VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 8/4/2021.

     Sai lầm của châu Âu trong cuộc chiến chống Covid-19; EU nói đông máu là tác dụng phụ của vaccine AstraZeneca; Cơ chế cho vay của Trung Quốc bị cáo buộc “bẫy” nợ; ASEAN kêu gọi các bên không có hành động làm phức tạp tình hình Biển Đông; Mỹ tính đến khả năng cùng các đồng minh tẩy chay Thế Vận hội Olympics Bắc Kinh 2022; Gần 134 triệu ca Covid-19 toàn cầu…là những tin chính được cập nhật.
Sai lầm của châu Âu trong cuộc chiến chống Covid-19
Sai lầm của châu Âu trong cuộc chiến chống Covid-19  Ảnh minh họa.
Châu Âu đang phải hứng chịu làn sóng gia tăng lây nhiễm vô cùng nguy hiểm vì một biến thể virus chết người.
Liên minh châu Âu (EU) giàu có, khoa học tân tiến, hệ thống phúc lợi và y tế tuyệt vời, cùng sự đồng thuận chính trị lớn về chăm sóc sức khỏe cho người dân… nhưng lại trượt ngã trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.
Theo tờ The Economist, xét về số ca tử vong, EU nhìn chung không tồi tệ bằng Anh hoặc Mỹ, với 138 ca tử vong được ghi nhận trên 100.000 trường hợp. Tuy nhiên, châu lục này đang hứng chịu làn sóng gia tăng lây nhiễm vô cùng nguy hiểm vì một biến thể virus chết người. Điều này càng nhấn mạnh hiểm họa của tỷ lệ tiêm chủng thấp của lục địa già. Dữ liệu cho thấy, 58% người Anh trưởng thành đã nhận được một liều tiêm, người Mỹ 38%, còn công dân EU mới có 14%.
Các quốc gia châu Âu còn đi sau về tiêu chí khác trên thẻ điểm Covid-19, đó là nền kinh tế. Trong quý cuối cùng của năm 2020, Mỹ đã tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 4,1%. Ở Trung Quốc, mức tăng trưởng là 6,5%. Trong khi đó, ở khu vực đồng tiền chung châu Âu, nền kinh tế vẫn không ngừng thu hẹp. Một năm trước, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez gọi Covid-19 là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất gây ra cho EU kể từ sau Thế chiến 2.
EU nói đông máu là tác dụng phụ của vaccine AstraZeneca
Cơ quan quản lý dược phẩm EU cho rằng cần liệt kê đông máu là “tác dụng phụ rất hiếm gặp” của vaccine AstraZeneca, nhưng khuyến cáo các nước nên tiếp tục sử dụng.
“Ủy ban an toàn của Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) hôm nay kết luận rằng việc xuất hiện các cục máu đông bất thường kèm theo tiểu cầu trong máu thấp nên được liệt kê là tác dụng phụ rất hiếm gặp”, EMA ra tuyên bố ngày 7/4.
“Một cách giải thích cho những tác dụng phụ rất hiếm gặp này là phản ứng miễn dịch, dẫn đến tình trạng tương tự như kiểu thường thấy ở những bệnh nhân được điều trị bằng heparin”, EMA cho biết.
Sabine Straus, chủ tịch ủy ban an toàn của EMA, cho biết tính đến ngày 4/4, cơ quan này ghi nhận 169 trường hợp đông máu não hiếm gặp ở người đã tiêm vaccine AstraZeneca. EU đã triển khai tiêm 34 triệu liều AstraZeneca ở khu vực.
Cơ chế cho vay của Trung Quốc bị cáo buộc “bẫy” nợ
SGGP Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn nhất hành tinh, với các khoản tín dụng trực tiếp và thương mại cấp cho hơn 150 quốc gia ước tính 1.500 tỷ USD. Tuy nhiên, 4 định chế của Mỹ và Đức vừa cho công bố một nghiên cứu nói về cơ chế cho vay của Trung Quốc, với nhiều điều kiện “không mấy chính đáng”.
Đe dọa tính minh bạch
Công trình nghiên cứu tựa đề How China Lends (tạm dịch: Trung Quốc cho vay như thế nào) do 4 trung tâm nghiên cứu AidData thuộc Đại học William và Mary: Viện Kinh tế quốc tế Peterson, Trung tâm Phát triển toàn cầu (đều ở Mỹ) và Viện Kinh tế thế giới Kiel (Đức) thực hiện.
Trong bối cảnh Trung Quốc luôn giữ bí mật về các khoản cho vay của họ, các nhà nghiên cứu Mỹ và Đức đã tìm kiếm dữ liệu trong số 100 hợp đồng cho vay ký kết giữa Trung Quốc với chính phủ 24 nước có thu nhập thấp giai đoạn 2000-2020 (tổng trị giá 36,6 tỷ USD). Sau đó, họ đã so sánh các hợp đồng cho vay của Trung Quốc với 142 hợp đồng mà các quốc gia nói trên ký kết với các chủ nợ lớn khác, từ đó rút ra được những chi tiết cụ thể về các điều kiện cho vay.
Tờ Le Monde của Pháp đã nêu bật một số điều kiện “không mấy chính đáng” được Trung Quốc áp dụng. Trước hết, các điều kiện bảo mật khắt khe hơn rất nhiều so với yêu cầu thường thấy với các quốc gia chủ nợ khác, hoặc các ngân hàng phát triển. Bắc Kinh không chỉ buộc con nợ phải giữ bí mật các điều kiện vay, mà còn cấm tiết lộ tiền vay. Điều kiện này đặt ra những vấn đề nghiêm trọng về tính minh bạch, vì các chính phủ đi vay phải giấu với người dân của họ về số tiền phải hoàn trả. Tính chất thiếu minh bạch đó làm các thủ tục tái cơ cấu nợ tập thể phức tạp thêm, vì chủ nợ của một quốc gia sắp bị vỡ nợ khó đánh giá mức độ đáng tin hoặc khả năng trả nợ của nước đó, nếu thiếu một số thông tin.
ASEAN kêu gọi các bên không có hành động làm phức tạp tình hình Biển Đông
Các nước ASEAN ghi nhận quan ngại về diễn biến phức tạp thời gian qua ở Biển Đông, trong đó có các hành động đe doạ, cưỡng ép…
Ngày 7/4, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam đã dẫn đầu đoàn Việt Nam dự Hội nghị Quan chức Cao cấp (SOM) ASEAN theo hình thức trực tuyến.
YÊU CẦU KIỀM CHẾ, KHÔNG LÀM PHỨC TẠP TÌNH HÌNH
Thảo luận các vấn đề quốc tế và khu vực, các nước ASEAN ghi nhận quan ngại về diễn biến phức tạp thời gian qua ở Biển Đông, trong đó có các hành động đe doạ, cưỡng ép, vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hiệp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).
Điều này ảnh hưởng tới hoà bình và an ninh khu vực, đi ngược lại cam kết trong Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tạo không khí bất lợi cho đàm phán xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Trước tình hình này, ASEAN nhấn mạnh lập trường nguyên tắc, yêu cầu kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình, đề cao luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển của Liên hợp quốc, tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, từng bước nối lại đàm phán nhằm xây dựng Bộ Quy tắc COC hiệu quả, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.
Mỹ tính đến khả năng cùng các đồng minh tẩy chay Thế Vận hội Olympics Bắc Kinh 2022
– Mỹ sẽ thảo luận khả năng tẩy chay Thế Vận hội Olympics Bắc Kinh 2022 cùng với các đồng minh và đối tác, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price hôm qua (6/4) cho biết trong một cuộc họp báo.
Việc Mỹ và các đồng minh tẩy chay Thế Vận hội Olympics có thể giúp thuyết phục các thể chế luật pháp quốc tế tiến hành điều tra những cáo buộc về việc có các vụ thảm sát ở Tân Cương, luật sư nhân quyền Djaouida Siaci cho biết.
Nếu Mỹ và các đồng minh thực sự tẩy chay Thế Vận hội Olympics Bắc Kinh 2022 thì đây sẽ là lần đầu tiên Mỹ tẩy chay một thế vận hội kể từ Thế Vận hội ở Moscow năm 1980. Và động thái này diễn ra trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực bắt Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về những chiến dịch đàn áp người dân tộc tiểu số ở khu vực Tân Cương.
Thượng nghị sĩ Mitt Romney của Đảng Cộng hòa còn kêu gọi tiến hành tẩy chay về kinh tế và ngoại giao đối với Trung Quốc.
*** Gần 134 triệu ca Covid-19 toàn cầu, một số nước châu Âu hạn chế tiêm vaccine AstraZeneca
Thế giới ghi nhận gần 134 triệu người nhiễm, gần 2,9 triệu người chết do nCoV, Italy, Bỉ và Tây Ban Nha khuyến cáo chỉ sử dụng AstraZeneca cho người cao tuổi.
Thế giới đã ghi nhận 133.610.878 ca nhiễm nCoV và 2.896.984 ca tử vong, tăng lần lượt 587.287 và 11.362, trong khi 107.735.101 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) hôm 7/4 kết luận rằng việc xuất hiện các cục máu đông bất thường kèm theo tiểu cầu trong máu thấp nên được liệt kê là “tác dụng phụ rất hiếm gặp” của vaccine AstraZeneca. Tuy nhiên, EMA cho rằng các nước nên tiếp tục sử dụng vaccine AstraZeneca vì lợi ích lớn hơn rủi ro.
Italy và Tây Ban Nha khuyến cáo chỉ sử dụng vaccine AstraZeneca cho người trên 60 tuổi. Bỉ dừng tiêm vaccine cho người 18-55 tuổi. Anh khuyến nghị rằng người dưới 30 tuổi nên tiêm vaccine khác thay vì AstraZeneca. Ngoài vaccine AstraZeneca, Anh đang triển khai tiêm vaccine Pfizer và Moderna.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 31.627.973 ca nhiễm và 571.023 ca tử vong do nCoV, tăng 65.913 ca nhiễm và 763 ca tử vong so với một ngày trước đó.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 6/4 cảnh báo nước này vẫn “chưa tới vạch đích” trong cuộc chiến chống Covid-19. “Chúng ta còn rất nhiều việc phải làm và vẫn đang trong cuộc đua sinh tử chống lại virus này”, Biden phát biểu tại Nhà Trắng, nói thêm rằng các biến chủng mới của nCoV đang lan rộng nhanh chóng, khiến số ca nhiễm tăng trở lại và số ca nhập viện không còn xu hướng giảm nữa.
Biden bày tỏ hy vọng tất cả người trưởng thành tại Mỹ sẽ đủ điều kiện đăng ký tiêm chủng vào ngày 19/4, muộn hơn hai tuần so với mục tiêu được đề ra trước đó. Một số bang vốn đã dời thời hạn này sang ngày 1/5. Jeff Zients, điều phối viên Covid-19 của Nhà Trắng, hôm qua cho biết hơn 28 triệu liều vaccine sẽ được chuyển tới các bang trong tuần này.
Brazil là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 13.193.205 ca nhiễm và 340.776 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 87.147 và 3.412 ca.
Brazil ngày 7/4 ghi nhận ca nhiễm biến thể nCoV từ Nam Phi đầu tiên – một dấu hiệu nguy hiểm cho quốc gia ghi nhận số ca tử vong hàng ngày cao nhất thế giới. Biến chủng dễ lây lan hơn đã hoành hành và những biện pháp giãn cách xã hội được thực hiện hời hợt, dẫn đến đợt bùng phát không thể kiểm soát.
Theo phân tích của Reuters, trong bối cảnh chiến dịch tiêm chủng giúp kiềm chế sự bùng phát tại Mỹ, Brazil trở thành tâm điểm của đại dịch trên toàn cầu, chiếm tới 1/4 số ca tử vong mỗi ngày của thế giới. Một số nhà khoa học dự báo tổng số ca tử vong vì Covid-19 tại Brazil có thể vượt quá Mỹ, dù dân số nước ngày chỉ bằng 2/3 Mỹ.
Sao Paulo, thành phố lớn nhất đất nước, hôm 7/4 cho biết họ sẽ bắt đầu đào khoảng 600 ngôi mộ mới mỗi ngày, vượt xa kỷ lục 426 ngôi mộ trong một ngày vào ngày 30/3. Thành phố cũng đang chuẩn bị kế hoạch cho một “nghĩa trang thẳng đứng”, nơi 26.000 phần mộ được xây dựng giống như ngăn kéo chứa hài cốt. Dự án này có thể được xây dựng trong 90 ngày sau khi được phê duyệt.
Bất chấp diễn biến tồi tệ, Bộ trưởng Kinh tế Brazil Paulo Guedes hôm qua cho biết Brazil có thể nối lại hoạt động kinh doanh trong hai đến ba tháng nữa. “Tất nhiên hoạt động kinh tế có lẽ sẽ giảm, nhưng sẽ ít hơn nhiều so với mức độ mà chúng ta đã hứng chịu năm ngoái”, ông nói.
Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ ba thế giới với 12.926.061 ca nhiễm và 166.892 ca tử vong, tăng lần lượt 126.315 và 684.
Thủ đô New Delhi hôm 7/4 bắt đầu áp lệnh giới nghiêm ban đêm, từ 22h tới 5h sáng hôm sau, cho đến ngày 30/4, trong bối cảnh phần lớn đất nước đang vật lộn kiềm chế làn sóng Covid-19 thứ hai nghiêm trọng hơn nhiều so với đợt đầu tiên. Vinod Kumar Paul, quan chức y tế cấp cao chính phủ Ấn Độ, tuyên bố 4 tuần tới sẽ “vô cùng quan trọng”.
Maharashtra, bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất cả nước, hôm 5/4 cũng đã bắt đầu đóng cửa các trung tâm thương mại, rạp chiếu phim, quán bar, nhà hàng, địa điểm thờ phụng, giữa lúc các bệnh viện tràn ngập bệnh nhân.
Quốc gia đông dân thứ hai thế giới với 1,35 tỷ dân đã tiêm 80,9 triệu liều vaccine Covid-19, nhiều thứ ba thế giới sau Mỹ và Trung Quốc, nhưng bị tụt lại về tỷ lệ tiêm chủng trên đầu người.
Pháp, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận 4.841.308 ca nhiễm và 97.273 ca tử vong.
Pháp đang hy vọng việc thúc đẩy tiêm chủng, kết hợp với đợt phong tỏa thứ ba kéo dài một tháng bắt đầu từ cuối tuần trước, sẽ giúp họ kiểm soát được đợt bùng phát mới nhất do các biến chủng nCoV mới. Hơn 9,5 triệu người, tương đương 14,2% dân số Pháp, đã được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19.
Anh báo cáo 4.367.291 người nhiễm và 126.927 người chết, tăng lần lượt 2.763 và 45 trường hợp.
Thủ tướng Anh Boris Johnson hồi đầu tuần cho biết nước này đã chuyển sang giai đoạn hai của lộ trình nới lỏng biện pháp hạn chế. Theo đó, cửa hàng, quán rượu ngoài trời, tiệm cắt tóc, phòng gym và nhiều dịch vụ khác sẽ được mở cửa trở lại từ ngày 12/4.
Toàn bộ người dân Anh sẽ được xét nghiệm Covid-19 hai lần mỗi tuần kể từ ngày 9/4. Chính phủ Anh hôm qua cho biết 31,6 triệu người dân đã được tiêm liều vaccine Covid-19 đầu tiên.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.547.376 ca nhiễm, tăng 4.860, trong đó 42.064 người chết, tăng 87.
Bộ trưởng Y tế Indonesia hôm 5/4 cho biết chỉ 20 triệu trong tổng số 30 triệu liều vaccine Covid-19 mà nước này đã đặt hàng giao trong tháng 3 và tháng 4 được chuyển tới, do các hạn chế xuất khẩu. Quan chức này cũng kêu gọi điều chỉnh lại chương trình tiêm chủng, ưu tiên nhóm người cao tuổi.
Indonesia bắt đầu chiến dịch tiêm chủng từ tháng 1 và đặt mục tiêu tiêm vaccine cho 181,5 triệu người trong vòng một năm.
Philippines vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, ghi nhận 819.164 ca nhiễm và 14.059 ca tử vong, tăng lần lượt 6.414 và 242 ca.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 3/4 tuyên bố sẽ kéo dài các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt chống Covid-19 ở khu vực thủ đô Manila và các tỉnh lân cận thêm ít nhất một tuần. Các biện pháp bao gồm cấm đi lại không cần thiết, tụ tập đông người, dùng bữa trong nhà hàng.
Dữ liệu của Bộ Y tế Philippines cho thấy 96% số ca nhiễm chưa bình phục tại nước này là nhẹ. Tuy nhiên, khả năng điều trị tích cực tại các bệnh viện ở khu vực thủ đô đã sắp chạm đến giới hạn, với 80% giường được sử dụng. Nhiều bệnh viện buộc phải từ chối tiếp nhận bệnh nhân.
Philippines ngày 7/4 cho phép sử dụng vaccine Sinovac của Trung Quốc cho một số người cao tuổi, dựa trên đánh giá về tình trạng sức khỏe và nguy cơ phơi nhiễm. Trước đó, Philippines chỉ tiêm vaccine này cho người 18-59 tuổi.
Nước này đã tiêm 922.898 liều vaccine Sinovac và AstraZeneca cho nhân viên y tế, người cao tuổi và những người mắc bệnh nền, bằng 1/3 lượng vaccine họ đang sở hữu.

Tổng hợp-TT