Tại khu vực Nam Mỹ, một số nước tiếp tục phát hiện hàng nghìn ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày, đơn cử như Chile với 8.426 ca ghi nhận trong ngày 29/5 – ngày thứ ba liên tiếp số ca mắc mới ở mức trên 8.000 ca.
Mexico cùng ngày cũng có thêm 2.725 ca mắc COVID-19, trong khi con số này ở Ecuador là 1.576 ca.
Đáng chú ý, Argentina ghi nhận tới 29.841 ca mắc mới COVID-19, trong khi số ca tử vong cũng tăng 416 ca và vượt ngưỡng 77.000 ca./.
QT-TT