VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 30/5/2019.

Nhật Bản: Chính phủ họp khẩn bàn cách bảo đảm an toàn học sinh; Hội nghị siêu quyền lực Bilderberg tại Thụy Sĩ; Giới trung lưu TQ tuyệt vọng vì thương chiến với Mỹ; Châu Á giữa cuộc thương chiến Mỹ – Trung…là những tin chính được cập nhật.

Nhật Bản: Chính phủ họp khẩn bàn cách bảo đảm an toàn học sinh

Cảnh sát điều tra tại hiện trường vụ tấn công bằng dao ở Kawasaki, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản, ngày 28-5-2019. Ảnh: THX/TTXVN     Cảnh sát điều tra tại hiện trường vụ tấn công bằng dao ở Kawasaki, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản, ngày 28-5-2019. Ảnh: THX/TTXVN

(SGGPO) Ngày 29-5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chủ trì phiên họp khẩn cấp bàn cách bảo đảm an toàn cho học sinh, sau vụ tấn công bằng dao khiến 19 người thương vong ở TP Kawasaki sáng 28-5.
Cùng lúc đó, khi cảnh sát cũng bắt đầu khám xét nhà của thủ phạm Ryuichi Iwasaki, 51 tuổi, đã tự sát sau khi gây án.
Tại phiên họp, ông Shinzo Abe chỉ thị các quan chức dưới quyền nhanh chóng có các biện pháp đảm bảo học sinh an toàn tuyệt đối trên đường đến trường. Lực lượng cảnh sát tăng cường tuần tra, giám sát và tăng cường chia sẻ thông tin với nhà trường về những đối tượng tình nghi. Nâng cao các biện pháp nắm bắt thông tin về những kẻ tình nghi; nhanh chóng chia sẻ thông tin chi tiết vụ việc tới các bộ ngành liên quan, kiểm tra các điểm tập trung học sinh trong giờ đi học.
Phát biểu với các phóng viên sau cuộc họp khẩn, Chánh Văn phòng nội các Yoshihide Suga cho biết, lực lượng chức năng đang dốc sức điều tra nguyên nhân vụ việc; đồng thời khẳng định chính phủ sẽ nhanh chóng có các biện pháp bảo đảm học sinh an toàn đi học hàng ngày…
Được biết, GS Komiya Nobuo, một chuyên gia tội phạm học thuộc Đại học Rissho, đề xuất cần áp dụng các công nghệ phòng chống tội phạm tối tân hiện nay trong phòng chống khủng bố như kỹ thuật chủ động phát hiện những đối tượng tình nghi thông qua phân tích hình ảnh camera.

Hội nghị siêu quyền lực Bilderberg tại Thụy Sĩ
(SGGPO) Từ ngày 30-5 đến 2-6, TP Montreux, miền Tây Thụy Sĩ, tổ chức hội nghị siêu quyền lực Bilderberg lần thứ 67.
Đây là hội nghị nổi tiếng bí ẩn nhất thế giới, giữa hơn 100 nhân vật có ảnh hưởng trong lĩnh vực kinh tế, chính trị với những phiên gặp gỡ không chính thức trong phòng họp kín.
Trong 4 ngày diễn ra sự kiện những người tham dự hội nghị sẽ tập trung thảo luận về những thách thức chính trị, xã hội lớn hiện nay, như tương lai châu Âu, Brexit, biến đổi khí hậu, đạo đức trong trí tuệ nhân tạo, Trung Quốc và tương lai của chủ nghĩa tư bản…
Những người tham gia sự kiện với tư cách cá nhân, không bị ràng buộc bởi các quy ước về chức trách của họ. Khoảng 130 khách mời từ 23 nước đã xác nhận tham dự Bilderberg lần thứ 67, trong đó có Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire, 2 ứng cử viên kế nhiệm Thủ tướng Đức Angela Merkel…

Giới trung lưu TQ tuyệt vọng vì thương chiến với Mỹ
Giá cả lương thực tăng và tỉ lệ thất nghiệp cao làm tăng mối lo ngại bất chấp chính phủ Trung Quốc kêu gọi đất nước đứng vững và đối mặt với những khó khăn, theo SCMP.
Đối với tầng lớp trung lưu ở thành thị của Trung Quốc, những người được hưởng lợi từ sự bùng nổ kinh tế của đất nước trong vài thập kỷ qua và có thể cho rằng cuộc sống sẽ tốt hơn, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ đang mang đến tương lai không chắc chắn cho họ, buộc người dân tìm kiếm bất kỳ thông tin nào về cuộc chiến thương mại.
“Làm ơn hãy nói cho tôi hiểu đúng nghĩa về tác động của cuộc chiến thương mại đối với cuộc sống của những người dân bình thường như chúng ta. Cảm ơn”, bà Su Gengsheng, một nhà văn và blogger nổi tiếng Trung Quốc với hơn 300.000 người theo dõi, viết trên Weibo chỉ 4 ngày sau khi Mỹ tăng thuế đối với 200 triệu USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Bài đăng này đáng chú ý vì Su vốn là một blogger chuyên về mỹ phẩm và trang điểm chứ không hề liên quan đến chính trị. Câu hỏi dường như nói lên suy nghĩ của nhiều người theo dõi bà Su, nên nhanh chóng thu hút hàng ngàn câu trả lời, thích và chia sẻ. Các bình luận nhanh chóng bị chặn với lý do “vi phạm luật và quy định thích hợp” nhưng bài của bà Su vẫn được hiển thị.

Châu Á giữa cuộc thương chiến Mỹ – Trung
Sau khi Washington tăng thuế từ 10 lên 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD, có hiệu lực trong thời gian tới, mới đây Bắc Kinh đã công bố áp thuế trả đũa đối với số hàng nhập khẩu từ Mỹ trị giá 60 tỷ USD từ ngày 1-6.
Theo các nhà phân tích, các trung tâm sản xuất giá rẻ của châu Á sẽ tiếp tục được hưởng lợi khi các công ty tìm cách chuyển dây chuyền sản xuất hoặc cung ứng ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh chi phí kinh doanh tăng lên, bất chấp khả năng xuất khẩu toàn khu vực tiếp tục suy giảm.
Đối với Tập đoàn may mặc Viyellatex của Bangladesh, căng thẳng thương mại leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ lại xem ra có lợi. Thuế quan của Mỹ đã đẩy giá thành của các sản phẩm Trung Quốc tăng đến mức người mua đã chuyển sang lựa chọn Viyellatex thay vì các nhà sản xuất Trung Quốc.
Malaysia có cơ hội trong ngành khí tự nhiên hóa lỏng.
David Hasanat, Chủ tịch Tập đoàn Viyallatex nói: “Cho đến gần đây, phần lớn hàng xuất khẩu của chúng tôi là sang thị trường châu Âu, nhưng kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung bắt đầu, chúng tôi ngày càng nhận được nhiều đơn đặt hàng số lượng lớn từ các khách hàng Mỹ. Ngay từ khi bắt đầu cuộc chiến năm 2018, khách hàng Mỹ đã đến và đặt hàng số lượng lớn với chúng tôi”.
30% khách hàng mà Hasanat hiện đang phục vụ là từ Mỹ, tăng 20% so với thời điểm 2018. Trong đó có cả các thương hiệu hàng đầu của Mỹ như Calvin Klein hay Tommy Hilfiger. Doanh thu của Viyellatex đạt gần 200 triệu USD năm 2018.
Giống như Bangladesh, các nền kinh tế châu Á khác vốn là nơi tập trung chế tạo giá rẻ như Việt Nam, Thái Lan hay Malaysia được đánh giá là sẽ hưởng lợi từ những thay đổi do cuộc chiến mang lại, bất chấp sự tê liệt tăng trưởng toàn cầu và đánh mạnh vào các thị trường xuất khẩu mà nó dự đoán sẽ gây ra.
Nhưng đối với Singapore, Hongkong, Đài Loan và Hàn Quốc – từng nổi tiếng là những con hổ châu Á – thì triển vọng thật ảm đạm khi khối lượng vận chuyển dự kiến sẽ giảm và tình trạng không chắc chắn khiến kế hoạch tăng trưởng rơi vào trạng thái lấp lửng.
Trong cú đánh tiếp theo vào thương mại, mới đây Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành lệnh cấm các công ty Mỹ sử dụng công nghệ của bất kỳ công ty nào bị đánh giá là mối đe dọa an ninh quốc gia. Vài giờ sau khi lệnh cấm ban hành, Huawei và 70 chi nhánh của công ty này đã bị đưa vào danh sách sẽ bị áp đặt lệnh cấm mua linh kiện và công nghệ của Mỹ, trừ phi người bán được chính phủ chấp thuận.
Những lệnh cấm kiểu này là một khía cạnh nữa của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, khiến Bắc Kinh lo sợ rằng người Mỹ đang tìm cách kiểm soát sự trỗi dậy của Trung Quốc. Jakob Korslund, Giám đốc điều hành của Deutsche Risk Group nói rằng các công ty trên khắp châu Á sẽ coi những diễn biến mới nhất này như một lời nhắc nhở về hoạt động kinh doanh của chính họ.

***   Libya bàn giao trùm khủng bố “đặc biệt nguy hiểm” cho Ai Cập
Văn phòng Truyền thông của Lực lượng Vũ trang Ai Cập ngày 29-5 cho biết, nước này đã dẫn độ thành công phần tử khủng bố đặc biệt nguy hiểm Hesham El-Ashmawy từ Libya trở về. Đây là một bước đi quan trọng trong việc lần ra các “tay chân” khác của Hesham tại Ai Cập và các quốc gia láng giềng.

Iran bất ngờ ra điều kiện về việc đối thoại với Mỹ
Ngày 29-5, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã lên tiếng về việc đàm phán với Mỹ, khẳng định Tehran “sẽ mở cánh cửa đối thoại” nếu Mỹ tự trở lại “nơi mà Washington đã rời bỏ”.

Lục địa già trước thách thức thay đổi
Theo kết quả sơ bộ được công bố tối 26-5 (giờ địa phương), các đảng ủng hộ củng cố Liên minh châu Âu (EU) nắm được 2/3 số ghế trong Nghị viện châu Âu, trong khi lực lượng dân tộc chủ nghĩa và cực hữu cũng giành được không ít chỗ đứng.

Liên Hiệp Quốc buộc Anh giao trả quần đảo Chagos
Với đa số áp đảo trong cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 22-5, các nước thành viên đã buộc nước Anh phải giao trả quần đảo Chagos cho đảo quốc Mauritius. Liệu nước Anh sẽ tuân thủ nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hay sẽ lại tìm cách né tránh thực thi?

Iraq mong muốn bất tương xâm với cả Mỹ và Iran
Các quan chức Iraq vừa công khai lên tiếng yêu cầu Mỹ và Iran không được tiến hành chiến tranh tại Baghdad hay ở một nơi nào đó trên lãnh thổ nước này sau khi Lầu Năm Góc tiếp tục điều thêm quân tới Trung Đông như một động thái nhằm “so găng” với Tehran.

Thủ tướng từ chức, Papua New Guinea rơi vào vòng xoáy khủng hoảng mới
Thủ tướng Papua New Guinea Peter O’Neill đã chính thức tuyên bố từ chức hôm 29-5 sau khi để tuột mất sự ủng hộ của Quốc hội và đối diện với tình trạng một loạt quan chức cấp cao tuyên bố rời nội các.

Hàng trăm tù nhân Ukraine phóng hỏa trại cải tạo
Phóng hỏa, gây bạo loạn tại một trại cải tạo ở thành phố cảnh Odessa bên bờ biển Đen, khoảng 500 tù nhân Ukraine đã khiến bảy quản giáo bị thương cùng nhiều tòa nhà bốc cháy ngùn ngụt.

Chính trường Áo chao đảo vì bê bối chính trị
Thủ tướng Áo Sebastian Kurz và chính phủ bảo thủ của ông vừa bị phế truất trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội Áo, vài ngày sau khi Phó Thủ tướng Heinz-Christian Strache buộc phải từ chức vì bê bối chính trị liên quan đến cuộc bầu cử năm 2017.

Tổng hợp-TT