VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 7/11/2019.

 Cuộc chiến thương mại tác động tiêu cực tới Mỹ và Trung Quốc; Liệu phe Dân chủ có quật ngã được ông Trump?; Tương lai nào chờ châu Âu?…là những tin chính được cập nhật.

 Cuộc chiến thương mại tác động tiêu cực tới Mỹ và Trung Quốc

     Theo UNCTAD, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc dẫn đến giá cao hơn cho người tiêu dùng (Ảnh: UNCTAD)

(ĐCSVN) – Báo cáo vừa được Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) công bố ngày 5/11 cho thấy, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc dẫn tới tình trạng tăng giá đối với người tiêu dùng và gây nhiều thiệt hại về xuất nhập khẩu.
Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc chính thức nổ ra từ ngày 22/3/2018, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đánh thuế 50 tỷ USD đối với hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ (để ngăn chặn hành vi thương mại không công bằng và hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ từ Trung Quốc). Đáp trả hành động của Mỹ, ngày 2/4/2018, Bộ Thương mại Trung Quốc đã áp đặt thuế đối với 128 sản phẩm của Mỹ… Từ đó đến nay, sự leo thang căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã vượt qua biên giới hai nước và tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế toàn cầu.
Theo đó, việc đánh thuế của Mỹ đối với Trung Quốc đang gây tổn hại cho nền kinh tế của cả hai nước, dẫn đến sự sụt giảm mạnh trong thương mại song phương và làm tăng giá tiêu dùng. Điều này cũng có tác động chuyển hướng thương mại đáng kể, bao gồm cả nhập khẩu tăng từ các quốc gia không tham gia trực tiếp vào cuộc chiến thương mại.
Người tiêu dùng Mỹ bị thiệt hại đầu tiên
Báo cáo của UNCTAD cũng cho thấy việc áp thuế của Mỹ đã dẫn đến tổn thất 25% cho xuất khẩu, gây thiệt hại 35 tỷ USD cho xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường Mỹ đối với các sản phẩm bị đánh thuế trong nửa đầu năm 2019.
Hơn nữa, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc cũng đang ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng. Một phân tích thống kê thương mại được công bố gần đây cho thấy người tiêu dùng Mỹ chịu phần thuế lớn nhất của Mỹ đối với Trung Quốc, vì các chi phí liên quan đã được chuyển cho họ cũng như các doanh nghiệp nhập khẩu dưới dạng giá thành sản phẩm cao hơn.
Mặc dù không tính đến tác động từ việc áp thuế của Trung Quốc đối với hàng nhập khẩu của Mỹ, nhưng nghiên cứu cũng chỉ ra rằng kết quả định tính rất giống nhau: giá cao hơn cho người tiêu dùng Trung Quốc, thiệt hại cho các nhà xuất khẩu Mỹ, và lợi nhuận thương mại cho các nước khác.
Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung mang lại lợi ích cho một số nước
Theo UNCTAD, ở phạm vi toàn cầu, việc áp thuế của Mỹ đối với Trung Quốc đã khiến những đối tác thương mại khác cạnh tranh hơn ở thị trường Mỹ và có hiệu ứng chuyển hướng thương mại. Trong số 35 tỷ USD thiệt hại do xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường Mỹ, khoảng 21 tỷ USD (tương đương 63%) đã được chuyển sang các nước khác, trong khi phần còn lại, tương đương 14 tỷ USD, đã được chuyển hướng sang các nước khác, hoặc bị mất hoặc bị thu hồi bởi các nhà sản xuất Mỹ.
UNCTAD lưu ý rằng cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc đã mang lại lợi ích cho người hàng xóm Mexico khi nước này tăng xuất khẩu sang Mỹ thêm 3,5 tỷ USD, chủ yếu trong lĩnh vực nông sản, thiết bị vận tải và máy móc thiết bị điện. Liên minh châu Âu cũng đạt được khoảng 2,7 tỷ USD nhờ xuất khẩu tăng, chủ yếu trong lĩnh vực máy móc.
Những lợi ích do chuyển hướng thương mại của Hàn Quốc, Canada và Ấn Độ nhỏ hơn nhưng vẫn đáng kể, từ 0,9 – 1,5 tỷ USD. Những lợi ích còn lại dành cho phần lớn các nước Đông Nam Á khác. Cuối cùng, UNCTAD chỉ ra rằng các hiệu ứng do chuyển hướng thương mại đối với các nước châu Phi là rất nhỏ.

Liệu phe Dân chủ có quật ngã được ông Trump?
Phe Dân chủ có thể sẽ luôn nhắc Donald Trump là “tổng thống tham nhũng nhất” trong lịch sử Mỹ, nhưng nếu họ không thể hành động theo mô tả thì câu thần chú trên sẽ biến thành tín hiệu của sự bất lực.
Trong hơn một tháng qua, cụm từ luận tội xuất hiện dày đặc trên truyền thông và ở Washington khi Hạ viện tiến hành các nỗ lực điều tra những hành động bị cáo buộc là phi pháp của Tổng thống Trump.
Sau cuộc bỏ phiếu ngày 31/10, Hạ viện nhất trí thiết lập một số nguyên tắc luận tội, cho phép cuộc điều tra chuyển sang giai đoạn công khai hơn như cho truyền hình trực tiếp các buổi điều trần từ giữa tháng 11. Với đà đó, chắc chắn luận tội sẽ tiếp tục là chủ đề nóng và hấp dẫn trong năm tới, 2020.
Một cuộc khảo sát ý kiến mới do NBC News kết hợp Tạp chí Phố Wall thực hiện cho kết quả 49% số người tham gia trả lời ủng hộ Quốc hội luận tội và phế truất ông Trump. Còn theo thăm dò dư luận của Washington Post/ABC News trên toàn nước Mỹ, đương kim Tổng thống Mỹ đang bị cả ba đối thủ tiềm tàng thuộc đảng Dân chủ dẫn trước trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020.
Trong số các cử tri đã đăng ký, cựu Phó Tổng thống Joe Biden, thượng nghị sĩ bang Massachusetts Elizabeth Warren và thượng nghị sĩ bang Vermont vượt ông Trump với mức chênh lệch lần lượt là 17%, 15% và 14%.
Trong khi đó, tỷ lệ tín nhiệm dành cho ông Trump dao động quanh con số 40%.
Có thể nhận định qua những con số trên rằng đông đảo người Mỹ muốn “đổi” ông Trump lấy một người kế nhiệm bất kỳ của đảng Dân chủ, và đa số muốn thấy ông bị phế truất vì “các tội cả nặng và nhẹ “.
Nhưng nếu chính trị vận động theo những điều như vậy thì Hillary Clinton đã lên làm Tổng thống Mỹ năm 2016 chứ không phải Donald Trump. Năm đó, nữ ứng viên Dân chủ đã giành nhiều hơn đối thủ Cộng hòa của bà gần 3 triệu phiếu trong ngày bầu cử. Nhưng do sự thất vọng kéo dài ở các bang đông dân như California và New York, chiếc ghế Tổng thống rốt cuộc được quyết định bởi Đại cử tri đoàn, chứ không phải dân chủ trực tiếp. Ông Trump đã chiến thắng nhờ giành được đa số ở các bang then chốt, và giờ đây, ông đang trên đà lặp lại thành tích này.
Các cuộc khảo sát mới của New York Times/Siena College cho thấy năng lực cạnh tranh của Tổng thống cao hơn ở các bang trọng yếu so với thăm dò được thực hiện trước đó. Những bang này gồm Michigan, Pennsylvania, Wisconsin, Florida, Arizona, và Bắc Carolina.
Kết quả này cũng tương tự về luận tội. Thăm dò của New York Times/Siena College ở cùng 6 bang chiến trường kể trên cho thấy 50% cử tri đăng ký ủng hộ tiếp tục điều tra nhưng chỉ 43% tán thành luận tội và phế truất ông Trump, thấp hơn mức trung bình trên toàn quốc.

Tương lai nào chờ châu Âu?
(SGGP) Trưởng phái đoàn đàm phán của Liên minh châu Âu (EU) về việc Anh rời khỏi EU (Brexit) Michel Barnier vừa tuyên bố, các cuộc đàm phán về mối quan hệ thương mại tương lai với Anh sẽ trở nên khó khăn.
Ông Barnier không hù dọa. Báo The Straits Times nhận định, Brexit không phải là câu chuyện kẻ thắng người thua, mà là câu chuyện về những người thua hiện nay và nhiều người thua hơn nữa về sau này. Nếu rời khỏi EU, người Anh sẽ phải chịu thua thiệt nhiều nhất. Trước mắt họ phải vật lộn để tạo dựng các quan hệ thương mại mới và xây dựng cho bản thân một vai trò mới trên thế giới. Tuy nhiên, EU cũng bị thiệt hại, vì sự ra đi của Anh không chỉ lấy đi khoảng 12% dân số và 17% ngân sách chung của EU, mà Anh còn có thể trở nên cạnh tranh hơn rất nhiều trong việc thu hút đầu tư và thương mại.
Một vài tuần trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã 2 lần công khai nói về việc Anh là “đối thủ ở ngưỡng cửa châu Âu”. Một khi rời khỏi châu Âu, Anh sẽ tìm cách tạo đòn bẩy cho những lợi thế đang có của mình và điều này gây phương hại cho EU. Những biện pháp mà Anh thực hiện có thể bao gồm việc xây dựng những quy định linh hoạt hơn về lao động và đầu tư, cũng như các thị trường tự do hơn. Đây chính là những điều mà EU nhìn chung nhận thấy khó có thể nhượng bộ.
Anh rời khỏi châu Âu còn đồng nghĩa với việc lấy đi 1 trong 2 nước thành viên EU sở hữu đầy đủ các năng lực quân sự đúng vào thời điểm mà vai trò của châu Âu trên trường quốc tế đang suy giảm, phải đối mặt với hàng loạt các mối lo gây chia rẽ nội bộ. Các nước Đông Âu lo lắng về “mối đe dọa từ Nga”, trong khi người Nam Âu mong muốn tập trung vào mối đe dọa về nhập cư bất hợp pháp từ châu Phi. Mọi người đều khẳng định rằng “thời khắc của châu Âu đã đến” do các chính sách theo xu hướng biệt lập của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump. Trung Quốc là một nước lớn, một cường quốc đang trỗi dậy và là thị trường lớn, đem đến cả cơ hội lẫn mối đe dọa. Trung Đông, nơi mà sự ổn định của nó có thể lập luận là có ý nghĩa then chốt đối với EU hơn là đối với Mỹ, người châu Âu vẫn chỉ là những khán giả.
Sự ra đi của Anh còn dội một gáo nước lạnh vào lòng tự trọng của châu Âu và tác động tiêu cực tới hình ảnh mà khu vực này muốn khuếch trương với thế giới. Chỉ cách đây vài năm, các quan chức EU từng đi khắp thế giới để đưa ra những lời khuyên cho các nước khác về việc họ cần tăng cường sự quản trị tốt, và cách tốt nhất để làm được điều đó là đi theo mô hình của EU. Nhưng một tổ chức đang mất đi thành viên rõ ràng không phải là một hình mẫu để các nước khác noi theo.
Trong ngắn hạn, EU sẽ không suy yếu. Sẽ không có quốc gia thành viên nào khác nghĩ đến việc rời đi và EU chưa bao giờ được lòng dân như hiện nay. Tuy nhiên, khi những thách thức về an ninh, kinh tế tiếp tục gia tăng trong tương lai, Anh rời EU vào thời điểm này cũng đã đủ tồi tệ. Điều đó sẽ tồi tệ hơn nữa nếu phần còn lại của châu Âu không biết cách tận dụng nó như một cơ hội để tiến hành cải cách sâu rộng cách thức vận hành tổ chức này.

***   Ông Trump đề nghị giúp Mexico “quét sạch ma túy khỏi trái đất”
9 phụ nữ và trẻ em đã thiệt mạng trong vụ tấn công nhằm vào người Mỹ tại Mexico đẫm máu nhất trong nhiều năm qua, khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump phải đề nghị nước láng giềng miền Nam quét sạch các băng đảng ma túy được cho là đứng đằng sau vụ tấn công.

Nga – Trung đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược
Nga và Trung Quốc đang không ngừng bồi đắp “quan hệ đối tác chiến lược” kể từ năm 2014. Sự gắn kết giữa hai nước dựa trên những cân nhắc về kinh tế và địa chính trị. Mặc dù có lợi thế chung nhưng mối quan hệ gắn bó này cũng có những hạn chế.

Hai nữ cảnh sát Chile bốc cháy khi bị ném bom xăng
Hai nữ cảnh sát của Chile đã bị trúng bom xăng khi đang dùng bình xịt hơi cay và vòi rồng để đẩy lùi những người biểu tình quá khích trên đường phố Santiago.

Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo bán đất ở các dự án ma
Ngày 1-11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và tiến hành lệnh bắt tạm giam đối với Phạm Thị Tuyết Nhung (sinh năm 1981, quận 4), Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư Angel Lina để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Sự suy yếu tạm thời của IS và nỗi lo lâu dài về cuộc chiến chống khủng bố
Cái chết của thủ lĩnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) Abu Bakr al-Baghdadi hồi cuối tháng 10 không đánh dấu sự kết thúc của IS, cũng như các nỗ lực quân sự của Mỹ và các quốc gia đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố trên thế giới và hơn thế nữa.

Bầu cử sớm – “ván cờ tất tay” của ông Johnson
Lại một lần nữa, người dân Anh và châu Âu phải chờ đợi thêm để biết tương lai mối quan hệ giữa xứ xở sương mù và lục địa già. Cùng với việc chấp nhận hoãn tiến trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và tiến hành bầu cử sớm, Thủ tướng Anh Boris Johnson rõ ràng đang đặt vận mệnh chính trị của mình và cả tương lai của đất nước vào “canh bạc cuối cùng”.

Học sinh Ấn Độ đeo khẩu trang đến trường vì ô nhiễm không khí
Các trường học tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ đã mở cửa trở lại vào ngày 6-11 sau hai ngày đóng cửa vì ô nhiễm không khí đáng báo động, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Ấn Độ – Trung Quốc: Vì chúng ta cần nhau
Ấn Độ cần Trung Quốc hơn hay Trung Quốc cần Ấn Độ hơn? Đến cả cuộc gặp thượng đỉnh không chính thức lần 2 giữa nguyên thủ hai nước, tại thành phố nghỉ mát ven biển Mamallapuram, bang Tamil Nadu (Ấn Độ), cũng không đưa ra được câu trả lời. Song, cái chính là cuộc gặp ấy đã diễn ra.

Tiền ảo Libra của Facebook tiếp tục bị điều tra ở Australia
Liên minh đối tác phát triển tan vỡ, lãnh đạo cấp cao phải ra điều tra trước Quốc hội Mỹ và tiếp theo là cuộc điều tra được thực hiện bởi nhà chức trách Australia đối với dự án tiền ảo Libra của Facebook.

Hiệp định khí hậu Paris là “không thể đảo ngược”
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang có chuyến thăm Trung Quốc và trong khuôn khổ hội đàm tại Bắc Kinh ngày 6-11, ông và Chủ tịch nước chủ nhà Tập Cận Bình dự kiến ký một thỏa thuận chung về khí hậu, theo đó sẽ tuyên bố “tính không thể đảo ngược” của Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu.

Ukraine hack email của đảng Dân chủ rồi đổ lỗi cho Nga?
Các tài liệu của công tố viên đặc biệt Robert Mueller được công bố hôm 2-11 cho thấy, người đứng đầu chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump khẳng định, Ukraine đã tấn công mạng và email của Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ (DNC) rồi ngụy tạo chứng cứ để đổ lỗi cho Nga.

Tổng thống Trump nói muốn Trung Quốc ký hiệp ước cắt giảm hạt nhân
Tổng thống Donald Trump cho biết Mỹ muốn tìm kiếm một thỏa thuận kiểm soát vũ khí mới với cả Nga và Trung Quốc.

CEO của McDonald mất chức vì quan hệ bất chính với nữ nhân viên
Tập đoàn McDonald thông báo Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) Steve Easterbrook đã phải rời nhiệm sở do có “quan hệ bất chính” với một nữ nhân viên

Thực hư vụ hacker Trung Quốc tấn công 6 quốc gia
Theo một báo cáo mới được tổ chức Positive Technologies tiết lộ, một nhóm hacker Trung Quốc có tên Calypso được cho đã gây ra sự hỗn loạn cho các tổ chức nhà nước ở 6 quốc gia khác nhau trong suốt 3 năm qua…

Sự trở lại ngoạn mục của bà Cristina Kirchner
Kết quả vòng 1 cuộc bầu cử Tổng thống Argentina hôm 27-10 vừa qua không nằm ngoài dự báo của giới quan sát: Liên danh tranh cử Peronist gồm ứng cử viên Tổng thống Alberto Fernandez và ứng cử viên Phó Tổng thống Cristina Fernandez Kirchner đánh bại đương kim Tổng thống Mauricio Macri.
Tổng hợp-TT