VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Tin vắn quốc tế ngày 8/5/2020.

LB Nga tổ chức nhiều hoạt động nhân Ngày chiến thắng 9/5; Ba yếu tố làm sứt mẻ hình ảnh Trung Quốc trong Covid-19; Merkel vụt sáng giữa Covid-19; Ghế tổng thống của Trump lung lay vì suy thoái kinh tế; Tạp chí Mỹ chọn Việt Nam làm điểm đến hàng đầu sau đợt dịch; Việt Nam bác bỏ lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông; Xuất khẩu Trung Quốc tăng đột biến trong tháng 4; Thế giới sắp cán mốc 4 triệu ca nhiễm, hơn 270.000 ca tử vong vì COVID-19…là những tin chính được cập nhật.

 LB Nga tổ chức nhiều hoạt động nhân Ngày chiến thắng 9/5

 Chú thích ảnh   Lễ diễu binh nhân kỉ niệm Ngày Chiến thắng tại Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moskva, Nga ngày 9/5/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang diễn biến phức tạp, LB Nga vẫn tổ chức hàng loạt các hoạt động nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Chiến thắng (9/5) trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại. Tuy nhiên hầu hết các sự kiện này được chuyển sang dạng trực tuyến.
Nhân sự kiện trọng đại này, Tổng thống Nga Vladimir Putin (Vla-đi-mia Pu-tin) cam kết tặng mỗi cựu chiến binh 75.000 rubble (1.005 USD) và tặng 50.000 rubble cho những người lao động ở hậu phương trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai. Một món quà đặc biệt khác kỷ niệm 75 năm Ngày Chiến thắng dành cho hơn 52.000 cựu chiến binh là một chiếc điện thoại di động kèm theo sim miễn phí.
Trong ngày 9/5, Tổng thống Putin sẽ đặt vòng hoa tại Ngọn lửa vĩnh cửu tưởng niệm các liệt sĩ vô danh bên chân tường Điện Kremlin đồng thời có bài phát biểu trước quốc dân đồng bào nhân sự kiện trọng đại này. Thư ký báo chí của Tổng thống Nga cho biết ông Putin còn tham gia một số hoạt động kỷ niệm khác trong ngày.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu (Xéc-gây Sôi-gu) cũng thông báo cuộc diễu binh mừng Chiến thắng sẽ lùi lại, song ngày 9/5 sẽ diễn ra phần diễu binh trên không. 75 máy bay và trực thăng sắp thành hàng sẽ bay qua Quảng trường Đỏ của thủ đô Moskva. Phần diễu binh trên không cũng được thực hiện tại 47 thành phố cũng như các căn cứ quân sự của Nga ở nước ngoài. Trong thành phần phi đội bay qua Quảng trường Đỏ có các loại chiến đấu cơ vượt âm đa năng hiện đại như Su-35S và Su-30M, cường kích đa năng Su-34, tiêm kích đánh chặn MiG-31, các máy bay vận tải quân sự An-12 và An-26; trực thăng tấn công–trinh sát Ka-52 Alligator, trực thăng tấn công Mi-24, Mi-28 Kẻ săn đêm, và Mi-8 đa năng, cũng như trực thăng vận tải hạng nặng Mi-26.
Năm nay, cuộc diễu hành “Trung đoàn Bất tử” tưởng nhớ những hi sinh trong chiến tranh cũng diễn ra dưới hình thức trực tuyến. Để tham gia, đến ngày 8/5, người dân cần khai vào bảng đăng ký, cho biết tên người anh hùng họ muốn tôn vinh, những năm sống và những năm tham gia cuộc chiến, cũng như thông báo thư điện tử, và có thể tải ảnh lên mạng nếu có. Chiều 9/5, các chương trình phát thanh sẽ ngừng để thực hiện “Phút mặc niệm”. Sau “Phút mặc niệm” người dân tham gia được yêu cầu ra ngoài ban công hoặc đứng cạnh cửa sổ, cầm chân dung các cựu chiến binh của mình và hát bài “Ngày Chiến thắng”.
Nhiều địa phương của Nga cũng tổ chức các hoạt động trực tuyến như “Đèn Chiến thắng”, “Quốc kỳ Nga”, “Ngày 9/5”, “Album Chiến thắng”, “Thư Chiến thắng”, và nhiều cuộc thi trực tuyến khác. Ngoài ra, trung tâm thông tin du lịch tỉnh Volgograd ra mắt dự án trực tuyến “Lời chúc từ Stalingrad!”, theo đó các bưu thiếp ảo với cảnh thành phố anh hùng này sẽ được gửi đi khắp thế giới.
Đại dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp tại LB Nga, song Ngày Chiến thắng 9/5 vẫn là sự kiện rất quan trọng đối với nước này và người dân. Sự kiện góp phần nâng cao tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc khi mà nước Nga vĩ đại đang đứng trước thềm một cuộc bỏ phiếu toàn dân để sửa đổi Hiến pháp cũng như đang hướng tới những kỳ tích kinh tế trước thềm các cuộc bầu cử quan trọng gồm bầu cử Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga vào năm 2021 và bầu cử tổng thống Nga năm 2024./.

Ba yếu tố làm sứt mẻ hình ảnh Trung Quốc trong Covid-19
Cách Trung Quốc lên án, đe dọa các nước điều tra Covid-19, thiết bị y tế kém chất lượng và “yêu cầu được cảm ơn” khiến hình ảnh Bắc Kinh sa sút, theo chuyên gia.
“Có ba vấn đề kết hợp lại trong đại dịch, khiến các nước chuyển đổi mạnh mẽ thái độ với Trung Quốc, theo hướng tiêu cực”,  Bonnie Glaser, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói với VnExpress.
Ba vấn đề Glaser nêu lên là cách Trung Quốc phản ứng với yêu cầu điều tra Covid-19 ngày một gia tăng trên thế giới, nhiều chuyến hàng vật tư y tế kém chất lượng của Trung Quốc được gửi đến các nước, và cách Bắc Kinh tự thể hiện rằng các quốc gia đề cao giúp đỡ của Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Trump cuối tháng 4 tuyên bố có bằng chứng nCoV lọt ra từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trước đó cáo buộc Trung Quốc không cho phép các nhà khoa học Mỹ tới nước này để điều tra về nguồn gốc của nCoV. Một loạt nước gồm Australia, Thụy Điển, Anh, Đức và Liên minh châu Âu (EU) đề nghị cần có cuộc điều tra về Covid-19 và cách Trung Quốc xử lý đại dịch. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng muốn tham gia làm rõ các vấn đề. Ý tưởng mở cuộc điều tra độc lập về Covid-19 được chính phủ Australia khởi xướng từ giữa tháng 4 và nó nhanh chóng trở thành tâm điểm đấu khẩu giữa Trung Quốc với phương Tây.
“Yêu cầu Trung Quốc hợp tác làm rõ nguồn gốc nCoV ngày càng gia tăng trên khắp thế giới”, Glaser nói.

Merkel vụt sáng giữa Covid-19
Thành công của Đức trong nỗ lực kiểm soát Covid-19 đã đưa hình ảnh Thủ tướng Merkel vụt sáng, giúp bà nâng cao tín nhiệm trên toàn cầu.
Trong suốt 15 năm cầm quyền, Angela Merkel không thích đưa ra những bài phát biểu “đao to búa lớn”. Thủ tướng Đức thường chỉ phát biểu trước toàn thể người dân mỗi năm một lần, trong thông điệp năm mới được ghi hình sẵn.
Nhưng hôm 18/3, bà phá lệ, khi xuất hiện trên sóng truyền hình trực tiếp để đưa ra bài phát biểu quan trọng nhằm cập nhật thông tin về Covid-19 và gióng lên hồi chuông cảnh báo về đại dịch cho người dân Đức. Đây là bài phát biểu không được lên kế hoạch từ trước và phát trực tiếp trên truyền hình đầu tiên của bà kể từ khi lãnh đạo nước Đức.
Bài phát biểu nhanh chóng gây chấn động, được ví như một cú hích giúp Thủ tướng Đức vụt tỏa sáng.

Ghế tổng thống của Trump lung lay vì suy thoái kinh tế
Kinh tế vốn là “át chủ bài” để Trump tái tranh cử tổng thống nhưng Covid-19 đã khiến nó không còn là lợi thế, thậm chí trở thành thách thức.
Suy thoái kinh tế nếu kéo dài sẽ làm phai nhạt những thành tích lẫy lừng về thúc đẩy nền kinh tế trước đó của Trump. Nó cũng có thể mở ra cơ hội cho ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden, người đã giúp đưa nước Mỹ thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế lần trước dưới thời chính quyền Obama.
Các số liệu công bố mỗi ngày tại Mỹ đang cho thấy những gì ban đầu gọi là “cắt giảm công việc tạm thời” có thể thành “sa thải vĩnh viễn”. Chẳng hạn, GE, Airbnb và United Airlines tuần này tuyên bố cắt giảm hàng nghìn vị trí do kinh doanh yếu ớt. Tin tức về diễn biến còn phức tạp của đại dịch có thể cản trở việc phục hồi hoàn toàn của nền kinh tế.
Trong nhiều tuần đầu năm, ông Trump đã phủ nhận và coi mối đe dọa từ Covid-19 là rất nhỏ. Tuy nhiên, giờ ông phải thay đổi quan điểm. “Chúng ta đã phải trải qua một cuộc tấn công tồi tệ nhất trên đất nước này”, ông nói hôm thứ tư (6/5). Tổng thống đang kêu gọi mở cửa trưởng học và nói rằng nền kinh tế sẽ hồi phục nhanh chóng khi tình trạng khẩn cấp sớm kết thúc.

Tạp chí Mỹ chọn Việt Nam làm điểm đến hàng đầu sau đợt dịch
Với lợi thế về cảnh quan, giá cả và những bãi biển tuyệt đẹp, tạp chí Travel + Leisure (Mỹ) đã điền tên Việt Nam vào top điểm đến sau khi dịch Covid-19 qua đi.
Việt Nam và Philippines: Đây là 2 quốc gia châu Á được Travel + Leisure gọi tên trong danh sách điểm đến sau dịch. Karen I. Chen, biên tập viên của tạp chí, chia sẻ về kế hoạch đến Việt Nam lẫn Philippines trong tháng 5. Tuy nhiên, dự định này đã phải tạm gác lại do tình hình bệnh dịch phức tạp. Karen miêu tả 2 đất nước này là “những khu vực giàu văn hóa và sôi động nhất thế giới”. Biên tập viên của Travel + Leisure ao ước được nằm dài cùng bạn bè trên những bãi biển nhiệt đới tuyệt đẹp và thưởng thức ẩm thực đường phố nổi tiếng.

Việt Nam bác bỏ lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông
Việt Nam bác bỏ quyết định đơn phương của phía Trung Quốc, đề nghị nước này không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ.
Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng hôm nay trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc ban hành thông báo cấm đánh bắt cá ở Biển Đông từ ngày 1/5-16/8 và triển khai biện pháp thực thi thông báo này.
Bà Hằng khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, phù hợp luật pháp quốc tế. Là quốc gia ven Biển Đông và thành viên Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán tại các vùng biển của mình được xác lập phù hợp Công ước, đồng thời cũng được hưởng các quyền lợi hợp pháp khác trên biển theo quy định của Công ước.
Người phát ngôn nêu rõ, Việt Nam bác bỏ quyết định đơn phương này của phía Trung Quốc. Trong bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay, Việt Nam đề nghị Trung Quốc không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông.
Trước đó, Tân Hoa xã đưa tin, Bộ Nông nghiệp và nông thôn Trung Quốc thông báo áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá mùa hè kéo dài 3 tháng rưỡi ở khu vực Biển Đông, trong đó bao gồm một số vùng biển của Việt Nam.
Lệnh cấm phi pháp, đơn phương này được áp dụng từ 12h ngày 1/5 đến 12h ngày 16/8. Phạm vi cấm đánh bắt trải dài từ vùng biển phía bắc Biển Đông đến 12 độ vĩ Bắc, bao gồm một phần vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ngoài ra, còn có bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép sau cuộc đối đầu với tàu Philippines vào năm 2012.
Theo Tân Hoa xã, các tàu hải cảnh và lực lượng kiểm tra nghề cá của Trung Quốc đã được triển khai để giám sát việc thực thi lệnh cấm. Hãng này cho biết, hơn 50.000 tàu cá sẽ phải ngừng hoạt động trong vòng 3 tháng rưỡi.

Xuất khẩu Trung Quốc tăng đột biến trong tháng 4
SGGP Số liệu thống kê chính thức từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc ngày 7-5 cho thấy, xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng 3,5% trong tháng 4-2020, bất chấp nhu cầu bên ngoài bị tác động do đại dịch Covid-19.
Theo Cục Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu của nước này giảm 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm mạnh so với tháng trước đó. Nhiều chuyên gia kinh tế từng dự báo xuất khẩu của Trung Quốc có thể giảm 11%, trong khi nhập khẩu giảm 10%. Trung Quốc ghi nhận thặng dư thương mại tháng 4 ở mức 45,3 tỷ USD.
Trong tháng 3, xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước, trong khi nhập khẩu giảm 0,9% trong cùng tháng. Theo CNBC, nguyên nhân này là do các nhà máy có khả năng hoàn thành đơn hàng tồn đọng khi công nhân dần dần quay trở lại làm việc sau khi Trung Quốc ngừng cách ly xã hội.

***    Thế giới sắp cán mốc 4 triệu ca nhiễm, hơn 270.000 ca tử vong vì COVID-19
(ĐCSVN) – Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến 7 giờ 30 phút sáng ngày 8/5 (giờ Việt Nam), cả thế giới đã có 3.913.486 ca nhiễm đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19), trong đó 270.421 ca tử vong và hơn 1.340.965 ca hồi phục.
Đứng đầu thế giới về cả hai chỉ số ca nhiễm và số ca tử vong vẫn là Mỹ, với 1.290.661 ca nhiễm và 76.868 ca tử vong. Dịch bệnh tại Mỹ vẫn được cho là còn nhiều nguy cơ lây lan trong bối cảnh quốc gia này dần nới lỏng các biện pháp giãn cách để nối lại các hoạt động kinh tế.

Tại châu Âu, điểm nóng dịch bệnh hiện nay là Nga. Ngày 7/5, sau khi thông báo số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất từ trước tới nay là 11.231 ca, quốc gia này chính thức vượt Đức và Pháp về tổng số ca nhiễm và là quốc gia có số ca nhiễm bệnh cao thứ 5 châu lục và thứ 4 thế giới với 177.160 ca.

Theo cơ quan y tế của Nga, có 88 ca tử vong mới được ghi nhận trong 24 giờ qua vì COVID-19, nâng tổng số ca tử vong vì dịch bệnh này lên 1.625 ca. Thủ đô Moskva, khu vực bị ảnh hưởng nhất bởi dịch COVID-19, cũng báo cáo số ca nhiễm tăng kỷ lục trong ngày là 6.703 ca.
Thị trưởng Moskva Sergei Sobyanin ngày 7/5 thông báo lệnh hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan sẽ được kéo dài đến ngày 31/5. Ông cũng cho hay, việc đeo khẩu trang, găng tay là các yêu cầu bắt buộc khi làm việc, ra ngoài mua sắm hay trên các phương tiện giao thông trong thành phố.
Kể ca khi dịch bệnh tại thủ đô Moskva đã “ổn định” thì lệnh giãn cách xã hội và các biện pháp khác vẫn sẽ được duy trì. Thị trưởng Sergeu Sobyanin cho biết, số ca nhiễm mới trong ngày vẫn “khá lớn” do việc tăng cường xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tại thành phố. Hiện thủ đô Moskva ghi nhận có 92.676 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2.

Trong khi đó, Anh đứng đầu châu Âu về số ca tử vong với 30.615 ca, tiếp đến lần lượt là Italy với 29.958 ca, Tây Ban Nha với 26.070 ca và Pháp với 25.987 ca. Trong một diễn biến tích cực, Bộ Y tế Tây Ban Nha ngày 7/5 thông báo số ca tử vong trong ngày tiếp tục giảm sau khi ghi nhận 213 ca, giảm hơn 30 ca so với mức 244 ca được ghi nhận một ngày trước đó. Tính đến nay, Tây Ban Nha ghi nhận tổng cộng 256.855 ca nhiễm.

Thủ tướng Pháp Emmanuel Macron ngày 7/5 cho biết, Pháp sẽ bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa kể từ ngày 11/5. Ông Emmanuel Macron cũng cảnh báo, sẽ tiếp tục thực thi các biện pháp này nếu người dân không tuân thù theo quy định giãn cách xã hội.
Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran khẳng định, Pháp đã sẵn sàng triển khai công tác xét nghiệm trên diện rộng. Đối tượng được xét nghiệm trong thời gian trước mắt sẽ là những người có nhiều nguy cơ mắc bệnh, có triệu chứng và đã tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19.

Tại châu Á, Iran hiện đứng đầu châu Á về tổng số ca tử vong với 6.486 ca vì COVID-19, trong đó 103.135 ca mắc bệnh. Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia ghi nhận số ca lây nhiễm cao nhất châu lục với 133.721 ca, trong đó 3.641 ca tử vong.

Tại Đông Nam Á, Bộ Y tế Lào cho biết nước này không có bệnh nhân mới trong 25 ngày liên tiếp và hiện vẫn chỉ có 19 ca nhiễm, trong đó 10 bệnh nhân đã được chữa khỏi. Hiện giới chức Lào vẫn hết sức cẩn trọng và tiếp tục duy trì các biện pháp phòng ngừa chặt chẽ, trong đó đặc biệt chú trọng tới công tác kiểm soát nhập cảnh.

Trung tâm Quản lý tình hình COVID-19 (CCSA) của Chính phủ Thái Lan ngày 7/5 cho biết nước này ghi nhận thêm 3 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca COVID-19 toàn quốc lên 2.992 ca và vẫn duy trì 55 ca tử vong. Trung tâm này cho biết, hiện Thái Lan đã có đến 39 tỉnh không ghi nhận ca nhiễm mới suốt 28 ngày. Thái Lan đã đặt lộ trình bước vào giai đoạn 2 của tiến trình nới lỏng các biện pháp nghiêm ngặt vốn được áp đặt trong thời gian qua. CCSA  cho biết, giai đoạn 2 này sẽ bắt đầu từ ngày 17/5 nếu số lượng các ca nhiễm mới không tăng. Chính phủ Thái Lan hiện cũng đã cho phép một số doanh nghiệp mở cửa lại trong tuần này sau nhiều tuần phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Bộ Y tế Singapore ngày 7/5 cho biết nước này ghi nhận thêm 741 ca nhiễm mới, nâng tổng số người mắc COVID-19 cả nước lên 20.939 người. Hầu hết các ca nhiễm mới đều là người lao động nhập cư sống tại các khu nhà ở tập thể.

Malaysia, Indonesia và Philippines ngày 7/5 tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm mới. Bộ Y tế Malaysia cho biết nước này có thêm 39 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 6.467 ca trong khi số ca tử vong tại nước này vẫn là 107 người.
Trong 24 giờ qua, Indonesia thông báo 338 ca nhiễm mới và thêm 35 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và ca tử vong tại nước này lần lượt lên 12.776 ca nhiễm, trong đó 930 trường hợp tử vong.
Philippines cũng thông báo thêm 339 ca nhiễm và 27 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm tăng lên 10.343 người và 685 ca tử vong.

Tính đến sáng ngày 8/5, Việt Nam ghi nhận bước sang ngày thứ 22 không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Như vậy, tính đến nay, Việt Nam vẫn duy trì số ca mắc bệnh vẫn là 288 trường hợp, trong đó hiện chỉ còn 34 ca có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và chưa ghi nhận có trường hợp nào tử vong.

Myanmar, Campuchia và Timor-Leste trong 24 giờ qua cũng ghi nhận không có thêm ca nhiễm mới nào. Riêng Campuchia, Timor-Lestey ghi nhận đến nay chưa có bất kỳ ca tử vong nào vì COVID-19.

Tính đến nay, khu vực Đông Nam Á có tổng cộng 54.287 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó 1.804 người tử vong trong khu vực, tăng 62 trường hợp so với một ngày trước đó. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 13.834 trường hợp.

Tại châu Phi, Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã có gần 1.000 nhân viên y tế trên khắp châu lục đã bị lây nhiễm COVID-19.
Theo Tiến sĩ Matshidiso Moeti, Giám đốc phụ trách Khu vực châu Phi của Who cho biết: “Chúng ta rất lo ngại khi có gần 1.000 nhân viên y tế tại châu Phi có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Chúng tôi biết rằng, hầu hết các quốc gia châu Phi đều đang thiết hụt trầm trọng đội ngũ nhân viên y tế. Khi đội ngũ y, bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch  bị ốm hoặc vắng mặt tại nơi làm việc thì cộng đồng sẽ không được tiếp cận với các dịch vụ ty tế thiết yếu”.
Tính đến nay, đã có hơn 51.000 ca lây nhiễm và 2.000 người thiệt mạng vì COVID-19 trên khắp châu Phi./.

***   Ông Kim Jong-un chúc mừng ông Tập Cận Bình vì đã “chiến thắng” COVID-19
Theo Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 8/5, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã gửi điện mừng đến ông Tập Cận Bình để chúc mừng Chủ tịch Trung Quốc về thành công trong cuộc chiến chống COVID-19.

COVID-19 có thể lây qua đường tình dục?
Các nhà nghiên cứu tại Trung Quốc đã xét nghiệm tinh trùng của một số người đàn ông nhiễm COVID-19 và phát hiện ra rằng một số ít trong số họ có virus Corona mới trong tinh dịch, khiến một số chuyên gia e ngại rằng có nguy cơ nhỏ bệnh này có thể lây truyền qua đường tình dục.

Thông điệp mạnh mẽ từ Thượng đỉnh EU – Tây Balkan
Vì một châu Âu hòa bình, ổn định và thống nhất là chủ đề xuyên suốt được thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh giữa Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia vùng Tây Balkan hôm 6/5.

Mỹ kêu gọi Nga, Trung Quốc đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân
Nhà Trắng ngày 7/5 cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh mong muốn về một hiệp ước kiểm soát vũ khí có cả Nga và Trung Quốc trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trợ lý cá nhân của Tổng thống Trump nhiễm COVID-19
Một nhân viên của Hải quân Mỹ, từng là phục vụ cá nhân của Tổng thống Donald Trump, đã xét nghiệm dương tính với COVID-19, làm tăng mối lo ngại về việc Tổng thống có thể bị phơi nhiễm, theo CNN.

Thủ đô Nhật Bản vắng lặng sau Tuần lễ vàng vì COVID-19
Thủ đô Tokyo của Nhật Bản chưa khi nào vắng lặng đến thế. Các nhà ga lớn trong thành phố và những vùng phụ cận trở nên yên tĩnh tới lạ kỳ trong ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tuần lễ vàng vừa qua. Tình trạng khẩn cấp kéo dài đã làm thay đổi nhịp sống tại Nhật Bản.

Vượt Đức, Pháp về số ca nhiễm, Nga sắp “vỡ trận” vì COVID-19
Số ca nhiễm mới COVID-19 tại Nga tiếp tục lập kỷ lục mới, khiến nước này vượt một loạt “điểm nóng” dịch bệnh ở châu Âu về lượng bệnh nhân, cũng đồng thời tạo ra áp lực khổng lồ cho các bệnh viện.

Đức vượt giai đoạn nguy hiểm, quan chức vẫn thận trọng cảnh báo
Chánh Văn phòng Thủ tướng Đức ngày 7/5 lên tiếng cảnh báo dịch bệnh COVID-19 nhiều khả năng sẽ kéo dài tới ít nhất cuối năm nay, trong bối cảnh quốc gia này vừa tuyên bố vượt qua giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh dịch.

Lãnh đạo chương trình không gian vũ trụ Nga thiệt mạng vì COVID-19
Ông Yevgeny Mikrin, một chuyên gia hàng đầu về khoa học vũ trụ và cũng đồng thời là người đứng đầu một chương trình không gian của Nga, đã qua đời vì biến chứng của dịch COVID-19.

Máy bay chở vật tư y tế chống COVID-19 rơi, 6 người thiệt mạng
Kenya đã yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra về vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra với chuyến bay nhân đạo khiến tất cả mọi người trên máy bay thiệt mạng. Máy bay được cho là đã trúng đạn bắn lên từ mặt đất khi nó đang hạ cánh xuống phi trường…

Rò rỉ khí gas tại một nhà máy Ấn Độ, nhiều người thiệt mạng
Giới chức Ấn Độ ngày 7/5 cho biết đã có ít nhất 9 người thiệt mạng trong một vụ rò rỉ khí gas vừa xảy ra tại nhà máy LG Polymers gần huyện Visakhapatnam thuộc bang Andhra Pradesh, miền Nam Ấn Độ.

EU đối mặt cuộc đại suy thoái mới chưa từng có
Euronews hôm 6/5 đưa tin, Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị tinh thần cho một cuộc suy thoái chưa từng có tiền lệ trong lịch sử gây ra bởi đại dịch COVID-19, dự kiến sẽ khiến chỉ số kinh tế của khối này giảm ít nhất 7,4%.

Đối nghịch giữa Tây và Đông Âu trong phòng, chống COVID-19
Một điều có thể dễ dàng nhận thấy khi nhìn vào bản đồ COVID-19 tại châu Âu: Những nước giàu có hơn ở Tây Âu, điển hình là Tây Ban Nha, Italia, Anh, Pháp và Đức, đang chịu ảnh hưởng nặng nề hơn rất nhiều so với những nước ở khu vực phía Đông châu lục.

Châu Âu bắt đầu trở lại nhịp sống bình thường
Tính đến ngày 4/5, dịch COVID-19 khiến châu Âu tiếp tục bị thiệt hại nặng về sinh mạng, trong đó có 1.447.501 ca nhiễm bệnh, 140.602 ca tử vong. Tuy nhiên, khoảng 15 nước châu Âu đang thận trọng từng bước dỡ phong tỏa, cho phép một số lĩnh vực hoạt động trở lại.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cáo buộc Trung Quốc hành động hống hách ở Biển Đông
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper ngày 5/5 nhận định, quân đội Trung Quốc đang có những hành động hung hăng tại Biển Đông và tăng cường chiến dịch thông tin sai lệch nhằm bẻ lái chỉ trích về dịch COVID-19 và đánh bóng tên tuổi.

Giáo sư Trung Quốc nghi bị sát hại khi đang nghiên cứu về COVID-19
Một giáo sư trợ giảng nghiên cứu tại Đại học Dược Pittsburgh (bang Pennsylvania, Mỹ) bị phát hiện chết tại nhà riêng khi đang trong quá trình thực hiện “một công trình quan trọng” về COVID-19.

Xung đột Syria: Từ chiến tranh ủy nhiệm đến đối đầu trực tiếp
Những chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria đã hủy hoại nghiêm trọng mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.
Tổng hợp-TT