Viên kim cương “độc nhất vô nhị”; Trung Quốc mạnh tay đầu tư vào thị trường công nghệ Đông Nam Á; Trung Quốc với âm mưu biến vùng không tranh chấp thành tranh chấp; Campuchia cho phép người nước ngoài làm việc tự do tại nước này…là những tin chính được cập nhật.
Viên kim cương “độc nhất vô nhị”
(SGGP) Viên kim cương ít nhất 800 triệu năm tuổi được tìm thấy ở vùng Yakutia được xem là “độc nhất vô nhị” trong toàn bộ lịch sử ngành khai thác kim cương thế giới.
Viên kim cương nhỏ chỉ 0,62 carat lại chứa bên trong lòng một viên kim cương khác có kích thước 0,02 carat. Vậy là hai viên kim cương lồng trong nhau giống như con búp bê gỗ Matryoska cổ truyền của Nga. Hiện chưa được đặt tên chính thức, nhưng doanh nghiệp ALROSA, đơn vị tìm thấy viên kim cương quý, tạm gọi nó là “kim cương – búp bê gỗ” theo hình thức độc đáo của nó. Do có chứa một lớp tinh thể hòa tan được nên viên bên trong có thể di chuyển tự do trong lòng viên bên ngoài ít “tuổi” hơn. Chính khoảng cách giữa hai viên kim cương là hiện tượng kỳ thú của thiên nhiên.
Trung Quốc mạnh tay đầu tư vào thị trường công nghệ Đông Nam Á
Sự bùng nổ về công nghệ tại Trung Quốc cùng những cơ hội đến từ các nền kinh tế số ngày càng trưởng thành của Đông Nam Á là nguyên nhân dẫn đến sự tăng mạnh về đầu tư của nền kinh tế số một châu Á.
Theo một nghiên cứu mới đây của công ty công nghệ tài chính (fintech) Refinitiv, trong 7 tháng đầu năm nay, giới đầu tư Trung Quốc đã rót khoảng 1,78 tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp (startup) ở Đông Nam Á, cao gấp 8 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Giới phân tích đánh giá, sự bùng nổ về công nghệ tại Trung Quốc cũng như những cơ hội đến từ các nền kinh tế số ngày càng trưởng thành của Đông Nam Á là nguyên nhân dẫn đến sự tăng mạnh về đầu tư của nền kinh tế số một châu Á.
Các “kỳ lân” (startup được định giá từ 1 tỷ USD trở lên) của khu vực Đông Nam Á là những công ty được hưởng lợi nhiều nhất. Hồi tháng 7, công ty đầu tư mạo hiểm Gobi Partners cùng Teleport (nền tảng phụ trách vận tải và logistics của hãng hàng không AirAsia) đã đầu tư 10,6 triệu USD vào công ty Easy Parcel của Malaysia chuyên cung cấp nền tảng về dịch vụ chuyển phát nhanh.
Trung Quốc với âm mưu biến vùng không tranh chấp thành tranh chấp
VOV.VN -Theo nhà nghiên cứu James Borton, hành động của Trung Quốc đi ngược lại với mục tiêu duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực mà các nước đang theo đuổi.
“Dù “Tứ Sa” đóng vai trò chiến lược trong tham vọng Biển Đông của Trung Quốc nhưng xét về khía cạnh pháp lý, nó cũng không có giá trị gì giống như cái gọi là “Đường 9 đoạn” mà Trung Quốc đưa ra”. Đó là nhận định của ông James Borton, tác giả, nhà nghiên cứu độc lập về Biển Đông hiện đang được mời cộng tác tại Trung tâm Khoa học Ngoại giao Đại học Tufts (Hoa Kỳ); và cũng là người đang thực hiện cuốn sách “Những thông điệp từ Biển Đông”. Theo nhà nghiên cứu James Borton, Trung Quốc cũng đang “đánh lận con đen” với ý đồ biến vùng biển không tranh chấp của Việt Nam, thành vùng tranh chấp”.
Theo học giả này, hành động của Trung Quốc đi ngược lại với mục tiêu duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực mà các nước đang theo đuổi.
Cạnh tranh giữa Trung Quốc và các quốc gia có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông đã diển ra từ lâu và ngày càng trở nên căng thẳng. Đó là bởi đây là khu vực giàu tài nguyên năng lượng khoáng sản và trữ lượng khí đốt rất lớn. Chính vì thế, Trung Quốc luôn muốn khẳng định chủ quyền ở khu vực này. Việc Trung Quốc đưa nhóm tàu Hải Dương 8 liên tục xâm phạm vùng biển chủ quyền của Việt nam, thực chất để phô trương sức mạnh nhưng một mặt cũng nhằm tới những tính toán khác.
Campuchia cho phép người nước ngoài làm việc tự do tại nước này
VOV.VN – Bộ Lao động Campuchia vừa ra một thông báo mới, cho phép người nước ngoài được làm việc tự do tại vương quốc này theo quy định của pháp luật.
Báo điện tử Fresh News của Campuchia hôm 5/10 dẫn thông báo của Bộ Lao động Campuchia cho hay, Vương quốc Campuchia cần các chuyên gia ngoại quốc trong lĩnh vực dịch vụ và muốn thúc đẩy đầu tư vào Campuchia. Bộ Lao động Campuchia đưa ra thông báo vắn tắt và không cung cấp thêm chi tiết.
Trước đó hôm 15/7, Bộ Lao động Campuchia tuyên bố sẽ sớm đưa ra thông báo cấm người nước ngoài làm 10 loại công việc, trong đó có lái taxi, chạy xe tuk-tuk, giao hàng, bán hàng rong và cắt tóc./.
*** Triều Tiên và Mỹ nối lại đàm phán cấp chuyên viên
Ngày 5/10, Mỹ và Triều Tiên đã nối lại các cuộc đàm phán cấp chuyên viên về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng sau nhiều tháng bế tắc.
Đại diện đặc biệt của Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun và người đồng cấp Triều Tiên Kim Myong-gil đã gặp nhau ở Villa Elfvik Strand, một trung tâm tổ chức hội nghị ở Lidingo, phía Đông Bắc thủ đô Stockholm của Thụy Điển.
Cuộc đàm phán mới này tập trung vào cách thức để thúc đẩy việc thực thi thỏa thuận đạt được giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên vào tháng 6/2018 tại Singapore.
Theo thỏa thuận này, hai bên đã cam kết xây dựng mối quan hệ song phương mới, cùng nỗ lực thiết lập một cơ chế hòa bình lâu dài và ổn định trên bán đảo Triều Tiên và hợp tác hướng tới “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” trên bán đảo này. Những tiến bộ đạt được từ vòng đàm phán cấp chuyên viên này được cho là sẽ mở đường cho cuộc gặp thượng đỉnh thứ ba giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Đây là cuộc đàm phán chính thức đầu tiên giữa hai nước kể từ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tổ chức tại Hà Nội hồi tháng 2 vừa qua không đạt được thỏa thuận do bất đồng giữa hai bên về yêu cầu của Mỹ muốn một lộ trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm chứng, với các yêu cầu của Bình Nhưỡng liên quan tới dỡ bỏ trừng phạt và bảo đảm an ninh.
Thủ tướng Anh công bố kế hoạch Brexit mang tính quyết định
Ngày 2/10, Anh đã gửi tới Liên minh châu Âu (EU) kế hoạch “ra đi” mới trong đó có đề xuất thiết lập vùng quản lý chung cho toàn đảo Ireland, áp dụng với tất cả các loại hàng hóa, đồng thời kèm theo một cam kết tránh thiết lập các điểm kiểm soát biên giới hoặc cơ sở vật chất cứng tại biên giới hai bên trên đảo này.
Trong kế hoạch gửi tới EU nhằm giải quyết vấn đề đường biên giới giữa vùng Bắc Ireland và CH Ireland, London đề nghị thiết lập vùng quản lý đồng bộ với cả Bắc Ireland và EU để tránh việc thiết lập các điểm kiểm tra hải quan với hàng hóa trao đổi giữa hai bên thời hậu Brexit.
Với việc áp dụng vùng quản lý chung, vùng Bắc Ireland sẽ tạm thời tuân theo các quy định và tiêu chuẩn của EU. Theo đó, hàng hóa nông nghiệp từ các vùng còn lại của Anh khi được đưa tới vùng Bắc Ireland cũng sẽ trải qua các khâu kiểm tra như quy định trong luật của EU.
Như vậy, vùng Bắc Ireland sẽ vẫn là một phần trong lãnh thổ hải quan của Vương quốc Liên hiệp Anh nhưng để có thể tránh được việc thiết lập các điểm kiểm tra hải quan tại biên giới, London đề xuất thiết lập hệ thống kê khai (Declaration system) để các tiểu thương thực hiện việc kê khai hàng hóa với một quy trình đơn giản, kèm với đó là cơ chế các doanh nghiệp “đáng tin cậy.” Hệ thống này cho phép việc kiểm tra thực chất với các hàng hóa sẽ được thực hiện ngay tại cơ sở của các nhà giao dịch hoặc một địa điểm cụ thể không phải ở biên giới của CH Ireland với vùng Bắc Ireland.
Trước khi thời kỳ chuyển tiếp sau Brexit kết thúc vào tháng 12/2020, cơ quan lập pháp và chính quyền Bắc Ireland sẽ được yêu cầu thông qua dàn xếp kể trên và cứ 4 năm sau đó lại được xem xét lại một lần.
Trong ngày 2/10, Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ thảo luận với các lãnh đạo EU và ông được cho là đã sẵn sàng cho giai đoạn đàm phán căng thẳng sau khi công bố kế hoạch mới. Người phát ngôn của ông Johnson cho biết phía London đã đưa ra những đề xuất mà phía này thực sự muốn thúc đẩy và điều quan trọng là EU sẵn sàng tham gia đàm phán về vùng quản lý chung trong vòng 10 ngày. Nếu EU không tỏ thiện chí muốn đàm phán thì mọi việc sẽ diễn ra như lời Thủ tướng Johnson đã nói rằng Anh sẽ rời EU mà không có thỏa thuận.
Mỹ áp thuế đối với hàng hóa EU
Văn phòng đại diện Thương mại Mỹ vừa cho biết, chính quyền Mỹ sắp áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU), bao gồm nông sản và máy bay bắt đầu từ 18/10.
Việc áp thuế trên được chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa ra sau khi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 2/10 công bố quyết định của Tòa trọng tài thương mại cho phép Mỹ được áp thuế quan lên 7,5 tỷ USD hàng hóa của EU mỗi năm. Phán quyết này của WTO là kết quả của vụ kiện kéo dài 15 năm xung quanh vấn đề EU trợ cấp sản xuất máy bay cho hãng Airbus. Tổng thống Donald Trump gọi phán quyết của WTO là một chiến thắng lớn đối với Mỹ.
Theo đó, Mỹ sẽ áp mức thuế 10% đối với máy bay Airbus sản xuất tại Pháp, Đức, Tây Ban Nha. Cùng với đó, Mỹ cũng sẽ áp mức thuế 25% đối với các mặt hàng nông sản và đồ uống gồm: rượu whisky Ailen và Scotch; rượu vang, ô liu và phô mai; một số sản phẩm thịt lợn, bơ, sữa chua, thịt đông lạnh từ các quốc gia châu Âu khác nhau.
Văn phòng đại diện Thương mại Mỹ cho biết sẽ tiếp tục đánh giá lại các mức thuế này, dựa trên các cuộc thảo luận với EU vào ngày 14/10 tới đây.
Năm ngoái, chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng đã áp thuế nhập khẩu thép và nhôm từ châu Âu. Đáp lại, EU đã đánh thuế vào khoảng 3 tỷ USD hàng hóa của Mỹ, trong đó bao gồm rượu và xe mô tô.
Quyết định của WTO nêu trên là kết quả giải quyết của vụ kiện mà chính phủ Mỹ đã gửi tới cơ quan này từ năm 2004, cáo buộc rằng các nước thuộc EU, bao gồm Anh, Đức, Tây Ban Nha và Pháp đã trợ cấp bất hợp pháp cho Airbus – công ty sản xuất máy bay lớn nhất châu Âu.
Giới chuyên gia cho biết, thương chiến Mỹ – Trung leo thang cộng với việc Mỹ áp thuế đối với hàng hóa EU sẽ là mối đe dọa đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm thành công một loại tên lửa mới
Ngày 3/10, Triều Tiên tuyên bố nước này đã thử nghiệm thành công một loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) kiểu mới và tin tưởng rằng, điều này đã “mở ra một giai đoạn mới” nhằm thúc đẩy khả năng tự vệ của Triều Tiên
Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, Viện Khoa học Quốc phòng Triều Tiên đã thử nghiệm thành công loại tên lửa SLBM Pukguksong-3 mới ở ngoài khơi vịnh Wonsan vào sáng 2/10. Theo KCNA thì quả tên lửa đã được phóng đi ở góc thẳng đứng.
Vụ phóng tên lửa ngày 2/10 là vụ phóng thứ 11 của Triều Tiên kể từ đầu năm đến nay và cũng là vụ phóng thứ 9 của Bình Nhưỡng kể từ sau cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa Tổng thống Mỹ D.Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại làng đình chiến Panmunjom ở Khu phi quân sự (DMZ) giữa hai miền Triều Tiên hồi tháng 6 vừa qua.
Vụ phóng được tiến hành chưa đầy một ngày sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-Hui cho biết nước này và Mỹ đã nhất trí tiến hành các cuộc tiếp xúc sơ bộ vào ngày 4/10, để tạo tiền đề cho cuộc đàm phán cấp chuyên viên vào ngày 5/10.
Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phát thông điệp kêu gọi Triều Tiên “kiềm chế trước các hành vi khiêu khích” trước thềm diễn ra các vòng đàm phán phi hạt nhân hóa.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng vừa bày tỏ quan ngại về vụ phóng do Triều Tiên thực hiện vào sáng 2/10. Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc Stephane Dujarric nhận định, việc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo là một hành vi khác vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Phát ngôn viên này dẫn lời ông Guterres kêu gọi Mỹ và Triều Tiên cùng nỗ lực nhằm đạt được tiến triển về phi hạt nhân hóa, cũng như hướng tới mục tiêu thiết lập nền tảng hòa bình ổn định trên bán đảo Triều Tiên.
WTO hạ dự báo tăng trưởng thương mại hàng hóa toàn cầu
ày 1/10, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hạ dự báo tăng trưởng thương mại hàng hóa toàn cầu trong năm 2019 do thương chiến Mỹ – Trung, những bất ổn xung quanh tiến trình Brexit và sự dịch chuyển chính sách tiền tệ tại các nền kinh tế phát triển.
Trong bản tài liệu công bố ngày 01/10, các chuyên gia của WTO dự báo thương mại hàng hóa toàn cầu sẽ chỉ tăng 1,2% trong năm 2019, thấp hơn một nửa so với mức dự báo 2,6% đưa ra vào tháng 4 vừa qua và giảm mạnh so với mức tăng trưởng 3% vào năm 2018.
Theo WTO thì tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2019 sẽ bị sụt giảm tại hầu hết mọi khu vực trên thế giới. Cụ thể, tăng trưởng xuất khẩu ở Bắc Phi dự báo sẽ là 1,5%, giảm 2,8 điểm so với năm ngoái. Tại châu Á và châu Âu, các mức tăng trưởng xuất khẩu dự báo sẽ lần lượt là 1,8% và 0,6%, tương ứng với mức giảm 2 điểm và 1 điểm.
Đây là năm thứ 3 liên tiếp WTO hạ dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu. Điều này cũng phản ánh tâm lý chung ghi nhận trong các bản báo cáo trước đó của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Tháng 9/2019, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có trụ sở ở Paris đã chỉ ra rằng, xung đột thương mại leo thang đã trở thành nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu bị kéo tụt về mức “chưa từng có tiền lệ” kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính của thập kỷ trước.
Thổ Nhĩ Kỳ phạt Facebook 282.000 USD do lỗi bảo mật dữ liệu
Ngày 3/10, Ủy ban Bảo vệ dữ liệu cá nhân Thổ Nhĩ Kỳ (KVKK) cho biết, giới chức nước này đã phạt Facebook 1,6 triệu lira (282.000 USD) do lỗi bảo mật dữ liệu, khiến lộ thông tin cá nhân của gần 300.000 người dùng.
KVKK cho biết các thông tin cá nhân của người sử dụng Facebook tại Thổ Nhĩ Kỳ bao gồm tên, giới tính, ngày sinh, tôn giáo, địa chỉ và lịch sử tìm kiếm… đã bị lộ. Do lỗi này, các hình ảnh được chủ tài khoản Facebook đăng tải dù không chia sẻ cũng đã bị tiếp cận.
KVKK cũng cho biết đã mở một cuộc điều tra rò rỉ dữ liệu tại Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Facebook không cung cấp thông tin cần thiết về các lỗi ứng dụng cho họ.
Facebook hiện cũng đang phải đối mặt với một vụ kiện pháp lý tại Mỹ khi người sử dụng Facebook cáo buộc hình ảnh cá nhân của họ bị các ứng dụng bên thứ 3 tiếp cận, tiêu biểu công ty tư vấn Cambridge Analytica (CA), một đơn vị đối tác của Facebook bị phát giác sử dụng dữ liệu của hàng triệu người dùng một cách phi pháp.
Tháng 6/2019, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ cũng phạt Facebook 5 tỷ USD vì các lỗi vi phạm thông tin cá nhân, mức phạt lớn nhất từ trước đến nay đối với một công ty công nghệ.
Tháng 12/2018, Facebook cũng chính thức xin lỗi người dùng vì lỗi tương tự, làm ảnh hưởng 6,8 triệu người dùng Facebook và 1.500 ứng dụng điện thoại của 876 nhà phát triển./.
*** Thủ đô Baghdad như chảo lửa, gần 100 người biểu tình thiệt mạng
Các cuộc đụng độ giữa người biểu tình trẻ và lực lượng an ninh Iraq ngày một leo thang khiến tại thủ đô Baghdad, khiến ít nhất 93 người đã thiệt mạng và gần 4.000 người khác phải nhập viện.
20 phu đào vàng bị sát hại dã man trong rừng sâu
Khoảng 20 phu đào vàng đã thiệt mạng khi những phần tử vũ trang cực đoan tấn công khu mỏ của họ trong cánh rừng thuộc khu Arbinda của tỉnh Soum, phía Bắc Burkina Faso.
Triều Tiên tuyên bố đàm phán hạt nhân với Mỹ đã sụp đổ
Quan chức đàm phán Triều Tiên cáo buộc Mỹ vẫn giữ nguyên thái độ thù địch với nước này, khiến cuộc đối thoại đầu tiên trong nhiều tháng ở Stockholm sụp đổ.
Hong Kong (Trung Quốc) lên án hành động phá hoại của người biểu tình
Ngày 5-10, Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong (Trung Quốc) Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã lên án những người biểu tình ủng hộ dân chủ phá hoại các ga tàu điện ngầm cũng như các cửa hàng vào đêm 4-10.
Mối quan hệ Nga – Cuba sẽ có tương lai rực rỡ
Nhân chuyến thăm chính thức Cuba kéo dài hai ngày (3 và 4-10) của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, hai bên đã nhất trí tăng cường các mối quan hệ chiến lược. Thủ tướng Nga tỏ tin tưởng, mối quan hệ giữa hai nước sẽ có tương lai rực rỡ.
Đoàn thám hiểm Bắc cực bị gấu đói truy đuổi
Bị một con gấu đói truy đuổi, đoàn thám hiểm Bắc cực của Nga đã phải trèo lên xác một chiếc máy bay cũ để trốn chạy…
Mỹ-Triều chính thức nối lại đàm phán hạt nhân sau nhiều đồn đoán
Yonhap đưa tin, Mỹ và Triều Tiên đã chính thức nối lại đàm phán hạt nhân cấp độ làm việc kể từ ngày 5-10 tại Thụy Điển, sau một thời gian gián đoạn kéo dài.
Tín hiệu lạc quan về hoà bình cho Bán đảo Triều Tiên
Lời khẳng định Mỹ sẽ sớm nối lại đàm phán với CHDCND Triều Tiên của Tổng thống Donald Trump được đánh giá là tín hiệu lạc quan về triển vọng thúc đẩy tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên sau một thời gian dài bị đình trệ.
Lạm dụng tình dục trẻ em ngày càng biến tướng
Nạn lạm dụng tình dục trẻ em đang ngày càng lan rộng khắp Đông Nam Á. Và internet góp phần khiến tệ nạn này ngày càng gia tăng. Các hình thức lạm dụng cũng ngày càng tinh vi hơn.
Thế giới lo ngại Trung Quốc đang vận dụng những hình thức “bắt nạt” tại Biển Đông
Trong những ngày gần đây, báo chí quốc tế tiếp tục có những bài viết về hành động của Trung Quốc trên Biển Đông.
Ít nhất 22 người chết trong vụ sập mỏ khai thác vàng trái phép
Vụ tai nạn xảy ra vào ngày 2-10 tại mỏ khai thác vàng trái phép – nơi có cả phụ nữ mang thai và trẻ em làm việc, khiến ít nhất 22 người chết…
Liều mạng khám phá “vùng đất chết” sau thảm họa hạt nhân
Đã hơn 33 năm đã trôi qua kể từ ngày xảy ra vụ tai nạn hạt nhân trầm trọng nhất trong lịch sử năng lượng hạt nhân – vụ nổ nhà máy điện nguyên tử Chernobyl ở Pripyat, Ukraina vào ngày 26-4-1986, giờ đây du khách có thể khám phá nơi nguy hiểm nhất tại đây…
Cuộc khủng hoảng Venezuela và sự thách thức giới hạn đỏ của Mỹ
Hôm 11-9, Mỹ và các nước đồng minh Mỹ Latin đã kích hoạt lại hiệp ước phòng thủ chung khu vực, nhằm ủng hộ Colombia trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Venezuela. Liệu Mỹ có sẵn sàng vượt qua “giới hạn đỏ” của mình trong vấn đề này?
Hai bờ Đại Tây Dương đối diện cuộc thương chiến mới
Ngay sau khi được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) “bật đèn xanh”, ngày 2-10 (giờ địa phương), chính quyền Mỹ đã tuyên bố áp dụng thuế 10% đối với các máy bay Airbus do Liên minh châu Âu (EU) sản xuất và 25% đối với nhiều mặt hàng của khối này, một động thái được cho là sẽ châm ngòi cuộc thương chiến mới giữa hai bên.
Tổng hợp-TT